Tuần rồi nói chuyện với mẹ mình, bà cụ kể con gái của bác Phước đã qua đời. Mình không nhớ chị này lắm, có gặp lại một lần khi ghé thăm bác đang bán hàng ở đường Minh Mạng, ngay dốc Nhà Làng. Lần sau về thì nghe tin bác đã qua đời. Mình nhớ có tấm ảnh mình còn bé, chụp với bác Phước, bồng trên tay. Khi xưa, nhà bác ở cạnh nhà mình ở Ấp Ánh Sáng. Khi mẹ mình sinh mình thì bác hàng xóm, với bạn hàng trên chợ, hay ghé qua nhà, tắm rửa cho mình. Sau này lớn lên một tí, ra chợ trên lầu, ghé ngang hàng của bác là bác hay kêu Cu đi mô rứa?
Sau này bác bị thiên hạ giựt hụi, nên phải mướn cửa hàng ở Minh Mạng nhưng có vẻ ế nên ngưng bán, đau ốm ở nhà rồi qua đời.
Mình ra chợ Đà Lạt mỗi ngày từ khi còn nằm trong bụng mẹ đến khi đi Tây. Bà cụ mình, khởi nghề buôn bán ở chợ Cũ (khu Hoà Bình), trước đó người ta gọi Chợ Gỗ, hay Chợ Cây vì cấu trúc làm bằng gỗ ván ép xây vào năm 1932.
Sau này các ống cống được thành lập giúp nước mưa thoát ra cái suối Cam Ly gần ấp Ánh Sáng cạnh cầu ông Đạo. Mình ngạc nhiên khi thấy bản thiết kế đầu tiên của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, về dãy tiệm từ cà phê Hạnh Tâm đi vào chợ Đà Lạt. Tạo dựng một khu vườn kiểu Anh quốc nhưng rồi làm thẳng bong từ chợ chạy ra bùng binh cầu Ông Đạo. Sau này về lại mình mới hiểu lý do vì bao nhiêu ống cống của chợ Đà Lạt, nước thải, phải làm ống cống cho chảy ra suối Cam Ly ở đầu ấp Ánh Sáng.Hình ảnh của mấy người bạn hàng thân của mẹ mình khi xưa. Người đứng bên cạnh mẹ mình là Dì Bê, bán Chuối. Người ngồi trước mẹ mình bên tay trái là Dì Huệ, bán trái cây, Dì Rọm và Dì Khá. Trong 5 người thì mình nghĩ chỉ còn mẹ mình sống sót đến nay qua cuộc bể dâu. Dì Bơn mới chết cách đây 2 năm thì phải. Mình về lần cuối, có gặp dì. Toàn là mấy cô, gốc xứ hUế, đeo Kiềng,..Ngoại trừ dì Bê, mấy dì kia đều đi tù với mẹ mình, khi theo Việt Minh.
Bà cụ mình bốc thăm được phép bán hàng xén nên mua một gian hàng ở Chợ Dưới thay vì Chợ Trên (lầu 2) như bác Đoàn Mừng gái, có tiệm may ở đường Duy Tân. Chợ Trên thì trần nhà thấp hơn và có cửa sổ đóng mở theo mùa nên tương đối ấm hơn về mùa mưa bão nhất là sạch và ít hôi hơn Chợ Dưới vì các gian hàng toàn bán vãi, quần áo, áo len, giày dép, sách vỡ,... Xem tấm ảnh này, đa số đã qua đời. Ăn cưới nhà bạn hàng Đà Lạt. Hình Couvent des Oiseaux con gái của bác nào gửi mà mình không biết mặt. Hình như ở Ấp Ánh Sáng xưa. Ai nhớ thì cho em xin. Người đứng đầu bên trái là chú Hồng, nhà ở ngay dốc Hai Bà Trưng, cạnh nhà thầy Thành Bắp Sú, đã qua đời.
Dạo đó có Sính, con đầu của ông bà Sở ở hàng cạnh bên, lớn hơn mình mấy tuổi nhưng vẫn xưng mày tao, cho có vẻ dân chủ tập thể. Thiên hạ kêu mình mất dạy vì lớn bé gì đối với mình đều mày tao. Hắn chạy chiếc xe Honda 90 cc thời đó tại Đà Lạt rất hiếm, đeo kính mát Rayban, được ông bà Sở rất cưng vì con trai đầu, hay ăn thịt bò bít tết ở hàng chú Lìn, thêm cái trứng gà au plat, uống cốc cà phê sữa, rít điếu thuốc lá Pall Mall rồi phà khói lên trời như Loan Mắt Nhung, làm mình thèm thuồng, không biết ngày nào mới được thưởng thức món này.
