Giải khát nước ngọt trước 75

 Giải khát trước 75

Nhớ dạo sang Maroc, khi xe đò ghé lại Marrakech, mình gặp một tên xe ôm người Maroc, hỏi nhà trọ thì hắn chở mình về nhà của hắn ở trong hẻm, đầy bụi đỏ. Vào nhà hỏi thăm gia đình nó xong thì ông bố của hắn, kêu thằng con nhỏ chạy đi mua chai nước Coca để mời mình. Tương tự khi xưa, khách quý đến nhà thì ông bà cụ kêu mình chạy đi mua ở quán trong xóm chai nước cam hay chai la ve.

Vấn đề vệ sinh nên mình không uống, vì không biết đá làm bằng nước gì, sợ đau bụng, chỉ xin nước trà đường của họ. Dân xứ này gọi trà là “chai”, phát âm của tàu về trà nhưng họ lại bỏ đường và lá rau thơm. Họ pha xong bỏ trong cái bình có cái cổ cao rồi chế vào ly từ xa rất điệu nghệ mà sau này khi xem phim về Trung Đông, mình vẫn hay bắt gặp cảnh này.

Về Việt Nam lần đầu mình cũng bị chửi là làm bộ, ta đây Việt kiều. Đến thăm gia đình ông cậu, họ sai thằng em họ đi mua nước ngọt, mình sợ uống đá đau bụng nên chỉ xin trà nóng. Sau này bà mợ đi H.O., sang Hoa Kỳ, mới kể là lúc ấy, mợ không biết nên căm thù thằng cháu Việt kiều. Mình chỉ biết cười vì về Đàlạt mình bị Tào Tháo rượt suốt 10 ngày trời, không ăn uống gì được. Về lại Mỹ, đồng chí gái không nhận ra mình khi đón ở phi trường .

Mình sinh sau trận Điện Biên Phủ, thực dân Tây bỏ thuộc địa của đế quốc họ, về nước khá nhiều trên thế giới trong đó có Đông Dương nhưng tàn tích của chế độ cũ vẫn còn đến khi quân đội mỹ đổ bộ tại Đà Nẳng, văn hoá Mỹ mới từ từ xoá dần tàn tích của chế độ thực dân đến 1975.

Hồi nhỏ vào các dịp Tết thì mình mới có dịp uống nước ngọt mà dạo ấy chỉ thấy khi nhà có giỗ, mua la de Con Cọp hay 33, nước cam vàng hay xá xị, để đãi khách, hình như công ty nước ngọt này độc quyền tại Miền Nam. Dạo ấy chưa có Coca Cola hay RC Cola, Fanta,… nếu mình không lầm thì Fanta được chế biến bởi hãng Coca Cola tại Đức, trong thời gian Hitler cầm quyền. Công ty Coca Cola tại Đức, không được tiếp tế chất Coca Cola từ Mỹ nên họ lấy trái cây địa phương để chế thành nước Fanta, màu vàng để bán cho người đức. Coca Cola có mặt tại Sàigòn lần đầu tiên năm 1960.

Có một tên lính Tây, tên Victor Larue, sang Đông Dương, khi giải ngủ thì ông thần này ở lại Việt Nam và thành lập một công ty bán nước đá, được gọi là Brasseries Glacières de l’ Indochine (BGI) vào năm 1875. Lúc đầu chỉ bán nước đá, sau mới sản xuất thêm bia từ năm 1909. Có nhiều giải thích lý do người Việt khi xưa gọi bia là La-de. Người thì nói là từ tiếng tây “la Bière ‘, người thì nói từ chữ Larue, tên của ông chủ mà người Việt đọc là La Ru E. Theo mình thì có thấy một tấm quảng cáo ngày xưa “LAVE LARUE”, chắc họ quảng cáo bia với slogan “lave” nghĩa là lau, hàm ý rữa sạch phiền muộn với Larue? Nên từ đó người Việt gọi LAVE thành La De? Không sống thời thực dân nên chịu, ai biết cho em xin.




Chai nhỏ 33 thì họ gọi la-de 33, vì chứa 0.33 lít còn để xuất cảng thì gọi 33 Export nhưng người Việt tiêu thụ nhiều nhất là bia Con Cọp, chai to 66 cl. Mình nhớ trên cái chai, có hình con cọp với hai nhánh hoa Houblon để làm bia, giống trái thơm còn nhản bia 33 thì có đủ thứ tiếng, đề Bière, Bia, Beer, Bir, Birra, cứ uống La De xong là ai nấy đều biết 5 ngoại ngữ. Hình như để chuyên chở, họ bỏ trong mấy cái thùng gỗ cao độ 10 cm, chia làm 24 ngăn cho 24 chai thì phải. Lâu quá không nhớ số chai. Ai ngày xưa, nhà có bán nước ngọt thì chắc nhớ, cho xin. 1975, hãng BGI được 100 tuổi và bị Việt Cộng tịch thâu, hình như nay vẫn còn bia của hãng này do công ty Heineken làm chủ.


Nhà máy sản xuất bia BGI khi xưa ở bến Chưng Dương


Ngoài ra họ còn bán nước cam vàng và xá xị mà khi xưa mình thèm nhỏ nước miếng luôn đến khi quân đội Mỹ sang thì mới phát hiện các lon nước ngọt như Fanta, RC Cola,… không cần có đồ khui, chỉ cần khưi cái miếng nhôm nhỏ có cái lỗ lên rồi kéo lên là nghe cái póc rồi hơi ga ào ào chảy ra, đưa tới miệng tu một tràn như người đi trong sa mạc. Nếu mình không lầm, dạo ấy có loại nước cam vàng do hãng Bireley’s thì phải, trong chai. Qua Mỹ thì tìm không ra, vì đã bị hãng khác mua ngược lại Xá Xị thì có Dr Pepper có màu vị tương tự.

Quảng cáo đẹp nhất, người lính mỹ tại chiến trường Việt Nam với chai coca cola

Loại chai bằng ve chai, được đựng trong cái thùng bằng gỗ 24 chai

Nhớ Tết năm nào, bà cụ mình làm chả thủ và thịt đông cho mấy ngày Tết. Mình tự cho là lớn nên lấy lon bia Hamms thì phải, rồi lấy chả thủ ăn và uống bia như người lớn. Bia tuy đắng nhưng mình cũng chịu khó nhăn mặt tu được 2 ngụm, sau đó say, mặt đỏ leo lên giường ngủ tới sáng hôm sau, đầu nhức quá nên từ dạo ấy chừa uống bia. Lần đầu cũng lần cuối tương tự hút thuốc, thấy đắng nghét nên cũng thử một lần rồi không đụng tới giờ.

Theo các tài liệu mỹ thì dạo ấy, mỗi lon bia mỹ, quân đội mỹ chỉ trả có 15 xu nên họ uống rất nhiều nhất là loại bia lạnh. Có dịp mình kể về người Mỹ tiêu thụ bia thời chiến tranh tại Việt Nam.

Hình như đồ mỹ rẻ hơn nên dần dần thấy người ta tiêu thụ nước giải khát của mỹ, có lẻ lính mỹ nhận được nhưng không dùng hay nhiều nên kêu mấy cô Me Mỹ, đem ra chợ trời bán rẻ. Nước ngọt hay la de của BGI, có cái bất tiện là phải đóng tiền thế chân, khi nào đem trả chai không thì chủ quán hoàn lại tiền còn uống bia lon giản tiện hơn, không phải nộp tiền đặt cọc vì vậy sau Mậu Thân chỉ thấy toàn đồ mỹ.

Hình như sau này, VNCH có ra hàng Quân Tiếp Vụ cho lính mua nên có La De Quân Tiếp Vụ cũng do hãng BGI sản xuất rồi thuốc lá nữa, không hút thuốc nên không nhớ lắm. Kiểu họ bắt chước quân đội Mỹ với hàng PX, bán cho quân đội rẻ hơn, để giúp binh lính trong thời buổi kiệm ước vì dạo ấy lạm phát kinh hoàng.

Dạo đi Ninh Chữ, trong xe DQT bổng nhiên đọc bài thơ Bastos Luxe, lấy những chữ của hiệu thuốc lá để làm thơ  khiến cả đám trong xe cứ u chầu u chầu:

Buồn những lúc cô đơn gối chiếc

Ánh lửa tù che hết nẽo tương lai

Song cửa sắt ngăn đôi đời du đảng

Tiếc làm gì khi mối tình ta tan vỡ

Sống làm gì với kiếp lang thang

Lời hẹn ước năm xưa em còn nhớ

U sầu buồn hởi cố nhân

Xe hoa đón rước người em gái

Em đã sang ngang lỗi hẹn thề

Khi sang Tây, mình cố tìm nước cam vàng hay xá xị thậm chí bia Con Cọp của BGI nhưng không ra, mới hiểu là của tây thuộc địa làm nên xứ Phú Lang Xa không biết đến, ngược lại xứ Tây có vô số loại bia, thêm vào bia từ các nước lân cận như Anh Quốc, Đức,…đầy tràn nên bắt đầu quên sản phẩm BGI từ đó đến nay. Người Tây ít uống bia, họ uống rượu đỏ nhiều hơn, chỉ những vùng cận biên giới Bỉ và Đức thì người ta uống bia nhiều mà người đức có lễ hội Bia nổi tiếng vào tháng 10 mỗi năm, được gọi là Oktoberfest mà chưa bao giờ tham dự.

Dạo ấy có công ty Orangina, quảng cáo rất nhiều về nước cam, sau này ở Hoa Kỳ, lâu lâu thấy loại nước này thì mua cho vợ uống hay nước suối Perrier, ai ngờ đồng chí gái lại thích đồ tây, đắt tiền hơn, cứ đi Costco là mua. Chán mớ đời.


Sau này mình có học lớp về Marketing, ông thầy giải thích là các món đồ thường hay được phụ nữ mua, họ hay làm theo hình ảnh dương vật như mấy chai Shampoo, xà bông,…. Orangina ra đời, cái cổ chai làm tựa tựa dương vật nên trong tiềm thức được các bà bên tây ưa chuộng vì cầm cái gì thấy quen quen. He he he. Hay loại chai nước Perrier,…

Hình như BGI, sau khi Pháp trao trả độc lập lại cho Việt Nam thì từ Indochine, được đổi thành International thì phải. Nước bên tây có ga còn đắt hơn cả rượu, loại ăn cơm (vin de table) nên mình cũng ít uống nước ngọt nên không nhớ.

Bên Âu Châu, người ta uống nước giải khát hay bia không có đá, chỉ bỏ tủ lạnh rồi uống. Khi sang mỹ, mình thấy họ bỏ một cái ly cối đầy áp nước đá rồi mới chế nước ngọt vào thì kêu bọn đế quốc này, gian ác thật. Ăn gian nên mình uống từ từ, ai ngờ mới được hai hớp, cô chạy bàn ghé lại tọng thêm nước coca vào, đá lổm cổm chạy vào ly. Bên mỹ ăn uống thả dàn, một giá tiền do đó dân mỹ mập phì.

Nhớ có bấy nhiêu.

Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn