Thời học sinh, mình bị nhà trường đuổi về vài lần. Lý do là đóng học phí chậm. Ông thư ký trường vào lớp, kêu tên ra cửa, bảo về kêu bố mẹ mày đóng tiền học phí tháng này rồi vào học lại. Từ đó mình thuộc nằm lòng câu của thánh hiền: “Tiên học phí, hậu học văn”. Đi bộ ra chợ, xin tiền mẹ. Mẹ mình chạy đi mượn thiên hạ, chiều đến, vào văn phòng đóng học phí. Nụ cười ông thư ký toả sáng như mặt trời cách mạng trong khi mẹ mình thì buồn như mất sổ gạo vì chợ đò, trời mưa ế ẩm như chùa bà Đanh.
Sau này, qua Văn Học, mình không bị cảnh này nữa. Thầy Chử Bá Anh cho học bổng 2 năm liền. Sang Tây, cũng được thực dân cho học bổng nên mình quên cụm từ “tiên đóng học phí, hậu học văn”. Không lo nghĩ gì cả về học phí. Ở đại học, mỗi năm đóng mấy chục quan tiền sử dụng thư viện.
Trường tây ở Việt Nam thì bắt đóng tiền, còn trường tây ở Pháp thì miễn phí. Hình như thời tây thực dân, trường học đều miễn phí. Chỉ khi tây về nước thì đám người Việt tiếp thu trường ốc của tây mới bắt đóng học phí. Dạo ấy, chỉ có trường tư mới lấy học phí còn những trường công lập thì miễn. Do đó, người ta cho thi tuyển vào trường công lập như Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân. Không đậu thì vòi tiền bố mẹ đóng học phí trường tư.
Cụm từ “học văn”, đến giờ cũng không hiểu học văn gì. Văn-phạm? Việt-văn, hay văn hoá… không ai giải thích cho mình. Thầy cô thì khuyến khích đóng học phí, tổ chức ngày thầy giáo như bọn con buôn, để được học trò, học được lễ nghĩa thánh hiền, biếu tặng quà hay tiền tươi. Khi xưa, đi học đâu có ngày thầy giáo. Mai mốt họ ra ngày gia đình của thầy cô, bắt hoc sinh đóng góp, bồi dưỡng cho gia đình thầy cô.
Mình học chương trình tây từ bé lên đến đại học, ngoại trừ 2 năm ở Văn Học. Có thể nói là mình không rành việt ngữ lắm. Mấy từ Hán mà thiên hạ xổ ra là mình ngọng. Như tiên học “Lễ” là gì. Mình kiếm tự điển Hán-việt thì đa số từ “Lễ” 礼 phải ghép với một từ khác. Từ lễ đứng một mình, nghĩa là sự biểu lộ lòng biết ơn. Chắc là biết ơn thầy cô, biếu tặng như mẹ mình khi xưa. Cuối năm hay đưa mình 6 cái tách để tặng thầy cô ở tiểu học. Lên trung học, nhiều thầy cô quá nên lờ luôn. Điểm không khá luôn từ độ đó.
Sau này, đọc chuyện tàu, nghe kể ông Khổng Khâu, lê lết đi khắp nơi, bao nhiêu nước lân cận, nộp Resumé để xin làm cán bộ nhưng không ai mượn hết vì xét lý lịch trích ngang, trích dọc mấy đời không đúng quy trình tuyển lựa nên cùng một số học trò, cùng một lứa bên trời, thầy trò lận đận, có cùng lý lịch tam đời hơi giống giống, đi lang thang, khắp nơi đến khi già đói, chịu không được phải về quê cũ, ăn tiền an sinh xã hội, hưu trí của nhà nước.
Hình như có lần, ông ta làm được chức quan Lễ, lo cúng kiếng mấy ngày giỗ tổ của vua chúa chi đó nên sau này ông ta chỉ biết môn Lễ LẠc này nên dạy học trò “tiên học lễ, hậu học văn”.
Về quê dạy học. Ông ta chạy chọt, quà cáp mới được công an khu vực, cho đăng ký mở trường dạy học mang tên Cửa Khổng. Ông công an khu vực cho phép với điều kiện cho ông ta mướn người đi học và thi dùm tại chức. Lý do, bận công vụ, thi hành trách nhiệm hữu hạn. Nghe nói là trường đầu tiên lấy học phí để đào tạo cán bộ. Sau này, hình như có ông nào họ Trình, cũng bắt chước ông Khổng Khâu, mở trường nên đời sau gọi “Cửa Khổng Sân Trình”.
Từ đó, ông Khổng Khâu kêu hai ông Hối, Lộ làm cái bảng to đùng viết câu “ tiên học phí, hậu học văn”, ký tên “hối lộ”, gắn trước cổng trường để nhắc nhở những tên học trò như mình khi xưa, nhắc bố mẹ đóng học phí đúng ngày, nếu không thì bị đuổi. Vì mua Một chữ cũng phải trả tiền, thầy Bán Một chữ cũng phải lấy tiền. (Nhất tự vi sư, bán tự vi sư).
Dạo đó đã có nhiều người làm quan nhưng không có khả năng tiếp thu lời thánh nhân nên đã nhờ thiên hạ đi học hộ, thi hộ. Dạo này, trên mạng thấy thiên hạ đang đánh ông nào kêu không mua bằng giả. Ông ta mướn người đi học và thi hộ, lấy bằng thiệt.
Ông này rất trung thực. Ông ta thú nhận là không có khả năng tiếp thu nên mướn người đi học và thi dùm, không có mua bằng giả. Mình không hiểu tại sao thiên hạ lại đánh phủ đầu ông ta. Bằng này là bằng mượn hay mướn. Ngày xưa, có nhiều người mướn bằng dược sĩ để mở tiệm thuốc tây, để làm ăn. Tương tự ngày nay, có nhiều tổ hợp bên mỹ, họ mướn, trả lương y sĩ để chẩn bệnh, chữa bệnh cho thiên hạ. Bác sĩ, nha sĩ, chỉ làm công, còn họ có tiền mở bệnh viện, tổ hợp y khoa, nha khoa,…tên mở nhà thương chưa chắc là y sĩ, có tiền thì mướn thiên hạ làm công cho mình.
Ở Đà Lạt xưa, mình thấy có đến 3, 4 tiệm thuốc tây, mướn bằng của dược sĩ đi lính, để bán thuốc. Đâu có thấy dược sĩ đứng bán đâu.
Hôm qua, con người bạn kể là sinh viên tàu, chúng mướn người học thi cho chúng. Con mấy cán bộ giàu có, đại gia sang đây trả $300 mỗi lần cho người khác làm bài tập, đi thi dùm rất nhiều. Đại học Harvard, đuổi hàng năm biết bao nhiêu sinh viên gốc tàu vì không nói được anh ngữ. Khi làm đơn xin nhập học, chúng mướn người, tổ chức làm hết giấy tờ giả hoành tráng để được nhận vào.
Mình có dự mấy buổi hội thảo về nạp đơn vào đại học. Họ có viết tiểu luận lấy tiền. Nếu họ viết tiểu luận thì chắc chắn làm bài tập, thi hộ bú xua la mua.
Về nước với bằng thật từ Harvard, …vì mướn thiên hạ học dùm, thi dùm, chỉ cần làm giám đốc cho công ty của bố mẹ là khoẻ re. Chỉ cần mánh mung, phe phái làm giàu, đâu cần phải học gì cả. Có cái bằng treo chơi cho vui. Như ông chủ công ty Tesla kêu; tôi không xuất thân đại học Harvard nhưng các người tốt nghiệp trường này làm cho tôi.
Nghe nói khi ông Khổng Khâu, mở trường huấn luyện làm cán bộ, có đến trên 3000 học sinh đến học, vào thời ấy chỉ một trường tư thục dạy học nên coi như độc quyền, chiếm trọn thị trường giáo dục. Do đó học phí rất cao vì không có cạnh tranh nên thầy trò Khổng Khâu sống an nhàn, bù lại những ngày gian lao khổ hạnh nhưng để giới hạn số lượng học trò, để được các thầy bồi dưỡng trí tuệ, tư duy đột phá nên cần phải thi tuyển vào.
Như mình khi xưa, đi thi vào trường Yersin. Ông tây chỉ cái hình tròn, hỏi: “qu’est-ce que c’est ? “ mình trả lời : “c’est lơ cái mâm”. Ông tây kêu thằng này dốt có căn bản, mời ông cụ đem mình ra về. Trên đường về, ông cụ kêu “sao mày dốt thế! C’est lơ Cái mâm! Bố tiên sư mày, sao lại dốt thế”. Có lẻ có nhiều tên đi thi dốt hơn mình nên mấy tuần sau, nhận thư chấp nhận vào trường Petit Lycee. Thế là mình bắt đầu cuộc đời: “tiên đóng học phí, hậu học lơ cái mâm.”, đưa đến chủ nghĩa Chán Mớ Đời sau này.
Thầy trò ông Khổng Khâu khám phá ra một phương thức khác làm giàu thay vì phải thi đậu làm cán bộ như xưa. Khi xưa, tổ tiên họ nói “phi thương bất Phú”, không buôn bán thì đói, nay thì vì bán gạo muối ở chợ, chỉ cần buôn bán chữ thánh hiền là giàu có nên phân loại các giai cấp xã hội theo “sĩ nông công thương”. Cứ có chữ “Sĩ” là giàu như bác sĩ, nha sĩ, học sĩ, tăng sĩ, lòi sĩ,…
Khi xưa, muốn đi học thì người ta mua con gà, nải chuối đem đến nhà ông thầy đồ cúng tổ, ông thầy xem tướng, xem có phải thằng hiền lành, có đức độ mới thâu nhận làm đệ tử. Nay thì mở trường, bắt đóng học phí, không cần xem biết du côn du thực ra sao. Miễn là đóng tiền đều đặn, thêm làm chứng chỉ giả, văn bằng giả….
Dạo mình đi học, nhiều tên học chung, lớn tuổi hơn mình đâu 4 tuổi, giấy khai sinh thua mình đến 3 tuổi vì sợ đi lính. Chỉ có những tên nhà nghèo thì đi lính thôi, còn con nhà giàu thì mua bằng học bạ giả từ các trường ở miền Tây, xứ nào chưa bao giờ nghe tên trong giờ Địa Lý.
Sau này, học trò ông ta, noi theo, chúng ganh nhau, mở thêm trường, buôn bán sách, dành tác quyền nên chửi nhau như hàng cá. Nào là đạo văn của thầy, nào là bán văn mẫu, bú xua la mua, cứ như hàng cá ở chợ Đà Lạt.
Lúc đầu chỉ có những lời nói của ông dạy, sau này học trò nghĩ thêm cách làm tiền nên in ra sách, có 4 thằng lấy tựa đề khác nhau để khỏi bị mang tiếng chép của thầy: đại học, trung dung, luận ngữ và Mạnh tử. Sau đó chúng choảng nhau, thêm 5 thằng ra sách khác mà con cháu sau này bình dân học vụ cho Sơn Đen hiểu là Ngũ kinh: Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh dịch, Kinh Xuân Thu rồi đến tên Sơn Đen lại cho ra lò Kinh Chán Mớ Đời .
Trở lại vụ thi vào trường thái giám của thầy trò Khổng chết.
Sau phần thi viết, ai khá đủ điểm trên trung bình, hồ sơ lý lịch 3 đời được duyệt thì được vào vấn đáp. Ông Khổng Khâu cho vài học trò xuất sắc nhất đảm trách phần này. Mấy tay thuộc loại giỏi, có chút tư duy và không ăn hối lộ cấp bằng tiến sĩ bú xua la mua.
Thầy giao cho 7 học trò giỏi nhất, biết tướng số, xem tướng coi thằng nào vênh váo không thuộc thành phần ngu lâu dốt sớm vì sợ mất danh tiếng của thầy nên thầy đặt tên “Tử” trước cái tên của họ để khai tử những mầm mống, cơ cấu có thể phát huy nhanh chóng làm hư danh của thầy. Thí dụ có ông tên Hối, ông tên Lộ thì kêu Tử Hối và Tử Lộ vì nếu để hai ông chung trở thành Hối Lộ,… bình dân học vụ cho SƠn đen để tiếp thu là Tử Hối tức là Chết Hối, Tử Lộ là Chết Lộ hay Chết đường.
Mỗi lần mình đến đài truyền hình Little Sàigòn, để thâu hình thì phải chào hai cô quản lý ở đây. Một cô tên Giang một cô tên Mai, cộng lại chào hai chị Giang Mai khiến mình tránh đụng chạm, sợ lây covid. Chán Mớ Đời
Thầy thức trắng mấy đêm mới kêu 7 ông ra ban cho cái tên Tử gồm Tử Cống, Tử Nạp, Tử Hối, Tử Lộ, Tử Thâm, Tử Thượng, Tử Hạ và dặn phải thanh liêm như cán bộ, cần kiệm liêm chính. Để tránh lộn xộn mình dịch “Tử Hối” thành “Chết Hối Hận”, “Tử Lộ” là “Chết Đường”. Ông này có tật nấu cơm là xơi trước ông thầy nên kêu “Tiên ăn cơm hớt, hậu thầy ăn cháo trắng”. Từ đó người ta hay tát con nít như mình, khi xía mõm vào chuyện người lớn để tưởng nhớ đến ông Chết Đường này.
Trước khi cho các thí sinh vào vấn đáp thì phải duyệt xét lý lịch 7 đời ngang dọc, nhà có trâu bò, tiền của hay không vì nếu không đóng tiền học thì cho cán bộ đến nhà cưỡng chế đất đai, tịch thu bò heo trâu về mà bán trả nợ vì trước cửa Khổng có treo cái bảng to đùng: "Tiên học phí, hậu học văn". Lúc nạp đơn, có ký chứng nhận là nếu không trả học phí thì thầy có quyền cho công an đến nhà cưỡng chế đất đai, trâu bò,…
Hôm ấy là cuộc thi vấn đáp, người đầu tiên vào là 1 ông già, người điên điên tương tự nhà thơ Bùi Giáng, bước vào thì ông Chết Thâm (Tử Thâm) được giao nhiệm vụ ra interview thí sinh này. Ông Chết Thâm đọc hồ sơ lý lịch rồi hỏi ông lão, già rồi sao lại còn muốn đi học. Thí sinh già, chấp tay kính thầy con tuy già nhưng trước khi chết con muốn học Thầy cách nói thật 寔, sau này có chết cũng mãn nguyện đời giai.
Chết Thâm chau mày, ngạc nhiên vì câu nói của thí sinh già nên hỏi lý do anh đòi học nói thật. Thí sinh già; báo cáo thầy, em nghe người xưa kể rằng nếu ai mà nói thật một câu, sẽ làm kinh động đến cả trời đất, quỷ thần. Em sống đã trên lục tuần rồi mà chưa bao giờ thấy trời đất, quỷ thần động lòng nên đoán là cả thế gian ai nấy đều nói dối cả, kể cả em. Vì thế em muốn đến đây, xin học cái đạo nói thật, xin mong Phu Tử dạy cho, dẫu nói thật được một câu rồi chết thì em cũng cam, chui xuống hố, mãn nguyện đời giai.
Ông Chết Thâm, chậm rãi nâng tách trà lên, húp một ngụm rồi nói trường chúng tôi chỉ dạy 5 môn có hệ số 1: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín còn môn nói thật thì không có trong giáo trình của trường, anh vui lòng kiếm trường khác dạy môn này mà học. Lão thí sinh thất vọng nhưng xài nài hỏi thêm em nghe tiếng Phu Tử học rộng biết nhiều, vậy ngoài 5 môn kia Phu tử còn dạy môn gì thêm không.
Ông Chết Thâm, vuốt râu, nhất chén trà Lypton ngửi ngửi rồi từ từ nuốt cái ực ly trà đá, rồi chậm rãi nói: thầy còn dạy 6 nghề. Từ làm chính trị đến đi buôn, tề gia trị quốc bình thiên hạ, làm hàng thật đến hàng nhái, nhờ đó mà ngày nay Trung Cộng làm hàng nhái số 1 trên thế giới … học đâu nhớ đấy, trên tinh thông vạn quyển, dưới nhìn thấy vàng trong đất, thấy trái trên cây. Học vua ra vua, học cán bộ ra cán bộ, học thầy ra thầy, học vợ ra vợ, học con ra con. Cứ xem môn nào Phu Tử đều tinh thông chỉ có cái nói thật ngay chính tôi chưa bao giờ nghe đến.
Nghe đến đây thì thí sinh già than thế mà tôi cứ tưởng bở. Cứ đến cửa Khổng là học được cách nói thật, thế thì tôi đây phải nói dối cho trọn kiếp người rồi vái ông Chết Thâm ra về. Chết Thâm lật đật chạy vào bếp, rót thêm ly trà đá, báo cáo, kể đầu đuôi câu chuyện cho Khổng Tử. Ông Khổng Khâu, vuốt râu, cầm chén trà lên nốc cái ực hết rồi lua lua xúc miệng, nghe rột rột rồi nuốt cái à.
Sau khi chén xong một cái đùi gà Phờ Lai Chíc Cân. Ông đặt cái chén xuống, trầm tư vuốt râu có dính chút mỡ gà rồi nói: "người chưa nghe nói cái môn học Nói Thật là phải rồi vì chính ta cũng đang muốn tìm thầy để học môn này mà chưa tìm ra. Học thuyết của ta là chính trị mà chính trị thì đâu cần phải nói thật. Dạy con buôn của ta là Tiếp Thị, khuyến mại thì không nên bảo đảm chất lượng vì hàng cũ, quá date ". Gọi là mua rồi không được trả lại. No Exchange No Return. Nói xong ông Khổng Khâu, với lấy cái tăm, quẹt quẹt nghe rẹt rẹt trên hàm răng giả mới tậu ở phòng trồng răng ở Bolsa. Mua hàm trên tặng hàm dưới.
Phòng thi bên cạnh do ông Chết Thượng thì có một tên cán bộ đi xe xịn Bentley, có công an bảo vệ đi trước đi sau vào. Ông Chết Thương thấy cán bộ to nhớn, thì hoảng, mặt xanh như đít nhái, run run hỏi cán bộ làm ở cơ quan nào. Mà còn muốn đi học thêm trùng tu, bồi dưỡng văn hoá cấp 1. Cán bộ to lớn kia chậm rãi kể tôi làm cán bộ cao cấp nhất Bolsa nhưng vì xuất thân là nông dân nên bọn dưới cứ kêu ta là thượng đẳng vô học. Đời ta có tất cả mọi thứ chỉ cần thêm cái bằng Tiến sĩ để chúng không chửi ta là đồng chí vô học.
Ông Chết Thương không biết tính sao, nên chạy vào hỏi thầy. Khổng tử đang cầm cái đùi gà luộc chấm nước xì dầu gừng, để trả thù bao nhiêu năm đói rách đi xin làm cán bộ, nhai ồm oàm rồi chậm rãi nói: quan nhớn đâu cần học hành gì, hắn đến đây chỉ để cho thiên hạ thấy hắn cũng từ cửa trường học chúng ta mà đi ra như bao kẻ sĩ khác đã đến Cửa Khổng hay Khổng Môn.
Ông Chết Thương chạy ra gặp cán bộ to nhớn, bẩm cán bộ to, ông lo chăm trị dân chắc không có thì giờ học, thôi thì đây cái bằng tiến sĩ danh dự mà ngoại quốc hay trao tặng cho những người có công với đất nước, nhân loại.
Quan Nhớn không có thì giờ đi học trùng tu tại chức, xin tặng ngài một cái, về làng xây cái Văn Miếu cho to rồi cắm cái bảng to đùng này để nhân dân nhớ ơn đời đời. Con cháu ghi trong gia phả làng ta có một tiến sĩ danh dự của trường “tiền học phí , hậu học văn”. Cán bộ to đầu cảm ơn rồi nháy mắt cho đệ tử đưa fong bì để lo chi phí in ấn cái bằng Tiến sĩ. Chết Thương, cầm bao fong bì dày cộm, đi vào đưa cho thầy, miệng lẩm bẩm. Ta ở trong nhà thầy, đọc sách thầy, nghe thầy giảng mà đến bây giờ mới hiểu ý nghĩa cụm từ: "Cửa Khổng" là Cờ ửa Khờ ông Hỏi.
Phòng bên thì có ông Chết Hạ làm giám khảo, có một thí sinh đội nón tơi, ăn bận như người nông dân trồng bơ vào. Ông Chết Hạ hỏi anh muốn học để làm gì? Thí sinh hỏi ông Chết Hạ, tại sao ông theo học Phu Tử làm gì? Chết Hạ cho tên này xất xược nhưng nghe lời thầy dặn, vẫn điềm tỉnh trơ trơ như hải quan phi trường Tân Sân Nhất, trả lời: Ta đây theo Phu Tử học để làm người. Thí sinh hỏi lại thế thầy đã thành người chưa? Chết Hạ muốn nổi điên nhưng vẫn cố nhịn trả lời: Chưa vì thế ta vẫn còn theo học thầy tư tưởng, và đạo đức cách mạng.
Thí sinh nói tôi muốn theo học thầy vì chỉ muốn ăn thịt khiến Chết Hạ như bò đội nón, hỏi anh muốn theo thầy học để ăn thịt. Là sao, xin nói rõ hơn. Thí sinh đáp; nghe nói Phu Tử, thịt thái không vuông thì không ăn. Gà vịt dê bò không có con nào vuông thế thì chắc chắn sẽ có những chỗ phải bỏ đi. Tôi chỉ xin theo thầy để được ăn những chỗ bỏ đi mà người quân tử không ăn. Nhờ ông Không Khâu mà ngươi ta chế biến ra cái kéo để cắt thịt sau này. Học trò của ông vào tiệm phở, kêu thịt gà chặt không vuông, thịt chó không ngay thẳng nên không trả tiền. Sau này người ta lấy kéo cắt bánh xe làm dép râu bộ đội, cắt thịt gà thịt chó rất đẹp.
Ông Chết Hạ không biết có nên đánh rớt tên thí sinh này hay không vì thấy hắn nói có lý nên chạy vào hỏi Phu Tử. Khổng tử vừa ăn xong nên đang xơi cái bánh mille feuille, nghe Chết Hạ kể thì bỏ ngay cái bánh xuống, kêu người này chính là thầy ta. Ta la cà giang hồ khắp nơi mấy chục năm để cố tìm nhưng không gặp đành trở về cố hương, mau chạy ra mời vào để ta bái làm sư phụ. Nhưng khi ông Chết Hạ chạy ra thì thí sinh ấy đã bỏ đi mất.
Chết Hạ đi vào, nói thưa thầy hắn đã đi mất đất nhưng có một tên nông dân, đưa thùng bơ này để biếu thầy. Hắn bảo bơ hữu cơ do chính hắn trồng, không có tẩm thuốc bảo quản. Ăn giúp thầy giảm cholesterol, và có nhiều HDL. Hắn chỉ xin hỏi thầy, lý do tại sao cái bảng trước trường đề “tiên học phí”.
Phủ tử nghe đến bơ hữu cơ thì mắt sáng lên, kêu cho tên nông dân vào. Tên nông dân phục người dưới đất, cảm ơn rối rít cá thầy, bận rộn mà vẫn tiếp đón hắn. Hắn họ biết là học trường Tây, đi ngang đây thấy là lạ cải bảng to đùng, gắn trước cổng trường “tiên học phí, hậu học văn”. Hắn nghe nói ở xứ người, học hành được xem là bắt buộc. Con nít phải học cho tới hết chương trình đệ nhất cấp như ở tây, sau đó dốt không học chữ thì được cho học cái nghề kiếm cơm. Như hắn học làm nông dân trồng bơ.
Tây không lấy học phí ở xứ họ nhưng qua xứ an nam thì lại bắt dân chúng đóng tiền học. Ở tây hay ở Mỹ , có những trường tư vì họ muốn dạy tư tưởng và đạo đức của ông Giê-Su hay ông Allah nên họ bắt đóng tiền. Còn con nghe người lớn hay nói “tiên học lễ, học học văn” nhưng không dám hỏi vì sợ bị chửi ngu lâu dốt sớm.
Ông Khổng Khâu, nâng chén trà lên uống một ngụm rồi từ từ bỏ xuống bàn, miệng đảo đảo trà trong mồm nghe rọt rọt, nuốt cái ực rồi mới chậm rãi nói. Sao mày ngu thế! Thầy trò tao đi giang hồ, kiếm cơm, đưa resume rất nhiều nhưng ai nhận cả vì họ thấy không cần. Một hôm, xin được bát gạo, ta sai thằng Tử Lộ, thằng chết đường, nấu cháo cho mọi người ăn. Hắn loay hoay sao lại làm bồ hóng rớt vào nồi cháo, rồi vớt ăn phần bồ hóng với cháo. Lúc đó ta mới giác ngộ cách mạng là “ có thực mới vực được đạo”.
Không có ăn thì chủ nghĩa gì cũng hoc không vào. Bụng đói thì nói kêu đói, phải ăn nếu không thì đầu óc không thể tiếp thu chữ Thánh hiền. Thời bao cấp, chúng ta ăn bo bo thì làm sao học được. Do đó, phải Đổi Mới tư duy, chúng ta thay đổi tư duy thành Kinh tế định hướng thị trường nên phải nhắc nhở học trò nhất là phụ huynh, phải đóng tiền hàng tháng vì thầy mà đói thì không thể nào dạy được. Do đó phải viết cái bảng to đùng: tiên học phí, hậu học văn” để nhắc nhở chúng bổn phận. Hiểu chưa?
Tên nông dân lạy Phủ Tử, kêu thầy đã giúp con giác ngộ cách mạng, rồi bước ra. Trong lòng hắn quá từ hào, đã giải nghĩa được câu hỏi đã đeo theo hắn từ 60 năm nay. Hắn đang cười tự mãn thì có ai tát vào mặt. Hoảng hồn, hắn thấy vợ hắn hỏi. Nằm mớ đến con nào mà kêu phu tử phu thê. Chán Mớ Đời
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn