Đàlạt xưa qua các hình ảnh cũ #3

 Hôm trước, người dì tải lên Facebook tấm ảnh của nhà dì ở đường Duy Tân khiến mình chợt nhớ đến khúc đường này, nhiều kỷ niệm, khi học hè với dì vào cuối năm 8ème. Mẹ mình từ Huế vào Đàlạt năm 15 tuổi, sinh sống với gia đình ông Phúng đến khi đi lấy chồng. Thật ra, tiệm Hiệp Thạnh, lúc đầu ở đường Nguyễn Biểu, góc Minh Mạng thì phải, cạnh tiệm vàng của ông Bùi Duy Chước, bố của bà Bùi Thị Hiếu. Sau này ông bà Phúng xây căn này rồi dọn về đây, cho thuê căn cũ. Hồi nhỏ, dì Thương, con gái đầu của ông bà, nay đã qua đời, hay dắt mình đến tiệm cũ cho thuê, lấy tiền nhà. Mình bắt đầu học nghề cho thuê nhà từ dì Thương. Lười học hành như mình, thích vụ không làm mà có người đưa tiền cho xài hàng tháng.

Hôm qua, mình hỏi người mướn nhà, họ xin trả thêm $300/ tháng khiến mụ vợ mình kêu tội nghiệp họ. Căn nhà mình mua cách đây 20 năm, đặt cọc $3,000 chủ nhà cho mượn $360,000, nay cho thuê $4,650/ tháng. Kinh. Vợ mình, có cái tâm tốt, cứ kêu tội nghiệp người mướn nhà, còn mình thuộc thành phần con cháu địa chủ, suýt bị giết trong cuộc đấu tố ngoài Bắc nên phải tăng vì hai năm qua chưa tăng giá. Năm ngoái tính tăng nhưng bị covid nên Cali ra luật cấm.

Lúc đầu tiệm Hiệp Thạnh, bán vãi và các loại khác như huy hiệu quân nhân, nhất là của sinh viên võ bị. Sau này người dì ra trường nên mở tiệm thuốc Tây. Ông chồng cũng dược sĩ, nếu mình không lầm thì cho tiệm thuốc tây Minh Tâm, đường Duy Tân, gần đó do vợ chồng chú Phấn mướn bằng.

Trong hình thấy ông bà Nguyễn Văn Phúng, dì Thanh, ông chồng bận quân phục, đi vượt biên cùng ghe với người em trai của mình. Dượng là em rể của thầy Phạm Kế Viêm. Ở giữa là bà Võ Quang Tiềm, chị của ông Phúng và mấy người khác thấy quen nhưng sau 50 năm thì trí nhớ mình cũng đã trả nhớ về không. Bên trái là cậu Miên, kiến trúc sư ở Pháp, mình có gặp khi mới sang Pháp, cậu xúi mình học kiến trúc, vừa đi học vừa đi làm được. Có mợ Tri và một người nữa quên tên hình như dì Bá.

Bên cạnh là nhà số 11A Duy Tân, tiệm Hoàng Lâm bán đồ gỗ, kêu bà cụ mình mua giá đâu dạo đó 2 triệu đồng nhưng bà Phúng cản, kêu là số 13 xui xẻo, vì tiệm Hiệp Thạnh 11, bên cạnh là 13 nhưng mình xem hình thì thấy họ đề 11A. Phải chi bà cụ mua, đổi tên tiệm thành Hoàng Sơn thay vì Hoàng Lâm. Mình không phải cuốc đất lấy đất ở nhà mình để xây nhà, tốn 500,000 thời đó. Chán Mớ Đời 

Nghe kể ông Phúng và ông Võ Quang Tiềm, lúc vào Đàlạt, làm thợ may. Đúng lúc người Pháp cho xây đường rày xe hoả nên hai anh em may áo quần rồi gánh 3 ngày 3 đêm, đem xuống đèo Ngoạn Mục bán cho thợ làm đường. Nhờ đó mà có tiền, mua nhà cửa, giàu lên. Giả từ nghề Fashionmaker.

Hình ảnh của người Việt và người thượng xây dựng đường xe lửa SOng Pha và Đà Lạt. Nghe người Pháp cho biết là tối thiểu có trên 30,000 người chết khi xây dựng con dường xe lửa này để rồi Việt Cộng sau 75 đem bán lạc xoong chi Thụy Sĩ.

