Hôm trước kể cha con làm vườn thì nhớ đến ông thợ ống nước, gốc nhật, được chủ vườn trước mướn thành lập hệ thống nước tưới của vườn mình 30 năm trước, khi mới bắt đầu thành lập ngôi vườn. Ông ta sử dụng loại ống nước rẻ tiền và làm cẩu thả nên khi mình mua vườn thì hệ thống ống nước hay bị bể hoài nên mình phải thay hết hệ thống ống nước dùng đồ rẻ tiền. Thậm chí, phần ông ta xài đồ tốt cũng bị bể như trường hợp tuần này, mình phải ở lại đến 10 giờ đêm hôm qua mới về.
Thường người ta muốn lái hệ thống ống nước về bên phải hay trái, người chuyên môn sẽ sử dụng hai coupling 45 độ (45x2=90), giúp nước lưu thông dễ dàng hơn. Ông nhật sử dụng cái connector 90 độ để bớt tốn công, hà tiện gắn 2 cái 45 độ, chưa tới $2 nên khi áp suất của nước mạnh (100 psi) khiến nước bị cua gắt nên lâu ngày bị xì hơi và nước chảy rỉ rỏ. Mình thấy đồng hồ áp suất bị giảm còn 90 psi nên đoán là bị rỉ ống nước. May quá khám phá ra ngay trước khi nó bị bể chảy như bão lụt. Ông này chỉ tiếc làm thêm một cái coupling tốn độ $2 mà khiến gia chủ bị nạn sau này. Không có lương tâm.
Ông này cũng di dân, nghèo khó nên cũng hà tiện, bòn, tìm cách ăn gian khi làm việc để giảm số tiền mua vật liệu và nhân công. Do đó không nên mướn thầu khoán gốc di dân như mình vì hay bòn, hà tiện. Người Mỹ làm thì tốn hao vật liệu lắm, họ cứ cắt để ráp các ống với nhau hay khi làm nhà cũng vậy. Khi mình mướn thợ thì hay bòn, hà tiện cây gỗ, vật liệu nhưng sau này mình khoán cho người Mỹ thì thấy thợ mỹ, họ xài vật liệu theo quan điểm của mình, rất phung phí nhưng được cái là ngăn nắp, không vá víu, nhanh nhẹn vì không phải đi lượm các khúc gỗ nhỏ quăn. Cưa cái mới chỉ tốn 10 giây còn đi lượm khúc vừa ý là mất cả 10 phút.
Chính phủ cho tiền để thay lại hệ thống cũ nên mình gọi ông thầu làm hệ thống tưới, có chân trong hội đồng quản trị của cơ quan quyết định cho nông dân tiền để nâng cấp hệ thống tưới. Khi gặp ông ta, nói là chính ông ta đã thực hiện hệ thống tưới này khiến mình hết dám mướn dù rẻ tiền nhất. Cũng tội, thấy ông ta về già, bị tai biến, ngồi xe lăn, đến vườn, chỉ ngồi trong xe, nói thợ đi đo đạt. May mắn, mình có quen một ông gốc Salvador, hay mướn để cày đất trong vườn, khám phá ra ông ta từng làm thợ nước.
Có lần ông ta cày bể ống nước, thấy ông ta sửa chửa rất bài bảng, khác với mấy tên cắt cỏ, chỉ vá víu kiểu bricolage, thời gian sau lại bị hư lại. Hỏi thì ông ta cho biết khi mới sang Hoa Kỳ, ông ta làm cho công ty chuyên làm hệ thống ống nước, sau này có tiền mua xe máy cày, máy đào đất, làm có tiền nhiều hơn. Mình mướn ông ta làm thì rất nhanh và gọn, rẻ gấp 2 lần ông người nhật, còn người Mỹ thì giá gấp 4. Nhất là ông ta chỉ cho mình cách làm cho nước lên đồi mạnh. Nay mình có thể tưới vườn khắp nơi nếu trời nắng nhất, ít sợ bị rụng trái. Tưới nước cả năm, chỉ có vài ngày nóng trên 100 độ là coi như hết thu hoạch vì nóng quá mà không tưới kịp thì trái rụng.
Xem trên mạng, các video cho thấy thực khách người Việt hay người Tàu, chen nhau để dành thức ăn bao bụng, cho thấy hậu chứng tâm lý của cái nghèo đeo theo chúng ta. Ngày nay, người Việt hay người Tàu có đời sống giàu có, sung túc hơn xưa. Khi xưa, mình vào nhà hàng buffet là ăn cho “đáng đồng tiền bát gạo”. Ăn mệt thở. Nhớ có lần đi ăn buffet ở sòng bài Bellagio, Las Vegas. Hai vợ chồng, hai đứa con mệt thở đến nổi mấy đứa thở không nổi, ôm cái bụng nặng tề lề. Nay đọc sách báo về sức khoẻ nên mình hạn chế, không dám vào buffet, sợ cái máu hà tiện DNA trong mình nổi sung lên ăn như điên, làm hại cơ thể.
Đi ăn bao bụng hay thấy cảnh người á châu, ăn ít nhưng lại lấy rất nhiều, rồi bỏ mứa khiến chủ nhà hàng phải cảnh báo: ăn không hết sẽ tính tiền thêm. Nhà hàng đại hàn thì họ cho ăn líp ba-ga nhưng phải hết món này thì họ mới đem ra món khác để tránh bệnh hậu chứng tâm lý của người á châu nghèo, di cư sang Hoa Kỳ, vẫn còn mang theo trong DNA của mình.
Nghe nói người Việt tại Việt Nam, phải nối đuôi xếp hàng trước toà đại sứ Hoà Lan để lãnh dù tặng miễn phí như thể thời bao cấp. Nghe kể thời xã hội chủ nghĩa bên khố Liên Xô, cứ thấy xếp hàng là mọi người đứng lại xếp hàng dù không biết để làm gì. Chúng ta có thể đỗ thừa tại vì thời bao cấp nhưng trên thực tế, những người như mình không sống với Việt Cộng ngày nào, cũng bòn rút nếu có dịp.
Kỳ này, mình xin tiền chính phủ Cali làm lại hệ thống tưới cây. Họ đã cho thay lại hệ thống nước chính năm ngoái. Nay chỉ còn hệ thống tưới 1,200 cây bơ là xong, mình sẽ hết nợ với mấy con thú rừng, đến cắn phá hệ thống tưới để uống nước vì suối cạn.
Mình lay-out trong tuần hết các ống nước, không vá víu gì cả, cứ thả dàn như người Mỹ nên cảm thấy thoải mái. Chắc vì chính phủ cho tiền. Mỗi ngày leo đồi từ 6-9 dậm. Vườn bơ thường được trồng trên sườn đồi vì cây bơ không giữ được nước. Nước đọng sẽ làm thối rể.
Anh thợ phụ mình, trong tuần làm cho chủ, cuối tuần, muốn kiếm thêm tiền để làm vốn về xứ nên phụ mình ngày chủ nhật. Trong cuộc đời, làm ăn mà kiếm được thợ như anh này là trúng số. Ngay chủ anh ta, người mình mướn để thay lại hệ thống nước chính, cũng nói: tìm được thợ như anh này là khó khăn, các thợ kia chỉ làm vì tiền, còn anh này cứ làm cho hết việc mới về, chả đòi hỏi gì thêm”. Có cái vườn thì cũng lợi, mình hay hái bơ tặng thiên hạ nên họ quý mình và khi mình cần gì là họ đến giúp ngay.
Hôm trước, hỏi thăm chị của anh bạn học cũ Đàlạt. Chị ta cho biết: “ Nó vẫn còn đi làm cho đội phụ tùng cho xe đò Hoàng. Chú Hoàng nói sẽ nuôi nó cho đến chết vì giỏi và không gian lận. Cho nên chàng ta cũng không có nhiều thì giờ, một năm lên Dalat 1, 2 ngày là cùng. Cảm ơn Sơn nhiều nhé.” Làm việc mà kiếm những người phụ tá như anh bạn học của mình hay anh thợ phụ mình vào chủ nhật thì sẽ thành công. Nói như tướng số là có cung Nô Bộc.
Theo kinh nghiệm thì mình đàng hoàng, đối xử tốt với người ta thì họ tử tế lại với mình, chớ chả cần tử vi, sinh vi gì cả. Họ gắn bó với mình vì tình cảm chớ tiền bạc thì họ bỏ đi ngay. Hôm ông adjuster của bảo hiểm được phái xuống vườn mình để xem xét vì mình khai mất mùa như đa số các trại trồng bơ vùng này vì năm ngoái có mấy ngày hạn hán, khiến trái rụng nhiều. Mình nói chuyện vui vẻ, kêu packing house khuyên mình, không nên hái trái bơ năm nay vì tốn tiền mướn thợ hái mà lại ít trái. Ông ta xin điện thoại của packing house để liên lạc. Không biết người đại diện của công ty mua bơ của mình nói gì mà bảo hiểm đền cho mình 75%. Thật ra có trái nhưng ít, mướn thợ hái còn tốn tiền hơn là không hái, lãnh tiền của chính phủ, để thời gian chuẩn bị năm sau.
Lâu lâu gặp bạn ăn uống, đa số hay rên về anh chị em của họ. Kêu người này đến nhà bố mẹ bòn cái này, xin cái kia nhưng khi hô lên, dọn dẹp nhà bố mẹ vì ông bà cụ lớn tuổi thì ai nấy đều ní cho nhau, kêu bận. Hay kêu bán đi, cho bố mẹ vào viện dưỡng lão, lấy tiền chia. Sửa nhà cho bố mẹ ở vào tuổi già thì không ai muốn bỏ tiền nhưng khi cha mẹ nằm xuống thì muốn phần gia tài của mình phải nhiều hơn, kể là có công này nọ.
Khi mấy đứa con còn bé, cho đi sinh hoạt với bạn cùng tuổi thì mình khám phá tinh thần phục vụ cồng đồng của người Mỹ rất cao. Họ tự đứng ra tổ chức, gây quỹ, kiếm tiền để cho hội có ngân sách để mướn huấn luyện viên,... họ làm một cách vô vị lợi.
Điển hình khi con mình tham gia đội bơi. Cứ 6 tháng là hội tổ chức một cuộc đấu thi trong vùng. Các phụ huynh đều phải tham gia, ai bận thì họ phạt tiền, cách như đóng góp nhưng không phải làm việc. Họ tổ chức người này, nhóm nọ lo chuẩn bị lều, máy móc điện tử bấm giờ, nhóm kia lo phần thức ăn, nấu nướng,... chả thấy ai là chủ tịch chủ tiếc gì cả. Có một người gọi là coordinator, rồi chỉ gửi danh sách ra rồi tự động ai muốn điền tên và ngày giờ giúp công tác nào vào đấy là xong chuyện.
Có lẻ họ quen lối sống của kẻ thừa sai, sinh hoạt nhà thờ nên thấy tự nhiên. Mấy hội mình tham gia từ mấy chục năm nay như Lions Club, Toastmasters, địa ốc đầu tư,...thấy các hội viên sinh hoạt rất linh hoạt, không ai màng đến chức tước. Có ông về già, bỏ tiền ra đóng trên 100 cái giường 2 tầng cho hội để các em nghèo có thể lên đó nghỉ hè. Người Mỹ nghèo đâu có thời gian đi nghỉ hè nên hội mới tổ chức trại hè cho các em nghèo, đi trượt tuyết,... có người lái xe, chở các em, đón các người già,...
Tuần trước, mình kể mấy người bạn của đồng chí gái ghé thăm vườn, hái lộc thì tuần vừa rồi, có mấy người quen muốn ghé vườn nên mình đồng ý. Mấy người này thì chuyên nghiệp, họ đem nguyên xe 4 bánh để kéo đồ như đi cắm trại, để hái bơ mang về. Kinh
Ngược lại mình có tên học nghề mua nhà của mình, đem con đến, hái vài trái tượng trưng. Cho thấy tâm lý nghèo vẫn còn ám ảnh chúng ta dù nay đã ở Hoa Kỳ, thành đạt. Di chứng tâm lý hậu chiến tranh vẫn còn hiện hữu, chưa được gọt bỏ trong tâm khảm của chúng ta.
Ở Hoa Kỳ, hàng năm họ tổ chức lễ tưởng niệm các chiến thắng của thế chiến thứ 2 nhưng chiến tranh Việt Nam thì không được nhắc đến. Mình rời Việt Nam trước 04/75, không sống với Việt Cộng ngày nào nhưng di chứng tâm lý chiến tranh vẫn đeo theo mình, nhất là Tết Mậu Thân, với súng đạn bắn từ trực thăng từ trên khu xóm của mình về phía Số 4. Những tiếng nổ của bom Napalm, khói mịt mù vẫn như ngày hôm qua.
Hôm qua, thấy đồng chí gái đang xem phim bộ đại hàn trên Netflix, mình ghé ngồi bên cạnh một lát. Thấy cảnh có hai vợ chồng già, ông chồng mua tặng vợ cái áo đắt tiền khiến bà ta nói chưa bao giờ bận áo đắt tiền nên tính đêm đi trả nhưng ông chồng đã cắt cái nhãn hiệu. Ông chồng chở đi xa ngoại ô, đến một tiệm ăn cực kỳ sang trọng ăn đồ tây, sau đó ông ta chở đến một khách sạn 5 sao nhưng bà vợ ngại ngùng, kêu tốn tiền, đòi về. Cuối cùng thì thấy ông ta có Bồ khác và kêu ly-dị.
Tâm lý bòn của người nghèo đã theo đuổi bà vợ của ông giáo sư tên tuổi, khiến bà ta không dám tự tặng cho mình những giây phút hạnh phúc, để rồi người chồng chán nản, vì không đồng điệu, xin ly-dị. Viết đến đây mới nhớ nhà thơ Phùng Quán có nói đâu đó: “người Việt cái gì cũng biết ngoại trừ hạnh phúc”.
Tỵ nạn di-sản mà người Việt chúng ta thừa hưởng từ bố mẹ, bao gồm sự nghèo đói, bơ vơ lạc lõng tại quê người đất khách. Di chứng tâm lý đó chúng ta có cần phải tiếp tục gắn lên tâm lý con cháu chúng ta tiếp tục hay không? Hay cố gắng quên đi, để giúp con cháu, thoát cảnh vác trên vai một di sản lịch sử. Dạo này mình ít kể về Việt Nam cho hai đứa con. Chỉ nói chuyện về tương lai chúng ở Hoa Kỳ, đầu tư, tình yêu vớ vẫn.
Tuần rồi cả gia đình mình đi ăn một bữa cơm chung đắt tiền nhất từ khi lập gia đình đến giờ. Tiệm ăn này, mình có đi ăn một lần khi công ty tổ chức ăn tất niên. Hai vợ chồng mình đi dự, rất ngon. Hôm trước, trong buổi họp của hội Toastmasters , có hai người Mỹ nhắc đến tiệm ăn này nên mình kêu con gái đặt trước đâu cả tháng. Tiệm này chỉ nhận có một lượt thực khách và họ tiếp đãi từ 7:00 tối đến 11:00 đêm, xem như bữa ăn 6 món kéo dài đến 4 tiếng đồng hồ. Mùa đại dịch mà đông như quân Nguyên.
Thà giàu có mà sung sướng còn hơn nghèo đói mà đau khổ. Châm ngôn tại Bôn Sa
Nguyễn Hoàng Sơn