Xeo-phì

 Mỗi lần đi dã ngoại, đồng chí gái bắt mình chụp hình, lâu lâu phải xeo-phì 2 vợ chồng để khẳng định là đã đến đây như Julius Ceasar khi xưa từng tuyên bố: “veni vidi vici”. Khi không có người đi qua để nhờ chụp thì phải xeo-phì với vợ nên hay bị la. Mụ vợ la: “khi xưa, mới quen tui, ôn chụp hình tui đẹp, răn bi chừ chụp xấu rứa” Chán Mớ Đời 

Khi xưa, đi giang hồ, mình không có máy chụp hình, chỉ vẽ tranh hay croquis. Từ ngày có vợ thì hết màn đó vì vợ không thích mất thì giờ ngồi đợi mình, vẽ phố xá hay phong cảnh trước mặt. Khi xưa, ở âu châu, đi chơi thì cô bạn là sinh viên trang trí nội thất nên ngồi vẽ như mình. Cô nào không phải dân kiến trúc thì ngồi đọc sách bên cạnh. 

Cách đây 1 tuần, mình đi dã ngoại với vợ và hai cô bạn ở tiểu bang Utah. Cảnh đẹp, chỉ muốn ngồi vẽ nhưng mấy bà bắt chụp hình, xeo-phì. Khi leo núi 7 ngày ở Peru, cảnh vật đẹp chi lạ, chỉ muốn ngồi xuống để vẽ nhưng chịu vì thời gian không cho phép, nhất là mình đi chậm. Mình tự hứa là từ nay có đi chơi ở đâu, phải đem theo cuốn sổ esquisse để vẽ vớ vẩn lại như xưa.

Bức tranh con mắt hoạ sĩ của Salvador Dali

Người ta tính trung bình mỗi ngày thiên hạ trên thế giới tải lên các trang mạng xã hội hơn 1 tỷ tấm ảnh, để kỷ niệm những ngày xưa thân ái, những ký ức của họ trong tương lai. Có lẻ vì vậy mà các mạng xã hội giàu nhờ quảng cáo. Vấn đề là các chuyên gia về não bộ lại cho rằng các hình ảnh này sẽ cản trở trí nhớ, hồi tưởng của chúng ta sau này.

Với kỹ thuật của máy chụp ảnh của điện thoại ngày nay, chúng ta chỉ đưa lên nhắm, rồi nhấn cả chục cái. Hành động này, sẽ thay đổi sự cảm nhận của chúng ta trong giây phút ngắn ngủi, tích tắc đồng hồ này. Ghi vào bộ nhớ. Chỉ khi nào xem lại tấm ảnh chụp một cách vội vã, chúng ta mới để ý đến hiện vật xung quanh. Ai cũng tự nhủ sẽ làm một album, sau khi chơi ở đâu về. Mình về Cali đã gần 1 tháng mà chưa có thì giờ soạn lại các tấm ảnh chụp khi đi Peru hay tuần rồi đi Utah. Khi xưa, con còn bé, đi chơi cả gia đình thì chụp, soạn nay thì qua iPhone nên cứ để đó.

Building Sears ở CHicago
New York 1986, khi viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên

Trong thời gian đả thông tư tưởng đồng chí gái, cuối tuần cô nàng hay kêu mình chở đi đâu để chụp hình như Huntington Library, nơi có mấy cái vườn, đủ hoa. Dạo ấy, chụp hình bằng phim để rữa nên khi chụp hình, mình phải canh, xem góc độ nào, ánh sáng, làm sao cân đối như một bức tranh. Mất thì giờ nhưng đỡ tốn tiền rữa ảnh.

Nay với máy điện thoại thì chụp bú xua la mua. Thêm nữa, cảnh vật hay phong cảnh đẹp thì chụp, nay bà vợ đứng chình ình trước mặt, che hết sự vật thì còn đâu là đẹp nữa. Bà kêu phải thấy cảnh vật phía sau thì phải chụp xa. Chụp xa thì mụ vợ chửi không thấy rõ mặt, bạn bè lại tưởng ai khác. Chán Mớ Đời 

1 trong những nguyên do chúng ta chụp hình để ghi nhớ, làm kỷ niệm sau này như khi sinh con, họp mặt, hay đi du lịch. Mình nhớ khi thằng con đầu mới ra đời thì chụp hình, quay video đủ trò. Khi mới bập bẹ kêu ba ba, chập chững bò hay đi, nó đái cũng quay video, đủ trò. Đến khi con gái ra đời thì một hôm mình kêu ủa con này biết nói tự bao giờ. Lúc mới lấy nhau hay sinh con đầu lòng, chúng ta bước sang 1 trang sử mới cuộc đời nên thấy lạ, muốn ghi lại tất cả nhưng lâu ngày theo thói quen, thấy quá tầm thường. Nay chả biết mấy thứ này để ở đâu.

Trong cuốn  "Work Smarter with Social Media"  bà  Alexandra Samuel, có kể vài thí dụ nghiên cứu về chụp ảnh. Có lần bà ta làm một nghiên cứu mang tên “Bored and Brilliant Project”, khuyến khích 20,000 người chụp ảnh tài tử, từ bỏ máy ảnh của họ để giúp họ về mặt sáng tạo.

Nếu có thì giờ thì mình ngồi lâu để vẽ chi tiết hơn

Khi xưa, trước khi vẽ, mình hay lấy cái lăng kính thu nhỏ, làm nhỏ lại các hiện vật, để quan sát, ngắm nghía, xem vẽ khúc nào đoạn nào. Mất khá nhiều thì giờ, nhiều khi phải đổi chỗ. Nay với cái điện thoại thì  cứ nhấn bú xua la ta, nếu có thì giờ thì ê-đít lại, còn không thì quên. Nói cho ngay, mình chưa xem lại hình ảnh đi Peru nữa. Có nhiều việc phải làm.

Kết quả cho thấy đa số kêu họ dùng hình ảnh để giúp trí nhớ, như mình hay làm khi đậu xe ở bãi số mấy ở phi trường, chụp nhãn hiệu gì đó để xem lại để mua. Vấn đề là mỗi khi chúng ta chụp nhanh một tấm ảnh, vô hình trung chúng ta giảm trí nhớ của mình 1 tị.

Phân khoa tâm lý của Đại học Fairfield ở Connecticut, nghiên cứu về chụp hình và trí nhớ như sau. Họ cho các sinh viên viếng thăm một viện bảo tàng. Họ nói sinh viên chụp hình tấm tranh, hình tượng mà họ xem và quan sát.

Hí hoạ được đăng trên báo Ý Đại Lợi 

Ngày hôm sau, họ đưa sinh viên vào phòng thí nghiệm để khảo sát về trí nhớ của sinh viên, xem họ có nhớ mấy tấm tranh hay hình tượng đã xem. Nếu sinh viên nào nhớ một tấm tranh thì họ hỏi tiếp về chi tiết hiển thị. Họ nhận thấy là chụp ảnh với máy chụp ảnh, có thể giúp chúng ta bớt tải về hình ảnh để có thể quan sát những điểm khác. Vấn đề là chúng ta cứ chạy theo cái tiếp theo, tiếp theo và không bao giờ quan sát toàn diện vật thể hay phong cảnh trong khoản khắc đó.

Khi xưa, đi viếng triển lãm tranh hay viện bảo tàng, mình hay vẽ lại để hiểu Mondrian, Dali,.. hoạ tranh của họ, màu mè,… vẽ lại theo mình là một cách quan sát. Tương tự khi xưa, đi học , thầy giảng thì ghi chép, về nhà đọc lại sổ ghi thì mới nhớ lại bài giảng.

Họ làm một nghiên cứu khác để xem trí nhớ khi cho xem lại những tấm ảnh mà chính các sinh viên chụp để nhắc lại cho họ giây phút, khoản khắc khi họ chụp. Họ khám phá ra sinh viên cứ lo chụp tấm này rồi tấm khác nên không nhìn hay quan sát vật thể. Do đó sinh viên chả nhớ gì cả. Do đó chụp hình làm mất thì giờ. Tốt nhất là như ông Thích Nhất Hạnh đề ra, chúng ta nên chánh niệm, không gian, vật thể, hơi thở ngay lúc đó. Chớ chụp ở hình tạo dáng, chưa chắc có ai xem, ngoại trừ người thân, gia đình.

