Mẹ chồng đì nàng dâu

 Nhớ năm Mậu Thân, khi Việt Cộng tấn công vào Đàlạt. Không ai theo họ cả, ngược lại bỏ chạy tán loạn. Gia đình dì Ba Ca, cháu ruột mệ ngoại mình, chạy tản cư từ Số 4, ở đậu nhà mình mấy tháng. Nghe kể, cả gia đình đào hầm phía sau nhà để tránh bom đạn. Mình có lên đây xem cái hầm, bom rớt vào thì chết cả gia đình. Ngày mồng 3, dượng Ba Ca, lên nhà trên, để lấy mấy cái bánh tét cho con ăn, tò mò nhìn ra sân, thấy một quả bom chưa nổ, nằm chình ình, trước sân nhà. 3 phút sau, cả gia đình gồng gánh chạy xuống nhà mình. Sau này, mình có thấy cái lỗ với trái bom, khi Việt Nam Cộng Hoà đi rà, và tháo ngòi nổ. 

Căn nhà thì bình địa vì sau đó máy bay dội bom Napalm xuống cả khu Số 4. Máy bay trực thăng hay bay trên đầu xóm mình để bắn hoả tiễn hay đại liên 60 ly khiến vỏ đạn rơi xuống khu nhà mình làm lũng mái tôn và có một tên bị lỗ đầu khi đứng xem máy bay trong sân nhà mình. Kinh

Mỗi tối, hai gia đình, ngồi nghe mấy đĩa nhạc của ban AVT. Trong đó có một bài “3 bà mẹ chồng” rất vui vì họ nhái đủ giọng. Sau này mình nói được mấy giọng là nhờ nghe ban AVT khi xưa. Ở xóm mình khi xưa, không thấy cảnh mẹ chồng nàng dâu, đa số là công chức, con cái chưa ai lập gia đình nên không chứng kiến cảnh này. 


Chỉ nhớ anh Kiệt, con bà Hiển, đi an ninh quân đội, lấy bà vợ miền tây, ở gần nhà. Ông thần này cắm dùi xây nhà ở sân nhà Bà Ron, khiến hai gia đình chửi nhau ỏm cù tỏi, tên Kiệt vác súng ra bắn khiến bà Ron im luôn. Ông chồng thì theo vợ bé nên không có nhà. Có lần hai vợ chồng tên Kiệt cãi nhau, bà vợ rượt anh ta chạy xuống nhà mẹ, bà vợ cầm cái dao bầu, phóng theo trúng cái lưng anh ta. May là cái cán dao trúng cái lưng, nghe anh ta kêu cái Hự khi con dao rớt xuống đất nhưng vẫn bỏ chạy. Từ đó mình sợ gái miền nam lắm, không dám đụng tới. Sau đó vợ chồng làm lành, vui nhà vui tiếng, đẻ hàng năm. Kinh

Lớn lên, học việt văn với thầy An, về Tự Lực Văn Đoàn, Đoạn Tuyệt. Có cảnh nàng dâu, Loan và ông chồng Thân. Hai vợ chồng cãi nhau sao đó, cô Loan, đang cầm cái kéo, vô tình hay cố tình, đâm ông chồng một cái, tính làm Phật Quán Thế Âm. Thầy An giảng về cảnh mẹ chồng nàng dâu, với các hủ tục như khi Loan về nhà chồng, bước qua cửa, có cái lò than như để đốt hết cái dơ bẩn gì đó,...


Viết đến đây thì nhớ khi xưa, cô giáo bắt học thuộc lòng bài ca dao:

Hôm qua tát nước đầu đình 
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho:
Giúp cho một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền cheo,...

Rồi giảng về vụ thách cưới ở thôn quê khi xưa. Lớn lên học thầy An thì mới hiểu thêm về phong tục, tập quán người Việt khi xưa. Hoá ra người ta thách cưới, như bán con gái. Sau bao nhiêu năm, nuôi con, nay bán để lấy lại vốn nên khi về nhà chồng, cô gái phải chịu nhiều đắng cay, như trả nợ, đền bù lại số tiền, gia đình chồng đã bỏ ra khi đi cưới. Thật ra bố mẹ có được gì, hàng xóm kéo đến xơi hết. Chán Mớ Đời 

Tương tự ở phi châu, họ cũng bán con gái, đòi mấy con dê hay cừu chi đó.

Các tập tục văn hoá trên thế giới cho thấy phụ nữ không có quyền, không được xem là một đơn vị sản xuất trong nền kinh tế của cộng đồng hay quốc gia dù làm việc nhà, nuôi nấng con cái. Khi xưa, phụ nữ cần phải lấy chồng để có con, sau này về già thì có con trai nó hầu, đúng hơn là con dâu. Do đó họ phải chấp nhận làm lẻ cho có tấm chồng.

Thậm chí, người con gái đi lấy chồng, thật ra là để giữ con nít, làm ô sin cho gia đình chồng. Nhà nghèo đi lấy chồng, nhỏ tuổi hơn mình, để cõng chồng đi chơi. Khi chồng lớn tuổi thì mình đã già, hắn lại lấy vợ lẻ. 

Bồng bồng cõng chồng đi chơi

  Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng.

 Chị em ơi! Cho tôi mượn cái gàu sòng 

Để tôi tát nước múc chồng tôi lên. 

Trong lịch sử, các xã hội, người có quyền lực là người nắm kinh tế. Thời săn bắn, ai tài giỏi săn bắn thì có quyền lực, phụ nữ được xem là một đơn vị kinh tế vì có thể đi hái trái quả trong khi đàn ông thì đi săn bắn. Thời canh nông thì đàn ông làm việc đồng áng hiệu lực hơn phụ nữ. Thêm đàn ông phải đi lính cho triều đình khi cần. Nhà nào không có đàn ông thì phải mướn người khác trong làng đi nghĩa vụ dùm, và tốn rất đắt vì có thể chết không trở về. Các nhà nghèo thì kêu con gái giả trai như Hoa Mộc Lan đi lính thay cha. Do đó người phụ nữ không có quyền lực trong chế độ Phụ hệ.

Khi xưa, mệ ngoại mình có kể câu chuyện về Thoại Khanh Châu Tuấn. Có cô dâu dẫn mẹ chồng đi tìm chồng, giữa đường, mẹ chồng kêu đói, thèm thịt quá nên cô dâu, lấy dao rọc chút thịt nơi tay mình, để nướng cho mẹ chồng ngon phê. Mình đoán là người Tàu phịa ra chuyện này để mấy cô con dâu theo đó mà đối đãi tử tế với mình. Ngay con ruột còn chưa làm huống chi con dâu. Cả năm chúng chỉ đến thăm khi có ăn.

Hay câu chuyện, mẹ chồng nàng dâu khiến một tên, mỗi ngày cứ lấy dao ra mài để dạy vợ... Nếu nhìn kỷ, chúng ta thương cho thân phận đàn bà của mẹ chồng nàng dâu, 2 cuộc đời cùng chung một số phận. Mẹ chồng cũng làm dâu rồi quay qua hành cô con dâu, như để trả thù những ngày xưa thân ái với mẹ chồng của mình.

Tại sao vấn nạn gia đình giữa mẹ chồng và nàng dâu vẫn kéo dài đến ngày nay. Ở hải ngoại thì nhà ai nhà ấy ở, chỉ gặp nhau vào các ngày nghỉ lễ, họp mặt gia đình. Ở Việt Nam thì 3 thế hệ thậm chí đến tứ đại đồng đường ở chung với nhau. Có chị kia kể, mới bán nhà, con rể xin tiền để làm ăn, chị nói là không, tiền hưu của mẹ. Ngày xưa, lo cho con ăn học nên không để dành tiêu hưu trí 401k, nay tiền lời bán nhà để dành, về hưu tiêu xài. Thế là con không đem cháu lại thăm. Ngọng.

Khi xưa, người con gái về làm dâu, không đi làm, nên phải làm việc nội trợ. Ngày nay, họ phải bươn chải ngoài xã hội, bị stress nhiều, về nhà lại bị bà mẹ chồng đấu tố nên rất căng thẳng. Mẹ chồng về hưu hay không bao giờ đi làm nên không hiểu. Ở nhà buồn nên khi con dâu đi làm về là đấu tố cho đỡ buồn miệng.

Theo mình vấn nạn này là vì tài sản. Khi xưa, người con trai lớn lên, lập gia đình nhưng phải ở với bố mẹ, chăm sóc bố mẹ về già, để sau này có thể thừa hưởng gia tài, cái nhà, ruộng đất,... do đó người con dâu phải chịu đựng để mong mẹ chồng chết sớm để thừa hưởng gia tài. Lý do đó mà mẹ chồng và nàng dâu cứ đấu tố nhau. Mẹ chồng phải đì con dâu cho thoả để sau này mới giao nó gia tài.

Ngày nay, ở hải ngoại, ai nấy đi làm nên họ sống riêng, không chung chạ với bố mẹ. Họ có lương, tậu nhà riêng nên không cần đến gia tài của bố mẹ nên câu tục ngữ dân gian việt: “rể là khách, dâu mới là con mẹ cha mua về,...” lỗi thời ở Hoa Kỳ. Đám cưới là đàng gái bỏ tiền chi tiêu hết do đó không có vụ thách cưới. Nghe nói bên Ấn Độ, đi lấy chồng mà không có của hồi môn là mệt. Nói chung tất cả chỉ là kinh tế.

Mình nhớ đi xem phim La valse dans l’ombre  về thì thiên hạ bàn tán, có bà mẹ chồng quá tốt. Có người lại kêu:

Thật thà cũng thể lái trâu 
Thương nhau cũng thể nàng dâu, mẹ chồng

Hay ban nhạc AVT khi xưa, hát như hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ. Ở riêng như người tây phương, bố mẹ không xía vào chuyện riêng tư của con cái. Mình có cô bạn than là mẹ chồng thuộc dân giàu có trước 75, nên không thấy cô ta xứng đáng làm con dâu của bà. May là ở riêng chớ nếu ở chung thì mệt. Hình như có dạo ở chung với nhau nay ra riêng. Cái nguy hiểm là lập gia đình mà bố mẹ coi trọng sự môn đăng hộ đối.

Cha mẹ, nhiều khi không thực hiện được những mộng ước của mình nên muốn con mình hoàn thành những mộng ước của họ. Học hay lấy bác sĩ, hay phải đậu tiến sĩ đủ trò. Mình có quen ông người đại hàn, ghi trong di chúc là con ông ta muốn thừa hưởng gia tài thì phải tốt nghiệp tiến sĩ. Mình nói ông ta gửi con về Việt Nam, mua bằng tiến sĩ là xong. Cũng có thể họ có nhiều tham vọng, gả chồng cưới vợ là một cách leo lên các bậc thang của xã hội hay để hai gia đình, hai quốc gia hợp tác để làm giàu hay cai trị thế gian.

Giải quyết vấn nạn mẹ chồng nàng dâu trong gia đình rất khó, tuỳ mỗi gia đình và cá nhân. Có lẻ vì vậy mà đàn ông ở Việt Nam, đi làm ra, ghé quán nhậu uống cho quên đời, để khỏi phải đứng giữa mẹ và vợ. Ngược lại, ngày nay, bố mẹ hay rên là bị con bắt làm ô-sin, nuôi con giữ cháu để chúng đi chơi. Cách tốt nhất là sống riêng như ở tây phương vì xa mỏi mắt, gần mỏi miệng.

Mình ở rể được 6 năm. Trước khi làm đám cưới, đồng chí gái và mình có mua một căn nhà nho nhỏ ở vùng Bôn Sa nhưng ở đây chưa được 6 tháng thì phải dọn về ở với bố mẹ vợ. Lý do là gia đình anh vợ dọn ra, vì xin được Housing. Bố mẹ vợ không biết tiếng mỹ nên mấy anh chị vợ kêu vợ chồng mình về để chăm sóc ông bà. Kiểu bán cái lại cho cô em út và mình. Mình thấy đa số các anh chị hay bán cái lại bố mẹ cho em út. Họ lập gia đình trước nên bán cái lại và nhân danh làm anh làm chị nên hay rầy la em út nhưng không ai dám rước bố mẹ về nhà nuôi cả.

6 năm trời, vợ mình mượn đâu 15, 16 người giúp việc để chăm sóc ông bà ngoại. Có người vừa tới buổi sáng trưa mình ghé về nhà để xem sao thì đã thấy họ kêu con họ đến chở về. Bà ngoại mấy đứa rất khó tính, cứ làm như người giúp việc ở Hoa Kỳ như ở Việt Nam, thời Bảo Đại. Sau 6 năm, vợ mình và mẹ vợ cứ choảng nhau hoài nên mụ vợ kêu mua căn nhà bên cạnh để có thể chạy qua trông nom, có người làm nên không sợ lắm. Từ khi dọn ra riêng, mỗi cuối tuần, vợ mình ghé lại chở bố mẹ đi chơi, thấy hoà hợp hoà giải gia đình hơn. Mỗi người có không gian riêng tư nên khi gặp nhau thì đối xử như mẹ con thay vì tranh nhau làm nội tướng.

Cách tốt nhất để giải quyết vấn nạn mẹ chồng nàng dâu là ở riêng. Ở Hoa Kỳ, có vụ xây nhà cho mẹ vợ mà họ gọi Mother in-law’s quarter. Phía sau nhà họ xây một căn hộ nhỏ để mẹ vợ ở thoải mái, tự nấu ăn, cuối tuần đến nhà con ăn với cháu ngoại. Thoải mái hơn, con cháu có thể trông nom khi đau ốm nhưng vẫn giữ sự độc lập, tự do riêng tư. Xong om

Mướn nhà cũng được vì tự do rất tốn tiền. Sống chung chạ để mong sau này thừa hưởng gia tài vô hình trung biến cuộc sống của mình trong vòng 20, 30 năm thành cuộc chiến thầm lặng. Mình sẽ quen lối sống này thì đến khi con dâu của mình về, sẽ tiếp tục sống đối chọi nàng dâu mẹ chồng mà mình sẽ đóng vai mẹ chồng và tìm cách để trị con dâu cho nó ngoan ngoãn. Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn