Đàlạt qua hình ảnh xưa #6

 Tuần này, mình tải một số hình ảnh đường Mình Mạng của Đàlạt xưa. Theo mình là con đường tượng trưng không gian Đàlạt xưa. Đường nhỏ, chỉ chạy một chiều, theo kích thước của các thành phố nhỏ ở Pháp. Đường Duy Tân trước kia cũng chỉ có một chiều, sau 1948 họ mới nới rộng đường cho chạy hai chiều nên không gian hơi loãng.

Đây là góc nhìn đầu đường Minh Mạng, chụp trước khu rạp Hoà Bình. Tiệm đầu tiên là Đức Xương Long, mà mình có gặp lại con trai tên Huỳnh Quốc Lương, hiện sinh sống tại Úc Đại Lợi. Bên cạnh là tiệm Viễn Xương Long, không nhớ bán hàng gì, chắc tạp hoá, rồi đến Lưu Hội Ký, bán vật liệu xây dựng. Xuống chút nữa là tiệm của bà Tư Bổ. Khi xưa, bà này mướn chung tiệm Hiệp Thạnh ở đường Minh mạng, phía dưới một chút. Sau này tiệm Hiệp Thạnh dọn về số 11 Duy Tân.

Hình như hình chụp cuộc rước lễ Phật Đản, trước Mậu Thân vì sau vụ tổng công kích này thì Đàlạt đã thay đổi khá nhiều, với giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng nên các hoạt động, sinh hoạt cộng đồng bị giới hạn.

Cũng đầu đường Minh Mạng nhưng cận cảnh, thấy tiệm thuốc Bắc Bội Sanh. Trước đó là tiệm Lưu Hội Ký. Bên tay trái, tiệm vàng Kim Thịnh bị tấm bảng chỉ đường che mất, thấy tiệm Anh-Võ, rồi tiệm chụp hình Đại Việt, nơi mình để dành tiền 2 năm để mua cái máy chụp hình tí hon, được một tuần thì bị thiên hạ ăn cắp. Chán Mớ Đời 

Hình này chụp trước tiệm thuốc bắc Bội Sanh. Thấy ông tàu hớt tóc của tiệm cắt tóc Hongkong chi đó. Bên tay trái, tiệm Anh Võ bán tạp hoá, khá lớn vì chiếm hai gian. Hình như có thấy mấy tĩnh nước mắm Phan Thiết.

Đầu đường Mình Mạng nhưng chụp phía bên tay trái. Cận cảnh là tiệm bán đồ vật liệu xây dựng, tên Thiên Thai thì phải, kế đến là tiệm vàng Kim Thịnh, của gia đình Nguyễn Văn Biểu, học chung với mình khi xưa. Thấy chiếc xe ba bánh mà thiên hạ hay dùng để chở đồ, khá thịnh hành khi xưa.

Hình này thấy rõ hơn tiệm vàng Kim Thịnh, tiệm thuốc bắc Bội Sanh, tiệm vàng Bùi Duy Chước.


Hình này chụp trước tiệm Anh Võ, thấy góc đường Tăng Bạt Hổ ngang. Đầu đường là tiệm bà Tư Bổ thì phải. Lâu quá không nhớ rõ. Bên kia đường là tiệm vàng của ông Bùi Duy Chước, bố của bà Bùi Thị Hiếu, ngay góc Tăng Bạt Hổ và Khu Hoà Bình. Nghe nói ông Bùi Duy Chước là người làng Kế Môn, như gia đình Huỳnh Ngọc Ánh, Bùi thị Hoa. Ông là người mở tiệm vàng đầu tiên tại Đàlạt. Ông đi buôn vàng ở xa. Nghe kể người con gái, Bùi Thị Hiếu, học được nghề làm thợ bạc của ông, sau này mở tiệm vàng riêng và cầm đồ ở khu Hoà Bình, đường Hàm Nghi, ngay góc Tăng BẠt Hổ. Ông BÙi Duy Chước qua đời ở tuổi 50. Nghe Huỳnh Ngọc Ánh kể là bố anh chàng là đệ tử của ông Chước. Sau này mở tiệm vàng.

Bà Bùi Thị Hiếu quen với mẹ mình từ thời còn Tây. Bà ta có dặn em mình ở Tây là khi mẹ sang thì nhắn bác. Về Đàlạt, bà có ghé thăm bà cụ mình. Sau này, hình như bà ta qua đời khi về thăm Đàlạt. Con trai của bà có liên lạc với mình qua Facebook.

Chỗ tiệm vàng này, ban đêm có bà Bảy Quốc, khi xưa bán cá dưới chợ, sau này bán sữa đậu nành hàng đêm ở đây. Lâu lâu có tiền, bò ra đây, uống ly sữa đậu nành và cái bánh da lợn hay bánh chuối của bà là hết sẩy. Nghe nói con gái của bà nối nghiệp sau này.

Nếu mình không lầm thì bên cạnh tiệm vàng là tiệm may Hoàng Nho. Dạo đó hai tiệm may nổi tiếng là Văn Gừng và Hoàng Nho. Sau này thì có hai anh chàng Sơn và Tánh, ở dốc Hai BÀ Trưng thay thế. 

Đi xuống đốc chút nữa thì thấy tiệm Hiệp Phát, hình như bán vãi, quen với mẹ mình những không nhớ rõ lắm. Sau đó là đường Nguyễn Biểu, có một tiệm bán kính mà mình hay đến đây mua. Nhà hay bị bể kính nên mình đo xong đến đây đặt mua kính mới, đem về gắn lại. Mình nhớ lấy mấy cái Đinh nhỏ, đóng khe khẽ để tránh cho kính rớt. Khi xưa, họ dùng thạch cao để trét nhưng khi mình sửa thì không có nên chỉ đóng Đinh nhỏ. 

Tiệm này họ lấy cái kéo mà người ta kêu có kim cương chi đó, lấy cái thước rồi chấn, kéo cái rẹt rồi bẻ kính bể, tách đôi nghe cái tách. Kinh

Xa xa thấy tiệm sửa radio, truyền hình Công Đồng, ông chủ người Bắc. Hình như ông cụ mình mua cái máy chạy đĩa hát ở đây. Bên cạnh là tiệm tàu mà mình hay mua lồng đèn maze Chợ Lớn .


Hình này cho thấy chỗ sau lưng bà đội cái thúng, có cái quán chè Mai Hường, bên cạnh là tiệm may Văn Gừng, con trai tên Trần Văn Phong, học chung với mình, nay ở Úc Đại Lợi. Xa xa cùng dãy, có tiệm uốn tóc Bạch Cung thì phải. 2 tiệm uốn tóc này thuộc gia đình bà Giáo Trình. Bà cụ mình hay đến đây làm tóc khi đi ăn cưới.


Chỗ này là khúc đầu hẻm của Nguyễn Biểu, Dốc Nhà Làng. Thiên hạ bán đủ trò như bắp nướng nhất là món bánh căn. Bà bán bánh căn dưới chợ ngay hàng thịt, bổng nhiên bò lên đây bán, nổi tiếng đến giờ. Hình như chỗ này, trước 75, có mở quán chè. Mình có ghé đây ăn một lần với thằng BI, hàng xóm, đối tượng của hắn và Tí Chị, em của hắn. Nghe nói chị Tí Chị đã qua đời.

Phía bên kia đường thấy tiệm giày Mỹ Hưng, mướn nhà phía dưới của ông Tư, anh của mệ ngoại mình. Phía trên là gia đình dì Bơn mướn. Sau này ông Tư hỏi bà cụ mình mua nhưng không hiểu sao, lại không mua. Chắc tại ông đòi 1 triệu, trong khi số 13 đường Duy Tân cũng đòi 1 triệu, lại 3 tầng, lớn hơn. Cuối cùng bà cụ không mua lại xây nhà, khiến mình lại vào con đường học kiến trúc rồi xây nhà cho thiên hạ.

Mình nhớ hay vào nhà dì Bơn chơi, hay đứng trên balcon, nhổ nước miếng xuống khách bộ hành. Kinh. Hình như bên cạnh có tiệm bán cà phê, vì mỗi lần đi ngang mà họ rang cà phê là thơm nức nở. Tiệm này có cô con gái học Bùi Thị Xuân, học Hội Việt mỸ với mình khi xưa. Khoá đó mình thi rớt vì cứ nhìn cô nàng hoài. Chán Mớ Đời. Con gái tiệm vàng Kim Thịnh, cho hay tiệm cà phê này tên Meilleur Goût. 


Đi xuống thì gặp ngay ngã ba Tăng Bạt Hổ. Tiệm này ngay góc, có hai tiệm. Phía dưới là quán hủ tiếu Nam Vang tên gì không biết vì chưa bao giờ ăn. Cửa ra vào thuộc đường Minh Mạng Phía trên là tiệm chè Vọng Nguyệt Lầu, cửa ra vào ngay Tăng Bạt Hổ. Bên phải nhà một tầng, màu trắng, là nhà của Đào Văn Quý, học chung với mình khi xưa. Giữa nhà hắn và tiệm chè, có một cầu thang đi xuống động chị em ta. Tên Quý này hay kể tên mấy tên học ở trường, bò xuống đây, tìm động hoa vàng. Mình có gặp anh chàng khi về thăm Đàlạt lần đầu. Sau này, ông cụ mình cho hay không thấy anh chàng nữa. Học rất giỏi khi xưa, đậu tú tài pháp với mention assez bien. Việt Cộng vô chạy xe thồ. Chán Mớ Đời  

Ngày nay, họ sơn màu đỏ tiệm này, trông rất phản cảm.

Mình nghe con gái của tiệm hủ tiếu kể; sau 75, có ông đặc công Việt Cộng kể với mẹ cô ta là khi xưa, ông ta được lệnh đem mìn trong gà-mèn đến mua mì để đặt nổ mìn, giết sĩ quan Võ Bị, cuối tuần ra phố, đến đây ăn. Hôm đó thấy chị em cô ta chơi trước cửa tiệm nên ông ta không bỏ lại gà mèn. Chủ tiệm hủ tiếu này cũng là chủ nhà nghỉ Sàigòn đối diện, bên cạnh tiệm bi-da Hồng Ngọc.

Nghe vụ này khiến mình vẫn còn thắc mắc về cái đồng hồ trong xe của ông cụ. Một sáng, mở cửa xe của ông cụ thì nghe tiếng tích tách đồng hồ nhưng không biết ở đâu. Hai cha con cứ mò mò đến khi một tên lạ mặt, xuất hiện rồi thò tay móc cái đồng hồ nơi trần xe, tường như hắn để trong đó, rồi bỏ đi. Hai cha con đứng nhìn xem như Từ Hải.


Chỗ này chụp ngay góc Tăng Bạt Hổ, trước cửa tiệm Nguyệt Vọng Lầu. Theo cô con gái của lữ quán Sàigòn và tiệm hủ tiếu Nam Vang thì xe Traction là của bố cô ta. Chỗ chiếc xe van Volkwagen đậu là nhà của ông luật sư nào ở Sàigòn, còn bên cạnh phòng ngủ Sàigòn là tiệm bi-da Hồng Ngọc, nơi mình nướng tiền chơi banh-bàn khá nhiều.



Hình ảnh do con gái nhà nghỉ Sàigòn và tiệm hủ tiếu Nam Vang cung cấp. Hình bố cô ta và cô ta .

Hình này theo mình chụp sau 75, vì tiệm giặt ủi của cậu Châu, con bà Cai Thỏ, là tiệm video. Chụp từ lữ quán Sàigòn lên đường Minh Mạng. Mình chỉ có hai tấm ảnh chụp ngược lại giao thông của đường này. Em trai mình có tiệm bán bánh căn bên tay trái, chỗ ông đi xe đạp cận cảnh. Nghe nói ngon lắm. Bác nào ở Đàlạt cứ ghé thử xem rồi cho em biết. Chưa bao giờ ăn cả. Lần sau về Đàlạt, sẽ ghé tiệm này và tiệm cà phê Chez Nous ở đường Phan Đình Phùng, do hai người em đứng bán. Con của phản động nên không được đi học tiếp lên đại học, ở nhà đi buôn bán cho vui đời.

Bài này mình viết lâu rồi, tải đây để ai thích thì đọc thêm
 Đường Minh Mạng *

Đường Minh Mạng bắt đầu từ khu Hoà Bình đi xuống dốc và chấm dứt với đường Phan Đình Phùng, góc nhà thuốc Tây Việt Quang, đối diện rạp Ngọc Hiệp, có ba con đường nối liền và một con hẻm nối với dốc Nhà Làng. Khởi đầu ở khu Hoà Bình là tiệm Đức Xương Long, nhà của Huỳnh Đức Lương, học Yersin, hay đi học chung với mấy anh em Hùng Con Cua, nay định cư ở Úc, bán tạp hoá đối diện tiệm đồng hồ Tiến Đạt, bên cạnh là tiệm Lưu Hội Ký, bán sắt, vật dụng xây cất. 

Kế đến là tiệm thuốc Bắc Bội Sanh của bà Chiu, đại lý rượu miền nam, tiệm bánh Hoài Hương thì phải của ông Quảng Thành, có xe đò chạy Saigon - Đà Lạt rồi đến tiệm Liên Hưng bán tạp hoá sau đó con đường nhỏ không nhớ tên, nối đường Minh Mạng và đường Tăng Bạt Hổ, hình như Nguyễn Biểu. Mình chỉ nhớ phía này là cửa sau của các tiệm như Việt Hoa, bán máy truyền hình, radio,..dùng để xe hàng đậu để giao hàng.

Phía bên kia đường là tiệm vàng Hùng Thanh của ông Bùi Duy Chước, bố của bà tiệm vàng Bùi Thị Hiếu, ở khu Hoà Bình góc Tăng Bạt Hổ, đối diện nhà hàng Mekong. Đêm đêm có bà 7 quốc đẫy xe bán sữa đậu nành và bánh chuối, đứng bán trước cửa tiệm này và khách hàng ngồi la liệt trên các thang cấp.

Đối diện Đức Xương Long có tiệm bán vật liệu xây cất, cắt kiếng không nhớ tên kế đến là tiệm vàng Kim Thịnh, có tên Nguyễn Biêu học chung với mình khi xưa ở Yersin. Tên này người Huế, nhỏ con nên hay bị ăn hiếp nhưng hắn có cái mồm rất to nên hay chửi những tên đánh hắn, chửi khá thâm như "mai tau ra tau đào mả cha mi lên rồi tau ẹ xuống cho dòng của mi, mười đời không ngóc đầu lên,..." nên cuối cùng ai cũng ngán hắn nên không ăn hiếp nữa. 

Kế đến hình như tiệm vàng, bán đông hồ của ông Bùi Vàng, bà vợ có cái xập trên lầu chợ Mới, chổ cầu thang chợ đi vào. Có con là Bùi Văn Đông có thời học chung với mình, sau này nghe nói đi du học, có cô em là Bùi thị Hoa, chơi khá thân với cô em mình khi định cư ở Paris. Kế bên là tiệm uốn tóc Mỹ Tân rồi đến tiệm Anh Võ rồi đến tiệm chụp hình Mỹ Dung mà có lần mình mua cái máy chụp hình tí hon đầu tiên ở đây.

Bên cạnh là tiệm hớt tóc rồi đến tiệm của bà người Tàu, bán giày dép rồi đến tiệm Lộc Thành rồi có con hẻm nhỏ đi vào có quán chè Mai Hường và vài thang cấp đi vào cái hẻm có dãy nhà phía sau. Kế bên là tiệm may Văn Gừng có con Trần Văn Phong học Yersin, có thời hay đi đánh bi da với mình, nghe nói đang ở Úc rồi đến nhà bà Giáo Trình xong có hai tiệm uốn tóc, một là Bạch Cung và tiệm kia thì không nhớ. Lí do nhớ là bà cụ mình hay đến tiệm Bạch Cung. Bên cạnh tiệm này là tiệm bán nước mắm của ông Tư Kha rồi đến con hẻm Nguyễn Biểu đi xuống dốc Nhà Làng.

Đối diện tiệm may Văn Gừng là tiệm may Hoàng Nho, có con tên Hoàng Ngọc Tuấn học Văn Học, nghe nói nay ở bên Úc. Có dạo đại hội thể thao quân khu 2, mấy anh em Đinh Quốc Tuấn, Đinh Quốc Hùng lên làm mưa làm gió nên các đại gia đà lạt khi ấy cho con mình đi học đánh quần vợt khá đông. Tên này là một trong những học trò của ông tiệm giày Bata, ở khu Hoà Bình. Bên cạnh là tiệm may Toàn Mới rồi mấy tiệm Vĩnh Long , Vĩnh Phát bán vãi rồi đến tiệm Hiệp Pháp bán kim chỉ, tạp hoá,..

Ngay góc Nguyễn Biểu và Minh Mạng, có một quán phở, dựng phía sau cái talus bằng đá ong của tiệm Vĩnh Phát mà mình có ăn một lần khi được cô em bao. Đối diện có tiệm bán sách vở, bút chì, bên cạnh có tiệm bán kính mà mình cứ vào xem coi họ dùng cái dụng cụ để cắt kính, nhẹ nhàng . Chổ này đi xuống thì có tiệm bán cà phê mà mỗi lần đi ngang đây thơm mùi cà phê rang. Nhà này có mấy cô con gái Bắc kỳ học Bùi Thị Xuân, có một cô cùng tuổi mình học Hội Việt Mỹ chung lớp một hai lần. 

Kế bên là tiệm giày Mỹ Hưng mà mình có đóng đôi giày đầu tiên trong đời trước khi đi Tây. Căn nhà này của ông Tư, anh ruột của bà ngoại mình làm thợ may ở Saigon, sau này ông ta nói bà cụ mình mua nhưng không đủ tiền nên ông ấy bán cho ai khác. Trên lầu của tiệm này được gia đình chú Ký, bạn của ông bà cụ mình mướn nên mình hay ra đây chơi. Mình hay đứng trên balcon rồi ai đi ngang nhất là các cô thì mình nhỏ nước miếng xuống rớt lên đầu họ rồi núp, có lần có tên chạy lên lầu đòi đánh mình nhưng vô cửa không được. 

Cuối dãy này ngay góc Tăng Bạt Hổ có tiệm giặt ủi của ông Châu, con của bà Cai Thỏ ở ấp Thánh Mẫu mà khi bà cụ sinh ra mình đem bán mình trên đó để dễ nuôi. Có lẻ vì là con Thánh nên sau này mình đi phá làng phá xóm. Ông Châu này có thời mình thấy ông ta hay làm trọng tài đá banh ngoài sân vận động với ông Năm Ngựa nhưng sau này chắc chạy không nổi nên hết thấy bóng dáng ông ta.

Đối diện dãy này, bên cạnh con hẻm đi xuống dốc Nhà Làng thì có tiệm giặt ủi, bà con chi với gia đình Thanh Tịnh vì lâu lâu mình thấy cô này ở đây. Trong thời chiến tranh, lính Mỹ hay đem đồ lại đây để giặt nên sau này thấy họ lên hai tầng lầu, nhà được xem sang nhất khúc này. Bên cạnh có cái cầu thang đi xuống để vào hẻm nhỏ có mấy căn nhà ở phía sau rồi đến tiệm hớt tóc. Kế bên là tiệm Công Đồng, bán radio, máy truyền hình. Ông chủ là người Bắc, hình như Đà Lạt dạo đó trên khu Hoà Bình thì có tiệm Việt Hoa, đường Minh Mạng có tiệm này bán máy truyền hình thì phải. 

Xuống vài căn thì có cái nhà ba tầng cho thuê bàn bóng bàn mà các tuyển thủ bóng bàn của Đà Lạt dạo đó hay tụ tập ở tiệm này để đánh độ như anh Tín đánh kiểu cầm thìa từ Nhật về làm trong trường Võ Bị, Minh đen ở xóm ông Xu Huệ, hình như con rễ của nhà này. Lê Xuân Thảo, Nguyễn Minh Dũng, chú Nô em của chú Nê ở ấp Cô Giang. Mình nhớ có lần mình đến đây đánh trên lầu, có cái máy kéo như ở các sòng bài bên Mỹ. Có lần một tên kéo ra ba con thì máy kêu in ỏi, tên kéo máy mừng quá chạy đi kêu bà chủ,  bà chủ thương lượng trả 500 đồng thay vì 500 cái token vì mổi token được bán 25 đồng.

Khúc này là ngã ba Tăng Bạt Hổ và Minh Mạng, đi xuống một chút thì có Lữ Quán Saigon, khi xưa thường gọi là Saigonnais, kế bên là tiệm bi da Hồng Ngọc, có ông chủ người Nam, cứ đi vòng vòng xem tụi con nít có ăn gian, lấy miếng thiết mài cho mõng rồi đút vào cái chỗ bỏ tiền để đẫy cái móc làm rơi banh xuống. Mình đốt tiền lì xì khá nhiều ở tiệm này khi bị đám bạn rũ chơi banh bàn hồi học tiểu học. Sau này lên Trung học thì mê đánh bi da nhưng không đánh ở tiệm này vì mấy cái bàn quá cũ nên mấy cái băng bị cứng như đá vì trời lạnh. Tiệm có bàn bi da đánh phê nhất là Minh Tâm đối diện rạp Ngọc Hiệp vì chủ có lò sưởi khi trời lạnh nhưng ở đây cho thuê đắt nhất Đà Lạt vì mấy tên đánh chuyên nghiệp như Trung Ba tai, cắm dùi ở đây.

Đối diện khúc này, ngay ngã ba Tăng Bạt Hổ, có tiệm chè Vọng Nguyệt Lầu trên lầu còn ở dưới là tiệm ăn Tàu bán hủ tiếu Nam Vang, kế bên có tiệm sách tên Khai Trí hay Thiên Nhiên mà mình mướn cuốn Tuấn Chàng Trai Nước Việt ở đây. Mỗi lần nhập học là mua porte plume, plumier,... ở đây. Bên cạnh là tiệm vẽ quảng cáo của ông Đình Nghi mà mình hay đứng xem ông ta kẻ chữ trước khi vẽ xong đến cái quán của ông bán bắp rang. Mỗi ngày ông ta kéo cái xe có kính không tới 60cm ra rồi cắm điện cho hột bắp vào cái nồi điện, khi bắp nở thì bỏ thêm đường vào rồi múc bỏ vào gói nhỏ. Chỗ này rất nguy hiểm vì có mấy thang cấp cao mà hình như không có hàng rào. 

Đi xuống một chút là phòng trồng răng của ông Nguyễn Văn Nghi, ở gần xóm mình, cạnh nhà Đinh Gia Lành ở đường Thi Sách mà trước khi đi tây, mình ra phòng nhổ răng của ông ta để nhổ và trám răng mất nguyên buổi sáng. Bên cạnh là tiệm chụp hình Văn Hoa rồi đến Nhà Ngũ của ông Chà Và, có tiệm bán đồ tạp hoá, nước hoa,.. trên khu Hoà Bình, cạnh tiệm Việt Hoa.

Sau đó thì có phòng mạch của Bác sĩ Soyer, chỗ này có mấy thang cấp khá nguy hiểm, bên cạnh là tiệm thuốc Tây Việt Quang, rồi đến tiệm uốn tóc Ba Lê và cuối cùng là tiệm bảo hiểm Rồng Vàng của ông Võ Đình Hoè, người Huế, cựu vô địch bóng bàn Đà Lạt, chơi banh kiểu Mai Văn Hoà. Ông này hình như có hai tên con trai ngang lứa với mình, hồi nhỏ có chơi với nhau sau này thì gặp nhau không chào hỏi.

Kế bên Hồng Ngọc thì có mấy căn nhà nhưng thuộc đường Phan Đình Phùng như phòng mạch của bác sĩ Đào Duy Hách, người bé bé hình như không có con, hay đánh golf với giáo sư Phó Bá Long. Gần cuối đường thì có mấy thang cấp cho người bộ hành đi xuống rạp Đường Phan Đình Phùng, bên cạnh trạm biến điện cho khu vực này, để băng qua đường tới rạp Ngọc Hiệp. Chỉ nhớ tới đây, Bác nào có nhớ cái gì thì cho biết thêm để bổ túc.

Sơn đen

Còn tiếp

Nguyễn Hoàng Sơn