Hè năm nay, tính đưa gia đình đi âu châu thăm bạn bè và em út nhưng đến giờ chót đồng chí con gái, dỡ chứng đòi học USC nên đành để dành tiền cho con ăn học thêm thằng con xin đi theo đoàn thiện nguyện y tế Project Việt Nam nên hai vợ chồng và con gái lấy vài ngày đi chơi trước khi cháu đi làm hè cho thành phố, dạy bơi cho trẻ em.
Mình tính đi Lake Tahoe trong khi đồng chí vợ lại đòi đi Grand Canyon. Hai chỗ này , khi mới đăng kí quản lí đời nhau thì có đi viếng, để đồng chí vợ có cơ hội, bồi dưỡng nghiệp vụ chức năng làm người chồng nhân dân nên cũng có những kỷ niệm khá vui để củng cố mối tình hữu nghị, môi hở răng lạnh.
Đến giờ chót đồng chí vợ lại sợ nóng, kêu sao không đi lake Tahoe ở miền bắc Cali, giáp giới với tiểu bang Nevada. Cái lưỡi đàn bà rất là sáng suốt, không bao giờ sai cả, chỉ có đúng và đúng cực. Đã trả tiền cho Airbnb rồi, 8 tiếng trước khi lên đường thì đâu có thể huỷ được. Thế là ôm gói lên đường vào lò lửa sa mạc của tiểu bang Arizona.
Khi đi chơi, mình hay mướn nhà thiên hạ qua hệ thống Ảirbnb vì rộng rãi, không gò bó chật chội như ở khách sạn. Sáng dậy là có đồng chí vợ làm điểm tâm cho ăn, chiều về nấu cơm ăn cho vui hơn vì chán ăn cơm tiệm. Mấy chỗ du khách, thường đồ ăn dỡ không thể chê hơn được, nhất là có đồng chí vợ nấu cho ăn. He he he.
Kỳ này, xem mấy cái khách sạn nằm trong công viên quốc gia thì không có chỗ vì phải đặc trước mấy tháng, thậm chí cả năm thêm đắt lắm, tối thiểu $300/ đêm. Mình nhớ ở trong công viên quốc gia Yellowstone, đắt mà họ xây theo kiểu du lịch sinh thái, nên không tiện nghi cho lắm. Đồng chí vợ bị dị ứng bụi nên đi đâu cũng phải cẩn thận.
Khách sạn ở ngoài công viên quốc gia gần nhất là một tiếng lái xe nhưng cũng đầy, thường thì người ta ghé thành phố Flagstaff, cách cổng vào công viên, hai tiếng lái xe, 150 dặm. Mình vào Airbnb thì có một căn nhà 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm, rộng độ 150 m2, giá $165/ đêm, ngay thành phố Williams, độ 40 phút lái xe vào cổng công viên. Nhà này ở được 8-10 người. Nếu đi đông người thì tính ra rẻ hơn ở khách sạn mà vui nữa.
Hỏi bà chủ nhà thì được biết miếng đất bà ta mua là $180,000, khoảng một mẫu đất. Bà ta đào giếng, xây hầm phốt vì ở xứ khỉ ho cò gáy, không có ống cống của thành phố và nước. Mua cái mobile home, mình đoán độ $30,000 vì vùng này chuyên đóng mobile home để bán nên rẻ hơn Cali nhiều. Coi tổng cộng $220,000. Bà ta kể là mỗi tháng trung bình có thu nhập $3,700 hay $44,000/ năm. Trừ chi phí, còn lại $30,000/ năm và bà ta có 4 căn vậy là $120,000/ năm. Về già mà có số tiền sống thì tương đối khoẻ.
Mình nói đồng chí con gái, sau này nó và anh nó không thích làm cho chủ nữa thì bố sữa mấy căn nhà cho thuê gần Dísneyland đề nghị làm mỗi phòng theo chủ đề như căn nhà mình mướn ở bờ biển năm trước cho họp mặt gia đình vợ. Mỗi năm vợ mình hay tổ chức họp mặt đại gia đình bên vợ nhưng chỉ có đồng chí vợ và bà chị vợ trả tiền nên chán, năm nay để dành tiền cho con gái đi học đại học nên thôi, dù đám cháu cứ gọi như ri.
Mình có bà bạn, có nhà ở vùng gần Disneyland, cho du khách mướn. Ở khách sạn thì cả gia đình tốn nên 2,3 gia đình hợp nhau mướn căn nhà gần Disneyland, để tiện viếng thăm. Bà ta sửa sang lại như ở khách sạn hạng sang nên kiếm khá nhiều tiền. Theo bà ta thì hàng năm cho mướn được khoảng 250 ngày, mỗi căn trừ chi phí hết thì lời độ $100,000. Bà ta có hai căn nên sống thỏi mái con gà dê.
Ngày đầu chạy vào công viên quốc gia, trả $30 vào cửa cho 1-7 ngày. Dân mỹ có cái hay là họ biết làm đẹp thêm cho thiên nhiên, có thương mại hoá nhưng vẫn giữ tính cách thiên nhiên, nhà cửa đều được thiết kế và xây hài hoà với thiên nhiên. Chạy vào trung tâm du khách thì họ cho biết các chương trình trong ngày, bản đồ chỉ dẫn để đi bộ, thăm viếng Đại Vực. Có xe buýt chở đi lòng vòng miễn phí trong công viên, nơi nào thích thì nhảy xuống thăm viếng rồi nhảy tọt lên đi tiếp.
Có 3 tuyến đường: một chạy vòng vòng khu làng, nơi có chợ và những trung tâm nghỉ dưỡng, màu xanh, hai là màu đỏ chở du khách đi viếng khu Tây vực và màu xanh lá cây thì khu Đông vực ngoài ra ai không muốn trả tiền vào cổng hay lái xe vô công viên thì có một tuyến đường màu tím sẽ chở miễn phí từ ngoài công viên vào để tránh đông xe, ô nhiểm môi trường.
Đồng chí vợ hăng say kêu đi bộ từ đầu tây vực đến đông vực. Cả gia đình lấy xe màu xanh đến cuối làng rồi lấy xe đỏ đi đến cuối chặng rồi cả gia đình bắt đầu đi bộ theo đường mòn mà họ gọi là "Walk of the time". Cứ đi 100 thước là có cái số dưới chân trên đường mòn nói là 3000 millions year rồi trừ từ từ. Trước mỗi con số khắc bằng đồng dưới đất kiểu ở Hollywood thì lại có một cái bục đặt một hòn đá của vùng này, đề tên la tinh bú xua la mua nên chả muốn đọc cho nhức đầu vì khi xưa học địa lý điên đầu với những phúng thạch,...
Chu vi của Đại Vực (Grand Canyon) khoảng 450 km chiều dài và 36 km chiều ngang và 1.847 m chiều sâu, được chia làm hai dãy: một gọi là South Rim, phía nam và một gọi là North Rim, phía bắc. Khu vực phía Bắc cao hơn miền nam độ 300 thước, đường đi vào khó khăn vì phải qua tiểu bang Utah. Tiểu bang này không muốn xây xa lộ để du khách cúng tiền cho tiểu bang Arizona, do đó du khách vào cổng phía nam thuộc tiểu bang Arizona nhiều hơn.
Đa số du khách đến viếng rồi đi thì vào cổng phía nam vì dễ dàng, có xa lộ còn phía bắc thì dành cho du khách đi cắm trại ở thiên nhiên, không có khách sạn khách đá gì cả. Từ phía nam muốn vào cổng công viên phía bắc phải đi vòng, mất độ 5 tiếng lái xe, đường ngoằn nghoè nhưng vẫn hơn đường Sàigòn Đà Lạt, vẫn có thể chạy 75 dậm một giờ nhưng khá nguy hiểm vì đường rất nhỏ, chỉ dám qua mặt khi có bảng chỉ dẫn cho phép.
Khi xưa thì mình có đi vào phía bắc nhưng kỳ này thôi, xem đá riết cũng chán. Vùng này thuộc dạng cao nguyên nên chạy xe mệt nghỉ, chỉ thấy đồng bằng cao nguyên với độ cao trên 5000 bộ anh, cao hơn Đàlat, xung quanh toàn cây thông lùn độ 3-5 mét chiều cao, đến khu vực này thì mới thấy cái vực rộng độ 20 km, sâu gần 2 km, chia hai vực nam bắc. Đất đá bị gió mưa tuyết làm xoáy mòn thêm dòng sông Colorado, bắt nguồn từ dãy núi Rocky chảy ngang.
Từ trên vực đi xuống bờ sông Colorado độ 6000 bộ anh. Ở trên thì ít nóng hơn, độ 95 F còn đi xuống thì 115độ F. Mùa đông thì có tuyết vì cao độ còn hè thì nắng cháy da. Mùa này tuyết tan, nhất là dãy núi Rocky Mountain từ Colorado nên nước ở các hồ Powell đang dâng lên. Mấy vùng này cũng bị hạn hán mấy năm nay như Cali. Các hồ bị nước rút xuống 4-6 m.
Cứ đi bộ một chút lại thấy cảnh hùng vỉ, phải ngừng để chụp hình cho đồng chí vợ và đồng chí con gái. Khi xưa chỉ cần chụp hình cho đồng chí gái nay thêm con gái lại tốn thì giờ. Phong cảnh đẹp, đang ngắm thì vợ bảo chụp, thân thể mụ vợ coi như che mất hết phong cảnh còn dang tay nên che hết phong cảnh. Kinh.
Có đi ngang cái mỏ uranium cũ thì thấy có dự án sử dụng cái mỏ bỏ hoang để xây một khách sạn 600 phòng ngủ. Rất đẹp tiệp vào vách núi nhưng không được thực hiện.
Vùng này có nhiều uranium, các công ty xin khai thác nhưng chính phủ dưới thời tổng thống Woodrow Wilson, ký đạo luật thành lập công viên quốc gia nên có trên 2000 đơn xin khai thác mỏ nhưng bị từ chối. Mình có thấy mỏ than, đá đang được khai thác cách xa đại vực nhưng nghe nói vào năm 2009, chính phủ Obama tịch thu hơn 4000 km2 đất nên các công cuộc khai thác mỏ quặng phải đình chỉ.
Đến chỗ đi xuống đại vực thì mụ vợ không muốn xuống vì lần trước đến thăm, 23 năm về trước, mụ mua giày vớ tùm lum đi xuống có chút xíu sợ quá bò lên lại. Xuống đây mụ đi không nổi nên phải cõng lên. Nay mụ tộn thêm nhiều kí nên lắc đầu, tiếp tục đi đến đầu phía đông.
Có nhiều du khách đi xuống, cắm trại qua đêm hay cởi lừa đi lên để khỏi mệt. Thấy bản chỉ dẫn, đi tới đâu thì đem theo bao nhiêu chai nước, bao nhiêu sandwich thêm độ nóng. Nghe nói ngày nào cũng có người bị say nắng phải đưa vào phòng tiếp cứu. Thấy rất nhiều du khách ngoại quốc nhất là từ Đức quốc và Trung Quốc.
Từ 8:30 sáng đi bộ và chụp hình đến 11:30 trưa nên cả nhà kéo vào tiệm ăn tại làng. Ăn xong thì ra xem các người dân da đỏ, hát múa kiếm tiền cho mùa hè. Thấy có vẻ họ pha chế cho du khách nên một số bỏ đi. Đồng chí vợ vẫn đợi kêu lên chụp hình với các vũ công. Tội trời nóng 95 độ F mà họ phải vận đồ da toát mồ hôi như tắm. Mấy người da đỏ này đi hát và múa, kiếm tiền vào mùa hè sau đó thì trở lại đi học. Mình gặp và nói chuyện với mấy người da đỏ học nhiều điều khá hay. Ai thích thì hôm nào sẽ kể.
Vùng này khi xưa có nhiều bộ lạc da đỏ sinh sống nay thì chính phủ mỹ dành riêng một khu tự trị để họ sinh sống, miễn đóng thuế, thường được gọi Navajo reservation. Họ sinh sống như thời xưa, chăn nuôi, trồng trọt không điện nước, có nhiều nơi bắt đầu có điện. Chạy xe lâu lâu thấy có trạm xá y tế, chắc để dành cho người da đỏ khi đau ốm đến viếng bác sĩ mỹ miễn phí.
Ăn xong thì trời mưa rào rồi tạnh. Cả gia đình lại tiếp tục đi và chụp hình cho mụ vợ và con gái đang đến tuổi làm dáng cho hết nữa chặng đường còn lại đến cuối cùng đường mòn. Có cái bảng kêu chúc mừng bạn đã đi hết con đường vượt thời gian. Lên xe buýt về trung tâm, lái xe ra khỏi công viên để xem phim về đại vực này.
Đồng chí gái muốn coi phim về phong cảnh ở vùng này với màn ảnh to lớn Imax. Phim này lần trước đã xem nhưng mụ vợ nằng nặc đòi xem lại trong khi mình xem cũng đã 5 lần trên đài truyền hình National Geography.
Coi xong thì chạy vô lại công viên để xem mặt trời lặn. Đẹp nức nở nhất là ngồi cạnh đồng chí vợ và đồng chí con gái. Hạnh phúc nhiều khi rất đơn sơ. Vợ chồng con cái bên nhau hướng về chân trời và không muốn giây phút đó chấm dứt đến khi thiên hạ hối nhau ra về vì chuyến xe buýt cuối cùng.
Vào 9:00 tối, họ có chương trình xem sao trời nhưng hôm đó trời âm u nên không thấy sao siết gì cả nên kéo nhau về nhà ngủ, phải lái xe thêm 40 phút. Đường tối lại không có điện, may là có máy định vị nên mò ra được. Ở mấy xứ khỉ ho cò gáy thì bảo đảm việc đầu tiên dọn tới là phải mua một cây súng để tự vệ. Dạo này báo chí nhất là giới thuộc đảng dân chủ kêu gọi đòi cấm súng ống nhưng xét các tài liệu thì chết vì bị súng bắn ít nhất ở Hoa Kỳ so với chết vì ung thư.