Tết ngày xưa

Hai vợ chồng mới cúng ông Táo xong. Năm ngoái còn có con gái cúng chung, nay chúng đi học xa hết nên chỉ còn hai vợ chồng chuẩn bị ăn Tết. Cuối tuần chúng về ăn Tết với mấy đứa cháu để nhận lì xì xong rồi chạy về trường.

Mình đặt quán HH 4 cái bánh chưng nhỏ và hai đòn giò để hôm nào đem về cúng ông bà cho 3 ngày Tết. Ngày nay mấy đứa con mình mỗi lần nghe mình kể là hồi bằng tuổi chúng bố mẹ thèm ăn bánh chưng, bánh Tét và nhất là giò và chả thủ. Chúng lè lưỡi miệng vang OMG OMG kêu mỡ đủ trò. Đúng là vật đổi sao dời! Chúng lại thèm Pizza, hamburger thì không có mỡ chắc. Vào thời mình thì có bao giờ biết đến mấy thứ này, nghe còn chưa chắc đã có ai mách đến tên.
Khi chúng ở nhà, mình dạy chúng lạy, niệm
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Đức Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản gia Táo Quân, ngài Bản gia Thổ Công, Long Mạch, Thần Tài.
Con kính lạy các ngài Thần linh cai quản trong xứ này.