Sính có cô em tên Bê, lớn hay nhỏ hơn mình đâu một tuổi, rất đô con, ra chợ dọn hàng, còn Sính chỉ chạy xe Honda ra ăn hàng, xin tiền đánh bi da. Sau này rớt tú tài, chạy giấy tờ giả về Saigon học, làm cô nào có bầu, rồi đám cưới nên mình không có dịp gặp lại, nghe nói đang ở bên Mỹ. Con Bê thì tội lắm, to con lại học dốt nhưng rất chăm làm, chăm buôn bán sau bỏ học để bán hàng sĩ nên khuân vác mệt nghỉ, lại lo 5-6 đứa em. Có lần mình thấy nó vác mấy bao gạo chạy như điên còn mình thì vác bao 50 kí là oải rồi. Hình như bà Sở bán đường nữa thì phải. Bà bán sĩ cho thiên hạ. Ông Sở thì có xe hàng chạy Sàigòn Đà Lạt, có thời bị tù nhưng mình không hiểu lý do nên bà Sở phải mướn tài xế đi xe hàng về Sàigòn lo mua bán. Có thể bị thưa tội tiếp tế cho Việt Cộng, vì đường hay bị tăng-bo, tài xế kêu bị Việt Cộng lấy hết hàng hoá. Có lẻ vì vậy mà con Bê nghỉ học, lo trông hàng ngoài chợ.
Hồi nhỏ như đa số gia đình sinh sống tại Đàlat, nhà mình xài loại bếp than, trong nhà có ba cái lò đất nấu than, có dây kẻm ràn xung quanh để khỏi bị nứt. Sau này, mọi người dùng lò dầu hôi, bây giờ thì xài lò ga mệt nghỉ. Xài lò than khá tốn công nhất là khói bay mịt mù làm nhà bếp đen thui vì lọ nghẹ.
Nhiều khi đường bị tăn-bo, ra chợ là mấy người xôn xao nên xe hàng của ông Sở về trễ thì cực lắm, phải thức khuya để lấy hàng lại đói nữa vì hàng quán đóng cửa khoảng 6:00 chiều, khi về nhà là coi như giới nghiêm. Ngày nay, mình thấy quán xá mở rất khuya, có chợ Âm Phủ. Dạo đó, chỉ mở khuya mấy tuần trước Tết vì có chợ đêm. Mình phải lấy hàng để các người khác lấy hàng vì hàng của họ được chất phía trong xe, trong khi ông Sở và tên lơ xe, chăm sóc máy xe, dầu nhớt để về lại Saigon.
Bán hàng xén nhưng bà cụ mình còn cho mướn chén đĩa, muỗng, đũa, ly tách,.. cho những đám cưới hay tiệc tùng thường vào tháng Chạp hay cuối năm. Thường thường sau đám cưới thì người mướn không rửa ly tách,...trước khi trả lại.
Bên cạnh hàng bà Sở thì có hàng bà Tàu tên Cẩu, bán tương ớt dưới cầu thang. Hai ông bà Tàu này có hai thằng con thua mình đâu 4-5 tuổi không nhớ tên, ngoài tương ớt thì có bán tầu vĩ yểu, hột vịt muối, cam thảo,...nói chung đồ tạp phô của người Tàu. Sau 75, khi gia đình mình chạy di tản về Đàlạt thì hết vốn. Em ruột mẹ mình, đem hàng hoá đi bán tháo khi Đà Lạt di tản, không đưa lại tiền cho mẹ mình. Bà Cẩu cho bà cụ mình mượn tiền để buôn bán, vẫn nói chuyện thăm hỏi khi ông cụ mình bị lên án 18 năm tù. Thêm dì Gái (Gụ), con gái bà Cáp, đứng ra bảo kê cho mẹ mình đi buôn lại. Thời đó, bố mình ở tù, hàng xóm muốn đuổi cả nhà đi kinh tế mới.
Cạnh dì Gái là hàng dì Nhâm bán dừa, người Bắc được xem là người hàm hồ nhất khu đó. Có lần dì Nhâm chửi lộn với bà Sở, bên giọng Bắc cầy bên giọng Quảng nghe muốn bể tai. Mình thích hóng nghe họ chửi nhau, rất hay, rất dân giả. Sau đó có cãi lộn với mấy bà trong xóm, binh con vì em mình hay khệnh con họ. Hình như với bà Ron, hàng xóm.
Mình nhớ cách chặt dừa của dì Nhâm nên sau này trong chợ á đông có bán dừa tươi của Thái Lan, hay mua về chặt cho đồng chí gái uống. Dì Nhâm hay ngồi nạo dừa bằng cái đồ nạo dừa, đầu tròn với bán kính khoảng 2-3 cm, có những răng cưa quanh vòng tròn. Dì cắt trái dừa khô làm hai rồi lấy một bàn chân đè lên cái nạo dừa, được đặt trên cái ghế, nhiều khi thấy dì ấy gãi chân nên đất nơi chân lọt vào thùng dừa nạo để bán cho những người làm xôi bắp, bán chè để họ làm nước dừa. Mỗi lần xe chở dừa từ lục tỉnh về là phải mướn mấy ông gánh mướn ở chợ, gánh mấy cần xé vì dừa dính từng chùm mà mỗi trái khá nặng hay dừa khô thì cũng bỏ cần xé.
Ông trước ông sau xỏ cái gậy tròn qua mấy sợi dây thừng cột ở bốn góc của cái cần xé nếu nặng còn nhẹ thì cột dây ở hai cái quai cần xé để gánh. Mình có học chung ở Văn Học với một tên người Huế ở ấp Ánh Sáng nhưng không nhớ tên, thân với Huỳnh Kim Sang, chiều là hắn ra chợ đi gánh thuê cho mấy hàng dừa, đường, gạo,..mà hắn rất nhỏ con nhưng gánh tài lắm sau này không thấy mặt nữa chắc bị động viên khi bị Đôn quân năm 1973 sau mùa hè đỏ lửa. Hay vào Bưng không chừng.
Đối diện Dì Nhâm thì có dì Liên cũng bán dừa, ngày xưa làm công cho cô Ba Chỉ, tiệm Bình Lợi. Sau cô Ba Chỉ cho mượn thêm vốn để mua cái xập buôn bán, sau này chắc cũng có chồng con vì mình không bao giờ gặp lại. Mình chỉ nhớ trước khi đi Tây có đến chào thì dì bảo mẹ mày mất một đứa con, ngẫm lại đúng vì mình đi luôn cho tới nay, chỉ về thăm gia đình được vài lần.
Nói đến dừa làm mình nhớ đến mức dừa. Mọi năm vào tháng chạp ta thì bà cụ mình tối đi chợ về thì làm mức bỏ mối cho mấy tiệm hay bán ở cửa hàng. Sau này, bác Ngự gái, tiệm Thanh Nhàn trong xóm thầu hết. Cứ sáng còi vừa hụ báo hết giới nghiêm là bà chạy lên nhà mình lấy hết mức mới làm đêm qua vì sợ các tiệm khác đến lấy. Bà cụ mua dừa khô về cắt làm hai, lột võ rồi bào mỏng, luộc sơ cho khỏi hôi mùi dừa vì trong cơm dừa có dầu. Nếu không luộc thì lâu ngày sẽ bốc mùi dầu hay chảy dầu ra ướt mức, rồi rim với đường cát trắng.
Cạnh hàng dì Liên là dì Bộ bán đồ khô, dầu ăn, khi xưa cũng làm công cho cô Ba Chỉ, tiệm Bình Lợi rồi ra riêng sang cái xập, lấy hàng hoá của tiệm Bình Lợi ra bán nên cũng có của ăn của để đến khi lấy chồng thì gặp tên cà bơ, đánh bài thua phải bán cái xập để trả nợ. Hy sinh đời vợ, củng cố đời thằng chồng đánh bạc. Bà vợ sau của ông thầy Chiêm mua lại nên cũng thân với gia đình mình. Mình nghe ông chủ tiệm Hương Giang ở Bolsa kể; nhờ cái tượng của bà ngoại mình đem từ Thái Lan về đã giúp ông bố của thầy Chiêm và sau này đến ông nối nghiệp, nổi tiếng một thời ở Đà lạt. Ông này cũng như Kim Trọng lấy hai chị em, người vợ đầu sinh nở bị sản hậu qua đời, cô em gái đến nhà phụ chị rồi thương ông anh rể đơn côi khi bà chị qua đời nên lấy có đâu 4 mặt con. Bà cũng dễ thương, ít ai ghét lại kiếm thêm khách hàng cho chồng ở chợ. Mình có gặp thầy Chiêm vài lần ở chợ khi ông ta ra chợ phụ vợ dọn hàng nhưng chưa bao giờ vào nhà. Nghe nói có nuôi Ma Xó.
