New York, New York

New York, New York

Mình đến làm việc tại New York vào tháng 4 năm 1987. Đến ngày thứ 7, thứ 4 đi phỏng vấn, chủ bắt đi làm ngay ngày hôm sau. Họ mướn luật sư lo giấy tờ cho mình đi làm nên không có thì giờ trở về Âu Châu để dọn nhà. Đành gửi chìa khoá cho bạn bè nhờ dọn nhà dùm. Lúc đầu thì ở tạm nhà một người em của một tên bạn bên Tây, sau đó tìm được một phòng trong cái loft của nghệ sĩ ở khu Tribecca, thuộc quận Manhattan, cạnh Holland Tunnel, gần phố Tàu nên tiện ăn cơm tối, khỏi nấu nướng vì đồ ăn khá rẽ so với Âu  châu. Sáng trước khi lấy Subway, mua cái bagel với cream cheese, đem vào sở ăn, trưa thì ăn bậy bạ xung quanh sở, tối đi làm ra, ghé phố Tàu ăn cơm Việt rồi về nhà. Lâu lâu, cuối tuần rãnh thì nấu cơm ăn.

Ở New York, có cái màn là chủ nhà không được tăng tiền nhà gọi là Rent Control,  nên nhiều tên mướn nhà ở hai ba chục năm mà vẫn giả tiền thuê rẽ mạt. Tên hoạ sĩ mướn cái loft, người Mỹ, ở đây lâu đời, trả mỗi tháng đâu $350.00 nhưng hắn cho mình thuê một căn phòng nhỏ với giá $500.00/ tháng. Mấy thành phố lớn như New York, Los Angeles,...đều bị Rent Control nên mấy người không biết nhảy vào mua thì bị phá sản mệt thở. Người thuê làm hư hao thì chủ nhà phải sửa nhưng không được tăng tiền nhà. Tên hoạ sĩ này chuyên vẽ tranh lụa nên mình học nghề của hắn, có lần vẽ cho một bà mít cái áo dài nên sau này cô Mai Anh, em gái của thầy CBA ở Virginia, có lên nhờ mình vẽ áo dài nhưng trả rẽ như bèo nên lấy cớ bận.   

Mình đi làm mỗi ngày 10-12 tiếng, ăn trong sở, tối về ngủ rồi sáng dậy, đi tiếp như bài học Big City trong cuốn English for Today, cuốn 2 của Lê Bá Kông. Sáng đi Subway, dân tình đi như bay. Phụ nữ mang giày bata, đến sở thì thay giày cao gót. Mình không thấy ánh mặt trời, nhà cửa cao nghêu ngợi, xe taxi chạy như ăn cướp, sáng đi trời tối, tối về cũng tối trời. Được cái là ăn tối thì hãng trả tiền, về khuya thì kêu xe limousine chở về. Cuối tuần làm việc thì chủ trả tiền ăn hết nên năm đó mình chỉ tốn tiền mướn nhà nên để dành được mấy chục ngàn khiến Tam Anh khen nức nở. 

Tam Anh có giới thiệu một tên bạn học khi xưa, quen ở MIT. Sau này hắn từ Paris bay về dự đám cưới của mình thì gặp vợ tương lai của hắn. Tên này thì đúng là dân New York, áo quần lúc nào cũng chải chuốt. Đến khi thất nghiệp thì không có tiền, phải vay mình. Mình thì có thằng Mỹ ở chung mua áo cũ ở chợ trời, Cleveland, giá một Đô / cái, bận cũng thoải mái. Tên này gốc Do Thái, cứ mỗi tháng, hắn lấy tiền nhà mình xong là bay về Cleveland, thăm mẹ hắn, ghé chợ trời mua áo cũ cho mình. Dạo mình còn sinh viên thì chuyên bận quần áo phát chẩn. Có mấy hội đoàn Tây hay kêu mình đến xem có cái nào vừa thì lấy nên chả bao giờ tốn tiền mua áo quần. 

Một hôm đi xuống phố Tàu ăn cơm thì thấy tờ bích chương, kêu gọi tham gia sinh hoạt với hội thanh niên người Việt nên tò mò ghé lại. Nhóm này trẻ, đã đi làm nên muốn giúp đám sinh viên như dạy kèm hay giúp đỡ đám con lai. Mấy người con lai Mỹ sang Mỹ thì bị khủng hoảng căn cước, gặp dân VN thì không chào đón họ nhất là gốc Mỹ đen, còn gặp dân Mỹ thì cũng tương tự vì không biết nói tiếng Anh, nên cả đám xúm nhau, đùm bọc lẫn nhau , đa số làm bậy nên nhóm trẻ này có ý tốt muốn giúp đỡ nên mình tham gia thì tình cờ gặp Mai Ly, bạn đời của Tam Anh sau này. 

Cô này dạo đó hình như đang học cao học ở đại học Columbia, giới thiệu mình một tên mới được thụ phong linh mục, lên chức cha cố. Mình với ông cha cố trẻ này cứ xưng mày tao, đi đâu hay đi chung nên bị hiểu lầm. Ông ta vào nhà con chiên thì mấy bà, có con gái không biết phải gọi mình bằng gì vì dạo ấy mình hay bận bộ đồ nhung đen. Mấy bà cứ hỏi mình là Thầy hay Cố đạo để xưng hô. Tên Linh mục này nói, tao mà nói mày là thầy, sắp sửa lên chức cha thì hết đường lấy vợ. Mày lấy vợ công giáo thì tao khỏi bắt học tập hôn nhân.

Hè năm đó Bút  Nhóm Lửa Việt của ông Linh mục này, tổ chức trại hè nên tên Linh mục rũ mình vào ban tổ chức. Trại hè được tổ chức ở trong khung viên nhà dòng Don Bosco, ở New Jersey, có đâu 300 mạng đến dự, toàn học sinh, sinh viên và mới ra trường. Khá vui, đủ trò chơi hướng đạo, ca hát xong xuôi thì lái sang chương trình Chén Gạo Tình Thân, giúp đồng bào ở trại tỵ nạn, tổ chức biểu tình, lấy chữ ký chống hồi hương các người vượt biển trong các đại học. Sau này, hết tị nạn thì giúp người nghèo tại VN, mình chỉ lo phần học bổng sinh viên và học sinh nghèo.

Tam Anh rũ mình tổ chức các buổi nói chuyện về Văn hoá VN trong đại học miền Đông nên mình có mời anh Quỳnh, giáo sư Nguyễn Thuyết Phong dạy nhạc dân tộc ở Washington, Bác Huỳnh Sanh Thông ở đại học Yale,... nói chuyện cho sinh viên về Văn hoá VN, triển lãm tranh của anh Quỳnh và trình tấu nhạc cổ truyền VN cho giới sinh viên có cái gì để tự hào về nguồn gốc của mình thay vì bị báo chí chê bai VNCH. Anh Quỳnh là hoạ sĩ VN đầu tiên có tranh ở viện bảo tàng Guggenheim, New York. Không ngờ những buổi họp mặt này, trở thành truyền thống của các hội sinh viên gốc Việt ở Princeton, Yale, M.I.T., Harvard, NYU, Brown University,.. 

Hàng năm họ thay phiên tổ chức họp mặt liên trường để đả thông tư tưởng, tìm về nguồn cội. Mình nhớ có lần trong những cuộc họp mặt này, nói chuyện với Đinh Đồng Phụng Việt, Bích Ngọc, Mai Lan,..học luật ở đại học Harvard thì không ngờ mấy năm sau anh chàng trở thành thứ trưởng tư Pháp của Hoa Kỳ, người đứng đầu của nhóm, viết đạo luật Patriot. Mai Lan, em vợ của Tam Anh mình có gặp lại khi sang thăm mấy gia đình này, làm việc cho nhà nước ở D.C. Không ngờ trong những họp mặt này, đồng chí gái phát hiện ra mình nên khi có người giới thiệu thì cô nàng nhận ra ngay. Sẽ kể sau.

Độ ấy, Tam Anh sợ mình đi bắt dê bậy bạ trong đám sinh viên, làm mất uy tính của hắn nên khuyên đừng làm mất chính nghĩa. Mang tiếng giúp sinh viên để kiếm vợ như đa số các tên ra trường nên mình hụt nhiều cô. Nhiều cô sinh viên bạo lắm, cứ lén lén ôm mình. Kinh Thật! Có lần nhận thư mời đi dự lễ phát bằng dược sĩ của một cô mà mình không biết là ai nên gọi điện thoại. Tử vi bảo là mình có số Đào Hoa nhưng bị triệt về cái mồm. Mình gọi cho cô nàng vì tò mòhỏi sao cô nàng biết mình làm cô nàng gạu nên mình phải xin lỗi nói sẽ đi dự. Hôm đi thì mình phải mướn xe. Cả đời chưa bao giờ chạy xe ở New York, New Jersey nên chạy loạng quoạng nhưng cũng đến nơi. Mới khám phá ra cô nàng có đi dự trại hè vừa qua, có cô chị sinh đôi. Không xinh nhưng rất hiền. Mình không thích đóng sự tích trầu cau nên cũng lặn luôn sau buổi lễ.

Ở New York mấy năm mình bắt đầu chán, đi hè sang Cali chơi thì gặp lại anh chàng Võ Hoàng Đa. Hắn đã có hai con, có nhà có cửa nên mình bắt đầu suy nghĩ về cái kiếp lãng tử, mệt mõi, muốn hát bài "dừng bước giang hồ" nên nghe lời nó, dọn sang Cali, để nó kiếm vợ. Về lại New York thì nghe điện thoại một tên quen qua Tam Anh, học ở MIT. Hắn rũ lên Boston chơi luôn tiện sẽ giới thiệu một cô. Mình không ngờ chuyến đi đó trở thành lịch sử, đã khiến đời mình bước sang một trang sử mới. Phát hiện ra đồng chí gái.

Sơn đen