Rượu và Phô mát *

Mình nhớ dạo đi làm 6 tháng ở Torino, thủ phủ của hãng xe hơi Fiat và thu thập tài liệu cho luận án ra trường của mình, rồi đi vòng nước Ý thêm 3 tháng, xuống tận đảo Sicily, quê hương của Mafia. Khi về lại Paris, thì phải mất 3-4 tuần mới suy nghĩ bằng tiếng Tây lại được vì trong đầu cứ lùng bùng tiếng Ý. Khi ở Ý, lúc đầu thì mình nghĩ bằng tiếng Tây rồi dịch ra tiếng Ý để nói rồi từ từ cứ nghĩ và nói theo tiếng Ý. Sau này đi Tây Ban Nha thì cứ nghĩ bằng tiếng Ý để dịch ra tiếng Tây Ban Nha rồi qua Ý thì cứ nghĩ đến tiếng Tây Ban Nha trước nên hơi điên điên.

Khi gặp lại bạn Tây Đầm ở Paris thì mình cảm thấy lạ lạ vì nghe bọn họ nói chuyện về ái ân (histoire de cul) khá nhiều nên tự hỏi tại sao không nhận ra điều này trước đây. Sau này nói chuyện với một tên bạn Tây ở Mỹ hai năm về, hắn cũng có cảm tưởng như mình và mất một thời gian để hoà nhịp lại với văn hoá Pháp. Có lần ở Anh, một tên làm chung kể tối hôm trước Đài BBC chiếu phim tây Betty Blue, hắn nói mới bắt đầu hắn đã thấy cảnh nóng, phim mở đầu bằng cảnh Béatrice Dalle và Jean Hughes Anglade đang yêu nhau. Nói chung Văn hoá Tây là phải thi hành 5 cái khoái trên đời. La joie de vivre. Còn ở Hoa Kỳ thì  ăn và ăn nhiều.
Bên Ý, gặp nhau thì nói chuyện chính trị, chống đối nhà thờ vì dạo đó 35% dân Ý theo đảng cộng sản hoặc về đá banh. Chủ nhật nào, cả thành phố như chết, người nào tin Chúa thì đi nhà thờ còn không thì đi xem đá banh. Trên tay mỗi người có một cái radio nhỏ cầm tay. Họ coi đá banh trước mặt nhưng lại nghe trực tiếp truyền thanh của những trận đấu khác. Dân Ý cá độ khá nhiều. Mafia dính vào nên bắt các cầu thủ bán độ nếu không thì họ giết như cầu thủ Paolo Rossi, người đá lọt lưới Ba Tây 3 bàn và Tây Đức để đem vinh quang vô địch thế giới cho Ý. Ông này bị treo giò mấy năm nhưng vẫn được ăn lương. Ngày nay, coi đá banh là thấy quảng cáo cá độ tứ xứ ngay cả bên tàu, thái lan, VN,...Chiều về thì dân ý ghé lại nhà cha mẹ ăn Spaghetti theo thông lệ của gia đình. Dân Ý nghèo hơn Pháp nhưng ra đường là áo quần chỉnh tề, chơi đồ xịn.

Dân Tây gặp nhau là ăn uống, rồi lên giường. Ngày xưa, rượu thường do các tu viện trồng nho để làm rượu cho thánh lễ vì rượu nghe nói tượng trưng là máu, bánh mì là thịt của Chúa. Dân tình ít ai làm vì cực lại không lời. Trong đệ nhất thế chiến, lính ra trận không dám uống nước vì bị vũ khí hoá học làm ô nhiễm nên họ phải uống rượu thay nước nên quen. Ai sống sót trở về thì bắt đầu uống rượu nên từ từ dân làng khắp nơi mới bắt đầu nghề trồng nho làm rượu bán.

Năm 1976 có một hiện tượng mà Tây gọi là Jugement de Paris. Đây là câu chuyện thần thoại Hy Lạp, khi nữ thần Éris, không được mời dự đám cưới nên đem trái táo có ghi người công bằng nhất đến buổi tiệc rồi hỏi 3 nữ thần Aphrodite, Athens và Hera ai là người công bằng nhất. 3 nữ thần này mới nhờ Paris, em của hoàng tử Hector, sau này bắn chết Achille. Aphrodite hứa với Paris là sẽ tặng cho hắn người đẹp nhất thế gian nên hắn kêu Aphrodite, đưa đến cuộc chiến nổi tiếng thành Troie với con ngựa gỗ. Paris mê Helen n’en dẫn cô nàng bỏ chạy, khiến ông chồng nổi khùng đem quân đi đánh thành Troie, để rồi nước này tiêu tan. Đi Thổ Nhĩ Kỳ, có ghé sang thành phố này.
Một trong nhiều tấm tranh kể về Huyền thoại trái táo cho người công bằng nhất. Các nữ thần đều được vẽ ở truồng hết.
Họ tổ chức một cuộc thử rượu (Blind tasting), không phải bịt mắt mà dùng những cái ly đen để che màu rượu. Năm đó rượu California, vùng Napa Valley về nhất, thắng rượu của Tây nên từ dạo đó kỹ nghệ trồng nho làm rượu bắt đầu phát triển ở bên Mỹ. Đất vùng Napa ngày nay rất đắt vì dân giàu ở San Francisco, mua vài mẫu đất, xây nhà nghỉ hè, trồng nho làm rượu riêng. Mấy chục năm sau hình như 2006, có một tổ chức nếm rượu được tổ chức ở New Jersey thì rượu Cali lại về nhất. Đa số các nhà trồng rượu Tây sang Mỹ đầu tư, họ mang giống nho của vùng của họ sang trồng bên Cali nên thường thấy các tên quen thuộc của rượu Pháp. Nghe kể trung bình một người Mỹ muốn nghiên cứu, chơi rượu thì phải tốn ít nhất $15,000.00; tiền đi dự seminar, mua mấy tủ lạnh chuyên về rượu,...đọc báo chí được mua bởi các công ty rượu, quảng cáo là uống rượu sẽ bớt mỡ trong máu. Trong khi bên Tây ngày nay dân chúng bớt uống rượu vì lâm sàng cho thấy rượu phá hoại sức khoẻ, chỉ làm để bán khắp thế giới.

Dạo mình còn sinh sống tại Paris thì khoảng tháng 10 là thấy các tiệm ăn treo bảng Le nouveau Beaujolais est arrivé! Rượu này làm bằng loại nho Gamay, có nhiều đường, hái sớm hơn nên làm rượu sớm. Rượu này thuộc vùng Bourgogne. Sau này nghe nói năm 2001 thì dân Tây tẩy chay loại rượu này vì họ pha chế thêm đường. Có một tên chuyên thử rượu nổi tiếng gọi là (vin de merde) rồi thưa kiện ỏm cù tỏi. Nhớ dạo còn VN, thầy cô giảng về hái nho, mình mơ khi sang Tây hè đi hái nho, kiếm tiền đến khi sang Tây gặp một tên mít, sinh đẻ bên Lào, kể đi hái nho cực lắm phải đeo cái gù, 4-5 giờ sáng phải dậy để đi hái sớm nếu không khi mặt trời lên là nóng banh xác. Trời lạnh tay lạnh cóng nên nhiều khi lấy kéo cắt nho lại cắt tay nên không dám ghi tên. Mình thì không biết uống rượu, cứ thử một ngụm là đầu óc lên mây, mặt đỏ rần rần. Nghe nói ai uống rượu mà bị đỏ mặt thì dễ bị ung thư nên các hảng rượu Tây phải bỏ thêm hoá chất vào rượu để bán cho thị trường Á Châu để người da vàng uống tránh đỏ mặt nhưng tác hại vẫn còn.

Hồi học trường Tây mình chỉ nghe về rượu Bordeaux của vùng Dordogne miền Tây Nam Pháp. Rượu nổi tiếng nhất là château Margaux của vùng Dordogne. Nghe nói vùng này có khoản 7,000 château. Vùng này thuộc Vương quốc Anh đầu thế kỷ 11 nên không bị giáo hội Pháp áp chế. Mỗi năm, các tàu chở rượu vùng này về Anh để bán nên có lẻ vì vậy các nước khác biết đến rượu Pháp qua rượu Bordeaux. Sau đệ nhị thế chiến, ông Baron Rothchild đã có ý kiến tiếp thị; bỏ rượu vào chai để bán thay vì các thùng tonneau như xưa, đã giúp thị trường buôn bán rượu phát triển nhanh chóng. Mình có đọc một cuốn sách về dòng họ Rothchild, kể lí do vì sao qua bao nhiêu can qua mà dòng họ này vẫn vững chắc, giàu có đến nay cho nên các đại gia đình như Kennedy, Bush,... đã theo cách sinh hoạt để sinh tồn của dòng Rothchild vì thông thường như VN thường nói ai giàu ba họ, ai khó ba đời. Hôm đi Bermuda, có chạy qua biệt phủ của dòng họ này.

Trong lịch sử loài người thì thường thường đời cha làm ăn khá, thành công thì đời con tạm tạm nhưng đến đời cháu là coi như gia sản của dòng họ cạn sạch. Giáo sư Amy Chua của đại học Yale mà Thiên Hạ hay gọi Tiger Mom mới ra cuốn sách với ông chồng, nghiên cứu về các giống dân di dân như Á Châu , Phi Châu cũng xác nhận là đến thế hệ thứ ba thì dân da vàng học hết giỏi, tà tà như Mỹ trắng sinh đẻ tại đây.
Rượu rosé 

Rượu Pháp có loại đỏ, trắng, champagne, rosé hay vin gris. Đỏ thì uống với nhiệt độ của phòng ăn, trắng thì uống lạnh như rosé, Champagne. Rượu rosé được làm bằng nho đỏ và trắng tương tự như champagne. Mình thấy tây đầm hay uống rượu này khi ăn cơm Việt hay Tàu nhưng không hiểu lí do. Có lẻ vì đồ ăn tàu hay Việt Nam pha đủ trò, vừa thịt heo vừa cá,.. Champagne thì được bỏ thêm gaz carbonique do mấy linh mục của tu viện Saint Hilaire, sau này một ông cố đạo tên Dom Pérignon ở vùng này hoàn thiện các bỏ chai nên được gọi méthode champenoise.
Rượu Champagne. Mẹ mình thích uống lắm lần sau về Đà Lạt sẽ đem về cho bà cụ uống 
Mỗi lần mình sang Ý là phải đem theo rượu Pinot noir để tặng cho dân Ý vì họ thích loại này. Dân Ý thì chê rượu Tây, còn Tây thì chê rượu Ý, Merlot là Merde nên mình cũng chả hiểu theo ai. Bọn Tây thì khá cầu kỳ khi ăn uống. Mới bắt đầu thì họ uống apéritif, rượu khai vị thường là Pernod hay Ricard, loại pastis pha với nước lạnh, ăn mấy món như jambon, saucisson,..mấy món này thì uống rượu đỏ, sau đó thì ăn soupe (buổi tối) còn không thì cứ hors d'œuvre rồi đến món chính. Món chính thì tuỳ loại; cá đồ biển thì uống rượu trắng còn thịt thì uống rượu đỏ.

Nếu nói theo mấy ông thầy thuốc Bắc thì cá là thuộc loại âm nên uống rượu trắng, có dương tính để bảo hoà như người ta bỏ thêm gừng khi kho cá hay nấu canh cá. Thịt là Dương nên uống rượu đỏ là âm để bảo hoà. Rượu đỏ thì cũng đủ trò, món gì phải uống với rượu vùng nào. Cứ mỗi món là đổi rượu khác, ăn fromage lại có đủ loại đủ kiểu rượu, khi ăn tráng miệng thì uống champagne. Uống cà phê thêm ly Cognac cho tiêu cơm... Về Việt Nam, thấy thiên hạ uống rượu mạnh như uống nước lã nên mình rất ngạc nhiên vì tây chỉ muốn một ly nhỏ còn dân mình thì uống như khát nước, không phải để thưởng thức rượu.

Rượu bên Tây làm xong phải được một cơ quan của hiệp hội rượu, khám nghiệm xem có đúng tiêu chuẩn nếu không thì sẽ loại thành vin de table, loại rượu uống khi ăn cơm bình dân, hàng ngày. Mình nhớ rượu này rẻ hơn là nước. Một chai perrier đắt hơn một bình rượu này. Vào quán rượu, dân Tây hay ăn một sandwich làm bằng baguette, trét bơ rồi mấy lát sauccisson hay jambon, cornichon và một ballon rouge (ly rượu đỏ có hình tròn).

Bên Tây, ăn uống cầu kỳ nên mất thì giờ, sang Mỹ thì gọn hơn. Dân Mỹ uống rượu hằm bà lằn nhất là khi gặp dân VN thì càng vui nữa. Dân mít mình dạo này kinh tế khá khá nên bắt đầu uống rượu cho vẻ đại gia thì mình thấy họ bỏ đá lạnh vào rượu để uống như Mỹ uống Coca Cola. Mình thấy nhiều Annam mít cũng cầm ly dành cho Cognac để uống rượu đỏ, bỏ đá cục rồi cũng bắt chước ai đó lắc lắc cái ly, ngửi mùi rồi nuốt cái ực như kẻ sành sỏi về rượu.
Lúc làm rượu, cần phải có rất ít oxygen trong rượu nên khi khui rượu ra thì để trong ly rồi lắc nhẹ để oxygen hoà vào rượu để oxy hoá thì mới đúng vị để uống. Bên vợ, có một người bà con lấy chồng người Bỉ nên mỗi lần kỵ giổ gặp nhau là tên này lè lưỡi với mình khi thấy mấy tên bà con bên vợ làm bộ, làm tịch uống, nghiền ngẫm về rượu. Hè thì đám bạn xưa ở Âu Châu gửi con của họ sang chơi, ở nhà mình vài tuần, tập nói tiếng Mỹ với con mình là vị chi có champagne. Tập tục của họ khi đi xa là đem tặng chai champagne, phải bỏ vào tủ lạnh rồi uống với con họ như chấp nhận con họ vào nhà mình. Loại rượu mạnh thì tuỳ loại tuỳ ly để uống. Vùng Champagne nổi tiếng về loại rượu cùng tên, mình có ghé lại viếng nhà thờ ở thành phố Reims, đẹp nức nở.

Dân Tây ít uống bia hơn dân Đức. Họ hay uống thứ gọi là panaché, nước ngọt như Sprite, 7 up rồi pha với bia hơi uống không say không trả tiền. Mỗi lần mình bị cảm là cứ ghé vô bar gần nhà, gọi 1 ly Grog, họ pha rượu Rhum, bỏ chanh, nước nóng và đường. Nhắm mắt nhắm mũi uống cái ực rồi leo lên lầu 8, lăn ra giường ngủ, sáng mai dậy là khoẻ như chim.

Khí hậu vùng Normandie và Bretagne thì không trồng nho được nhưng họ trồng nhiều táo, và làm thức uống làm bằng táo được gọi là cidre de pommes có nồng độ chất cồn khá cao. Mình có uống một lần thấy ngon khi ăn crêpe bretonne nhưng chóng mặt nên chừa. Bên Mỹ cũng có loại này nhưng không có cồn có lẻ pha nhiều hay độ men rất ít.

Có lần đi vùng Alsace thăm cô bạn ở thành phố Munster thì được bố của cô này cho uống thử Schnapps, loại rượu mạnh nấu bởi trái táo, mận....mình uống thử một ly nhỏ thì đầu óc quay cuồng tới ngày hôm sau mới tỉnh dậy. Bên Ý cũng có loại rượu tương tự gọi là Grappa. Hai vùng Alsace và Loraine của Pháp này nằm ngay biên giới của nước Đức. Họ nói thổ ngữ lai lai tiếng Đức như Thụy Sĩ vùng nói tiếng Đức. Hai vùng này cứ thay phiên nhau đổi quốc tịch; khi Đức thắng thì họ thuộc về Đức, khi Tây thắng thì thuộc về Tây.

Trong thời đệ nhị thế chiến, bố của cô bạn bị đi lính cho Đức Quốc Xã, bị bắt cầm tù nhưng ông ta kêu là may vì được giao cho quân đội Mỹ quản lí còn một số đồng đội không may bị đưa đi Tây Bá Lợi Á, tẩy não, chết khá nhiều. Bố cô bạn cho mình mượn chiếc xe đạp thời Đức quốc xã, nặng chình chịt để mình đạp viếng con đường rượu (route des vins) khá nổi tiếng ở vùng Alsace. Vùng này nổi tiếng làm rượu trắng nhiều như loại Ríesling hay Muscat có lẻ ít mặt trời và đất.

Dạo đó hè mình có bài tập: nghiên cứu sự phát triển một cái làng nên chọn làng Riquewihr; phải đo rồi vẽ lại cái làng, lịch sử,... nên mỗi ngày phải đạp 50-60 km đi vẽ rồi ghé lại mấy hầm rượu, họ cho thử một ly rồi lên xe đạp tới khuya mới bò về nhà cô bạn. Vùng này bị ảnh hưởng văn hoá Đức nên dân tình uống bia khá nhiều. Hè họ hay tổ chức các hội, kiểu octoberfest như thành phố Munich nhưng nhỏ hơn trong các làng. Mình có đi dự một hội này gần Munster thì dân bận đồ cổ truyền kiểu Đức, rồi nhảy múa dân ca, uống bia và ăn zauerkraut; một loại bắp sú ngâm như dưa cải của mình, lên men rồi nấu ăn với saucisse, thịt heo ba rọi, mỡ màn nức nở,...khoai tây.
Phô mát của vùng Musnter, Alsace, ngon Bùi nhưng thối như sầu riêng.
Tỉnh Munster này có một đặc sản là fromage mang tên Munster, ăn rất bùi nhưng thối nức nở. Mình nhớ khi về lại Paris, có mua về mấy miếng làm quà cho mấy người bạn. Mình để trong hành lí và gác lên porte bagage thì từ từ mấy hành khách ngồi chung toa bỏ đi sang toa khác. Sau này mới hiểu họ không chịu được mùi thối của fromage này nên tự dạo đó mỗi lần lấy xe lửa đi xa là mình mua một miếng fromage này bỏ trong toa là có chỗ nằm thẳng cẳng khỏi phải cần trả tiền couchette. Có lần mình thoáng nghe một bà đầm kêu il pue ce chinois! Thế là đổ tội cho mấy chú Ba.
Có lẻ có dịp về pháp lại, mình sẽ dẫn vợ đi viếng vùng này nhất là thành phố Colmar rất đẹp 
Kiến trúc vùng này hoàn toàn bị ảnh hưởng của Đức và thời tiết. Dân đây chịu khó làm việc như dân Đức, không biểu tình như các xứ miền Nam Pháp. Các hãng xe mở các nhà máy ở đây khá nhiều. Anh của cô bạn mình làm ca đêm trong hầm than, cứ thấy hắn ho hoài, ngày thì ngủ, nên chả có thì giờ đi tán gái. Trai trong vùng đi học đại học xa hay chạy ra các tỉnh lớn kiếm việc làm nên các cô đầm ở tỉnh nhỏ quay qua quay lại chỉ có con trai vùng Phi châu thuộc địa cũ của Tây, di dân sang làm thợ trong các nhà máy đến tán nên người lớn bực mình vì thấy con gái đi với trai đen.

Nói đến phô mát thì hồi ở Đà Lạt mình chỉ nghe đến La Vache qui rit, sang Tây thì đa dạng. Tây hay nói là mỗi ngày ăn một loại phô mát đến cuối năm vẫn không hết. Dạo sinh viên, cuối tuần thường các tiệm ăn của đại học đóng cửa, ngoại trừ vài nơi có kí túc xá nên mình hay mua bánh mì và phô mát ăn cho qua bữa. Mỗi lần đi chơi xa với đám bạn thì tìm loại phô mát địa phương để nếm. Mình thích nhất là Brie, ăn rất bùi, nay ở Mỹ cũng thường mua về ăn.
Phô mát Ý Đại Lợi Mozzarella, bác sĩ cho biết cái nước trong hộp đựng phô mát này, không nên bỏ mà húp vì rất bổ dưỡng 
Phô mát Ý thì thích nhất Mozarella, đa số phô mát của ý được làm bởi sữa dê. Đồng chí gái thích nhất món bánh mì, tẩm dầu ô liu, cà chua khô rồi nướng phô mát Mozarella nên lâu lâu phải mua về làm cho đồng chí ăn. Bên Ý, buổi chiều khoảng 5-6 giờ dân Ý hay lấy bánh mì, tỏi, dầu ô liu, sang hơn thì thêm cà chua rồi nướng trong lò ăn rất phê, sau đó thì dắt nhau đi dạo trong phố, tối về thì ăn tối. Món này dân Ý gọi Bruschetta, cô con gái rất thích nên lâu lâu phải làm. Bên Ý cũng điên điên, ăn spaggetti thì có loại bỏ phô mát khô parmigiano, có loại không được bỏ nên đi ăn với gái Ý, không biết mấy cái điểm này, được xem là dân Taru, nhà quê là không bao giờ nhìn lại mặt.

Sống 18 năm bên Âu Châu nhưng mình không uống rượu nên cũng không rành về môn này. Chỉ nhớ lâu lâu, có rượu mà bạn bè bảo là cực ngon thì nếm một tí cho biết nhưng mê nhất là phô mát. Phô mát mà có chút rượu đỏ thì tuyệt nhưng cũng tuỳ loại làm bằng sữa dê hay bò nên cũng rối nên tốt nhất ăn với nho còn Tây bày nhiều trò ăn phô mát với nhiều loại bánh mì khác nhau nên cũng điên. Cứ như người Việt mình mà khoẻ, cứ lấy ly, đổ rượu và thêm vài cục đá là phê như mình thấy mấy ông cán bộ ăn ở tiệm chả cá Lã Vọng, nổi tiếng ở Hà Nội.

Ăn cá lại uống rượu đỏ trong ly cối thêm mấy cục đá và Dzô ô ô....nói như ngoại trưởng Pháp Talleyrand:" c'est pire qu'un crime, c'est une faute" mà ông tổng thống Nixon đã lập lại trên truyền hình Pháp khi được hỏi về tội Watergate mà ông ta đã ra lệnh cho hạ cấp gắng ống nghe trong căn cứ của Đảng dân chủ.
Bú xua La mua
Sơn đen