Người Việt thiếu tình cảm

Nhớ hồi mới sang Tây, gặp đầm tây là họ cứ hôn má mình dù mới gặp, lại tưởng lầm con đầm này thích mình hay thằng tây kia là đồng tính. Sau này ở lâu mới hiểu phong tục của họ, gặp nhau là hôn má 2 hay 4 cái tuỳ cường độ thân quen. Đúng là ngu ơi là ngu.
Có lần nói chuyện với thằng Thierry, bạn của cô em. Hai vợ chồng này đi du lịch Việt Nam cùng với cô em rồi khơi khơi nói dân Việt Nam chúng mày thiếu tình cảm. Hỏi tại sao thì hắn bảo dân mày gặp nhau, xa cách bao nhiêu năm mà chả tỏ thái độ, ôm hôn gì cả, mặt lạnh lùng. Có lẻ tên tây này nhận thấy mình về thăm nhà sau 20 chục năm mà không biểu hiện tình cảm như người tây phương.
Mình nhớ dạo về thăm nhà lần đầu tiên gặp lại em út, ông bà cụ sau 20 năm xa cách nhưng không hiểu sao, không ôm hôn thắm thiết như gặp bạn bè Tây đầm. Chỉ cầm tay với đôi mắt, nói lên nổi vui buồn khi gặp lại, sống sót sau cơn đại Hồng thuỷ, ngược lại khi mình gặp mấy cô em sống ở hải ngoại thì khác, bisou bi diếc, ôm nhau cứ như người Tây đầm.
Không ôm nhau như tây mỹ thì chưa chắc người Việt mình thiếu tình cảm. Mình thường nghe người ta nói người tây phương chuyên duy lý, chủ nghĩa cá nhân, xem xét về cái lợi cá nhân hơn còn người Việt thì Duy Tình, nghĩ về gia đình nhiều, có thể hy sinh cho gia đình hay tập thể. Một bên là duy lý thì ôm hôn thắm thiết còn bên duy tình thì không vồn vã khi gặp nhau nhưng người con sẵn sàng hy sinh đời mình, lấy chồng xứ lạ để kiếm tiền cứu gia đình thoát cảnh nghèo nàn.

Thời mình lớn lên thì ông cụ mình còn trong quân đội nên đến năm 12 tuổi thì mới sống với ông cụ được mấy năm rồi đi tây cho nên cha con ít có đối thoại hay làm việc gì chung ngoại trừ đi xem vài trận đá banh. Ngược lại mình hay được nghe bà cụ tâm sự khá nhiều về buôn bán,... Mình thường cố cầm nước mắt khi thấy bà cụ mang bầu, vát gạo, khiêng đồ cho khách hàng nhưng chưa một lần ôm mẹ, nói được câu "con thương mẹ" như con mình, ngày nay nhắn tin "L U".
Ngay cả vợ chồng, mình tuy thương vợ nhưng không có trò ôm hôn thắm thiết khi gặp nhau ở nhà, kêu chérie như Tây Đầm hay Honey như Mỹ,... Cứ gọi Dzợ! Đi bộ xung quanh nhà thì bắt chước mấy tên mỹ già trong xóm, nắm tay dẫn vợ qua đường nhưng nói chung thì vẫn cộc lốc, không lẽng mẹng như các phim Hàn quốc hay karaoke. Chẳng bù lại khi xưa, gặp mấy con đầm, đức, ý, tây ban nha hay mỹ là ti amo, je t'aime, ich liebe dich,...bú xua la mua. Có cái lạ là nếu mình gọi mụ vợ bằng tiếng Tây hay Anh thì không có vấn đề, chỉ khi nào nói tiếng việt thì cái mồm nó ngọng ngọng làm sao ấy. Nhiều khi tự khắc phục muốn nói "anh ieu em" nhưng khó nói nhưng dùng "I love You" thì không có vấn đề. Mỗi ngày mình có ghi trong sổ là phải hôn má vợ một cái và kêu I love you khi thức giấc trong khi vợ vẫn còn đang chơi sonate Ngáy.
Đối với con mình thì cứ như người Mỹ cũng kêu I love You bú xua la mua nên không có gì khác lạ. Đó là nói tiếng mỹ với nhau nhưng không biết khi nói tiếng Việt thì sao đây.
Người mình không nói thẳng, cứ vòng vo tam quốc như ông thầy dạy Việt Văn khi xưa bảo đó là cái nét đặc thù của Đông phương. Nhớ trong phim "Chúng tôi muốn sống", Lê Quỳnh nói với cô bồ là đời ông ta chỉ có hai mối tình: quê hương và em. Không thấy nói đến anh yêu em hay thương em. Còn kịch hay cải lương Việt nam thì nghe kêu Má thằng nhỏ hay tía thằng hai,..
Chắc tại tiếng việt không không có cách diễn đạt những tình cảm riêng tư. Có nhạc sĩ làm bản nhạc "Mình ơi", nghe kể dân miền nam vợ chồng cũng gọi đằng ấy, mình ơi hay khi có con thì gọi má thằng tèo, tía con 2,... Khoảng này thì tiếng viết rất phong phú, tầu chỉ có ngộ và nị, mỹ thì có you và I,...
Nhớ dạo sang Gia Nã Đại thăm gia đình tên bạn học khi xưa sau 11 năm không gặp thì mình nhớ khi gặp nhau ở phi trường, hai thằng không bắt tay như Tây mỹ mà chỉ biết kêu "đờ mờ khoẻ không mày" như dạo còn đi học rồi cười với nhau. Sau này gặp lại bạn học xưa, kêu mày tao sao thấy sướng cái mồm ghê, nhiều khi gặp vài tên thì cứ xưng ông và tôi hay tên hắn và tên mình thì thấy sao sao như có khoảng cách nữa khách sáo bớt thân tình. Mụ vợ mình nói chuyện với mấy cô bạn khi xưa thì cứ nghe xổ Mi Tau, thấy dễ thương chi lạ.
Tuần qua, khi cô tài từ Sandra Oh, đoạt giải Golden Globes, trong mấy phút để cô ta phát biểu ý kiến. Đa số các nghệ nhân hay cảm ơn các đạo diễn, nhà sản xuất thì cô này nhắn với cha mẹ là cô ta yêu họ. Có lẻ đối với người tây phương không có gì đặc biệt nhưng đối với người da vàng thì khác, nghe tới đó mình bổng nhiên thấy nổi da gà, con mắt bổng ướt.
Trong cuốn "I Love Yous are for White People." tác giả Lac Su, bố là người Hoa và mẹ là người Việt, có nói đến sự giáo dục của ông bố rất nghiêm khắc, dạy con bằng roi mây,… một hôm tác giả đến nhà bạn chơi thì thấy gia đình họ vui vẻ, đầm ấm rồi tên bạn kêu ông bố I love you rồi ông bố trả lời lại I love you too rồi ôm nhau. Tác giả khám phá điều mới lạ và khi về nhà, nói I love you với bố mình thì ông bố kêu I love you là dành cho người da trắng. Người da vàng phải cứng cỏi,…. Chán Mớ Đời
Kỷ niệm với ông cụ mình là những trận đòn ê ẩm và lần đi tây. Ở phi tường Tân Sơn Nhất, ông cụ khóc trước khi mình qua phòng cách ly, nghẹn ngào nói từ nay con tự lo liệu. Khi mình viết thư báo tin là học kiến trúc thì ông cụ rất thất vọng, có viết thư lại, kêu mình học kỹ sư như ước nguyện của ông cụ. Ông cụ mình có giấc mơ là con của ông cụ làm kỹ sư công chánh, để về sau làm trưởng ty công chánh. Nay mình lại đâm đầu đi học kiến trúc khiến ông cụ thất vọng nên bao nhiêu ước mơ đều dồn về cho người em trai kế mình, vượt biển sau này.
Gần 20 năm sau, mình trở về thăm nhà lần đầu tiên khi nghe tin ông cụ vừa ra trại cải tạo. Nghe kể đa phần gần chết, Việt Cộng mới thả người về để gia đình lo chôn cất. Gặp lại mình lần đầu, ông cụ chỉ nói được câu: “sao giống Nhật Bổn thế?”. Không có cảnh tượng như mình ngày nay ở hải ngoại, con đi học xa về cuối tuần là ôm nhau,…
Mấy Bác có ý kiến gì hay có bị lộn xộn như em khi muốn diễn đạt tình cảm của mình đối với người thân thì cho em biết để khắc phục, bồi dưỡng chức năng làm người cha anh hùng và người chồng nông dân.
Nhs