Tuần Báo Salut les Copains

 Tuần này nghe tin ca sĩ Johnny Hallyday từ trần khiến mình nhớ đến thời mới lớn, tập tành để ý đến con gái, như người đẹp phao câu gọi “les amourettes.” Nhớ một thời đọc lén Salut Les Copains, Playboy…nghe ké nhạc tây của tên hàng xóm. Sang Tây thì mình mới bắt đầu bình dân học vụ văn hóa của người Pháp, nhất là đám trẻ cùng lưới tuổi với mình vì khi chúng nói chuyện, mình cứ đực ra như ngỗng ị, không hiểu chúng đang nói về cái gì.

Nguyệt san Salut Les Copains khởi đầu bởi chương trình nhạc yêu cầu có tên “Salut Les Copains” trên đài Europe 1, một đài phát thanh tư nhân ở Pháp Quốc, lấy tên lời của một bài hát của Gilbert Becault, khởi đầu năm 1959. Sau thấy ăn khách, năm 1962, chủ chương trình cho phát hành báo nguyệt san rồi tuần san lấy tên của chương trình nhạc tuyển của thế hệ nhạc  "yé-yé", do một ký giả Tây, quên tên, đặt khi nghe ban nhạc The Beatles cứ rống “Yeah! Yeah” rồi thanh thiếu nữ cũng rống lên theo. Nguyệt san này ra tới số thứ 2, tưởng bị kiểm duyệt dẹp tiệm vì trang bìa có hình ca sĩ Elvis Presley, đang cầm con dao nên bị ty văn hoá kêu lên tính rút môn bài lại. Dạo mình ở Pháp, có thêm một đài phát thanh Radio Television Luxembourg. RTL

vì tấm ảnh cho rằng khuyến khích giới trẻ bạo lực nên cấm

 Năm 1963, đài phát thanh Europe 1 tổ chức một buổi ca nhạc miễn phí tại quảng trường Place De Nation, trong thủ đô Paris thì có đến 150,000 giới trẻ vùng Paris đến tham dự, mặc dù chỉ cho biết trước đó có mấy ngày, không quảng cáo, khiến giới truyền thông ngạc nhiên, kêu một sự kiện lịch sử “Folle Nuit De La Nation”. Cứ xem như đại hội nhạc trẻ lần đầu tiên tại Paris. Nguyệt san này ăn khách nên ra hàng tuần, có xuất bản bằng tiếng Đức, Ý, Tây Ban Nha,… như ca sĩ Françoise Hardy, kể là nhờ chương trình nhạc tuyển và tuần san này đã đưa cô ta và các ca sĩ khác lên đài danh vọng.


Khi xưa, mấy người làm chương trình phát thanh nhạc trên radio, là những người lăng-xê các bài hát mới trên thị trường. Nghe nói các công ty sản xuất nhạc phải mớm tiền cho mấy ông thần này. Ca sĩ muốn được người ta biết đến thì phải qua mấy người này.


Hôm trước, có anh quen hỏi mình vụ nhạc tây mà khi xưa trước 75 nghe như Christophe,….nên kể lại đây cho tiện.

 

Có một ca sĩ Yé Ýe, nổi tiếng năm 16 tuổi khi đoạt giải Eurovision, giải nhạc của Âu Châu được tổ chức hàng năm mà ban nhạc ABBA hay Céline Dion (Thuỵ Sĩ) từng đoạt giải. Giải nhạc âu châu được thành lập từ năm 1956, mỗi năm mỗi nước chọn một bài hát, đại diện quốc gia mình đi thi và ca sĩ đại diện của mỗi nước hát trực tiếp và khán giả gọi điện thoại để bầu. Nhớ dạo ở Âu châu, hàng năm mình hay xem chương trình này, ngày nay trải dài đến các nước Đông Âu, có đến 600 triệu khán giả xem.

Ca sĩ France Gall, 16 tuổi, đại diện cho nước Lục Xâm Bảo, hát bài “Poupée de cire, poupée de son”, do nhạc sĩ Serge Gainsbourg viết, đoạt giải này và đưa cô ta lên đài danh vọng. Thời ở Đà Lạt, có nghe ca sĩ Thanh Lan hát. Mình nhớ có tên bạn cho nghe “Je t’ aime…moi non plus” của ông nhạc sĩ này với Jane Birkin, cô ca sĩ rên rỉ như đang làm tình, nổi tiếng nhờ bản nhạc này. Ca sĩ Françoise Hardy với những ca khúc đã làm mình thấm thía nổi cô đơn khi thấy mấy tên trong lớp viết thư cho bồ như Le Temps de l’ amour, Tous les garçons et les filles,… hình như có một cô lớp 12 A hát bản này, được thầy CBA mở cho cả trường nghe trong giờ ra chơi. 

 

Ca sĩ Sylvie Vartan với mái tóc ngắn dễ thương với bài hát “Jolie Poupée”, lấy Johnny Hallyday rồi ly dị đủ trò,… hay Sheila với bản L’ école est finie, Bang Bang... Sau này lấy ca sĩ Ringo rồi ly dị. Hồi còn ở bên Tây, mình nghe nói ông Ringo này có cái tên do người khác giữ bản quyền nên sau này không được hát nữa vì không nhất trí với người chủ tên cúng cơm cúng tổ của mình tương tự như ca sĩ Prince ở Mỹ, phải ngưng hát một thời gian khá dài để hợp đồng về cái tên cúng tổ của ông ấy hết hạn. 

 

Đâu năm 1980, khi còn ở Pháp, mình có xem một chương trình văn nghệ trên đài truyền hình thì khám phá ra ông Hervé Vilard, người ca sĩ nổi tiếng khi làm bài hát “Capri, c ‘est fini”, mất tích trên làn ca nhạc của Pháp từ khi nổi tiếng với bài hát này. Ông ta kể là thấy bản quảng cáo trong Métro về du lịch một đảo ở Ý đại lợi, tên Capri rồi cộng với bài hát của Charles Aznavour “‘c’est fini” để làm bản nhạc đã giúp ông ta bán được trên 3 triệu đĩa nhạc và dịch ra 7 thứ tiếng dù chả bao giờ bước chân đến hòn đảo này. 

Sau này qua Ý, đến vùng Napoli, mình lấy tàu sang đảo này vẽ. Cảnh rất đẹp, được một gia đình Ý, ở cái biệt thự to đùng mời vào ăn trưa khi thấy mình ngồi vẽ bên cạnh nhà họ. Ngon chi lạ. Ai có dịp đi Ý nên ghé thăm đẹp hơn Hạ Uy Di nhiều.

 

Mình nhớ xem phim xi nê ở rạp Ngọc Lan, hình như D’où viens-tu Johnny thì phải. Một phim cao bồi, ông thần Johnny Hallyday đóng, kéo cái hòm đi rồi cuối cùng, dỡ nắp hòm lấy khẩu súng đại liên bắn thiên hạ chết như rạ. Ông Hallyday lấy họ của ông bố nuôi, gốc Mỹ, khuyến khích ông ta trên con đường ca nhạc. Năm 14 tuổi đi xem xi nê, thấy Elvis Presley, giúp ông ta giác ngộ cách mạng, hát nhạc Rock. Mình biết đến ông này qua những bài hát dịch từ anh ngữ sang như “Noir c’ est noir, Le Pénitencier,  ông này thì đưa Rock N’ Roll vào thị trường nhạc pháp với Eddy Mitchell hay Jacques Dutronc với bài La fille du père Noël hay nhiều bài tình ca Love me please love me của Michel Polnareff, được xem là những Yé Yé boys của Pháp quốc thời đó. 

 

Nhớ đi Ninh Chử nhân dịp Tết 1974, trong xe ai mang theo máy cassette, có mở bản này thì Phi Liên Sô có hỏi tại sao nhạc pháp lại hay bỏ anh ngữ. Không ai trả lời được. Ông này có ông bố gốc Nga nên có cái tên khá lạ so với Tây, có thời sinh sống ở Hoa Kỳ. Chuyện vui là một hôm ông ta và bà bồ kêu mới hạ sinh được một bé trai thì vài ngày sau trên facebook, ông ta kêu xem DNA thì không phải con của ông ta và bà bồ biến mất với đứa con.

 

Có lẻ dạo mới lớn lên, đám bạn mình thích nhất là ca sĩ Christophe và những bài như Aline, Mal, Les Amoureux qui passent, Adieu sois heureuse hay Les Marionettes,… dân Tây phải đợi mấy năm, nhạc của Mỹ ra thị trường, để xem bản nhạc nào bán chạy trên thị trường, mới dịch ra tiếng Tây cho dân Tây nghe như Le Pénitencier từ The House of Rising Sun, Noir c’ est noir từ Black is Black… rồi khi tây nghe quen thích thì dân Mít mới bắt đầu nghe nên tính ra là trễ độ 5 năm, tạo ra phong trào nhạc trẻ, chuyển lời Việt mà mình nhớ bản nhạc Mal, ông thần nào dịch ra tiếng Việt thành “Đau” nghe phản cảm vô cùng, không như khi nghe tiếng tây.

 

Mình có một kỷ niệm vui vui về bản nhạc “Mal”. Số là hè năm 1972, mình học hè ở trường Việt Anh để chuẩn bị qua chương trình Việt, cuối khoá ông thầy cho nghỉ, kêu văn nghệ. Ông thầy này học tiếng Nhật với mình với ông sư từ Nhật Bản về nên kêu mình đứng lên nói tiếng Nhật, xổ một tràng bài thơ nào ông sư dạy, đại khái xê ku ra, to yo ta,… giờ chữ nghĩa trả về sư hết trong khi ông thầy hát bài Sakura bằng tiếng Nhật. 

Có một cô tên Hoàng Lan, rất xinh, học Bùi thị Xuân, nhà ở Hai Bà Trưng, góc trường Thăng Long khi xưa, hát Ngày Xưa Hoàng Thị nhưng mình cứ đực ra không hiểu, sau này qua Văn Học, được mấy tên bạn định hướng thị trường tình ái thì vỡ cái đầu ra. Có một cô học Couvent Des Oiseaux, hát bài “Mal” hay nức nở khi mình cứ trố mắt, lén nhìn cô Hoàng Lan, rồi có một tên học chung, nhà trong Hoàng Diệu, cũng hát bản “Đau” này bằng tiếng Việt. 20 năm sau khám phá ra tên này là ca sĩ Anh Dũng, em rể của Nguyễn Minh Dũng hay đánh bóng bàn với mình.

 

Lúc đi học ở bên Tây, mình ngồi vẽ trong atelier, mình hay hát nhạc tây hồi xưa ở Việt Nam thì con Dominique Alba kêu mày hát toàn nhạc Hit Parade không, để tao cho mày nghe nhạc chính thống Tây, cho mình mượn nhạc của Georges Brassens, Barbara, Édit Piaf, Léo Ferré, Georges Moustaki, Jacques Brel… cho mình đọc Jacques Prevert, đủ loại trong mục đích định hướng mình từ nghe nhạc sến Tây qua nghe nhạc cao cấp Tây như Cung Tiến, Trịnh Công Sơn,…của Việt Nam, nâng cấp văn hoá pháp của mình lên một tí. 

 

50 năm qua thì vịt vẫn hoàn vịt. Người ta bắt một con thiên nga bỏ vào đàn vịt, lớn lên con thiên nga cư xử như vịt. Ngược lại người ta bỏ con vịt vào đám thiên nga thì con vịt vẫn cư xử như con vịt đực. Chán Mớ Đời 

 

Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn