Sĩ Nông Công Thương hay Phi Thương Bất Phú

 Tuần rồi, có anh bạn đem gia đình, 3 thế hệ lên vườn mình chơi. Anh này lạ lắm, có lẻ vì vậy mà mình thích chơi với anh ta. Anh ta học bác sĩ như bố mẹ mong muốn nhưng không hành nghề y-sĩ, mở trường thẩm mỹ, dạy thiên hạ làm nail, làm tóc. Đô La đầy túi.

Khi xưa, học việt-văn, thầy giải thích trong xã hội Việt Nam, người ta trọng theo thứ tự Sĩ Nông Công Thương, nghĩa là bọn con buôn được xem là hạng thấp nhất trong xã hội. Còn hạng Sĩ, kẻ có học lại được trọng vọng nhất dù đói.

 

Mình thắc mắc và hỏi thầy, bạn bè kêu sao mày ngu lâu dốt sớm thế. Lý do là thầy cũng dạy “phi thương bất phú”, muốn giàu có thì phải buôn bán, làm ăn. Câu hỏi này vẫn đeo đuổi mình đến ngày nay. Chán Mớ Đời


Thật ra ông thầy cũng không thể trả lời vì đi dạy, dạo ấy khá vất vả. Thầy chỉ biết học rồi đi dạy, không bao giờ học làm giàu thì khó trả lời câu hỏi của học trò. Nếu thầy biết thì đã không đi dạy, chỉ lo làm giàu.

 

Một ông thầy kể là khi xưa, đậu vào đại học sư phạm và kỹ sư Phú Thọ, cuối cùng thì chọn ngành sư phạm, lý do nhàng hơn và lương thầy giáo khi xưa, thời Ngô tổng thống khá lắm. Ai ngờ vật đổi sao đời, thầy tiếc là không chịu học kỹ sư. Mình nhớ lời ông thầy này, nên sau này, chỉ học cái gì mình thích và khi chán thì làm hay học cái khác, thay vì ngồi than thân trách phận.

 

Trên thực tế, anh là bác sĩ, nha sĩ mà muốn giàu có thì cũng phải mở phòng mạch, một cơ sở thương mại, phải cạnh tranh với các phòng mạch khác. Cũng phải tiếp thị, chào đón bệnh nhân, trả tiền cho cò y tế, chở người già đến khám bệnh. Mình có anh bạn, bác sĩ nhưng làm cho Kaiser, kể bị đồng nghiệp la, không thấy anh ta giới thiệu bệnh nhân lại. Anh ta nói các ông bà bác sĩ ngoài Bôn-Sa, chơi với nhau để tạo một Network, giới thiệu bệnh nhân cho nhau.

 

Ông bác sĩ nào may mắn, cưới được bà vợ biết làm ăn thì phòng mạch sẽ đông bệnh nhân như quân Nguyên còn không thì ngáp ruồi như một chị bạn, phụ tá phòng mạch cho ông chồng, kêu “lấy bác sĩ bi chừ mạt em ơi”. Bao nhiêu tiền trong quỹ hưu trí, đem chơi stocks thị trường chứng khoán, xuống cái rụp bay hết. Bác sĩ già nên ít ai mò lại.




Hồi nhỏ, thấy mấy bà vợ công chức hàng xóm, bận áo quần cực sang, nghe nói nhảy đầm bú xua la mua, lâu lâu lại đến nhà mình thăm mẹ mình. Nói chuyện chi đó lâu lắm, cứ khen bà cụ, hết khen bà cụ thì khen mấy đứa em mình,... mình hỏi mẹ mình mấy bà này sao cứ lên nhà mình hoài vậy, vì mình phải rót nước cho họ hoài mà chẳng thấy họ cho cái gì. Mẹ mình kêu “mượn tiền”. Có người xù tiền của mẹ mình, bỏ chạy về Sàigòn luôn. Từ đó mình nhìn thiên hạ với đôi mắt ngờ vực, bận áo quần sang trọng chưa chắc là giàu. Chán Mớ Đời 

 

Người Tàu dạy chúng ta Sĩ nông công thương nhưng họ lại theo trường phái “phi thương bất Phú”. Nếu chúng ta tiếp cận với ngôn-ngữ-học, mở tự điển Việt Nam ra sẽ thấy định nghĩa “Buôn” là “mua để bán lấy lãi” trong khi tự điển người Tàu thì “thương” là “hoạt động kinh-tế lấy phương thức mua bán để lưu thông hàng hoá”. Cho thấy định nghĩa của thầy tàu trò ta về buôn bán khác nhau về con buôn.


Có thể khi xưa, người Tàu dạy sĩ nông công thương, phi thương bất phú. Mấy ông quân tử mít thuộc dạng lười nên chỉ học có nữa chữ nên gọi “nhất tự vi sư bán tự vi sư”, học có nữa câu cũng gọi là thầy người Tàu.

 

Chúng ta học người Tàu nhưng tư duy rất khiêm tốn, làm thương mại chúng ta chỉ nghĩ đến lợi nhuận ngay, tư duy mì ăn liền, không có kế hoạch to lớn hơn như người Tàu. Có lẻ vì vậy mà chúng ta bị người Tàu chơi, lũng đoạn thị trường. Trong một cuốn sách của người Pháp kể khi mới đến Việt Nam. Tàu vừa đậu ở cảng là đã thấy một chiếc xuồng của người Tàu, chạy đến xin phép bán hàng hoá. Sau này ông tây kể là thấy ông tàu này giàu có tại Chợ Lớn. 

 

Mình nghe kể người Tàu họ kêu mua một sản phẩm nào của người Việt thì chúng ta ùn ùn nuôi hay trồng để bán cho họ rồi khi họ ngưng mua là mình ngọng. Chúng ta bị động, không làm chủ thị trường. Mình về Đàlạt, thấy ở Trại Hầm, nổi tiếng mận ngon khi xưa, người Việt mình nhổ hết cây mận để trồng cà phê mà cà phê thì thế giới sản xuất quá nhiều. Chúng ta không xem thị trường chứng khoán để tìm hiểu thêm về nhu yếu phẩm.


Anh phải bán bao nhiêu tấn cà phê để mua được một cái điện thoại thông minh. Ngày nay, các thí sinh giỏi, thông minh đều thi vào ngành công an thì có thể biết tương lai Việt Nam đi về đâu. Nếu họ vào ngành công an vì có lý tưởng thực thi công lý, bắt kẻ gian thì tốt nhưng đây vì muốn giàu có sau này. Người mỹ muốn giàu có thì họ mở hãng buôn bán sản phẩm của họ còn người Việt thì muốn làm công an vì tham nhũng.


Do đó đền chùa mọc ra như nấm, tượng đài anh hùng đánh giặc mỹ mọc như nấm, tạo dựng niềm tin phản khoa học.


Khi trái được mùa, các nhà mua sĩ, họ tẩm thuốc để giữ lâu, bỏ vào kho để khỏi phá giá bán rẻ. Sau đó bán từ từ theo năm tháng nên lời to. Do đó quả mình mua ở chợ nhiều khi đã được hái từ 9-12 tháng trước nên khi mua bơ ở chợ về thì phía trong bị đen. Lý do là họ tẩm thuốc, lâu ngày ngấm vào trong. Xong om

 

Có ông nào trồng lúa gạo ST25 được giải gạo ngon nhất của năm kia. Vừa được loan tin, là có gạo giả mang tên gạo ST25 được bán ra thị trường. Chán Mớ Đời 

 

Cái nguy hiểm là năm sau, cán bộ lại đem loại này đi thi lại thay vì tìm cách trồng cấy loại nào siêu hơn. Năm 2020 đem gạo ST25 đi thi, lại thua gạo Thái Lan thế là ngọng. Mất uy tín, hết bán được. Thay vì cứ để ST25 đoạt giải nhất thế giới năm 2019 rồi tiếp tục bán.

 

Ngày nay, trong thế giới mặt phẳng của sự toàn cầu hoá, người ta có chiến lược chiếm lĩnh thị trường thế giới chớ không chỉ trong làng xã của mình.  Hoạt động thương mại ngày nay là phát hiện, thậm chí tạo ra nhu cầu như Iphone, và tổ chức sản xuất để thoả mãn nhu cầu này. Hoạt động diễn ra quy mô và rộng lớn toàn cầu.

 

Trong dân gian, xã hội người Việt thường khinh rẻ người làm thương mại, kêu “bọn con buôn” vì đa số là những người buôn bán là tiểu nông, thợ thuyền. Với tinh thần đó thì thương mại người Việt không thể phát triển do đó kinh tế Việt Nam đều bị người Tàu nắm lấy.

 

Khi Việt Cộng vào, họ bần cùng hoá người Việt, ai nấy cành vàng lá ngọc, đều bò ra chợ, tìm cách sống. Vợ mình kể là đói quá, mua khoai lang ra chợ bán nhưng không biết rao bán. Có cô bạn nói để cô ta đem về nhà luộc rồi bán dùm cho. Về nhà cô này luộc xong cho em út ăn, không tiền trả cho bạn. Bù trớt.

 

Theo mình đó là cái may của dân tộc, giúp tiêu diệt tư tưởng, quan niệm sĩ nông công thương. Nhờ đó mà ngày nay, nói chuyện với giới trẻ tại Việt Nam, thấy họ kêu kinh doanh trên mạng, họ theo chủ nghĩa “phi thương bất Phú thay vì “sĩ nông công thương.”


Một phần, Việt Cộng cho mấy cán bộ treo bằng giả quá nhiều với trên 20,000 tiến sĩ vô hình trung đã triệt tiêu tinh thần trọng bằng cấp, khoa bảng của người Việt. Cứ tưởng tượng, cán bộ in danh thiếp đề tiến sĩ bú xua la mua, bằng giả, có ngượng hay không. Thực tế, cho thấy bằng cấp chỉ là một cái mốc, cho biết trình độ học vấn của chúng ta nhưng quan trọng là áp dụng kiến thức đã thu nhặt tại trường lớp vào đời sống thực tế.

 

Ở hải ngoại, người có học, bằng cấp khoa học, phát minh ra điều gì thì tìm cách thương mại hoá để làm giàu. Có lần lên San Jose chơi, ở nhà bạn. Con gái mình nói căn nhà này to lớn quá, vào khu này có cổng. Mình chỉ nó căn nhà trên đồi. Mình nói bạn của bố mẹ là kỹ sư còn căn nhà trên đồi, chủ là người Việt, chả học hành gì cả, chỉ có mấy tiệm bán bánh mì. Nhà kỹ sư giá 2.5 triệu còn nhà bán bánh mì thịt 10 triệu. Chọn cái nào

 

Khi xưa, mình cũng bị ảnh hưởng của văn hoá Việt Nam, nhất lại theo học Kiến Trúc. Cứ mơ mơ màng màng trên trời về nghệ thuật, vẽ thiết kế nhà cửa đẹp đến khi lấy vợ, sinh con ra thì thấy tiền lãnh lương hàng tháng đều có cùng con số, không sai biệt mà sữa tả cho con thì gia tăng khủng khiếp nên phải làm thêm, đi thầu, vẽ nhà cho thiên hạ vào buổi tối và cuối tuần.

 

Dần dần mình giác ngộ cách mạng là phi thương bất phú nhất là tìm cách có suối lợi tức đều đều khi về hưu nên học cách mua nhà rẻ cho thuê. Người mướn nhà trả nợ dùm mình rồi khi về già, chỉ cần thu tiền thuê nhà để sống.

 

Mình thích con gái lấy một tên bán phở hơn là một tên kỹ sư, làm công cho thiên hạ. Không phải ai cũng làm ăn được, thành công hết. Vợ mình đi bán khoai lang bị bạn vét hết nên sợ, chỉ cố gắng, khắc phục làm cho công ty, cho khoẻ đời. Đó là một nhân sinh quan tốt, không có gì sai cả vì không phải ai cũng có gan làm giàu, nhưng lại lo lắng ngày đêm vì hãng mới đuổi thêm 56 người. Khi chúng ta đi làm công cho thiên hạ thì chúng ta không chủ động được cuộc đời mình.

 

Dần dần người Việt không còn quan niệm khinh khi các người đi buôn. Nhận ra nhờ con buôn thì kinh tế thị trường mới gia tăng, thay đổi xã hội. Vấn đề là tư duy của chúng ta còn thấp, cứ mánh mun, ăn xổi, không có chiến lược lâu dài, tạo dựng một thương hiệu rộng lớn, chiếm lĩnh thị trường nội địa và ngoại địa.

 

Có ông nào ở Việt Nam, muốn bán xe sản xuất của Việt Nam sang Mỹ,…là bị người Việt nhảy vào chê, đánh đủ trò thay vì khuyến khích họ. Đó là ý tưởng ban đầu, nhưng không có nghĩa là khổng thể.

 

Thầy Hà Mai Phương, dạy sử mình khi xưa; kể thầy chỉ mua hàng ở tiệm do người Việt làm chủ thay vì tiệm của người Tàu dù rẻ hơn, để giúp người Việt giàu có thêm thay vì thằng tàu. Chúng ta nên giúp đỡ các thương hiệu người Việt để giúp họ cạnh tranh trong thương trường, thay vì chê bai đủ thứ. Chán Mớ Đời 

 

Nguyễn Hoàng Sơn