Thật ra khi chụp hình nhất là với máy điện thoại ngày nay, chúng ta cứ chụp khiến thay đổi sự trải nghiệm của chúng ta tại khoản khắc đó. Lý do là khi chúng ta xem 1 tấm ảnh, việc đầu tiên là xem có mình trong tấm ảnh hay không. Nếu có trong tấm ảnh thì chúng ta như đang quan sát chúng ta đang làm việc gì dạo ấy. Còn nếu chúng ta không có trong tấm ảnh, thì chúng ta có thể sống lại, hồi tưởng giây phút ấy bằng chính cặp mắt của mình. Đồng chí gái hay kêu ủa sao không nhớ vụ đó. Lý do là mình chụp hình nên mình nhớ còn cô ta đang tạo dáng nên không nhớ.

Điển hình cô nàng đang tạo dáng trước phong cảnh hùng vĩ ở Utah. Mình cầm điện thoại chụp, do đó mình nhớ ánh sáng từ đâu, cái nền phong phía sau mà cô ta che khuất trong khi đồng chí gái chỉ đối diện cái máy ảnh và mình. Cô ta chỉ nhớ hình ảnh mình đứng chụp hình, làm nhiếp ảnh viên bất đắc dĩ.

Người ta vẫn chưa rõ về chụp hình, gây hưởng đến sự cảm nhận về chúng ta và những cảnh vật mà chúng ta chụp nhưng phải công nhận máy ảnh không thể so sánh với trí nhớ mà chúng ta có thể thâu nhận từ mắt, tai mũi họng,…


Chúng ta xem ảnh thì không nghe được âm thanh, còn xem video thì không cảm nhận được sự nóng lạnh của môi trường. Xem video thiên hạ quay ăn uống trên đài truyền hình nhưng chúng ta không cảm nhận được như khi mình ngồi kéo ghế ăn trên lề đường, ruồi bu, nóng nực, muỗi bay vo ve cắn.

Khi xưa, mình đi giang hồ khắp âu châu vào mùa hè, vẽ tranh để bán. Mình có thể nhớ đến ngày nay, cảnh vật 40 năm về trước ở Roma, ở Venice, ở Porto, ở Madrid,… mình nhớ ngồi góc nào ở trước Vatican để vẽ. Nhớ khuôn mặt của du khách nào trả giá để mua tấm tranh của mình. Mình ngồi tại những chỗ này lâu,  quan sát cảnh vật để vẽ nên nhớ. Nay chụp hình thì ít nhớ.

Họ khuyến khích chúng ta một ngày không chụp ảnh. Không chụp ảnh khi ăn, chụp con cháu, không chụp ảnh mặt tời lặn,… chúng ta sẽ cảm nhận cuộc sống khác lạ mà chúng ta đã bỏ quên khá lâu từ ngày điện thoại thông minh là vật bất ly thân. Ai cũng muốn chụp hình cháu nội cháu ngoại hay con mình để khoe. Mình yêu chúng, mình hãnh diện nên mình chụp vô hình trung chúng ta làm nô lệ cho máy móc, chúng ta quên sống khoản khắc đó.


Từ hai năm nay, mình bỏ điện thoại trong xe khi đi ăn tiệm với vợ con vì không muốn trả lời điện thoại hay tin nhắn. Lúc đầu thấy bức rức nhưng riết thì quen, nhìn vợ con nhắn tin, chụp hình gửi cho thiên hạ. Ít ra mình còn có thì giờ nhìn vợ con lướt mạng.

Mình có theo dõi vài nhóm chụp ảnh trên mạng. Lúc đầu thì mình chia sẻ lại cho bạn bè ai thích thì xem. Nay thì mình cố gắng không chia sẻ hay nhấn Like nữa mà nhìn kỹ bức ảnh hơn, để nhớ khoản khắc đó hay bố cục của tấm ảnh hơn. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn