Người triệu phú láng giềng

Sau khi đọc cuốn sách "the millionaire next door"của giáo sư Thomas Stanley, đại học Georgia Tech, mình bắt đầu nhìn mấy người láng giềng với một cặp mắt khác. Không còn nể nang những ai đi xe đẹp, ở nhà cao cửa rộng. Khi sang Mỹ, với ảnh hưởng của phim ảnh, báo chí,..., mình tưởng người giàu có ở Mỹ, phải sống trong các dinh thự, cao sang, đi xe hơi ngoại quốc, chơi golf, ăn uống tại các nhà hàng sang trọng. Ông Stanley bỏ mấy chục năm để tìm hiểu về những người giàu có ở xứ Mỹ tương tự khi xưa, ông Andrew Carnegie, từng được xem là người giàu nhất thế giới, đã chu cấp ông Napoleon Hill suốt cuộc đời còn lại, để giúp ông này, nghiên cứu về những người giàu và viết cuốn sách "think and grow rich", cẩm nang cho những ai muốn thành công, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Đọc báo hay coi truyền hình thì thấy các cầu thủ, tài tử danh tiếng một thời, ngày nay đói, có người vô gia cư như tài tử da đen thủ vai Mr. T trong phim tập A-Team, cầu thủ bóng rổ Dennis Rodman,… Khi làm ra tiền thì bè bạn kéo tới, bu như ruồi, đến khi hết thời thì không còn tiền chi tiêu, phải bán nhà. Có nhiều tên kể mua mấy chiếc xe Ferrari, lại không biết chạy xe có số tay nên để đó làm cảnh, sau túng tiền bán rẽ. Siêu sao Greta Garbo, về già, không tiền may có một người ái mộ cho ở trong nhà của bà ta khi xưa, đã bán, chỉ trả $1.00 tượng trưng cho mỗi tháng.
Ông Stanley kể qua những nghiên cứu của ông ta là 90% triệu phú của xứ Mỹ, sống trong những khu phố bình dân, họ đi xe rất bình dị như những người hàng xóm của mình, không phô trương như mình tưởng. Ông ta kể lúc đầu mời những triệu phú đi ăn, để phỏng vấn. Ông ta tưởng triệu phú là phải ăn tiệm sang trọng nên mời họ đi ăn tiệm sang nhất của thành phố. Không ngờ những người triệu phú, không quen ăn với ba cái đồ lĩnh kĩnh như dao, nĩa, ly to ly nhỏ nên cuối cùng họ kêu món hamburger, cầm tay ăn cho tiện,...

Mình có quen vài người như vậy, đi ngoài đường thì không ai biết họ là triệu phú. Có người thấy một cái lon CoCa không, nằm vất vưỡng trên hè phố, cúi xuống lượm, đem về nhà để bán cho ve chai. Mỗi sáng thứ sáu, họ tụ nhau lại, ăn sáng ở tiệm ăn Coco's, hạng bình dân. Lúc đầu thì đám này khá đông người nhưng sau 20 năm thì họ lần lược theo về đất Chúa nên còn vài mống, đa số là gốc Do Thái.
Mình tình cờ đi học khoá seminar về đầu tư vào địa ốc thì được cho địa chỉ của mấy cái hội đầu tư về địa ốc trong vùng nên liên lạc, bò lại xem thì được ông Jack Fullerton, khuyến khích mình nên tham dự ăn sáng vào mỗi thứ sáu của nhóm ông ta để học nghề. Mấy người này lớn tuổi, có mấy chục căn nhà cho thuê nên mỗi tuần gặp nhau để trao đổi kinh nghiệm, hỏi Ý kiến nhau về những trục trặc của họ với người thuê nhà, thuế vụ hay mua nhà,...
Tại tiệm ăn này có vài nhóm khác như nhóm Mục sư, cũng tụ họp vào sáng thứ 6 để chuẩn bị cho các lễ cuối tuần. Chắc họ cũng chia sẻ những buồn vui đời mục sư cho nhau. Thường ăn sáng xong thì ông Fullerton hay ai khác đưa ra một cái deal rồi hỏi mọi người cho Ý kiến, cách thương lượng mua căn nhà đó với chủ nhà ra sao,... Cũng từ đó mình học cách thương lượng, thuế má , mua nhà kiểu người Mỹ thay vì theo lối chính thống qua trung gian chuyên gia địa ốc. Trên 20 năm nay, mình chỉ dùng ngày thứ 6 vào các công việc về nhà cửa còn những ngày khác về công ăn việc làm.
Ông Fullerton khi xưa làm nghề huấn luyện viên Thuỷ cầu ( Water polo) cho trường trung học. Như bao người Mỹ bình thường, sinh sống trong một xã hội tiêu thụ, làm đồng nào xài đồng nấy, thích đi câu cá ngoài khơi nên lúc nào cũng hết tiền. Một hôm, ông ta đi San Diego để câu cá với bạn nhưng biển động nên chả biết làm gì nên đi vòng vòng trong khách sạn vì trời mưa thì thấy có một seminar về mua nhà cho thuê nên bò vào tham dự. Không ngờ đã thay đổi cuộc đời của ông ta. Ngày nay ông ta có trên 20 căn nhà cho thuê ở thành phố Costa Mesa, lợi tức đâu $40,000/ tháng nên có thì giờ đi chơi tứ xứ. Dạo này ông ta khá cao tuổi nên đi đứng khó khăn nên ít tới lui sáng thứ sáu. Ông này là người hỏi mình về dòng 27 của tờ khai thuế 1040 và chỉ mình khá nhiều về thuế vụ.
Ông Sandy thì dân gốc Do Thái, giáo viên, cha chết để lại nhà cửa và tiền bạc nên ông ta tiếp tục cho vay tiền với tiền lời khá đắt. Có vài căn nhà cho thuê. Ông này rất mánh mung, chỉ cho mình nhiều chiêu để thương lượng nhất là khi bị dụ mua timeshare. Có lẻ trong những người quen, ông này là đầu óc mánh mung tài nhất, chỉ có cái tật là không chịu lấy vợ. Ông ta bồ với một bà nào đó trên 10 năm nhưng không chịu lấy khiến bà bồ bỏ đi lấy chồng khác rồi vài năm sau li dị, trở lại với ông ta. Tên này rất kẹo, trùm sò, không bao giờ mời bà bồ đi chơi du lịch cả, cứ mỗi năm đi Hawaii với đám bạn, để bà bồ ở nhà, căm thù. Mỗi lần ông đến ăn sáng là đem theo coupon, mua một tặng một để chia với một người khác. Dạo này, sức khỏe yếu nên chán đời, để người khác coi sóc nhà cho thuê , không cho vay tiền nữa, đâm ra chán đời.
Ông Lary (1 r) cũng gốc Do Thái, thân với ông Sandy. Ông này kể học hai năm đại học cộng đồng là nghỉ vì khó quá, xin vào làm cai tù được 30 năm thì về hưu. Bà mẹ mua nhà cửa cho thuê nên ông ta học nghề của bà mẹ, khi chết để lại gia sản cho ông ta thêm cái tính trùm sò như ông Sandy. Khi còn làm cai tù, ông ta ở trong Mobile Home cho rẽ, để dành tiền mua nhà đến khi về hưu thì có 10 căn nhà cho thuê nên ngoài mấy ngàn tiền lương nhà nước, ông có thêm $20,000/ tháng nên sống phây phây, lâu lâu dắt bà bồ sang Mễ căng da mặt cho rẽ.
Lâu lâu ông kể chuyện làm việc trong tù, có lần tù Mễ đánh lộn với tù đen, ông ta ở giữa, thấy đám tù Mễ chạy lại, sợ quá, ông ta lên đạn shotgun và bắn hết đạn vào đám đông đến khi các cai ngục khác chạy lại tiếp ứng. Ông ta bảo là chưa bao giờ sợ như vậy, sau này tình cờ gặp một tên Mễ, cởi áo chỉ cho ông ta mấy vết sẹo, bảo lần đó ông bắn hắn, để lại mấy cái sẹo. Một lần sang Mễ thì thấy một tên tù cũ được ông ta quản giáo khiến ông ta run như máy hobo nhưng tên này, đi ngang chào vui vẽ. Một lần đi chơi, ông ta thích nhảy đầm kiểu country, lúc ra về có hai thằng chận cướp, thấy trong bóp có cái huy hiệu cai tù nên hai tên cướp còn phân vân là bắn chết ông ta hay tha thì ông ta vùng bỏ chạy có cờ nên sau đó không bao giờ bỏ thẻ cai ngục trong bóp.
Ông lại dùng luật 121 nên bán căn Mobile Home, dọn về ở một cái nhà trong 2 năm rồi bán nên không phải đóng thuế tiền lời quá $250,000.00 rồi dọn vào căn khác lúc nhà cửa Cali lên như điên như dại. Cứ bán một căn, ông lấy tiền lời không phải đóng thuế, trả đứt hai cái nợ của hai căn khác, sau đó làm một cái Credit line cho mỗi căn nhà đã trả dứt nợ. Trời ị trúng đầu nên khi nhà đất Cali banh ta lông thì ông lấy Credit line mua nhà rẽ, rồi cứ mỗi 2 năm lại trả đứt nợ Credit line.
Ông lấy vợ lúc trẻ được hai năm thì bỏ nhau, kêu Mụ vợ xài tiền như thiêu thân sau đó nhờ Bác sĩ cắt ống dẫn tinh trùng nên lâu lâu có một bà bạn nào kêu: "chúc mừng vì sắp được làm cha" thì ông thần này bảo không phải của ông ta vì đã thắt đường dẫn tinh thế là không bao giờ gặp lại mấy bà này. Mỗi đêm, ông đi nhảy đầm với bà bạn nhưng không cho bà này ngủ lại nhà. Trên thực tế thì mấy ông này không muốn lấy vợ vì sợ li dị, mấy bà vợ lấy hết tài sản cho nên tuy là triệu phú nhưng cô đơn, không vợ không con. Đi chơi thì sắm quà thôi, ông bảo như vậy rẽ hơn là lấy nhau.
Đồng chí gái tò mò muốn biết những người mình quen nên có ghé lại một lần ăn sáng thì sợ đến già, không dám trở lại. Than sao mình chơi toàn với già chát, toàn bằng tuổi chú bác không và hiểu cái tính trùm sò của mình từ đâu ra, nay lại truyền lại cho hai đứa con.
Bà Inge, người gốc Đức, sang đây vào những năm 60 lúc mới 18 tuổi. Bà này gốc Đức nhưng sinh ra ở vùng đất, bị cắt đất chia cho nước Ba Lan, sau đệ Nhị thế chiến và bị đuổi về Tây Đức, rồi bà dì ở Mỹ bảo lãnh sang. Bà không được đi học lại nên làm đủ việc, sau này lấy một sinh viên, bà ta nuôi ông chồng ăn học đến tiến sĩ. Bà làm chủ một khách sạn rất đông khách ở hàng tháng nên rất bận. Bà ta biết hàn ống đồng, ống nước, sửa chữa nhà trong khi ông chồng ngủ với cô thơ kí nên bỏ nhau.
Khi con cái lớn, Bà bán cái khách sạn, mua mấy căn nhà cho thuê. Với tính tặn tiện quen từ nhỏ trong thời gian chiến tranh nên ít tiêu sài, dùng tiền thuê nhà, mỗi năm bà ta mua một căn nhà đến nay có đâu 25 căn. Mỗi tháng có $50,000 tiền thuê nhà lại hà tiện, không biết làm gì với tiền nên mỗi năm mua thêm một nhà cho thuê. Nhưng nay xem như bị loà nên không lái xe được, đi đâu thì gọi trả tiền một bà Mỹ, chở đi. Bà có hai đứa con, cô con gái thì sống ở miền Đông Bắc còn thằng con thì ở Pháp lấy vợ đầm. Lâu lâu về thăm mẹ, xin vài trăm ngàn để mua nhà cho thuê ở Pháp. Còn ông chồng cũ thì mướn một căn hộ nhỏ, sống với cô thư kí. Đỏ tình đen bạc. Cuối tháng vừa rồi, mấy đứa con, tổ chức sinh nhật thứ 80 cho bà.
Ông Mic thì hồi nhỏ khá du đảng, lấy vợ, ăn trợ cấp. Một hôm, hai vợ chồng bị cán bộ xã hội nhà nước chửi quá nên cảm thấy nhục vì ăn trợ cấp nên hứa với nhau, đi làm để mua một căn nhà. Bà vợ đi làm ôsin, chùi nhà cho Thiên hạ còn ông thì làm nghề xây dựng. Họ chỉ tiêu sài một lương còn lương kia thì để dành, mua nhà để ở và cứ như thế mỗi năm mua một căn nhà, nhờ đọc cuốn sách "How to wake up the financial genius inside you ", nay có trên 50 căn nhà cho thuê. Ông chỉ tiếc là hai cô con gái, lấy chồng cũng không khá lắm, chỉ mong ông bà chết để bán nhà, tiêu sài cho sướng. Có dạo đi chơi ở Vancouver, bạn bè rũ đi Alaska nên ông ta nói bà vợ ở lại còn ông ta bay về, đi thâu tiền nhà vì đầu tháng, xong xuôi thì bay lên lại rồi cùng bạn bè đi Alaska. Dạo này già nên bà vợ bệnh đủ thứ , đi đứng khó khăn.
Ông Clyde, mình thường gọi là Rich Dad. Sinh ra ở tiểu bang Florida, bị bệnh đậu mùa nên trường không cho đi học, sợ lây các học sinh khác nên không tốt nghiệp trung học. Hết bệnh thì ông đăng kí đi lính Thuỷ quân lục chiến ở tuổi 17. Giải ngủ thì ông ở lại Cali, bán đồ légume, khoai tây ở gần chợ. Chỉ đứng ngoài đường bán rồi từ từ ông mua luôn mấy trăm mẫu đất trồng khoai ở tiểu bang Idaho. Ông ứng cử và làm thị trưởng thành phố của ông được mấy năm, giúp ông ta thành công trong việc đầu tư trong thành phố. Bạn bè bảo ông ta làm chủ nữa cái thành phố Bellflower. Tình cờ ông đi học seminar về đầu tư địa ốc và từ đó trở nên giàu có. Vợ ông ta là giáo viên. Nay ông sống 6 tháng +1 ngày ở Florida còn thì ở Cali, có thì giờ thì đi chơi hay giúp đỡ đám trẻ mua nhà. Ông này thì khôn, có vợ có con có cháu nên không cô đơn như mấy người khác.
Trong cuốn the millionaire next door, ông Stanley có nói đến con cháu của những người triệu phú, được bao cấp bởi cha mẹ. Họ sống trong những khu nhà sang trọng, hội viên của những hội nổi tiếng, golf,..nhưng không phải vì họ làm nhiều tiền, lợi tức cao mà vì được bố mẹ giàu bao cấp cho hàng tháng. Mình biết nhiều cảnh này, bố mẹ chịu cực "hi sinh đời bố, cũng cố đời con" nhưng con cháu quen chế độ bao cấp từ nhỏ nên cha mẹ phải chu cấp dù đã lập gia đình. Có người dọa nếu không cho tiền thì sẽ không cho gặp cháu nội, cháu ngoại. Bên Mỹ có luật cha mẹ hay ông bà được phép cho con cháu đâu $11,000/ năm nên một đứa cháu được $22,000 mỗi năm. Mình có quen một gia đình, có một cô con gái, chả học hành gì cả, sau làm nghề trang điểm, lấy chồng cũng không nghề ngỗng đàng hoàng. Cha mẹ cô dâu tốn $70,000 cho cái đám cưới, trả tiền mướn nhà, đẻ con thì nuôi vú, mua xe van,....
Ai giàu ba họ, ai khó ba đời như dân gian Việt Nam hay nói. Không phải chỉ xẩy ra cho người Mỹ trắng mà ngay người Việt tị nạn của lâm vào trường hợp này. Khi còn sinh sống ở Việt Nam thì nghèo khó nên ngày nay muốn cho con không bị thèm khát như mình. Có người hi sinh tiền hưu để cho con ăn học đại học, nhưng ra trường chúng không tìm được việc làm lại về bấu vào mình, lại nai lưng nuôi thêm chúng cả cháu ngoại cháu nội.
Mình đọc một cuốn sách của một tên luật sư, chuyên lo cho các gia đình giàu có ở Mỹ như Bush, Kennedy,... Ông này kể các dòng họ này, muốn tránh kiểu ai giàu ba họ, ai khó ba đời nên tổ chức rất chặt chẻ, để giúp đỡ con cháu, thăng tiến đời đời. Họ bắt chước làm theo dòng họ Rothchild, bên Âu Châu để cũng cố những thế hệ sau.
Ở Cali, muốn thành triệu phú thì chỉ cần có hai căn nhà; 1 để ở và một để cho thuê, không nợ ngân hàng là coi như là triệu phú vì giá trung bình của mỗi căn là 1/2 triệu. Khi về hưu, cho thuê hai căn nhà độ $2,500/ tháng coi như có $5,000.00 tiền thuê nhà cộng tiền hưu, an sinh xã hội, đại loại khoảng $10,000.00/ tháng để sống nhàn hạ. Còn thì mướn một căn hộ độ $1,500.00/ tháng sống thỏi mái, không lo cắt cỏ, sửa chửa,... Một năm rũ nhau đi chơi, thăm bạn bè vô tư, khỏi lo nghĩ, bận tâm về tiền bạc.
Các người đầu tư địa ốc ở Cali có công thức; mỗi năm mua một căn nhà, chỉ cần 10 căn cho thuê và một căn để ở là sống nhàn. 10 căn là có $20,000.00 lợi tức cho mỗi tháng. Thuế má và tiền lặt vặt để trùng tu nhà cưa 1/2, còn lại $10,000.00 sống thoải mái con Tàu đi, nếu có thêm hưu bổng, an sinh xã hội thì càng tốt. Ở hội Lions Quốc tế, mình gặp nhiều người như vậy, dư thì giờ, họ đi làm việc từ thiện, có người mua mấy trăm mẫu đất trên núi, xây nhà cho trẻ em nghèo có cơ hội đi nghỉ hè, trượt tuyết.
Ngày còn bé mình được dạy dỗ trong tinh thần trọng khoa bảng, học cho giỏi sau này làm Bác sĩ, kỹ sư là cha thiên hạ. Sống ở hải ngoại thì mới hiểu là có hai loại giáo dục: một giáo dục về lí thuyết và một về tài chánh thực dụng. Học đại học giúp mình mở mang trí tuệ nhưng chưa chắc đã giúp mình giàu có. Với một tấm bằng, mình có thể có một cuộc sống tương đối sung túc nhưng muốn làm giàu thì cần giáo dục về tài chánh thực dụng.
Mình có quen một ông Bác sĩ có thời làm ra tiền nhiều quá không biết làm gì nên đi Las Vegas vì được Casino, mời mọc, tiếp đón như ông hoàng. Ngày nay lớn tuổi nên không cạnh tranh nổi với đám Bác sĩ trẻ ở Bolsa nên lợi tức ít mà quỹ hưu chả có gì. Mỗi tháng chật vật mới trả được tiền nhà, mượn em út và chỉ còn mong đợi đánh thắng bài ở casino.
Bà Inge ngày nay rãnh nên ghi tên đi học đại học cộng đồng, theo khoa nhân văn, nghiên cứu về thi ca của thế kỷ 19 ở Âu châu trong khi ông chồng có bằng tiến sĩ, về già sống nhờ vào tiền hưu ít ỏi. Ông Rich dad của mình, học chưa xong lớp 10 trung học nhưng vì buôn bán, học thêm về Tài chánh, ngày nay có lợi tức $300,000.00/ tháng. Ông ta thường kể là có một hột gà thì khoan làm chả trứng, rán ấp cho nó nở thành gà rồi nuôi lớn nhưng đừng ăn thịt vội. Khi nó đẻ trứng thì khoan ăn trứng, để con gà mái ấp 21 ngày để có gà con và cứ tiếp tục như thế đến khi có nhiều gà và trứng thì mình có thể ăn gà hay trứng cho biết mùi. Ông ta mới dẫn con cháu đi Hawaii, ở resort sang trọng hai tuần lễ. Vợ ông ta mỗi năm đi chơi Âu châu, nam Mỹ, đi một mình buồn nên mời bạn bè đi chơi chung, bà ta trả chi phí hết.
Mình nhớ có lần bà cụ mình sang chơi, ông cụ giận sao đó nên không đi vào giờ chót. Hè mình đưa bà cụ đi chơi nhưng sợ cụ buồn nên mời một bà bạn đạo, nghe kể khi xưa giàu lắm, buôn thầu với Mỹ. Khi đi chơi, bà cụ mình được bà bạn chăm sóc rất chu đáo. Mỗi lần đến thăm bà ấy ở viện dưỡng lão là cứ nghe bà ấy nhắc đến chuyến đi hè với gia đình mình. Bà kể sang đây từ năm 75, con cái chưa bao giờ đưa bà đi chơi đâu. Mình đưa cả gia đình đi Utah, xem mấy công viên quốc gia. Bà kể có đi Las Vegas do mấy xe đò ở Bolsa đưa lên, ở khách sạn bình dân trong khi đi với mình thì được ở presidential suite, được mình cho tiền đánh bài thỏi mái. Thật ra mình chỉ đặt hai phòng bình thường nhưng đến nơi thì mánh mung để được ở presidential suite mà không phải trả thêm tiền. Có lần đi chơi với một gia đình tên bạn, đến nơi mình mánh mung với tên ở quầy lễ tân như sách chỉ nên được ở presidential suite, vợ tên bạn phê quá nhưng sau này hắn không dám đi chơi với gia đình mình vì vợ hắn la hắn sao không biết mánh mung như mình. Chán mớ đời.
Ở xứ Mỹ này nếu chịu khó đọc sách thì trong đời sống thường nhật, khi đi chơi, ở khách sạn,.... Ít tốn tiền nhờ giáo dục thực dụng. Mình hay dặn mấy đứa con là luôn luôn hỏi hôm nay có khuyến mãi không, trước khi trả tiền. Một hôm dẫn chúng đi mua dụng cụ bơi, ra quầy trả tiền thì mình dặn là phải hỏi discount trước. Mình cho mỗi đứa con một cái thẻ tín dụng của công ty để lo thuế má thêm tập cho chúng sử dụng thẻ để khi lên đại học không bị các ngân hàng dụ dỗ mà đổ nợ. Con bé ngập ngừng mới rặn được câu" do you have discount?" Như phép lạ cô thâu ngân viên bảo có; hôm nay có 25% nên từ dạo đó, khi chúng đi mua đồ với mẹ là hỏi dùm mẹ khuyến mãi, hôm nào được thì về khoe với bố, bố cho tiền 10% số tiền khuyến mãi. Mụ vợ mình thì mắc cở nhưng sau 23 năm lăn lóc với mình thì dạo này bắt đầu mở mồm hỏi. Hồi hè mua dù, bàn ghế ngoài sân ở Home Depot, dùng mấy cái mánh của mình nên được bớt 20%, về khoe với mình rồi cả dòng họ, lại bị mình la là tiêu tiền. Chán mớ đời.
NHS