Tuần này mình tải mấy tấm ảnh cũ của khu phố người Việt đầu tiên tại Đàlạt ở ngay hồ Xuân Hương ngày nay. Sau cơn bão năm 1932, khiến cái đập của hồ Lớn (Grand Lac) bị vỡ và làm thiệt mạng 15 người Việt, nên người Pháp cho dời khu phố người Việt lên khu Hoà Bình ngày nay.
Khi người Pháp muốn thành lập Đàlạt thành trung tâm nghỉ dưỡng cho người Pháp tại Đông Dương thì họ làm cái đập ngay chỗ ngã 5 khách sạn Palace, biến thành một hồ lớn mà họ gọi là Grand Lac, dành riêng cho người Pháp và người âu châu sử dụng. Khu vực dành cho người Pháp là trên các vùng đồi như khách sạn Palace, chạy dài suốt đường Trần Hưng Đạo đến Hùng Vương về phía Cam Ly, đường Pasteur,....
Tấm ảnh này cho thấy cái đập, vừa là con đường chạy từ ngã 5, chỗ cây xăng Esso khu xưa, chạy qua hồ Xuân Hương, đến bùng binh Đinh Tiên Hoàng. Có một khúc để nước thông qua khi họ xả đập,.. phía gần bùng binh Đinh Tiên Hoàng. Lúc này ta thấy Thuỷ Tạ chưa được xây cất. Sau này, họ phá cái đập đi thì mới xây trung tâm thể thao thuỷ tạ. Hồ này, người Pháp gọi là HỒ Lớn (Grand Lac).
Cận cảnh cho thấy rõ hơn Thuỷ Tạ chưa được xây và con đường cùng cái đập của hồ Lớn chạy qua bên kia hồ. Khi họ làm ốc đảo Thủy Tạ thì nước lũ chảy mạnh chảy về khu vực này mạnh, phần đất bồi đã bị dẹp bỏ nên rất yếu khiến cái đập bị vỡ làm ngập phần hồ nhỏ (petit lạc) ở khu vực người Việt sinh sống làm chết 15 người nên người Pháp phải phá vỡ cái đập này dời về cầu Ông Đạo, nới rộng hồ ra.
Hình này khúc máy bay trực thăng đậu trước 1975, có hai ông tây, mình đoán là hai ông kiến trúc sư tây, thiết kế nhà ga xe hoả Đàlạt . Thấy cuối cái đập khúc để nước xả nước xuống hồ nhỏ (Petit LAc) khu vực người Việt sinh sống . Xem phần sau.
Hình này cho thấy cái đập từ bùng binh khách sạn Palace chạy qua hồ Lớn đến bùng binh Đinh Tiên Hoàng. Thấy cận cảnh chỗ xả nước hồ xuống phía hồ Nhỏ, bên tay trái, khu vực người Việt sinh sống. Trên đồi thấy dãy nhà của lính tây, về đó nghỉ dưỡng. Sau này, là nhà lao để người Pháp nhốt tù. Mẹ mình bị bắt và bị nhốt tại đây mấy tháng, may được ông Võ Quang Tiềm, nhờ ông thị trưởng Cao Minh Hiệu, can thiệp mới được thả.
Hình này chụp từ khách sạn Palace xuống khu vực người Việt sinh sống, vùng hạ lưu của con suối Cam-Ly. Ta thấy cái hồ, được người Pháp gọi là Petit Lac, nằm từ phía bên kia cái đập hình trên đến chỗ cầu Ông Đạo sau này. Thật ra hồ nhỏ này rất ít nước vì nước đã bị chận bởi Hồ Lớn phía trên. Chỉ khi nào mùa mưa thì mới có nước nhiều.
Cận cảnh cho thấy khu chợ búa của người Việt trước vụ bão lụt 1932. Bên tay phải là đường chạy từ bên hồ kia qua, đến đường Võ Tánh sau này. Phía xa trên đồi là dinh tỉnh trưởng sau này.
Không ảnh này chụp khi Hà Nội cho vét hồ Xuân Hương, giúp chúng ta thấy rõ cái đập đầu tiên, nằm bên trái của Thuỷ Tạ, chận và chia thành hai cái hồ: Grand LAc và Petit Lac. Phía trái, có khúc đỏ là cái đập thứ 2, để chận làm hồ nhỏ (Petit lac), sau 1932 bị vỡ, và người Pháp cho xây cái đập cầu Ông Đạo ngày nay., chỗ đề tên đường Lê Đại Hành.
Đây là hình của cái đập xả nước khu người Việt chỗ hồ nhỏ (Petit Lac), chỗ hình màu đỏ ở trên. Sau đó thì người Pháp cho xây cầu Ông Đạo vào năm 1934-1935.
Bản đồ này hơi sơ sài, nhưng cho ta thấy hồ lớn (grand Lac) còn hồ nhỏ (Petit lac) không bao nhiêu nước nhưng cho thấy rõ con đường và cái đập chạy từ khách sạn Palace qua Đinh Tiên Hoàng. Grand Hôtel (1) chỗ nhà Lao sau này. M là chợ khu Hoà Bình ngày nay (Marché)
Có mấy tấm ảnh cũ khiến mình cứ tò mò không biết định vị từ đâu. Sau này đọc tài liệu thì mới hiểu là được xây dựng trước năm 1932, sau bị bão, cuốn đi một số nhà và làm thiệt mạng 15 người Việt nên người Pháp cho dời lên khu Hoà BÌnh ngày nay.
Hình này chú thích 1948 là sai vì khu vực này bị dời đi sau vụ bão lụt năm 1932.
Hình này chụp từ đồn lính tây, sau này làm nhà lao, nơi mẹ mình bị nhốt mấy tháng. Hình nhìn về phía khách sạn Palace, thấy cái đập chận hồ lớn (grand lac), Thuỷ Tạ chưa được xây cất. Ta thấy khu vực mà Tây gọi là Petit Lac, nơi người Việt cự ngụ, chợ búa đến năm 1932, khi trận bão lụt, càn quét làm vỡ cái đập bên trái, làm trôi và hư hao khu dân cư người Việt bên phải thì người Pháp mới cho dời lên khu Hoà Bình ngày nay.
Hình này chú thích được chụp tại khách sạn Lâm Viên (Palace). Chỗ này, sau khi được phá bỏ thì người Pháp đã làm nước vào hồ Đội Có, để chứa nước và lọc trước khi bơm đi cho người dân Đàlạt sử dụng.
Khi mình tìm ra bản vẽ này thì mới hiểu, các hình ảnh ở trên. Người pháp thiết kế các chợ ngay khu vực hồ Xuân Hương và Ấp Ánh Sáng ngày nay. Đến khi trận bão lụt năm 1932 kéo đến làm hư hại rất nhiều khu vực thấp này, người Pháp mới quyết định dời chợ của người Việt lên khu Hoà Bình ngày nay.
Hình này cho thấy cái đập chận hồ nước nhỏ của khu người Việt, sau vụ bão lụt thì được phá đi mà ta thấy dấu vết trong tấm không ảnh khi Hà Nội cho vét hồ Xuân Hương, rồi cho xây cái đập và cầu Ông Đạo chỗ mấy người thượng đang đứng dưới gốc cây thông. Khu nhà người Việt và người Tàu bị bão lụt tàn phá khiến 15 người bị thiệt mạng. Trên đồi bên trái là dinh tỉnh trưởng sau này. Có thấy nhà ông Quản Đạo
Hình này chụp chỗ từ nhà thờ Con Gà, đường Yersin nhìn xuống khu người Việt và người Tàu sinh sống. Sau vụ bão lụt thì bị dẹp mất và dời lên khu Hoà Bình
Hình này chụp khoảng 1920-1929, trước khi vụ bão lụt cuốn trôi khu chợ của người Việt và người Tàu. Thấy hồ nhỏ (Petit lac), sau này được nhập với hồ Lớn khi người Pháp phá cái đập ngay Thuỷ Tạ, để nới hai hồ thành một bằng cách xây cái đập, cầu Ông Đạo.
Cận cảnh thấy cái hồ nhỏ (Petit lac) khu người Việt và người Tàu sinh sống. Thấy xe tải khi xưa. Thấy chiếc cầu bằng gỗ. Bước qua chiếc cầu là thấy 5 căn tiệm của người Tàu. Xem hình dưới
Khi đi qua cái cầu gỗ, chúng ta sẽ thấy các tiệm của người Tàu. Có thể là các tiệm Đức Xương Long, Vĩnh Hoà khi xưa,.. ai đọc được chữ tầu nơi tiệm, mách dùm.
Cận cảnh là tiệm tạp hoá của người Tàu, bị cuốn trôi khi bão lụt năm 1932.
Mình có tấm ảnh nguyên con đường của phố cũ Đàlạt xưa trước 1932. Có ghi chú ông bá-hộ Chúc, nấu nước nóng cho thiên hạ tắm, trở nên giàu có, sau này có xây cái cầu gỗ được gọi là cầu Bá-Hộ Chúc, nối liền đường Cường Để và Bà Triệu. Để khi nào mình lục lại được sẽ tải lên sau. Hình nhiều quá mà chưa có thì giờ soạn lọc. Chán Mớ Đời
Hình này là đường chính của phố Đàlạt trước khi bị cơn bão lụt năm 1932 cuốn đi. Mình có một tấm ảnh họ đang chơi bài chòi nữa nhưng phải mò cho ra. Thấy dạo ấy người ta có xe kéo.
Hình này cho thấy khu phố người Việt và người Tàu được dời lên khu Hoà Bình. Thấy vạc đất trồng rau trước khi họ xây Chợ Mới Đàlạt, phía dưới khu Hoà Bình. Chợ Gỗ đã được xây cất, có cái chuông còi báo động. Phía đầu cầu Ông Đạo là nhà của ông Quản Đạo, ngay cầu nên dân Đàlạt gọi cầu Ông Đạo. Ta thấy vườn tược của dân Ấp Ánh Sáng bên tay trái, bến xe đò và cây xăng Caltex chưa được xây cất. Có rạp xi-nê Eden, sau này là rạp Ngọc Lan, đường Lê Đại Hành chạy từ cầu Ông Đạo lên khu Hoà Bình.
Hình khu vườn của người Việt từ con suối Cam Ly, phía bên kia là Ấp Ánh Sáng sau này. Ta thấy nhà ông Quản Đạo 1 tí bên phải.
Nhà ông Quản Đạo lúc chưa xây cầu Ông Đạo. Trên đồi thấy dinh tỉnh trưởng sau này.
Cầu Ông Đạo vừa xây xong, thấy bên kia cầu là nhà ông Quản Đạo, sau này được dỡ bỏ để làm bùng binh phun nước. Trên đồi là rạp xi-nê Eden sau này chủ mới đổi tên là Ngọc Lan. Cầu Ông Đạo sau này, Hà Nội có làm lại rộng hơn thì phải. Chỗ này khi xưa, hay có một người lính gác, để xem Việt Cộng có thả mìn theo các lục bình trôi gần cầu để làm nổ cái đập. Có lần chạy qua, thấy anh ta bắn vào đám lục bình khả nghi. Việt Cộng chuyên phá hoại Đàlạt từ xưa đến nay. Chán Mớ Đời
Hình này của ông Bill Robie từng tham chiến tại Việt Nam, có chụp rất nhiều hình ảnh về Đàlạt. Ông ta gửi tấm ảnh này chụp ở bến xe đò gần Ấp Ánh sáng, chỗ cây xăng Cal-Tex của ông chủ nhà hàng Chic Shanghai. Hình này chụp năm Mậu Thân nên ít thấy xe đò. Người Đàlạt dạo ấy chưa hết bàng hoàng về vụ Việt Cộng đánh vào thành phố yên bình. Từ dạo ấy là người Đàlạt biết chiến tranh là gì, khi thấy hoả châu ban đêm được bắn khắp nơi, Việt Cộng pháo kích và bên ta phản pháo,... Chán Mớ Đời
Chỗ bến xe này có một tiệm phở rất ngon, và trên đồi trước rạp xi-nê Ngọc Lan có một hàng phở nên mình không nhớ là tiệm dưới bến xe hay là quán phở trên đường Thành Thái là phở Ngọc Lan. Ai biết xin chỉ dùm. Khi xưa, ít có dịp đi ăn phở vì không có tiền nên không nhớ rõ.
Nhìn kỹ thì thấy có cái Talus làm bằng đá ong, để nâng cao bãi bến xe đò. Thấy núi rác cạnh tấm quảng cáo Marfak. Bao nhiêu rác của bến xe là họ đỗ xuống đây. Mùa khô thì ruồi còn mùa mưa thì cuốn trôi về thác Cam -Ly. Chán Mớ Đời
Nguyễn Hoàng Sơn