Trường Đa Nghĩa

Nhìn tấm ảnh của ông Bill Robie, phi công mỹ từng tham chiến tại Đàlạt, chụp gần xóm mình nên bao nhiêu kỷ niệm về xóm xưa, như ngọn suối Manon Des Sources, được khơi lại nên kể lại đây để khỏi nhớ. Mình cảm thấy “Không Nhớ” là một hạnh phúc của đời người. Khi nhớ, người ta quay quắt, khắc khoải trong đầu như ông Marcel Proust, khi xưa cứ lêu bêu về cái làng Combrey của ông ta. Mình có anh bạn học cũ, cứ quay quắt về Đàlạt, tìm hình ảnh của chợ Đàlạt, để vẽ lại qua hình ảnh, để rồi anh ta trở lại Đàlạt sau 42 năm xa vắng, không nghe anh ta nhắc đến Đàlạt nữa.

Tấm ảnh cho thấy lãnh địa Đức Bà (domaine de Marie), rộng lớn, có 3 con đường đi qua: Trần Bình Trọng, chỗ nhà của Easy Rider, Calmette, Ngô QUyền lên Số 4 bên tay phải, đường Thi Sách, và cái dốc, con đường mòn nhỏ nối liền đường Ngô Quyền, Thi Sách và Hai Bà Trưng, cạnh trường tiểu học Đa Nghĩa xưa, nay đổi thành trường Lê Quý Đôn thì phải. Mình có trở lại đây, tập dưỡng sinh vài ngày khi về Đàlạt, với mẹ mình và nhóm người cao tuổi.

Xem hình thì mới nhận thấy khuôn viên của LÃnh Địa Đức BÀ rất to, hình như 25 mẫu đất, nay không biết còn lại bao nhiêu. Mình không rành đường Calmette lắm, chỉ thấy nhà của chị Lệ Khánh, con cậu Mân, làm phó trưởng ty cảnh sát Đàlạt. Chị này nổi tiếng với bài thơ: “em là con gái trời bắt xấu”. Căn nhà hai tầng đối diện nhà thương Nhi Đồng. Nhà của gia đình nhạc sỹ Nguyễn Đức Quang, không có trong tấm ảnh, phía bên tay trái.

Đường Thi Sách thì nhớ nhiều hơn, ngay cái dốc từ Ngô Quyền, đi băng xuống Thi Sách và Hai Bà Trưng, có dãy cư xá của ty Kiên Thiết, có nhà tên Cao Tuấn, và nhà ông Định, bắc kỳ, ông cụ mình hay đến đây đánh Chắn. Xuống tí xíu bên tay trái là nhà của thằng Lê Công HÙng, con của ông Lê Công Oai, vua bắt nằm vùng của trung tâm thẩm vấn. Nghe con Cò Đào, chung xóm thì tên Hùng nay ở Tà In. Trước nhà có cổng nhưng lại kéo thêm hàng rào kẽm gai loại cuốn. Tối là kéo lại thêm mấy cái lon coca để lỡ nằm vùng đến nhà là biết. Mình ăn thịt chó lần đầu tiên trong đời ở nhà này.

Đối diện nhà nó là căn biệt thư to đùng của trung tá Tốn, xe bị nổ mìn khi xưa trong Đa Thiện. Nhà này cũng kẽm gai đầy vì gần Số 4, nằm vùng nhiều lắm. Ông này có cô con gái tên Thi, mà tên Tuấn Cao, hàng xóm, cứ hát bản nhạc của ông Hoàng Thi Thơ, “Thi ơi Thi,..” đến nay, dù đã đào địa đạo ở Củ Chi, vẫn còn nhắc. Ai có tin tức cô này thì cho hắn xin. Nghe nói học cùng khoá với mình ở Yersin, nay ở Mỹ.

Đi tới phía tay trái chút xíu, là vườn của bà Hành, mẹ thằng Nhân và con Xuân. Mình hay đến đây để bắt lăn quăn về cho gà ăn, trong cái hồ chứa nước mưa. Chỗ này, tên Chử NHị Anh,  có lần chạy chiếc xe Mercedes, màu trắng của bố hắn, đi ngang đây bị xình lầy. Thầy Chử BÁ Anh, đến nhà mình, nhờ cậu kéo chiếc xe ra khỏi vùng lầy. Mình đem xe Jeep của ông cụ lên đường Thi Sách, lấy dây dừa kéo chiếc xe ra khỏi vùng xình, xớ rớ sao cái huy hiệu tròn của Mercedes gắn trên capot bị gãy, khiến thầy CBA rầu. Mình kể lại vụ này thì tên Nhị ANh nhìn mình như bò đội nón, không nhớ. Cho thấy nhớ là mệt vì khi kể chuyện thiên hạ thì họ lại không nhớ. Họ hạnh phúc hơn. Chán Mớ Đời 

Bà Hành, giận chồng có vợ bé nên cắm dùi miếng đất trên đường Thi Sách, gần nhà mình, mở quán bán tạp hóa, nuôi con. Thằng Nhân, học Văn Học, rớt tú tài, đi lính sư đoàn 7, chết trận gần Cai Lậy. Con XUân nghe kể nay giàu lắm, ở Sàigòn. Trong xóm mình dạo ấy, nay nghe con Xuân, con gái đầu của bà Ron và Tí Em là đại gia tại Sàigòn.

Bài này, viết về trường Đa Nghĩa mà chạy lòng vòng. Cho thấy cái đầu của mình cứ chạy lêu bêu ở đâu.

Nhìn không ảnh, chỗ con đường mòn, băng từ đường Hai Bà Trưng, lên Thi Sách, đến đường Ngô Quyền, ngay Thi Sách có nhà biến điện. Sau này thì có đồn Nhân Dân Tự Vệ, bị nằm vùng tấn công 1 lần vào ban đêm, ở nhà mình, bố mình với mình đứng xem qua cửa sổ. Thằng Tuấn, em bà con chi với hUỳnh Kim Sang, rủ mình đi nhân dân tự vệ khu phố II nhưng mình được ông NGô La ký giấy Nhân Dân Tự Vệ ở KHu phố I. Hú vía, nếu không bị lãnh đạn khi nằm vùng tấn công.

Bên tay phải là khuôn viên của trường tiểu học Đa NGhĩa, rất to. Chỉ có một dãy lớp, mái trường được lợp bằng loại tôn xi-măng. Chỗ cầu thang từ đường Hai Bà Trưng lên, có nhà hiệu trưởng và văn phòng. Hình này lúc đầu vì mình nhớ sau này có hai dãy lớp, học sinh nhiều hơn nên họ xây thêm lớp học. Thêm cái nhà nhỏ của ông Cai bên cạnh.

Mình được thiên hạ gửi cho 700 tấm ảnh cũ về Đàlạt, thêm đọc trên mạng có những ảnh mình chôm về để viết. Nay tải lên đây cho bà con xem. Em không biết là ảnh tải về từ đâu. Mình không biết tác giả là ai nên không xin phép. Ai là tác giả thì cho em biết để bổ túc tên thêm.
Chỗ này là nơi tam cấp đi lên từ đường Hai Bà Trưng. Cổng có hai lá cửa để đóng lại sau khi tan trường. Nếu mình không lầm thì có hai lớp, sáng chiều. Cô em gái mình học ở đây, vào buổi sáng thì phải. Đi bộ lên trường, sau này thi đậu vào trường Bùi Thị Xuân, đến khi Việt Cộng vào.

Nói chung mình đến khu này, xa lắm là nhà Bà Cáp, Dì Gái (Ngụ), hay nhà thằng Kháng, học chung khi xưa. Chớ lên Số 4 thì xa lắm là tiệm đánh bi-da.
Dạo ấy, muốn học ở đây phải thi tuyển vào. Ai rớt thì học trường tư, xung quanh đó. Bên đường Phan Đình Phùng có trường MInh Trí, gần xóm Giếng, và trường Trưng Vương của mấy bà sơ, gần Ngã Ba Chùa. Xóm mình có anh Bình, con ông Khoa, mở lớp dạy con nít trong xóm đến khi anh ta đi lính sau Mậu Thân.

Mấy tên học với anh Bình như Phú NGuyễn, nay ở Montreal, Huỳnh Kim Sang, Bình, Tuấn, Cường ở xóm Pasteur, sau này đi Võ Bị. Trong xóm mình thì có thằng Sửu và thằng Dư, anh con Thuý. Anh BÌnh dạy học rất giỏi vì không thấy đứa nào đậu vào trường trung học công như Trần Hưng Đạo và Bùi Thị Xuân. Thằng Dư và Thằng Sửu rớt, còn mấy tên kia, sau này thấy học Văn Học hết.

Anh Bình có thằng con đầu tên Đắc, thua mình một tuổi nhưng không hiểu sao lại kêu anh Bình. Còn em của anh Bình, thì mình kêu Cô Cúc, chú Sanh và chú Hành. Chú Sanh đi Võ Bị, còn chú Hành thì đậu vào không lưu, làm việc ở phi trường Tân sân Nhất. Còn cô Cúc thì lấy ông sỹ quan nào, mất tích từ khi rời Đàlạt, theo chồng.

Cô Cúc, có lần chạy qua nhà mình trốn anh Bình, khóc lóc bú xua la mua. Số là anh BÌnh nhờ đem thằng Đắc hay thằng Thái đi bác sỹ, cô này kêu bận chi đó. Thế là anh Bình nổi điên lên, lấy giày dép của cô đem chặt hết, áo quần cũng xé bương ra hết, khệnh cô em tả tơi, chạy qua nhà mình núp, đợi mẹ mình hay ông cụ, sang nhà nói phải trái.

Có lần, cô đi chơi với ông tây về, ông tây đậu xe trước sân nhà mình, khiến mình tức nên lấy cục gạch chấn bánh xe, khiến chiếc xe con cóc, 2 ngựa, từ từ chạy lui xuống hố. Kinh

Lần đầu tiên về Đàlạt, ông cụ chở mình lên Nghĩa địa Du Sinh, viếng mộ của hai người em, thấy một cái mộ, có hình anh Bình, lại đề tên Lê MInh Sớm, tự ANh Bình. Hoá ra, anh ta theo Việt Cộng, bị bắt thời Ngô tổng thống, bị đày ra Côn Đảo, về lại Đàlạt, làm giấy khai sinh giả. Có thể vì vậy trong xóm gọi anh BÌnh để khỏi lôi thôi đến tiểu sử cách mạng của anh ta. Sau này anh ta đi lính kiểng, sáng đi chiều về trên Nhà LAo, chỗ cầu Ông Đạo, nơi mẹ mình bị mật thám bắt, giam tại đây. Sau nhờ ông Võ Quang Tiềm, bảo lãnh nên ông thị trưởng Cao MInh Hiệu, mới thả, nếu không có thể bị bắn chết như 21 ngươi ở Cam Ly, mà có một bà tên Lan sống sót ở Số 4.

Khi ông Khoa về hưu, dọn về Ba Ngoài ở, trả lại nhà cho ty công chánh, sau này gia đình ông Tước dọn đến ở. Anh Bình cắm dùi miếng đất sau nhà vệ sinh công cộng của xóm, lại khiến bà làm vườn, người chửi cả tháng khi mình và thằng Khánh Ù, ăn cắp buồn chuối của bà ta.

Bà ta và cô Kim, vợ anh Bình chửi nhau vì bà ta nghĩ miếng đất nằm cạnh chuồng heo của bà là thuộc về gia đình bà ta. Hai bà này, gốc Bắc nên chửi nhau hay lắm, không nhớ chửi ra sao.
Đọc trên mạng, có ai nói là hình bố của họ, hiệu trưởng đầu tiên của trường tiểu học Đa Nghĩa.
Chắc là ông hiệu trưởng đầu tiên của trưởng.

Mình nhớ trường có ông Cai, có thằng con tên Hùng thì phải, bằng tuổi mình hay hơn 1 tuổi. Nhà ông Cai ở gần nhà hiệu trưởng. Thằng con ông Cai hay đánh lộn với thằng Đôn, ở xóm mình. Không hiểu lý do, chắc là kết cô nào trong xóm mình. Dạo ấy, trong xóm hai gia đình có con gái đẹp, nhà ông bà Tước và nhà ông bà Hân, cạnh nhà thằng Đôn. Sau này, mình không thấy thằng con ông Cai nữa, chắc trốn vào bưng hay đi lính. Thằng Đôn, sau 75, đi bộ đội chết. 

Hồi nhỏ, hay chạy lên trường này này đá banh với tụi xóm gần đó, sau này hay bị chúng đánh nên hết dám lên, nhất là khu Số 4. Sau này, mình có phát hiện ra một cô bé học đệ nhất cấp buổi chiều ở Văn Học, rất xinh, má hồng, ở đâu gần trường này, nhưng không biết nhà. Khuôn mặt giống chị Phạm thị Bích Thuỷ, nay ở Đức quốc, mình có gặp một lần trong buổi hội ngộ tại San Jose, không biết có phải em gái của chị này hay không. Lúc gặp quên hỏi. Chán Mớ Đời 

Dạ ngày xưa có Chị  Thuỳ Oanh rất rất là xinh, nét đẹp rất Tây hay đội mũ có vành rộng ,học trường Văn học buổi chiều nhà ở ngay đối diện cổng chính( Hai bà Trưng) trường Đa nghĩa nhà có cây 🌲 trước sân nhà (chị ấy sinh tầm năm 1960 ,61)

Mình thấy trên mạng có bài của chị Thiên Hương, nữ sinh Bùi Thị Xuân viết về bố chị ta, hiệu trưởng trường  Đa Nghĩa, đem về đây cho mọi người đọc thêm nếu thích. Đem về không được vì PDF , Blogger không cho. Ai muốn đọc thì vào nhóm Đa Nghĩa trên Facebook.


Trường Đa Nghĩa năm 1946 (Ecole Elementaire de Da Nghia): Từ trái sang : Thầy Đinh Thái Anh, Thầy Đồng Văn Cảnh, Thầy  Đinh Văn Viên .

Nguyễn Hoàng Sơn