Phụ nữ và tôi

Nhiều khi họp mặt bạn hữu, mình hay bị mấy tên kêu là sợ vợ mà còn đi khoe, có tên khoe cả đời tao chưa bao giờ mua cho vợ một món quà gì ngay cả bó hoa. Mình chỉ biết nói vợ tao thì tao sợ chứ có sợ vợ chúng mày đâu mà lo nhỉ rồi cười nhăn nhó như khỉ Bính Thân.
Mình có 8 cô em gái nên ông bà cụ nghèo vì mua mỗi tháng băng vệ sinh cho 8 cô con gái nhưng có lẻ 3 người đàn bà có ảnh hưởng nhiều nhất trong đời mình là mệ Ngoại, Bà Cụ và đồng chí gái. Hồi nhỏ Mệ ngoại hay dẫn mình đi chùa, hành hương trên Núi Bà, có ảnh hưởng về cái tính trùm sò, cuộc đời bà cụ giúp mình phấn đấu trong những lần thất bại còn đồng chí gái thì tuy không sinh ra mình nhưng có công dạy dỗ nên người cha anh hùng, người chồng nhân dân.
Hồi nhỏ nghe tên của mấy ông Tây bà Đầm như Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir,…, với chủ nghĩa hiện thực chi đó khiến mình tò mò, không hiểu hiện thực hay thực hiện, ăn ngay bây giờ,…, ngu lâu dốt sơm, thiếu văn hoá như mình thì chịu đến khi sang tây thì mượn sách thư viện để đọc thì có vớ được cuốn "le deuxième sexe" của bà đầm Simone de Beauvoir, bạn gái sống chung của ông Jean Paul Sartre, nhưng cũng có liên hệ tình cảm sinh lý với nhiều phụ nữ khác như cô học trò cũ viết cuốn tự truyện 'Mémoires d'une jeune fille dérangée' khiến bà ta bị đuổi dạy học.
Người ta xem bà Beauvoir là một trong những người tiên phong đấu tranh cho nữ quyền. Bà ta sinh ra trong một gia đình thượng lưu, học trường tư, hồi bé tính đi tu nhưng đến năm 14 tuổi thì bị khủng hoảng niềm tin nên trở thành vô thần đến khi qua đời.
Bà Beauvoir chỉ trích chế độ Phụ Hệ đã đẩy phụ nữ ra ngoài lề của xã hội, văn học nghệ thuật. Thời đó, bà ta là một trong 9 người đàn bà tốt nghiệp trường Sorbonne vì phụ nữ ít được chấp nhận học cao. Ngày nay ở Hoa Kỳ, 55% người Mỹ tốt nghiệp đại học là phụ nữ. Trong văn hoá phụ hệ, đàn ông đồng nghĩa với nhân loại, đồng nhất với lịch sử trong khi phụ nữ chỉ đóng vai trò phụ, phải dựa vào nam giới mới có thể định nghĩa được chính mình, như mang tên họ của chồng, tương tự trong Nho Giáo, người ta dạy phụ nữ từ bé 'tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử'.
Bà Beauvoir cho rằng: 'người ta không sinh ra phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ' vì chủ thể tính, bản ngã, bản sắc thường được gọi là nữ tính, không có gì bất định hay bất biến. Các nhà nữ quyền cho rằng cơ chế tiêu biểu nhất trong việc đàn áp nữ quyền là nền văn hoá phụ quyền còn được thi vị hoá là nền văn hoá duy dương vật và nhiệm vụ của họ, không những chống lại mọi hình thức đàn áp, chế ngự của đàn ông mà còn xác định một thứ mỹ học riêng cho phụ nữ, thiết lập những điển phạm riêng.
Khi so sánh nam giới và nữ giới thì người ta hay căn cứ trên những yếu tố: sinh lý, kinh nghiệm, vô thức, kinh tế, xã hội,…. Trong văn hoá lúa nước kiêm Nho Giáo như Việt Nam xưa, người ta xét về yếu tố sinh lý, họ cho rằng phụ nữ là những người đàn ông bất toàn, không là gì cả, do đó người ta không gọi tên người phụ nữ, chỉ gọi họ như Tô Thị, để nói người họ Tô, là máy đẻ, để nối dòng cho đàn ông … sau này lại gặp ông Freud bồi thêm là phụ nữ là những người không có dương vật nên lúc nào cũng bị mặc cảm như bị thiến.
Người xưa cứ rêu rao trai tài năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng nhưng tài được định nghĩa là gì? Tài làm ăn thì chắc chắn là không vì trong xã hội được phân chia theo thứ tự theo sĩ nông công thương, do đó tài không có nghĩa là giàu mà biết chữ, vo ve vài câu của Thánh Hiền nên mới có câu ca dao: 'ai ơi chớ lấy học trò, dài lưng tốn vãi, ăn no lại nằm', sau đến anh nông dân làm vườn như mình.
Các nhà nữ quyền cho rằng: nhờ những yếu tố sinh lý khác biệt như có kinh nguyệt, có thai, có sữa, sinh đẻ nên phụ nữ gần gủi với vật lý và hiện thực hơn đàn ông cứ đi trên mây. Trước khi lấy vợ, mình đầu óc cứ lêu bêu đâu đâu, không để ý đến tiền bạc, có bao nhiêu xài bấy nhiêu đến khi gặp đồng chí gái thì như con diều đang bay giữa bầu trời, mình được kéo về theo lề theo lối với hiện tại và từ đó theo chủ nghĩa ' có thực mới vực được đạo".
Người ta giải thích đàn ông mới chớm ý thức đã phải rời xa mẹ để gia nhập vào thế giới phụ quyền của người cha trong khi phụ nữ thì vẫn ở cạnh mẹ, xây dựng bản thể bên cạnh mẹ do đó nam giới nghĩ tới quyền còn nữ giới nghĩ đến trách nhiệm. Hồi bé, ông cụ mình đi lính, sau đó đi làm công chức ở Ban Mê Thuột nên ở nhà mình loay hoay với chị người làm, cô em gái kế và bà cụ nên để lại cho mình dấu ấn tinh thần trách nhiệm hơn. Đàn ông thích thay đổi còn đàn bà thì ổn định, nam giới thích trật tự phân cấp còn nữ giới thì thích sự hài hoà.
Vì thích hài hoà nên mình không dám cãi vợ vì vợ luôn luôn thắng nhiều khi vợ nói: 'vợ nói anh không được cãi", xong om. Có anh bạn xa Việt Nam 40 năm, chỉ muốn về thăm Việt Nam. Anh ta nói xuống phi trường Tân Sơn Nhất là tôi sẽ bắt chước Cai Hách trong 'Giông Tố' của Vũ Trọng Phụng phang mụ vợ vợ tôi vài cái tát, thượng cẳng Chân, hạ cẳng tay cho đở tức những năm tháng bị đày đoạ ở Hoa Kỳ, trong một xã hội mà vai trò người đàn ông còn thua con chó sau phụ nữ, con.
Hôm trước, ngồi nói chuyện với vợ chồng mấy người bạn thì khám phá ra vợ mấy tên này cũng đi làm nhưng về nhà phải nấu cơm hầu chúng mà chúng lại dỡ trò chê bai. Đồng chí gái thường kêu, cái gì mình đùn được cho vợ là mình cứ đùn. Mấy tháng qua mụ vợ bệnh quái quái, khiến mình phải thanh toán, rữa chén bát mệt nghỉ trong khi mụ vợ xem truyền hình. Chán mớ đời! Hôm qua mới thấy mụ vợ rữa bát lại.
Nhiều nhà phân tâm học cho rằng có sự phân biệt giữa hai khái niệm 'Giống' và 'Giới Tính': giống được nối liền với sinh lý còn giới tính là yếu tố văn hoá, cái nhìn của xã hội quy định về tính cách của nam và nữ. Các nhà nữ quyền dùng giới tính để làm nền tảng tư tưởng. Xét về yếu tố Giống thì không thể tránh khỏi nên họ dùng giới tính để chứng minh sự bất bình đẳng xuất phát từ văn hoá với những phạm trù "nam tính" và "giới tính".
Khi mình sang làm việc ở Hoa Kỳ thì trường phái của hậu cấu trúc luận của Jacques Derida gây nhiều ảnh hưởng trong văn học nghệ thuật, các nhà nữ quyền cho rằng thực chất giới tính là vấn đề thể hiện, biểu trưng, nối liền các Giống tương ứng với văn hoá, đẳng cấp, giá trị của xã hội. Nói cho cùng thì giới tính là vấn đề ngôn ngữ mà ngôn ngữ chúng ta sử dụng ngày nay là do đàn ông thành lập, tạo ra hay "man-made language".
Không có một người phụ nữ nào nhất trí với câu "trai tài 5 thê 7 thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng" do đó người xưa hay tạo ra những giải thưởng dành cho những người đàn bà chính chuyên, để khống chế phụ nữ không được bỏ chồng, chồng chết thì cứ ở giá. Hồi nhỏ học bài văn tế của ông vua đi tham quan, khi thấy cái miếu đầu ghềnh toả khói hương, miếu của vợ ông họ Trương nào, đi lính hay đâu xa về, gặp thằng con kêu không phải bố, bố nó đêm mới về thế là ông chồng nện bà vợ tới tấp khiến bà ta phải nhảy xuống ghềnh tự tử để giải oan.
Nói cho ngay mình ít đọc sách viết bởi phụ nữ, tò mò đọc được hai cuốn của Susan Sontag, một cuốn của bà Simone de Beauvoir. Tiểu thuyết thì chỉ đọc của đàn ông viết, có lẻ do bản tính được cấu tạo bởi xã hội ảnh hưởng của Nho Giáo vì hai tên bạn học trường tây, vẫn đợi vợ nấu cho ăn thì mình đoán là giặt quần áo cũng là trách nhiệm của vợ chúng vì phụ nữ nghĩ đến trách nhiệm còn đàn ông thì nghĩ đến quyền được lười biếng.
Chúng ta sống hiện nay trong một xã hội khác phức tạp, những quan niệm, văn hoá cỗ truyền được đặt lại như nữ quyền, quyền bình đẳng nam nữ, phải xoá bỏ " nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" rồi lại còn có vấn đề người đồng tính, rồi chuyển đổi giới tính,… thế giới chỉ có đàn ông đàn bà là đủ thấy mệt thở nay còn thêm trò đàn ông thích đàn ông, phụ nữ thích đàn bà. Vấn đề ông nào theo quyền lực và ông nào theo trách nhiệm? Rồi đến mấy bà đồng tính thì câu hỏi vẫn được lập lại? Nhưng rồi đàn ông theo trách nhiệm lại không sinh con đẻ cái được thì chúng ta có nên nói là ngôn ngữ đều do đàn bà thành lập "woman-made language" hay "Gay-lesbian language" (em chế)?
Như trường hợp bà Beauvoir, ở với ông Sartre nhưng không làm giá thú viện cớ là không có của hồi môn nhưng lại ngủ với mấy bà khác thậm chí với học trò vị thành niên. Bà ta nói 'người ta không sinh ra phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ' nhưng phụ nữ là sao? Sống với người đàn ông rồi có sinh lý với các phụ nữ khác? Đàn bà nói sao cũng được nên không bao giờ hiểu được phụ nữ chỉ biết vợ là quang vinh, sáng suốt.
Nếu ta nhìn sự khác biệt nam nữ dưới góc độ chủ nghĩa Mát Xít thì họ viện chứng sự khác biệt hay cách biệt vì điều kiện kinh tế, xã hội, hệ thống giáo dục, phân công lao động và tổ chức gia đình đều được có truyền thống bắt nguồn từ nam giới. Hà Nội lấy ngày 8 tháng 3 làm ngày phụ nữ nhưng xét về thành quả của chủ nghĩa Mát Xít được áp đặt sau 70 năm trên Đất Bắc, và 43 năm trên miền nam thì nữ quyền vẫn không nhúc nhíc, thay đổi hay còn tồi tệ hơn so với thời mình còn ở nhà. Vào cơ quan thì thấy mấy bà vẫn bưng nước, mời khách hay ở nhà thì người vợ vẫn nấu cơm hầu và đợi chồng trong khi mấy ông chồng ngồi nhậu ói mật xanh ngoài đường.
Hôm trước có cậu em rể, nhắn tin kêu mấy anh em cột chèo kéo nhau sang nhà bà cụ nấu ăn, rữa chén bát, vui lắm. Mình nói vui lắm thì cứ tiếp tục làm như vậy mỗi ngày. Nền đệ nhất Cộng Hoà do ông Ngô Đình Diệm, một người ảnh hưởng sâu đậm của Nho Giáo, chỉ trong vài năm ngắn ngủi cầm quyền, đã thay đổi khá nhiều những tập tục văn hoá cổ hủ của đạo lý Thánh hiền. Ông đã ra luật cấm đàn ông có nhiều vợ, mình có thấy nhiều tờ khai sinh của bạn, đề con ông A và bà C, vợ thứ, vớ chính, … bà Trần Thị Lệ Xuân, bận áo dài hở cổ như một biểu tượng của một người phụ nữ năng động, sau đến thời đệ nhị Cộng Hoà, vẫn tiếp tục với những hội phụ nữ,…
Hôm trước đi San Jose, San Francisco, đi nhà vệ sinh thì mình cảm thấy nhột nhột vì cái biển cắm trước phòng vệ sinh, đề là "Women" nhưng lại có hình phụ nữ và đàn ông song song bên nhau nhưng nói cho cùng thì khi mót tè được tè là một hạnh phút vô biên, không cần biết là nam giới hay nữ giới.
Nguyễn Hoàng Sơn