"Con không thích Cinderella Việt Nam!" đó là lời con gái mình khi nghe mình kể chuyện Tấm Cám, phiên bản Cô Bé Lọ Lem bằng tiếng Việt. Mình hỏi con bé lý do thì nó nói "Cinderella Việt Nam quá ác, giết em mình."
Câu nói ấy khiến mình suy nghĩ về những chuyện cổ tích khi xưa đọc trong mấy cuốn sách viết cho tuổi thơ. Đọc sách thì đón nhận nhưng không bao giờ suy nghĩ tương tự đi học, thầy cô nói cái gì thì chấp nhận những lời vàng lá ngọc của thầy cô là tuyệt đối. Khác với con nít ở Hoa Kỳ, có tư duy, nói lên những gì chúng suy nghĩ dù có thể sai nhưng trong lớp, đám đông chấp nhận sự khác biệt. Từ dạo ấy mình hết dám đọc truyện cổ tích Việt Nam cho con dù mới mua một đống sách nhi đồng, cổ tích Việt Nam.
Lấy chuyện dân gian Tấm Cám của người Việt, mình đoán là khi xưa, mấy ông Tây bà Đầm sang Việt Nam dạy cho học sinh người Việt rồi mấy người này thêm mắm thêm muối vào cho hợp khẩu vị của người mình tương tự, ở Hoa Kỳ người Việt ướp hành tỏi, nước mắm,...vào thịt bò Beefsteak cho hợp khẩu vị của mình.
Người tây phương cũng nhận ra mẹ ghẻ con chồng, sự ganh tị giữa anh chị em nên người ta đưa ra truyện cổ tích này để dạy trẻ em từ thủa bé; phải đúng giờ nếu không sẽ có những chuyện không may sẽ xẩy ra như Cô bé Lọ Lem đã mê say nhảy đến quên lời dặn của bà tiên là phải về trước 12 giờ đêm nhưng khi hoàng tử đã tìm ra người mang chiếc hài thì tác giả ngưng tại đây, mong chúc hoàng tử và công chúa có nhiều con và hạnh phúc đến 100 tuổi.
Ngươc lại, người Việt mình chỉ lấy cốt truyện làm mở đầu cho cuộc trả thù qua lại giữa mẹ ghẻ, Cám và Tấm. Viết thêm thành phim bộ, mấy trăm hồi. Khi Tấm được fong chức hoàng hậu, về quê thăm mẹ và em. Thay vì hãnh diện có người con và chị được làm hoàng hậu vì một người làm quan cả họ được nhờ, bà mẹ ghẻ bảo Tấm leo lên cây cau để hái cúng bố, để rồi rung cây cho Tấm ngã xuống chết để đổi Cám làm hoàng hậu. Nếu là hoàng hậu, chắc sẽ có lính hầu để leo lên cây cau dùm hoàng hậu?
Người quân tử, đợi 10 năm để trả thù cũng chưa muộn nên người Việt chơi thêm vụ đầu thai, cho Tấm trở lại làm con chim rồi cái cửi, cuối cùng giết em mình, làm mắm gửi cho kế mẫu ăn. Đứa trẻ Việt Nam với trình độ tiểu học, học những bài học qua truyện cổ tích, vô hình trung nghĩ là Tấm là cái gương tốt để noi theo nên nhìn lại lịch sử thì ta hiểu lí do nào, sau 75 Hà Nội bắt hơn 1 triệu người miền nam đi học tập cải tạo như trả thù theo cách của Tấm.
Hồi bé, học tục ngữ ca dao thì có câu: " Bầu ơi thương lấy bí cùng, cho cùng khác giống nhưng chung một dàn". Có lẻ người xưa đã nói lên sự hà khắc cai trị của người Việt lẫn nhau. Oán thù, hận thù, trả thù người mình lẫn nhau.
Đứng trên phương diện đạo đức, người mẹ ghẻ và Tấm đều là người xấu vì có manh tâm và đã giết người nhưng hình như có một sự đồng thuận giữa người Việt là Tấm là người tốt vì bị hại trước, sau đó mới trả thù. Mình mới hiểu là ngày xưa, được người ta dạy lòng căm thù từ nhỏ dù chả biết kẻ thù là ai. Cứ học tập lòng căm thù trước cái đã rồi từ từ kiếm kẻ thù.
Đọc cổ tích thì mới hiểu tính tình người Việt là hay "nổ". Khi Cám được tráo vào hoàng cung nhưng vua ngu nên không nhận ra. Cám là hoàng hậu nhưng lại không có người hầu đến nổi phải đi giặt áo của vua rồi máng lên cái sào.
Phơi áo chồng tao
Thì phơi bằng sào
Chớ phơi bờ rào
Rách áo chồng tao.
Thì phơi bằng sào
Chớ phơi bờ rào
Rách áo chồng tao.
Trong hoàng cung sao lại có sào, chắc là lấy ông trưởng ấp, làng xã nào rồi bương lên nói là lấy vua như Tây phương cho Cô bé lọ lem lấy hoàng tử. Tấm lấy vua chắc làm vợ bé, nàng hầu vì vua thường là lớn tuổi hơn hoàng tử.
Lấy thí dụ, khi Cám nghe lời mẹ, giết con chim Vàng Anh mà Tấm đã đầu thai để hót cho vua nghe. Mấy cái lông chim mọc lên cây xoan khiến vua hay ngồi dưới bóng mát đọc sách thì Cám chặt đi làm khung cửi. Đang dệt vãi để may áo cho vua thì Cám nghe:
Cót ca cót két
Lấy tranh chồng chị.
Chị khoét mắt ra.
Lấy tranh chồng chị.
Chị khoét mắt ra.
Tấm đã muốn khoét mắt cô em thì đã nói lên dã tâm của mình, cho nên không thể bảo Tấm là một người tốt, dậy con nít noi theo vì như thế vô hình trung chúng ta dạy con nít hận thù và làm người hung ác.
Như truyện Lưu Bình và Dương Lễ, nói lên tình bằng hữu. Thoạt đầu thì cái ý rất hay, Dương Lễ muốn giúp bạn học hành nên kêu cô vợ lẽ thứ 3, tên Châu Long đi nuôi thằng bạn ăn học. Dương Lễ mới ra làm quan là đã có đến ít nhất 3 vợ, nên cho một bà đi hầu thằng bạn, một thời cho ăn nhờ ở đậu. Con nít học bài này thì sẽ thấm nhuần là con trai có tài là nhiều vợ, còn con gái thì dù tài giỏi buôn bán như Châu Long chỉ là thứ công dân hạng 2, ở đợ, được chủ sai đi nuôi thằng bạn.
Ngày nay lâu lâu gặp vài tên ở hải ngoại, chúng cứ kêu mình là sợ vợ rồi kêu bổn phận đàn bà là chỉ ở trong nhà nuôi con, nấu bếp, làm đồ nhậu cho chúng. Họ quên là chúng ta ở thời đại kỹ thuật thông tin, không phải thời kỳ canh nông, văn hoá nông nghiệp. Thời xưa, đi cày đi cấy thì người ta cần sức khoẻ nên người ta chuộng con trai vì thêm người thêm của. Nhà có con trai thì một người đại diện đi tòng chinh, còn không có con trai thì phải đóng thuế đinh, mướn người trong làng đi hộ, tốn rất nhiều tiền, có khi khánh tận như câu chuyện cô gái Hoa Mộc Lan mà Disney có làm phim về cô gái này. Do đó người xưa hay nói: 'Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", để nói đến vấn đề con trai đi lính cho vua chớ không phải 1 con trai bằng 10 con gái. Người ta ít học nên cứ thấy cái gì tiện cho mình thì cứ dùng, cho là đúng.
Tương tự câu chuyện ông Chử Đồng Tử và công chúa. Nghe kể công chúa đi chơi rồi đang tắm thì ông thần họ Chử cởi truồng nên phải lấy ông này, một tên mà đến cái khố cũng không có. Câu chuyện tuy bâng quơ nhưng có thể sẽ nhét vào đầu một đứa trẻ là ngay công chúa, con vua mà không có giá trị bằng một tên con trai, cái khố cũng không có để mặc. Xem thường phụ nữ tại Việt Nam.
Các cô gái Việt Nam từ khi sinh ra, nghe mấy câu chuyện cổ tích như Chử Động Tử vô hình trung cứ tin là giá trị của mình là số không vì ngay công chúa còn thua thằng không có cái khố, rồi thân gái 12 bến nước từ từ thấm vào tâm khảm, sẽ khó có một cuộc đời an vui hay muốn tự tạo cho mình một tương lai.
Ngày nay, máy móc đã giải phóng con người. Người phụ nữ có tự do để quyết định cuộc đời mình, đi học, ra làm việc đóng góp sức mình cho xã hội, lo chồng lo con, lo cho cha mẹ về già,... Do đó, người đàn ông có thể ở nhà nuôi con nếu thích, người phụ nữ có thể bương chải ra xã hội, tạo dựng sự nghiệp theo ước mộng của mình.
Cái khổ là nếu cứ tin theo những gì người xưa để lại, thậm chí nhiều khi mình hiểu sai thì lại làm sai thì khó mà tiến bộ. Nếu cha mẹ qua đời, để lại một công ty, phải dùng người con nào có khả năng để giao trách nhiệm quản lý vì nếu để lại cho đứa con đầu mà hắn thuộc dạng dốt thì không sớm thì chày, gia tài sự nghiệp của cha mẹ để lại sẽ tiêu táng hết.
Thời bé, mình được hàng xóm, thầy cô và bạn bè kêu là thằng ngu. Cứ nghe riết rồi mình cũng tin thật là mình thuộc loại ngu lâu dốt bền vững đến khi lên lớp 11B ở Văn Học, có tên bạn rũ mình đi thăm một ông thầy dạy toán. Ông thầy bảo mình có khả năng đi du học. Đó là lần đầu tiên trong đời, mình được một ông thầy, không kêu mình là ngu dốt, lại khuyến khích mình học hành chăm chỉ rồi trời ỉa trúng đầu mình được đi du học, thay đổi cuộc đời từ đó.
Do đó mình không tin vào số mệnh, ngược lại mình chỉ tin vào sự cần cù, chịu khó, có công mài sắt có ngày nên kim. Đối với mình, người ta dùng cụm từ “số mệnh” là để mượn cớ để xoá đi những thất bại của mình, đúng hơn là sự lười biếng của con người. Người tây phương lúc nào cũng tuyên dương sự thất bại, họ kêu thất bại là mẹ thành công. Nay thì kêu tại già rồi nên không bong chen nữa,….vì đời là vô thường.
Chán Mớ Đời