Hôm này là ngày 23 tháng Chạp năm Bính Thân
Tín chủ con là Nguyễn Hoàng Minh và Nguyễn Hoàng Ỷ Lan ngụ tậu thành phố Orange
Nhân ngày đưa Ông Táo về trời.
Chúng con cùng toàn thể gia quyến tuân theo nghi lễ, sắm sửa hương hoa lễ vật kính dâng lên trước án tọa Tôn Thần cùng chư vị uy linh, kính cẩn tâu trình.
Kính cáo Bản gia Thổ Công, Táo Quân, Long Mạch và các vị Thần linh, cúi xin chứng minh, phù hộ cho toàn gia chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành.
Kính thỉnh các Tiên linh, Gia tiên chúng con và những vong hồn nội tộc được thờ phụng vị cùng về hâm hưởng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Mụ vợ kêu thổ thần đất đai là người Mỹ hay mễ mà anh dạy chúng tiếng Việt thì ai mà hiểu nên đọc lại. Mình đành lấy English Second Language của mình ra :
South Where a moving Budha!
South Where a moving Budha!
South Where a moving Budha!
Làm mụ vợ la quá cở, nói dịch sai hết rồi. Mình cãi South là Nam, Where là Mô, a là a còn Di là moving,...
Mình kêu chúng đọc theo mình thì vừa xong mấy câu khấn thì cũng tàn hương. Chúng bảo ông Táo bà Táo ở vùng này gốc Mễ hay da đỏ thì nên cúng Burito hay Taco. Cúng họ cá chép, bánh chưng bánh tét thì sao họ ăn lại để mấy cặp đũa. Phải để dao nĩa. Chán mớ đời! Làm thân tỵ nạn 12 bến nước. Khi xưa ở Pháp thì cúng MArtel, qua Ý Đại Lợi thì cúng spaghetti, qua Anh quốc thì Fish & Chips,…
Tình thật mình chỉ làm lại những gì khi xưa thấy ông bà cụ ở nhà làm, được xem là truyền thống, nhiều khi mình lại mang mán nhớ sai nên truyền thống vô hình trung bị cải cách bất đắc dĩ.
Ngẫm lại ông bà của mình có chu du khắp nơi được mình réo gọi về thì cũng phải xin phép thổ thần đất đai mới cho hộ khẩu vào nhà mình nên phải khấn thổ thần đất đai nhưng mình lại khấn bằng tiếng Việt thì không biết họ có google để nghe dịch hay không để ra lệnh lính mở cổng thổ cho ông bà mình vào. Sau này mệt quá mình kêu mấy đứa con khấn bằng tiếng anh cho tiện. Ông bà mình không biết tiếng Mễ tiếng Mẽo nên không biết ở hải quan trình bày ra sao, có được cấp Visa hay không. Nay ông Trump lên nên chắc biên giới bị canh gác cẩn mật hơn thời ông Obama.
Loay hoay làm mình nhớ đến khi xưa còn bé ở Đà Lạt, mỗi độ Tết về là ông cụ giao cho mình nhiệm vụ, đem bộ lư đồng và cặp chân đèn xuống, chùi cho bóng. Sau đó lấy cái chổi lông gà chùi bàn thờ khiến mình hiểu vì sao thiên hạ kêu mình ngu.
Rồi lấy cái bình hoa thật ra cái vỏ đạn đại bác 105 ly của ông lính pháo binh quen tặng. Sau này lớn lên nghe bài thơ của Hữu Loan thì mình mường tượng đến cái bình hoa vỏ đạn 105 ly khi xưa. Lấy đồ chùi đồng đánh bóng như mới ra lò. Dạo ấy nhà mình còn ở nhà cũ, em út chưa được sản xuất nhiều như ngày nay.
Ngày hôm sau, ông cụ dẫn mình ra chợ ngay trước bùng binh chợ có mấy hàng hoa. Người ta bày bán hoa đào đầy. Ông cụ mình lựa lựa cẩn thận rồi hỏi giá. Cứ mỗi lần nghe người bán hàng nói giá là ông cụ như muốn đứng tim rồi tiếp tục lựa cành bé bé hơn rồi đi qua hàng bên cạnh. Cuộc trao đổi qua lại cuối cùng ông cụ chọn một nhánh ít tiền rồi nhờ bà bán hoa lấy giấy báo gói lại đưa mình cầm, đi bộ từ chợ đến đường Hai Bà Trưng hai ba cây số. Mình ôm cành đào đi về, trong lòng rất hãnh diện. Đi xớn xác leo dốc vấp cái gì không nhớ té lăn cu cheng mấy vòng. Mình toát mồ hôi vì cành đào bị gãy. Về bị ông cụ khệnh cho một trận.
Có lẻ mình nhớ nhất là những đêm canh nấu bánh tét với hàng xóm. Hàng xóm dạo đó có ông bà Kiếm, lớn tuổi hay kêu mình vào nhà, nhổ tóc ngứa cho tiền, luồng kim cho bà ta vì không thấy đường, nay về già mới hiểu. Năm đó ông bà trúng lô đề nên ăn tết lớn, nấu hai nồi bánh tét. Hình như người huế ăn bánh tét nhiều hơn còn người bắc thì bánh chưng. Ông bà Kiếm sau này về hưu ở quê ông bà là tỉnh Quảng Trị.
Ông Kiếm gói bánh Tét trên cái mâm, lấy lá chuối trải lên rồi lấy cái lon sữa ông thọ, đong nếp đổ trên lá chuối rồi bỏ thịt ba chỉ thêm đậu xanh rồi lấy dây lạt buộc lại như cái đòn chả xong bỏ vào nồi theo lối hàng ngang rồi dọc trong cái thùng thiết đựng nước mắm Phan Thiết.
Cái thùng thiết được đặt trên cái bếp 3 chân của mấy người làm lục lộ để nấu dầu hắc tráng đường. Cũi thì lấy từ công trường về. Mình ở xóm Công Chánh nên mấy ông hay lấy đồ ở ty Công Chánh về xài một cách vô tư. Cứ lâu lâu, ông K giở nắp thùng, đổ thêm ấm nước sôi vào vì hơi nước bay đi.
Hình này thấy trên mạng nhưng khá giống cảnh nấu bánh tét hàng xóm
Ngồi nấu canh lò lửa trong đêm lạnh nhưng thú vì tên Sữu hơn mình độ 5,6 tuổi kể chuyện ma làm mình run hết dám về nhà đến khi bà cụ sai chị người làm đi tìm mới dám lụi cụi đi về. Mình nghe nó kể về Ma Da, một loài ma là người thường nhưng đêm đêm rút cái đầu rời cái xác đi kiếm ăn, đặc biệt là kít người. Ai ỉa vất mà bị ma da ăn là trở thành ma da luôn nên sợ kể từ đó không dám đái bậy và ỉa vất. Thằng Sữu kể là cái đầu với bộ lòng bay lơ lửng đì tìm kít. Tối về thì nó đậu tọt vô người. Mấy người này thường có ngấn cổ nên từ dạo ấy mình hay xem cổ thiên hạ để xem ai là Ma da. Người lớn có nói là khi ngủ không được đậy mặt vì khi cái hồn về để nhập vào xác thì không thấy cái mặt của người ngủ lại bỏ đi. Do đó mình không bao giờ lấy mềm trùm hết cái mặt dù Đàlạt trời rất lạnh.
Dạo đó con nít trong xóm mỗi lần đi ị là ra cái đồng mương, ngồi chảng hảng hai bên cái mương rồi vô tư sản xuất kít. Xong xuôi thì lấy gáo nước xối cho chảy xuống đường Hai Bà Trưng, thường thì mấy con chó đánh mùi trước nên đến thanh toán chiến trường ngay. Mình hay xem mấy con bé hàng xóm đi ị vì thấy là lạ, chúng không có chim như mình. Mỗi lần thấy mình là chị của chúng lấy đá ném mình, cứ xuỵt xuỵt, xua đuổi mình tựa như mình là chó, may mà không trúng đầu. Có lẻ vì vậy lớn lên mình rất sợ gái.
Ngày Tết mình thèm nhất món thịt đông và chả thủ. Thịt đông hình như là món của người Bắc còn chả thủ, loại chả làm bằng đầu heo mà sau này sang Tây mình có thấy tây ăn loại này khá nhiều, họ gọi Tête de Porc. Không biết có phải món này do tây thực dân đem qua Việt Nam như món phở rồi người Việt chế biến lại cho có vẻ đặc sản quê hương.
Khách quý đến nhà là mình biết vì bà cụ dọn ra món dưa hành thịt đông, nếu là người bắc còn người Huế thì chả thủ còn người nào mà muốn họ đi sớm thì hạt dưa mức gừng nhẹ nhàng. Cái khổ là khách quý thì rất là kẹo, lì xì rất ít hay quên còn khách ăn hạt dưa lại lì xì nhiều cho nên mình không hiểu đến sau này lớn lên thì mới tỏ. Những người cho lì xì nhiều là những người cần cầu cạnh ông cụ trong công việc.
Mấy anh em cứ đứng phía trong bếp nhưng tai rất thính, cứ mong khách lạ đến để được tiền lì xì nhiều. Có lần mình chúc một bà cụ là chúc bà đầu năm sinh trai cuối năm sinh gái khiến mọi người cười như điên thế là bà cụ vui vẻ cho thêm một phong bì nên mình cứ tiếp tục màn này cho mọi người ngay cả những chị chưa có chồng bị la kêu mày xui quẩy à.
50 cái tết qua xa quê hương nhưng những hình ảnh hương vị thời bé vẫn không bao giờ phai nhạt trong trí óc mình. Ngày nay có về thì cái tết chắc không còn những đặc trưng của thời mới lớn nữa.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn