Tây Tạng

Hồi còn nhỏ, mình có nghe đến xứ Tây Tạng bị Trung Quốc chiếm đóng và ông Dalai Lạt Ma phải đem dân di tản, trốn sang tỵ nạn tại Ấn Độ. Sau đó Trung Quốc đánh nhau với Ấn Độ thời bà Ghandhi làm thủ tướng rồi Trung Quốc chiếm đóng Tây Tạng từ thập niên 50 đến nay.
Mình không hiểu lý do gì Trung Quốc lại xâm chiếm xứ này, chả có gì ngoài dãy núi Hy Mã Lạp Sơn mà lâu lâu đọc báo có vài người leo đỉnh núi Everest này hay những video đàn áp người Tây Tạng của đội quân xâm lược tầu.
Tháng 4 vừa rồi về Việt Nam thì có dịp đi Cần Thơ, thấy sông Cửu Long thiếu nước cả phù sa từ thượng nguồn chảy về nên kiếm tài liệu đọc thì mới tá hỏa vì nước Tây Tạng tuy nhỏ bé nhưng là nguồn cung cấp nước uống cho Trung Quốc, Ấn Độ và các nước miền nam như Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam. Coi như cung cấp nước cho trên 3 tỷ người hay 40% dân số của thế giới.
Khi mùa xuân đến thì tuyết và băng hà trên Hy Mã Lạp Sơn tan thành nước, chảy về những con sông dẫn về xứ Ấn Độ, Bhutan, Bangladesh, Pakistan và Trung quốc với 2 con sông lớn là Hoàng Hà và Dương Tử. Có nhánh chảy về Vân Nam rồi xuôi về dòng sông Mekông. Tây Tạng được gọi là Đệ Tam Cực sau Bắc Cực và Nam Cực vì có nhiều băng hà.
Với tình trạng Global Warming, các dãy núi ở Hy Mã Lạp Sơn, cao nguyên Tây Tạng có số lượng băng hà (glacier) ít đi thì nguồn nước của Trung Quốc và các nước trong vùng sẽ bị khốn khó. Người ta nhận thấy những con sông, suối ở Tây Tạng không bị đông đá nữa nên thiếu nước cho các vùng hạ lưu. Đồng Bằng Cửu Long nay đã bị hạn hán, thiếu nước thì trong tương lai còn te tua hơn.

Trong cuộc công nghệ hoá nước tàu một cách cuồng dại, giới lãnh đạo Bắc kinh, đã xây dựng cái đập lớn nhất thế giới 3 Gorges Dam, có công suất gấp 8 lần đập Hoover của Hoa Kỳ. Theo tài liệu cho biết là 70% sông hồ, suối ở Tàu bị ô nhiểm bởi công nghệ. Người ta nhận thấy lưu lượng của Hoàng Hà và Dương Tử bị giảm đi trung bình 13% ,mỗi năm đặc biệt năm 2002 thì có đến 43%. Các chuyên gia dự tính đến năm 2050, các băng hà của cao nguyên Tây Tạng sẽ mất đi 10-20% lưu lượng thì cuộc tranh dành nước của vùng này sẽ rất khốc liệt.
Ngày nay người ta nhận thấy nước của dòng sông Dương Tử chảy ra biển rất kém khiến Bắc Kinh phải xây những trạm bơm nước dọc con sông này để giúp nước của Dương Tử chảy ra biển. Đó là chưa nói đến đất lỡ và thất thoát nước. Sông Dương Tử nổi tiếng có sóng lớn từ mấy ngàn năm nay mà Mao Trạch Đông trong chiến dịch tuyên truyền, mỗi năm đều bơi trên sông này và có thợ lặn bơi ở dưới nước để đỡ ông ta mà ngày nay thì sóng nhỏ lại như một cái hồ nước.
Theo ông Li Ling, tác giả cuốn sách "Tibet's water will save China", cho hay rằng Trung Quốc bỏ ra 30 tỷ mỹ kim để xây hai con kênh lớn để nối Dương Tử với sông Hoàng Hà để dẫn nước cho những vùng này bị hạn hán, môi trường sinh thái bị hủy hoại. 1/4 đất đai của Tầu ngày nay bị khô ráo, không trồng trọt hay sinh sống được. Cùng lúc cho xây những cái đập trên thượng nguồn của sông Mekông và dự bị xây thêm mấy cái đập khác chưa kể nước Lào đang có dự án xây 8 cái đập, Thái Lan thì đào thêm kênh để dẫn thủy nhập điền các vùng đồng bằng của họ.
Người ta dự đoán là trong vòng 20 năm tới, chính phủ Ấn độ sẽ cho xây 292 đập thuỷ điện, Trung Quốc sẽ xây thêm 100 cái đập. Ngừoi ta nói Trung Quốc dời hàng triệu người để xây đập nhưng trên thực tế Ấn Độ cũng không kém phần này. Nước là nguồn có thể sinh ra chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, có đông dân nhất thế giới. Nói chung là nước ở thế kỷ 21 rất quan trọng. Người ta tính lấy tàu chở các băng hà từ Bắc Cực và Nam Cực về Hoa Kỳ để bán tỏng tương lai. Các chiến lược gia quân sự Đài Loan cho rằng, nếu Trung Quốc tấn công nước của họ, việc đầu tiên là không quân của họ sẽ tìm cách đánh bom, phá vở cái đập Tam Hiệp lớn nhất của Trung Quốc. Có thể xem là gót chân Achille của Trung Quốc ngày nay.
Viễn ảnh cho Việt Nam rất đen tối khi những công trình, các đập này được xây dựng ở thượng nguồn Mekong. Ngày nay nước từ thượng nguồn của sông Mekông đã giảm lưu lượng xuống vùng 9 con sông ở Việt Nam, thêm khối lượng phù sa không được kéo về để bồi đắp nên đất hai bên bờ bị lỡ, khiến nước mặn từ biển chảy ngược lên sông Mekông biến đồng bằng sông Cửu Long thành vùng nước mặn khiến cây cối bị chết, đất thiếu nước ngọt để trồng trọt, trồng lúa. Lạ một điều là tin tức này ít được biết trong nước, về Việt Nam, đọc báo nhà nước không thấy nói đến, chỉ đọc báo ngoại quốc. Có lẻ vì vậy các cán bộ rũ nhau thay đổi quốc tịch Malta, hạ cánh an toàn ở Hoa Kỳ hay âu châu.
Ngày nay Hoa Kỳ đã thấy sự tai hại, hậu quả của những đập thủy điện, đã gây nguy hại cho môi trường nên đã tìm cách phá bỏ các đập cũ và gầy dựng lại môi trường sinh thái. Cali bị hạn hán nhưng không được xây các hồ, hầu giữ nước mưa và tuyết tan vì sợ gây nguy hại đến môi trường.
Tây tạng là nguồn nước cho sự sống còn của Trung Quốc cho nên khó mà được trao trả lại độc lập, ông Dalai Lạt Ma, kiếp này khó mà thấy lại quê hương bỏ lại, ngoài trừ Trung Quốc được dân chủ hoá, sống bình yên với các nước láng giềng. Sau khi vệ binh đỏ của Mao xâm chiếm xứ Tây Tạng, thì họ cho người Hán đến vùng này lập cư tương tự sau 75, Hà Nội cho người ngoài bắc di dân vào nam, để dễ kiểm soát dân chúng vùng nguỵ. Theo ước tính thì ngày nay có đến 200,000 người Hán sinh sống tại Thủ đô Llasa, hay 2/3 dân số.
Xem những video cho thấy sự đàn áp dã man của người Hán đối với dân Tây Tạng nên một số người cho thấy viễn ảnh tương lai của Việt Nam, khi người Tàu sang Việt Nam sinh sống với những đặc quyền mà ngày nay các tỉnh miền trung Việt Nam đã có những khu đặc biệt, chỉ có người Tàu được phép vào.
Hồi nhỏ học địa lý về sông mekong, nói người miền nam, không cần làm ăn, chỉ cần ra sau hè câu cá, hái trái cây, lúa gạo mọc đầy nhưng khi mình về thăm vùng Tây đô thì tá hoả tam tinh. Dân đói, phải bán con đi làm dâu cho đại hàn, những nơi khỉ ho cò gáy, gái nam hàn chê hoặc ở Đài Loan hay Trung Quốc. Đàn ông con trai thì cứ dô đô 100%. Các tay to mặt lớn thi nhau đi Hoà Lan hay các nước khác học tập cách bán vé số, kiếm tiền nay nghe nói ai mà bán vé số của thành phố khác sẽ bị phạt. Chán mớ đời!
Nhs