Giáp hàng bà cụ là hàng của dì Huê, con của tiệm Nguyễn Văn Ngạch, cạnh tiệm Bình Lợi, người Huế, có ông chồng trốn lính, nhà ở dốc Nhà Làng chỗ cái hẻm đi lên đường Duy Tân mà mình có lần ngủ lại nhà một vài lần. Ông chồng ban ngày thì cứ leo lên gác sinh hoạt trên đó để khỏi bị bắt đi lính nên người lúc nào cũng tái vì thiếu ánh nắng. Sau này dì sanh được vài đứa con. Cảnh sát tới nhà bắt lính không tìm thấy ông chồng nhưng cứ thấy dì sinh năm một nên bó tay chấm còm. Dì Huê này ganh tị với bà cụ mình vì cũng bán hàng xén, sau 75 nhờ chồng không đi lính nguỵ nên cũng có thớ với chế độ mới nên cũng đì bà cụ mình mệt thở. Thưa gửi lên công an trong chợ. Dạo mình về lần đầu thì có gặp, sau này, dì dọn về Saigon ở với mấy đứa con ruột. Năm ngoái, có ông nào, tự xưng là rể của ông bà Ngạch, có liên lạc với mình. Ông bà Ngạch trước kia có căn nhà hai tầng đối diện photo Hòng Châu mà trong mấy tấm ảnh chụp tước khi chợ Đà Lạt được xây cất còn thấy. Sau ông Ngô Viết Thụ thiết kế chiếc cầu nối từ khu Hoà Bình vào chợ thì bị giải toả, được đền bằng một căn nhà dưới chợ, ngay trước đồn cảnh sát. Bán gạo, rượu chi đó. Mình cũng hay vô tiệm với bà cụ mình hay bị sai vô trả tiền hàng.Hàng bà Phòng, người Bắc, bên cạnh là hàng dì Bơn, bạn của mẹ mình, bán cam quít. Trong ảnh thấy bà ngồi dưới đất sau lưng bà Phòng là bà Bắc, làm cho gia đình dì Bơn, có con bé gái, mình đoán là con Hương, con gái đầu của dì Bơn rồi đến dì Bơn. Chồng dì Bơn là bạn nối khố với ông cụ từ trong quân đội. Sau này đi tù cũng ngày và ra trại cùng ngày. Chú mất sau khi bố mình qua đời. Gia đình mình xin được đất trong nghĩa trang gần mộ ông cụ cho chú và dì.
Cạnh hàng dừa của dì Nhâm là hàng thịt của ông Tàu tên Dồng. Mỗi chiều khoảng 3-4 giờ, thịt ở abattoir mới làm được chở ra chợ, mình thấy ông ta đội cái áo mưa nilon kiểu khăn tang của đàn bà để che đầu và cái lưng để máu không thấm qua áo rồi lấy cái móc sắt ra xe chở thịt, móc mấy con heo hay đùi bò bỏ lên vai vừa chạy vào buồng thịt vừa kêu lước sôi, lước sôi rồi móc thịt lên các thanh sắt để bán cho khách hàng.
Lâu lâu thấy mấy bà rụt rè hỏi mua ngầu pín sau này lớn lên mới hiểu ăn gì bổ nấy. Dân bán hàng ngoài chợ thì mua thịt sau 4 giờ chiều vì tươi còn dân đi mua thường là ban ngày sau một đêm phơi trên mấy cái móc, ruồi bu khá nhiều vì dạo đó không có tủ lạnh đông đá mà mình cũng không biết bây giờ trong chợ có dùng máy này chưa. Dạo học Petit Lycée thì mình hay đi ngang abattoir gần garage Trung Tín thì nghe tiếng bò kêu rống có lần chạy vào lò sát sinh xem thì thấy người ta cột con bò lại, có một ông cầm cái búa tạ, đứng trước con bò rồi giáng cái búa tạ lên đầu con bò đến khi nó ngã quỵ xuống, sau đó họ treo bò lên cái móc để lột da, mổ bụng. Cái này chắc phải hỏi lại Nguyễn Trung Thiện vì nhà hắn ở gần đó, nếu mình không lầm chính hắn rủ mình đi xem.
Cạnh đó thì có hàng bà Tạo, người Bắc, lúc nào cũng quấn khăn, răng đen ăn trầu hình như có một thằng con trai lớn hơn mình nhưng không chơi với mình. Bà này hay lấy trà của bà Tư, em dâu của ông ngoại mình ở Bảo Lộc, hãng trà Nguyễn Đăng. Dòng họ này khi xưa thuộc họ Mạc Đăng Dung, khi bị tru di tâm tộc thì một số con cháu trốn chạy vô Nam, đổi họ thành Nguyễn Đăng, lấy chữ lót Đăng để con cháu nhớ tổ tiên mình là họ Mạc Đăng, tương tự như con cháu của Hồ Quý Ly chạy vào phía Nam đổi tên họ Nguyễn sau này là có con cháu khởi nghĩa lập nên nhà Tây Sơn. Mình thường thấy bà Tư, đi xe đò từ Bảo Lộc lên với mấy bao bố trà để bỏ hàng cho chợ Đà Lạt. Đa số dân Đàlạt mua trà từng kí, bỏ bịt nilon để pha uống ở nhà còn trà gói trong bao thường để mua tặng hay đám hỏi,... Bà Tạo có bán lá vối cho người nghèo mua để pha uống. Hôm trước có anh bạn đi Việt Nam về, ghé tặng cho lá vối giúp mình nhớ lại một thời tại Đà Lạt, uống lá vối.
Mình có uống vài lần ở nhà mấy người làm vườn. Hồi còn bé mình có đi xuống Blao thăm ông ngoại nên có thấy mấy cái vườn trồng trà nhưng không nhớ cách sấy lá trà ra sao. Chỉ nhớ là xứ khỉ ho cò gáy, ông ngoại mình hay đi săn cọp, thấy chụp hình rồi da cọp treo trên tường. Sau này vì lí do an ninh, đi đường hay bị mấy ông kẹ ra bắt lính, đóng thuế nên mình không đi nữa. Mình có ghé lại Blao thăm mấy người bà con trong chuyến về thăm đầu tiên sau này thì đi máy bay cho nhanh, khỏi mất thì giờ.Mẹ đi ăn cưới với bạn hàng
Cạnh hàng bà Tạo là hàng của dì Bê bán trái cây nhất là chuối, có ông chồng theo bà nhỏ, chị của bà Bửu Ngự. Ở dưới ấp Ánh Sáng, một mình nuôi người con trai lớn hơn mình đâu 2, 3 tuổi tên Phong, đi hướng đạo sau 75 nghe nói làm giám đốc Ngân hàng ở Đà Lạt, nay ở Hoa Kỳ, được ông bố bảo lãnh sang.
Phía hàng thịt đi vào khu chợ cá thì bên tay phải có các hàng giày, guốc và thuốc lá thì có hàng của cậu Liễu bán thuốc cẩm lệ mà dân gốc Huế hay hút và có bán mấy cái điếu bát để hút thuốc lào. Nó như cái ấm tròn bằng sành, nơi chứa nước đặt lên cái đĩa hay trong một cái chậu bằng sành, người ta vân vê thuốc lào bằng một viên cở ngón tay rồi têm thuốc vào cái lỗ thường gọi là nõ ở trên cùng rồi mồi lửa bằng cái đóm, cây que dài như cây kem bằng tre, lấy cái điếu cắm bào cái lổ nhỏ bên hông rồi hít chậm chậm để lửa cháy đều thuốc ở cái nõ, rồi hít dài thì nghe tiếng lạch tạch trong bình thuốc lào do hơi trong cái nõ được hút nên làm nước ở trong bì bỏm, rồi thả khói ra rất phê, uống cụm nước trà. Ông cụ mình với người bạn bắc kỳ hay hút cái này khi đánh tổ tôm. Sau này thì không thấy ông cụ hút thuốc lào nữa, lại chuyễn qua hút thuốc lá Mỹ.
Mình hay thấy cậu Liễu, con của bà Dụ, chị bà Võ Quang Tiềm, bà con với với mệ ngoại mình, ngồi trên cái sập, thái thuốc với con dao hai cán hình cung như mấy ông thầy thuốc Bắc, rồi tẩm thuốc cho thơm. Mình hay ra hàng cậu Liễu để mua thuốc Cẩm Lệ và giấy quyến cho mệ ngoại. Dì Tân, chị hay em của cậu Liễu mới qua đời.
Người hút thuốc cẩm lệ không cuốn tròn như thuốc lá mà cuốn theo kiểu hình ống, cuốn có cái đầu thì to còn đuôi thì nhỏ dẹp để dính nơi môi. Hút xong, họ dán điếu thuốc trên tường. Khi hết thuốc thì gỡ mấy điều thuốc trên tường ra, gom lại để vấn điều mới.
Khi nào hút thì mới cuốn thuốc hút, sau này sang tây thì thấy mấy thằng bạn tây mua thuốc Gauloise với giấy quyến để quấn tròn thành hình ống để hút. Cậu Liễu, kêu bà ngoại mình bằng O, nhà ở ngay vườn chỗ xóm Địa Dư băng qua đường Phan Đình Phùng, có cây ổi và cái am màu xanh trước nhà. Nhà cậu luôn luôn bị ngập nước khi trời mưa vì nước trên số 4 chảy về thác Cam Ly theo hai con suối dọc đường Hai Bà Trưng và Phan Đình Phùng qua trường Việt Anh, Hoàng Diệu,.. nên nền nhà được xây khá cao. Cậu hay tếu nói ở đây khi lụt để khỏi nhớ Huế. Mình hay ra hàng cậu mua thuốc Cẩm Lệ cho Mệ ngoại hút.
Lần đầu tiên về Đà Lạt sau 75 thì có gặp cậu còn lần sau về thì cậu đã qua đời.
Ngoài ra gần hàng của bà cụ có hai anh em người Bắc, tên Ba và Thạc, hàng thợ thíết nằm sát đường dưới chợ thuộc dãy hàng ăn, ở xóm địa dư.Ông này làm cho nha địa dư nhưng có nghề tay trái là thợ hàn, chuyên đóng các thùng tưới nước cho nhà vườn. Nhà vườn lấy đòn gánh, lấy hai cái quai sắt móc hai thùng nước có vòi sen, đi xuống ao hay suối để múc rồi đi giữa hai cái vồng để tưới bên trái và phải của vồng nước. Hình như Đà Lạt chỉ có hai anh em ông này chuyên đóng thùng tưới nước nên cũng khá giả. Ông không có đồ nghề gì nhiều, cái bình phun lửa chạy bằng dầu, bỏ cái mỏ hàn có tay cầm bằng gổ cho lửa hơ nóng cái mỏ hàn rồi lấy chì hơ theo cái kẻ giữa hai tấm thiết.
Cạnh hàng của ông Thạc có hàng của dì Sắc, có chồng làm cảnh sát ở trên đường Thi Sách, xóm ông Ba Tây. Dì này bán đồ Mỹ như Coca Cola, Fanta. RC Cola, bia Mỹ,... mình có kể vụ đồ hộp của quân đội Mỹ. Mỗi lần có tiền là mình chạy ra hàng dì mua mấy lon bánh Mỹ có peanut butter, khui cái lon có hai ngăn; một là bánh biscuit và một là cái hộp nhỏ đựng bơ đậu phụng để nếm mùi bơ thừa sữa cặn của đế quốc mỹ hay mua kẹo cao su thổi bong bóng to đùng rồi vỡ. Ai ngờ ăn đồ mỹ khi xưa, nay mình chạy qua mỹ luôn.
Đối diện hàng của dì Sắc là tiệm Lộc Sơn của bố mẹ thằng Võ Ngọc Sơn, có thời học Yersin với mình. Sau này, nó chuyên đánh bi da cá độ với Trung Ba Tai ở tiệm bi da Minh Tâm ở Phan Đình Phùng, nơi bố của Trần Trọng Ân, tiệm Luồng Điện ở Phan Đình Phùng bị bắn chết. Mình nghe nó kể là người ta đang đánh cá độ tới khúc chót, có một tên đang chuẩn bị đánh cái giò gà thì bố TTA, say đi vào xem nên đụng cái cơ của tên này khiến hắn đánh trật giúp Trung Ba Tai đi một lèo thắng độ. Tên thua độ tức quá, rút súng bắn bố TTA chết trước tiệm này. Lại có nghe là ở Chi Lăng. Tên Sơn này chết sau 75. Cạnh tiệm Lộc Sơn thì có tiệm Bình Lợi bán đồ tạp hoá của cô Ba Chỉ, không chồng con, người Nam, nuôi một đám con gái để lo buôn bán trong tiệm rồi ai lớn thì cô cho vay vốn mua cái xập ở chợ rồi lấy hàng của cô ra bán, kiểu franchise mà mình thấy bên Mỹ. Cô này có xe hàng chạy Saigon Đà Lạt. Sau 75, hiện ra nằm vùng thứ gộc của Đà Lạt, đóng góp tài chánh rất nhiều cho cách mạng, được gọi là tư sản dân tộc chi đó. Nay vẫn còn sống ở Đại Ninh.
Bên cạnh tiệm Bình Lợi là tiệm của ông bà Nguyễn Văn Ngạch, bán hàng xén và ngủ cốc, bố mẹ của dì Huê có hàng xén cạnh hàng bà cụ mình. Cùng dãy mấy tiệm này thì có tiệm của gia đình Nguyễn Văn Thuận 11B rồi Hùng Con Cua rồi Long Hưng. Khúc nhà HCC, gần chợ Cá có xập bán báo mà mình thấy bà cụ mướn tuần san phụ nữ để đọc và mình cũng hay đọc ké. Báo dạo đó in bằng khổ giấy lớn nên nhà in in nhiều trang trên một tờ rồi gấp lại làm đôi cho nên khi mua báo thì phải lấy dao rọc chổ gấp lại. Mấy người mướn tuần báo thì không rọc trang giấy nên phải đọc theo kiểu quấn tròn cuốn báo để thấy chữ phía trong mà đọc, rồi trả lại.Hàng cá, bà ni người Huế nhưng quên tên
Đó là những người quen thân với bà cụ ở chợ dưới, còn trên lầu thì có bác Phước bán len, người Huế. Mỗi lần gặp là nghe bác kể ngày xưa khi mình mới sinh ra thì hai gia đình ở cạnh nhau trong ấp Ánh Sáng, ông cụ mình còn trong quân đội nên bác hay sang nhà, quạt than cho bà cụ mình nằm ở cử, tắm cho mình. Hồi nhỏ mình thấy tấm hình bác đang tắm cho mình treo ở nhà. Sau này bác dọn về dốc Nhà Làng, mua cái nhà của dì Thể bán vãi trên lầu, mua bán lặt vặt nhưng lần chót mình về thì nghe bác kể bị người ta giựt hụi nên phải bán nhà đền cho mấy con hụi nên phải mướn cái tiệm ở đường Minh Mạng để bán áo quần với đứa con gái. Trên 80 tuổi mà vẫn phải đi buôn đi bán trả nợ. Nay bác đã qua đời.
Hồi nhỏ mỗi lần tựu trường là mình chạy lên lầu đến hàng bác Tám bán đồ dụng cụ văn phòng, cho học sinh, mua cái plumier đựng viết, viết chì màu và giấy tập,... Mỗi năm nhà mình đều nhờ Bác 8 trai nấu bánh tét và bánh chưng. Cứ cúng ông Táo xong là bà cụ sai mình đem nếp, thịt heo và đậu xanh lên nhà bác. Bác trai không cho mình xem bác gói, bác kêu thằng Phước, con bác vô phụ bác nhưng thằng này rủ mình đi chợ tết.
Chỉ thấy bác lấy một cái chân bằng sắt bỏ vào nồi để tránh bánh ở tầng chót cạnh nồi bị cháy, rồi bỏ bánh chưng ở giữa rồi bánh tét được xếp đứng xung quanh chồng bánh chưng. Nấu một thời gian, bác lại lấy ra, đổi bánh dưới lên trên và bánh trên xuống dưới rồi châm thêm nước nóng để tránh bị sượn. Sau này bác sang lại cái xập ở chợ, mượn tiền bà cụ về nhà mở quán "Mây Hồng" bán chè ở nhà đường Tăng Bạt Hổ. Sau 75 thì xù nợ bà cụ luôn nên hai nhà không qua lại nữa. Bác có mấy người con gái nên mở tiệm cho chúng trông coi, tiếp thị con gái rồi lần lược mấy cô này đều được trai rước đi hết. Hai thằng con trai Phước và Hải thì nghe nói chết sau 75.
Trên lầu có hai bà mà bà cụ mình gọi là mợ, vợ của hai ông cậu bà con, em của bà Võ Quang Tiềm, chị em bạn dì với bà ngoại mình. Hai người này có tiệm ở đường Duy Tân là Long Hưng và Hiệp Thạnh ngay góc Trương Vĩnh Ký. Tiệm Long Hưng nối dài phía TVK có thêm khách sạn Thuỷ Tiên. Bà Phúng là chị, bán vãi và bà Đàng là em cũng bán vãi gần nhau nhưng chỉ khác một điều là bà Đàng buôn bán đắc khách hơn, Có lẽ nhờ tính lanh lẹ, ăn nói linh hoạt còn bà Phúng chỉ ngồi ngáp ruồi. Ngày xưa làm ăn phát đạt lắm, có nhà ở đường Minh Mạng chỗ nhà may Hoàng Nho, sau xây nhà ở đầu đường Duy Tân thì tự nhiên xuống. Hồi bà cụ mình lên 15 tuổi, rời Huế vô Đà Lạt làm công cho gia đình bà Phúng, tiền lương thì bà ấy gửi thẳng về Huế cho Mệ ngoại mình để nuôi mấy bà dì, ông cậu.
Dần dần thì mấy người em lớn lên, mình nhân danh làm anh bắt mấy cô này ra chợ phụ bà cụ nên rảnh rỗi đi đánh bi da. Sau này bà cụ mình nghe lời cô Ba Chỉ buôn thêm gạo, đường và dầu ăn vì dạo đó giá cả bị lạm phát rất nhanh. Gạo hôm nay mua 1200 đồng tuần sau lên 1500 nên bà cụ mình dùng một căn nhà để trữ gạo và đường, dầu ăn, mướn ông Tác ở gần xóm, có chiếc xe Lam chở gạo mà phải đi tối hay sáng vừa hết giới nghiêm để hàng xóm đừng để ý vì bà cụ không có tiểu bài bán gạo nên hợp với thời khoá biểu của ông Tác vì ban ngày làm công chức của viện Pasteur, còn mình thì bà cụ nhờ đi giao lẻ tại nhà khách hàng.
Dạo đó, chỉ có đại lý và tiệm có tiểu bài mới có thể bán gạo vì sợ tiếp tế cho Việt Cộng. Bà cụ mình không có tiểu bài nên mua chui rồi bán chui. Bà cụ hay mua lại gạo của mấy nhà thờ như ở Tùng Lâm, Đa Thiện,..Mỹ viện trợ gạo cho mấy giáo xứ này nhưng không dùng hết nên bán cho bà cụ mình rồi bà cụ bán lại cho cho các lò bún, lò nấu rượu hay dân thường.
Dạo đó, dân Mỹ viện trợ đồ cũ cho mấy bà sơ ở Domaine de Marie, cho đám con mồ côi được mấy bà sơ nuôi bận nhưng mấy bà sơ mang ra chợ trên bán nên dân Đàlạt bận đồ cũ mỹ rất nhiều, ngày nay họ gọi đồ Sida (AIDS). Nhà thờ này nuôi một đám trẻ mồ côi, hàng năm có tổ chức hội chợ vào mùa Noel, cũng không gì đặc sắc lắm nhưng có cớ để trai gái đi liếc nhau. Mình nhớ mấy bà sơ lấy chiếc xe camionette, kê lên mấy cục đá, tháo cái bánh xe ra, gắn cái cần sắt rồi cho máy nổ thì cái trục di chuyễn như xe đang chạy khiến cái trục sắt cũng quay mấy cái ghế có hình máy bay,.. cho con nít ngồi cũng quay theo. Ngoài ra có các trò chơi quăn lon, bắn súng, rao lô tô mà mình có lần trúng chai rượu dâu khi đi chơi với Phạm Anh Tuấn 11 B.Có người trong quân đội ăn cắp gạo hay sao đó, bán lại cho bà cụ mình.
Dân thường thì chỉ được mua gạo ở khu phố, đem sổ gia đình lên phường, rồi họ xem có bao nhiêu người thì bán chừng đấy gạo, hình như mỗi người được mua 20-24 kí/ tháng mà gạo do phường bán thì rất xấu nên ai có tiền thì phải kiếm mua gạo thơm ăn. Nhà mình ở khu phố II nên lên số 4, đường La Sơn Phu Tử, cạnh tiệm hớt tóc mua. Thường người ta ra đại lý hay tiệm có tiểu bài mua gạo ngon rồi kêu xe lam chở về trong khi bà cụ mình giao tận nhà cho họ lại không lấy tiền nên họ thích lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét