Gia đình và bạo lực

Có dạo ngồi nói chuyện với mấy người bạn thì khám phá mấy tên này đều được vợ nấu cho ăn hàng ngày, lâu lâu còn bày đặt giận hờn, lẩy không thèm ăn khiến mình chới với vì 25 năm qua đồng chí gái ít khi nấu ăn. Mới lấy nhau thì mình nấu khi có bạn đến chơi. Nay thì cứ đặt ngoài tiệm là xong om. Đồng chí gái đi làm về trể nên mình phải nấu cho con ăn, đồng chí gái ăn ké.
Xét lại thì mấy tên này lấy vợ từ Việt Nam nên văn hoá gia đình vẫn bám theo họ, vợ nấu ăn và hầu chồng. Mình thì lang bạt kỳ hồ trời Âu trời Mỹ đến 18 năm sau mới lập gia đình cho nên quên tư tưởng Gia Trưởng của một thời.
Dạo còn ở Việt Nam thì mình đánh mấy người em mệt thở. Ông cụ mình bợp tai mình nên bắt chước, bợp tai lại mấy người em điển hình cho bạo lực gia đình. Cứ bô bô quyền huynh thế phụ, bợp tai hay sai vặt em út như đầy tớ.
Rằm này giỗ ông cụ mình, tính về Đà Lạt nhưng đồng chí gái đau dây dưa lừng khừng, mấy đứa con thì đi học xa nên không dám đi. Mình tổ chức làm giỗ ông cụ ngày mai vì chủ nhật, mấy đứa con đi học xa có thể về dự. Con bé kêu cuối tuần này đã ghi danh đi viếng mấy khách sạn ở Las Vegas với trường để nghiên cứu cách hoạt động cho môn học. Mấy tiếng sau thấy nó nhắn tin là đã hủy bỏ chuyến đi, về dự đám giỗ đầu của ông nội.

Thằng con tuần trước có về thăm nhà nên đã dặn. Thấy con về dự giỗ ông nội, mình cũng mừng. Vậy là chết không sợ chúng quên. Mình không sống chung với ông cụ nên không biết ông cụ thích ăn gì. Dạo ông cụ qua Hoa Kỳ chơi thì thấy ông cụ thích ăn Hamburger nhất nên chắc sẽ cúng đồ ăn Việt Nam kèm thêm hamburger và khoai Tây chiên. Mình nhớ mãi hình ảnh ông cụ ăn Hamburger một cách ngon lành và lần đầu tiên về Đà Lạt thăm gia đình, ông cụ ăn kẹo sô cô la M&M. Ăn xong một gói, ông cụ thò tay lấy thêm một gói khác thì cô em út kêu: "Ba! 7 ngàn đó " thế là ông cụ rút tay về sững sốt kêu: 'Thế à". Mình nói để ông cụ ăn. Nhìn ông cụ ăn ngon lành khiến mình cảm thấy hạnh phúc.
Trong xã hội xưa của Việt Nam, chìm ngập trong văn hoá Nho giáo mấy ngàn năm, sinh ra nạn gia trưởng. Lý do một ông tộc trưởng có quyền hành rất cao trong họ vì phải chăm sóc người cùng họ, không để họ nói xấu quan lại hay vua chúa vì có thể bị tru đi tam tộc. Ông nội tổ mình làm chức gì cao trong làng ở Nghệ An, rồi để mất cái chum gì ở đình làng thế là bỏ nhà trốn ra Sơn Tây lập nghiệp, sợ liên luỵ đến dòng họ.
Ông vua có thể chém đầu Cả nhà còn tộc trưởng cũng ngại bị chém đầu nên kiểm soát gắt gao trong họ tộc. Theo đó thì người gia trưởng cũng phải cẩn thận, dạy bảo con cháu theo nội quy của gia tộc. Tinh thần gia trưởng vẫn còn lưu lại đến ngày nay mà ngay người Việt ra hải ngoại vẫn còn bám lấy để có chút quyền hành tại gia.
Sinh sống vào thế kỷ 21 thì chúng ta xem quyền bình đẳng nam nữ là đương nhiên nhưng trên thực tế chưa chắc ai cũng mặc nhiên cho ấy là đúng. Ngay ông Mahatma Gandhi, người đã tranh đấu bất bạo lực, để dành lại độc lập cho nước Ấn Độ, có nói về người vợ mình:" Tham vọng của tôi là làm cho nàng sống một cuộc đời trong sạch, học những gì tôi học được, và đồng hóa đời nàng, tư tưởng nàng với đời sống và tư tưởng của tôi.”; “ý nghĩ ấy khiến tôi hay ghen tuông, bổn phận của nàng dễ dàng biến thành quyền của tôi ép buộc sự trung thành nơi nàng và nếu sự trung thành đã bị ép buộc, thì tôi luôn luôn tự cho mình đúng”
Trên thực tế thì đồng chí gái không muốn nghe mình nói thì lấy đâu mà mong mụ vợ học những gì mình học được và đồng hoá đời đồng chí gái như ông Gandhi giải thích. Ông Gandhi có tấm lòng muốn giúp bà vợ vô hình trung đã ép buộc bà vợ theo ý mình, ích kỷ và nghĩ chỉ có ông ta luôn luôn là đúng. Ông Gandhi, khi xưa ích kỷ nên lầm tưởng tình yêu với bà vợ, là giúp bà ta học những gì ông ta biết, ông ta yêu ông ta nhiều hơn người khác nên mới áp đặt tư tưởng của mình lên người vợ để thoả mãn ý thích của mình. May thay sau này ông ta đã thay đổi tư duy của thời bé. Ở Pháp có ông Võ Văn Ái, đấu tranh cho quyền làm người, luôn luôn có Ỷ Lan (Penelope Faulkner, người Anh) theo sát bên cạnh tương tự ông Gandhi khi xưa có một bà người Anh theo phò.
Nhớ khi xưa, ở nhà mình hay nói chung trong các gia đình trong xóm thì mấy thằng con trai chả làm gì cả, cứ đi chơi lông bông trong khi mấy cô em gái, chùi nhà, quét nhà mệt thở, nấu ăn cho mấy anh trai hay em trai đi chơi về ăn. Nếu không ngon là bị ăn đòn mệt thở. Con gái mà không giúp việc trong nhà, học nấu nướng thì bị định kiến xã hội lên án, cho rằng con này con kia không biết lo nhà cửa, chỉ rú rú đọc sách, tiểu thuyết vớ vẫn.
Khi xưa đọc truyện tàu càng làm mình xem những chuyện đó là bình thường như Tào Tháo chém cả nhà đang giết heo để đãi ông ta. Chém cả nhà xong ông ta còn kêu: 'thà phụ người còn hơn người phụ mình" hay Lưu Bang đá thằng con xuống xe để xe của hắn chạy cho nhanh khi bị Hạng Vũ rượt. Thà hy sinh thằng con để mình trốn thoát, đã nói lên nhân đức của Nho Giáo mà chúng ta tôn thờ mấy ngàn năm qua hay chuyện bà Võ Tắc Thiên, giết con mình để đổ tội cho một bà vợ của vua.
Những điều răng của Nho Giáo như "tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử" đã đưa đến sự bất bình đẳng trong gia đình. Gia đình bên vợ mình chỉ lo cho mấy người con trai vượt biển còn Mụ vợ mình thì xem như không có ký lô nào trong quy trình của gia đình. May mà có người thương kêu đồng chí gái, cho mượn tiền vượt biển. Không ai nghĩ là con gái cũng thông minh, có thể trở thành bác sĩ hay kỹ sư thay vì làm nội tướng trong nhà bếp. Nếu không vượt biển thì ngày nay có lẻ vợ mình cũng lề bề như những người bạn học khi xưa, mất cơ hội học đến kỹ sư tại Hoa Kỳ.
Nước Ấn Độ ngày nay tuy là theo chế độ Dân Chủ nhưng họ vẫn trọng nam khinh nữ. Tuy đã bãi bỏ luật "Của Hồi Môn" nhưng con gái đi lấy chồng mà không có của hồi môn là bị bạt đãi. Oái oăm thay là tổng giám đốc công ty đa quốc gia Pepsi Cola là một phụ nữ Ấn Độ, cho thấy phụ nữ vẫn đảm đương những công việc lớn ngoài xã hội. Nếu bà này sống tại Ấn Độ thì chắc cũng loay hoay trong bếp mất đi cơ hội tự tạo cho mình một chỗ đứng trong xã hội, quan trọng nhất là thực hiện được mộng ước của mình như cô bạn kêu cô ta hận VC vì họ đã tiêu huỷ mộng ước con gái thời mới lớn. Sau 75, đang học bị cấm học, lấy chồng,…
Cái nguy hiểm của sự Trọng Nam Khinh Nữ đưa đến bạo lực trong gia đình rồi ngoài xã hội. Nhớ mấy đứa em cãi là mình bợp tai vì không chấp nhận sự bình đẳng giữ con người với con người, chỉ có thứ bậc trong nhà; Anh đối với em, Cha đối với con, chỉ ra lệnh theo thứ bậc, không có đối thoại do đó ngày nay Việt Nam vẫn lẹt đẹt sau thiên hạ.
Một người anh ngu dốt, thay vì giao trách nhiệm lèo lái công ty của gia đình cho những người em có khả năng hơn nhưng lại dựa theo gia quy rồi đưa đến sự suy vong của công ty, tồn tại của gia đình. Các gia đình giàu có ở Hoa Kỳ như Kennedy, Bush, hàng năm họ tụ tập lại rồi xem con cháu đứa nào giỏi rồi cấp tiền cho ăn học để sau này thay thế đám cha ông tiếp tục quản lý công ty của gia đình, không nhất thiết con của ông con trưởng,….
Ngoài xã hội, nghe tin bên Ấn Độ, họ không trọng phụ nữ nên mới có những trò hiếp dâm tập thể phụ nữ trên xe buýt,…, mà nạn nhân lại bị định kiến xã hội lên án, tại sao đi xe buýt ban đêm, một mình,….
Hôm 8 tháng 3, ngày phụ nữ quốc tế, mấy người em rễ của mình rũ nhau qua nhà bà cụ, nấu ăn cho vợ rồi lau nhà, quét dọn nên mình nói ráng làm cả năm để phụ mấy cô em mình. Mấy cô em cũng đi buôn đi bán nhưng tối về phải còng lưng ra nấu ăn cho cả nhà trong khi mấy ông chồng thả hồn theo khói thuốc và bia hơi.
Đi đón mấy đứa con ở nhà ga. Hôm nào viết tiếp.
Nhs