Thấy chiếc xe gắn máy của ông Đàng, em của ông Phúng và bà Võ Quang Tiềm, của tiệm Long Hưng, số 9 Duy Tân. Tấm ảnh này đưa mình về nhiều kỷ niệm của thời sinh sống tại Đàlạt. Tiệm Long Hưng và Hiệp Thạnh, chắc sinh viên Võ Bị khi xưa không quên vì mỗi lần được gắn Alpha là ra đây mua để gắn lên áo. Nếu không biết may thì ông Đàng và Ông Phúng may thêm tiền công. Hồi nhỏ mình hay vào nhà nên hay thấy sinh viên Võ Bị cuối tuần vào đây mua huy hiệu và dê gái vì mấy bà dì, con ông Đàng và con ông Phúng rất đẹp như dì Luận, có thể xem là hoa khôi một thời Đà Lạt.

Ông Đàng khi còn sống, mỗi lần mình về đều vào thăm ông. Có lần, chưa kịp vào thăm thì ông đã chạy xe gắn máy lên nhà mình dù đã 90 tuổi. Bà Đàng thì bà con bên vợ mình, trên nguyên tắc gọi đồng chí gái là O. Hôm trước, gặp em của hai chị bạn khi xưa, khám phá ra là cháu của ông Võ Đình Dung, ông bố là em của ông Dung. Kinh

Sau Mậu Thân, Việt Cộng nằm vùng hay về bắt lính, ở khu Số 4 hay xử tử các người làm việc với chính quyền Việt Nam Cộng Hoà nên đến tối ông cụ đem mình hay ra đây ngủ. Dạo ấy ra phố ở nhà lầu sao thấy cực sang. Chỉ nhớ là đến giờ giới nghiêm là nghe tiếng còi hụ ở khu Hoà Bình.

Mình nhớ vào nhà, có một căn phòng để hai cái hòm chình ình khiến mình rợn tóc gáy. Khi xưa, người lớn tuổi, hay mua hòm sẵn để khi qua đời, có hòm mà chôn. May khi Việt Cộng vào, ông bà mất, mới có hòm nếu không sống với Việt Cộng chiếc chiếu cũng không có để chôn. Chán Mớ Đời 


Đây là tiệm Long Hưng số 9 bên cạnh, cũng thấy chiếc xe Honda của ông Đàng, còn chiếc xe Vespa này thấy cũng quen nhưng không nhớ của ai. Ông đàng là em út của bà Võ Quang Tiềm, con đông lắm, nay mấy dì cậu sống rải rác bên Mỹ, bên Úc và một số ở Đà Lạt. Mình tính có dịp lên San Jose để thăm mấy người bà con, và đi Úc để thăm dì Thanh. Hy vọng sang năm đi được.

Đặc biệt là thấy lại mấy cái lò nấu bằng dầu hôi bán trong tiệm, thời gian này người Việt tại miền nam đang chuyển từ nấu bằng lò than 3 cẳng sang lò dầu hôi. Nhà giàu thì họ có xài lò bếp nấu bằng ga Propane, mua ở tiệm Đức Xương Long.

Khúc này chụp khách sạn Thuỷ Tiên số 7 Duy Tân, thấy 2 tiệm Long Hưng và Hiệp Thạnh.

Đây là tấm ảnh chụp ngay tiệm Hiệp Thạnh và Long Hưng thời Tây, còn gọi là đường Maréchal Foch. Hồi nhỏ hay hóng chuyện người lớn, nghe họ kêu đường Ma Ri Xanh Phúc, không dám hỏi sợ bị tát tai, đến khi sang Tây mới ngộ ra là tên ông tướng Foch, anh hùng trong thế chiến thứ 1.

Dạo con đường này nhỏ, bề ngang như đường Minh Mạng, Tăng Bạt Hổ, có mấy kiosque như hình trên. Sau đó họ giải toả các kiosque để nới rộng con đường ra, để chạy hai chiều. Vạc đất phía bên tay trái mấy kiosque giáp ranh với trường Đoàn Thị Điểm, được mua và xây nhà lầu 3 tầng, cao hơn phía bên phải, chỉ có hai tầng. Được xây cất đúng theo bảng thiết kế của kiến trúc sư chính Đà Lạt thời Tây Hébrard. Nếu để ý là nhà hai tầng , xây giống kiểu dãy phố trên khu Hoà Bình, dãy nhà Đội Có, Việt Hoa hay Chic Shanghai. Hai tầng, có cái ban-công nhỏ ở lầu hai, mái ngói. Xong om. Nay thì bú xua la mua.

Hình chụp ngược lên Chợ Cũ Đàlạt (khu Hoà BÌnh sau này). Thấy trạm biến điện, sau này được dời vào phía trong khúc trường Đoàn Thị Điểm. Mình nhận được một lời bàn của ai đó, trong một bài khác khiến mình thắc mắc, sẽ tải đây để anh chị nào có thể giải đáp dùm:
Bức tường dưới chử hớt tóc gội đầu sau là quán tạp hóa của mẹ mình hơn 25 năm đến 75
Hàng ngày học về mình phụ giữ hàng cho bà đi chợ mua hàng cau trầu đến 24 giờ khuya với quyển vở học bài 
Kỷ niệm ca thời ấu thơ đến năm 2 đại học”

Quán Hớt tóc gội đầu đã được phá bỏ khi chính phủ cho nới đường Duy Tân thành hai chiều nhưng người còm lại kêu vẫn tồn tại đến 75. Mình đoán chắc họ nhầm với đường khác. Sau trại biến điện là đường Trương Vĩnh Ký, có 3 căn nhà căn đầu tiên là tiệm thuốc Bắc An Dưỡng Đường, thường được gọi là tiệm thuốc COn Của vì huy hiệu là con cua. Mình có tấm ảnh này nhưng mất công lục quá. Huỳnh Quốc Hùng là con của tiệm con cua, học với mình khi xưa, đi du học ở Gia-nã-đại sau mình 3 ngày. Có gặp lại một lần ở Cali, sau đó có một tiệm khác rồi đến tiệm bánh mì Vĩnh Chấn. Nhìn tấm ảnh phía dưới sẽ thấy huy hiệu tiệm con cua. Mình có tấm ảnh khác chụp ngày tiệm thì thấy vẽ 2 con Cua.
Chụp từ tiệm Hiệp Thạnh, nhìn về phía khu Hoà BÌnh. Sau khi nới rộng đường ra. Hình này sau khi họ đã tân trang lại khu Hoà BÌnh, chợ Cũ được đưa xuống CHợ Mới. Hôm nào buồn đời, mình sẽ kể thêm sự khác biệt trước và sau khi tân trang. Mẹ mình bán ở chợ Cũ trước đây, ngay góc tiệm Đồng Hồ Tiến Đạt.


Hình này chụp sau khi con đường được nới rộng ra, chụp từ đầu đường chỗ tiệm bánh mì Vĩnh Chấn, thấy bảng hiệu tiệm thuốc Con Cua. Bên kia đường, chỗ có hẻm đi xuống Dốc Nhà Làng, sau này là tiệm Trung Việt, bán bánh xe hơi. Hai người con trai học với mình hồi bé ở trường Ấu Việt, nay định cư ở Gia-nã-đại. Họ hàng chi với Phan Đình Diễm.
Chụp từ khu Hoà Bình, nhìn về đầu đường Duy Tân, để nhớ những trận mưa dìa của Đàlạt xưa. Giữa tiệm bên cạnh tiệm thuốc Con Cua và khách sạn Thuỷ Tiên là đường Trương Vĩnh Ký

Tương tự nhưng trong nắng. Thấy tiệm thuốc Tây Minh Tâm của gia đình chú Phấn và cô Mình. Hai người này sinh tại Đà Lạt, đi tù cũng ngày với mẹ mình và được thả cùng ngày. Nay cô chú ở Cali.

Không ảnh cho thấy phía sau đường Duy Tân, khuôn viên của trường Đoàn Thị Điểm và đường Trương Vĩnh Ký. Giữa khách sạn Thuỷ Tiên và trạm biến điện, được dời từ đầu đường Trương Vĩnh Ký, có một đường nhỏ để xe cộ như xe hàng có thể chạy vào để giao hàng cho các tiệm thuộc đường Duy Tân.

Nội bức hình này có thể kể ra nhiều chuyện ở Đà Lạt. Hôm nào rảnh mình sẽ xem lại tấm ảnh này rồi kể ai ở đâu trên tấm ảnh này. (Còn Tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn