Mình nhớ năm 3ème học Truyện Kiều vì khi thi bằng Brevet, có câu hỏi về ông Nguyễn Du. Mình thấy lạ một điều là các nhân vật nam lần lượt xuất hiện trong Truyện Kiều, toàn là những người đàn ông, không đáng để thiếu niên như mình, học tập noi theo đạo đức cách mạng. Ai ngờ, sau này mình cũng đi theo con đường của họ. Sợ vợ như Thúc Sinh, dại gái như Từ Hải, khốn nạn như Kim Trọng… nói chung là cứ dính vào đàn bà là theo gương một trong những nhân vật nam, ca khúc người đi qua đời Thuý Kiều của ông Nguyễn Du.
Nhân vật nam đầu tiên xuất hiện trong đời Thuý Kiều là Kim Trọng. Khi cô nàng gặp tên này, thốt lên “thằng kia gặp gỡ làm chi, 100 năm biết có duyên gì hay không” khi đi tảo mộ. Mỗi lần gần Tết, mình đi chạp mộ với người làng Dưỡng Mong ở Mả Thánh thì chán như con gián. Không hiểu sao ông Nguyễn Du lại tả thiên hạ đi đông, bận quần áo đẹp để cuốc đất nhổ cỏ, chưa kể đạp phân bò của mấy thằng chăn bò trên mả thánh. Đúng là thi sĩ, không biết gì về cuốc đất nhổ cơ.
Nghe kể về cuộc đời xấu số của Đạm Tiên, Thuý Kiều bùi ngùi rồi tơ tưởng cuộc đời mình sẽ như cô ả đào này. Có lẻ vì vậy mà khi xưa mấy người lớn không cho con gái đọc tiểu thuyết, sợ mấy cô đọc xong cứ tưởng mình như nhân vật trong tiểu thuyết, để bắt chước theo.
Anh chàng này, con nhà giàu, học giỏi, biết thổi sáo để dụ dỗ gái vị thành niên như vài tên bạn học với mình khi xưa. Biết đánh đàn là gái bu như ruồi. Khi xưa, mình tập võ trong khi mấy tên bạn học đàn, đô rê mi Fa sol la si đô để gái bu đông như quân Nguyên. Lớn lên, thi khám phá ra chỉ cần học Đô La là đủ được gái bu. Được cái về già thì mình khoẻ hơn chúng. Hôm nay, gặp tên bạn ở Văn Học, nói tháng 4 tới, mình leo núi Machu Picchu 7 ngày 6 đêm, cắm trại trên núi khiến hắn rùng mình.
Thúy Kiều, mê tiếng sáo của tên công tử nhà giàu, ban đêm leo tường qua nhà Kim Thị. Kim Trọng thỏ thẻ bên tai, kêu yêu Kiều như điên như bao thằng đi tán gái, chỉ muốn rà xét đồ phụ tùng của gái, thuộc loại hàng xịn hay đã bị tân trang nội thất toàn diện. Khi bố cô nàng bị nạn thì anh ta kêu Kiều cứ bán thân chuộc cha đi, để trọn đạo Hiếu tử, để anh lấy Thuý Vân cho xong đời. Ngồi thổi sáo: “này em hởi con đường em đi đó, sẽ đưa em sang đâu?”. Đưa đến động Tú Bà. Chấm còm.
Bố của hai chị em Kiều Vân, không biết làm chuyện gì mà mất tiêu gia sản. Mình đoán ông này binh xập xám chướng nên phải bán nhà cửa, con gái để trả nợ.
Kiều đi theo Mã Giám Sinh, khóc lóc bài tình chị duyên em như chị em bà hàng xóm nhà mình khi xưa. Bà chị lấy chồng, không con nên kêu cô em lấy chồng mình, sinh ra 4 người con theo chủ nghĩa tình chị sex em.
Cái mất dạy là sau 15 năm làm điếm trả nợ cho TÚ Bà xong, tên Kim Trọng này, gặp lại Kiều, chắc cholesterol cao kêu về làm vợ hắn để than thuốc cho hắn. Chắc Thuý Vân, không giỏi việc chăn gối, hay hắn đã chán, muốn tìm của lạ nơi chốn bia ôm nên muốn thử nghệ tài của Thuý Kiều sau 15 năm ở lầu xanh, không bị bệnh SIDA. Hay ông thần này bị bệnh tiểu đường, lao phổi nên cần người chăm sóc, buôn bán mua thuốc thang. Có lẻ tác giả phải đặt tên Kim Trọng là Sở Khanh. Kiều đã qua tay biết bao nhiêu tên đàn ông nên từ chối, hiểu ngay, không ngây thơ như 15 năm về trước.
Mình đọc một bài tiểu luận của học sinh về Truyện Kiều ngày nay, khiến mình thất kinh. Học sinh cho biết, khi Thuý Kiều đã trả nợ xong cho Tú Bà, đại diện cho thành phần mỹ ngụy ác ôn. Chế độ phong kiến, tàn ác, phồn vinh giả tạo nên nhảy xuống Tiền Giang, thay vì sông Tiền Đường như mình đã học khi xưa. May mắn có một cán bộ cách mạng, đi công tác ngang qua, nhảy xuống sông Tiền Giang, cứu được Thuý Kiều, một nạn nhân của chế độ phong kiến, tàn ác của mỹ ngụy và đã giúp cựu gái lầu xanh, vào trại phục hồi nhân phẩm để học tập. Kiều giác ngộ đi theo cách mạng làm hộ lý ở Trường Sơn. Kinh
Mã Giám Sinh thì như bao đàn ông giàu có khác, mua gái, chơi hoa rồi bán lại, để rút vốn. Mình đọc đâu đó, ở Việt Nam, có người đem bồ đến các quan lớn để làm “con gái nuôi”. Có ông nào, viết kể vợ ông ta được mấy quan lớn thay phiên nhận làm con gái nuôi, ông ta đi đòi thì bị bỏ vào nhà thương điên. Lâu quá không thấy ông này viết bài nữa, chắc bị cho uống thuốc an thần nhiều. Khai toàn là các quan lớn Việt Nam bắt vợ ông ta làm con nuôi vì vợ đẹp là con nuôi người ta. Con nuôi thì không mang tội hủ hoá.
Thúc Sinh, cũng hứa hẹn đủ trò khi lên giường với Thúy Kiều rồi gặp bà vợ Hoạn Thư, không dám hó hé. Rồi đến tên tướng cướp Từ Hải, nghe lời cô Điếm để chết đứng. Ông Nguyễn Du, tả Tú Bà dạy Thuý Kiều, dùng hạt lựu, để lừa mấy tên mua hoa tưởng cô nàng là gái tân. Gặp ai, cũng e thẹn, che mặt với cái quạt, khe khẽ em còn bé lắm, anh ơi. Nam mô a di đà.
Có một nhân vật nam được ông thầy dạy việt văn, chửi bới, thoá mạ nhiều nhất là Hồ Tôn Hiến. Ông quan, dụ Thuý Kiều, bảo Từ Hải ra hàng, rồi cho quân mai phục, bắn chết Từ Hải. Ông thầy kêu Hồ Thị, nào là đạo đức giả, nhan hiểm, rắn hổ mang. Ông thầy bắt học sinh học thuộc lòng để khảo bài, mỗi tuần. Mình không thấy có câu nào ông Nguyễn Du chửi ông quan họ Hồ cả.
Lớn lên, thấy tên Hồ Tôn Hiến khá bản lĩnh mới làm lãnh đạo. Gặp gái, không hủ hoá như các quan tham. Dùng Kiều như con cờ để dẹp loạn, lên chức. Thuý Kiều khóc như mưa, khi thấy Từ Hải chết đứng. Khóc đây là vì tức tối, bị họ Hồ lừa, chưa kịp lấy quỹ đen két sắt. Một cô điếm từng lấy bao nhiêu chồng người ta, đâu có khóc dễ dàng.
Đi thi Brevet, vào vấn đáp thì họ hỏi lý do Nguyễn Du, viết truyện Kiều. Mình trả lời như ông thầy dạy là ông ta làm quan nhà Nguyễn nhưng vẫn nhớ đến nhà Lê, vẫn thèm ăn rau muống và cà cuống bú xua la mua thay vì bún bò, bánh nậm nên được đậu vớt. Cứ trả lời như vẹt theo ông thầy dạy, dù chả hiểu gì. Chớ hỏi về Từ Hải thì mình cũng sẽ a-dua theo ông thầy, chửi Hồ Thị nát nước.
Em rể mình ở Pháp, có gửi cho mình 7 đĩa nhạc của một ông kỹ sư ở Pháp, mê truyện Kiều nên phổ nhạc hết mấy câu thơ của truyện Kiều. Ông này tên Quách Vĩnh Thiện, khi đọc đến câu 890 “sống trên đất khách, thác chôn quê người”, xúc động vì đúng tâm sự của kẻ xa quê, nên sáng tác nhạc nguyên cuốn Truyện Kiều. Hình như có đến 77 nhạc phẩm, ông này không được về Việt Nam. Ông này đi du học lâu rồi. Lái xe, mình nghe lại truyện kiều qua các ca từ thì mới thấm được truyện Kiều.
Mình thấy trên Shark Tank có ông Mỹ, soạn thơ của Shakespeare thành nhạc để học sinh dễ học. Rất có lý. Nếu khi xưa, học Truyện Kiều mà có nhạc Truyện Kiều nghe thì dễ học thuộc lòng hơn.
Lớn lên, thấy lịch sử thế giới đều dùng mỹ nhân kế để thu phục đám tướng, khiến vua chúa mất nước. Ngô Phù Sai bị Phạm Lãi, đưa Tây Thi vào cung, làm ông ta say mê, bất chấp lời căn dặn của tể tướng Ngũ Viên. Ông này thấy rõ âm mưu của Việt Câu Tiễn nên kêu đem ra chém. Chỉ có những người tài giỏi mới nhận ra âm mưu của kẻ tài giỏi khác.
Ông thầy cứ khen Từ Hải, cho rằng anh ta chết vì dại gái là cái chết êm ái. Cứ cho ông họ Từ chết vì đàn bà là tay anh hùng, hảo hán. Đừng có nói đến làm chính trị hay gì. Những người hèn hèn như mình mà dính vào đàn bà cũng chết lây lất.
Ông thầy kêu Từ Hải là đại trượng phu, một tay chọc trời “trơ như đá vững như đồng/ ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời” để rồi Thuý Kiều, hát bản nhạc “khi người yêu tôi khóc” của Trần Thiện Thanh thì tướng cướp họ Từ này gục ngã, chửi cả đám giai cấp công nông. Ra hàng Hồ Tôn Hiến để được hát “trái tim ngục tù, ta yêu em đến ngày mai”. Ông ta chết vì Thuý Kiều; 1 cái chết vì gái là cái chết êm ái nên phải chết đứng, chống gươm.
Hoá ra, lớn lên mình cũng như Kim Trọng, một người mà mình từng chê khi xưa. Khi một đối tượng rủ mình qua Mỹ, để thực hiện những lời thề trên đồi cát biển Normandie. Công ty ở New York mướn luật sư để lo giấy tờ cho mình, làm việc tại Mỹ. Bố của đối tượng một thời, gọi mình, bảo hát bài em xé đi, thư tình tôi đã viết thì mình bắt chước Kim Trọng. Thay vì đấu tranh cách mạng, quyết tranh đấu tới cùng để xây dựng hạnh phúc lứa đôi, kêu cô nàng hãy lấy chữ Hiếu làm đầu, rồi đi tìm đối tượng công nông khác.
Thuý Vân, dạo đó là giới công nông vì ông bố bị cướp hết tài sản như người Việt sau 1975. Cành vàng lá Ngọc gì đều đạp xe đạp, đi bán sữa đậu nành, hay đi thanh niên xung phong hết, nghĩa vụ quốc tế qua Cambuchia. Kim Trọng phản tỉnh, đi theo cách mạng, lấy giới công nông.
Mình ăn theo diện vợ. Chuyện gì cũng đùn cho vợ làm. Cũng sợ vợ như Thúc Sinh, bạn bè rủ đi cà phê Lú đều từ chối. Tối tối phải bóp chân vợ, đấm lưng cho đồng chí gái, bạn bè xa lánh, khinh chê nên vẫn thấy cô đơn trong sa mạc. Phản tỉnh mình bỏ nghề kiến trúc sư, làm vườn, trở về giai cấp công nông của ngày xưa. Chán Mớ Đời
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn