Mẹ mình qua năm tháng tại Đà Lạt

Cuối tuần này, tại Hoa Kỳ họ tổ chức ngày Từ Mẫu, (Mother’s day). Ngày đặc biệt trong năm để con cháu có dịp họp mặt với mẹ để làm cái gì cho mẹ, như nhớ công ơn của mẹ. Tuần rồi, gia đình mình đã làm trước, con gái về nên làm trước thêm đâu cần phải đến ngày mới làm, ngày của mẹ có thể tổ chức bất cứ ngày nào trong năm. Mình tải lại đây bài mình đã viết lâu rồi, kể về cuộc đời người mẹ Việt Nam, trong chiến tranh và sau 75. Mình chỉ sống với mẹ được 18 năm trời tại Đà Lạt, sau đó theo 20 năm sau mới gặp lại rồi mẹ con vẫn xa nhau hai phương trời.

Chúc các bác một ngày từ mẫu vui vẻ bên cạnh người thân.

Mỗi chiều thứ 6, mình nói chuyện với mẹ qua Internet. Thấy mẹ càng ngày càng tra nên buồn. Nhất là đại dịch, mẹ không đi đâu cả, chỉ loanh quanh trong sân nhà. Mẹ kể ông này bị đau, bà nọ mới chết, vừa đi đám tang ông Lào ở xóm Địa Dư, anh của ông Mai, ba của thằng Banh. Khi xưa mình hay đến nhà ông Lào đóng thùng gỗ đựng rau cải cho lính mỹ. Hôm qua, mẹ đi chích thuốc ngừa Covid lần thứ 2. Thấy chụp hình, thiên hạ ngồi, đứng đầy nơi, thấy thương Mẹ. Hình ảnh người mẹ trùng khơi từ ngày mình xa Đà Lạt đến nay.

Khi đi du lịch tại Nhật Bản, Mẹ kể về đời con gái, từ Ba Vinh, đến Đập Đá, chợ Vỹ-Dạ nơi Mệ ngoại buôn bán, đến lao Thừa Phủ, nơi ông Ngoại mình làm đội Cai mà người ta hay gọi ông Đội Thất, ông lên đến chức đội thất của lính Khố Xanh, nên người ta gọi ông Thất Do. Ông ngoại làm cai Thừa Phủ, sau này, đi theo Việt Minh ra chiến khu ở Vinh. Sau 54, trở về HUế nhưng ở quê, sợ mật vụ của chính phủ Ngô Đình Diệm nên nhà cửa ở Huế bị người khác chiếm hết như một số người Đà Lạt bị chiếm nhà cửa khi tản cư năm 1945 khi Tây đổ bộ lại.

Mẹ thời con gái kiêu sa ở Đà Lạt. Đầy mộng mơ. Lấy chồng là te tua.

Năm 1948, 15 tuổi, mẹ theo người mợ bà con vào Đà Lạt làm thuê, không có thời gian chào tạm biệt các em ở nhà. Tiền lương thì họ gửi thẳng cho Mệ Ngoại, để nuôi mấy người em ăn học. Lấy chồng, không được hạnh phúc lắm vì ông cụ mình đánh bạc, thua mắc nợ, mẹ phải còng lưng ra để trả nợ. Sau 75, hàng tháng bới xách, đi thăm nuôi ông cụ ở trại cải tạo đến 15 năm. Nói chung về già, mẹ mình có cuộc sống khá hơn, được con gái chăm sóc đầy đủ, an ủi tuổi già.

Năm 17, mẹ nghe thiên hạ tham gia Việt Minh. Việt Minh, viết tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh là các nhóm người Việt yêu nước, gồm người cộng sản và các người thuộc các đảng phái quốc gia khác, họp nhau để chống pháp như kiểu Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông cộng sản, liên minh để chống Nhật Bản…. Dần dần người cộng sản thủ tiêu hết mấy người thuộc các Đảng phái khác. Ai không theo họ thì bị giết như ông Phạm Quỳnh, và ông Ngô Đình Khả, bố của ông Ngô Đình Diệm,.. ai rảnh thì tìm đọc những bài ông Văn Cao viết về thời ấy. Ông ta là đại uý đặc công, được lệnh ám sát các nhân vật của đảng phái khác. Kinh hoàng! Người Việt sát hại người Việt vì mang 2 tiếng yêu nước. Chán Mớ Đời 

Sau 1954, khi đất nước bị ngoại quốc chia đôi, mới sử dụng cụm từ Việt Cộng cho người ở miền Bắc và Quốc Gia cho người ở miền Nam. Người đi theo cộng sản ra Hà Nội, được gọi là Tập Kết như ông cậu vợ của mình, sỹ quan tuỳ viên của ông Võ Nguyên Giáp. Người bỏ quê vào Nam thì gọi là di cư. Hai cụm từ khác nhau nhưng có chung một ý nghĩa.

Mình nghe cậu Mạnh, con ông bà Phúng kể; ông Phúng khoá cửa phía trong nhà và giữ chìa khoá vào ban đêm, để mẹ không đi họp hội kín được, mẹ trổ mái nhà, dỡ mái ngói, nhảy xuống đường, đi dán truyền đơn. Kinh

Mẹ nhờ Dì Ba Ca, chị bà con, trên Số 4 may quân phục để vào chiến khu thì bị mật thám bắt, nhốt ở lao xá, ngay cầu Ông Đạo. May nhờ ông Võ Quang Tiềm, can thiệp, bảo đảm với ông thị trưởng Cao Minh Hiệu, nên được thả chung với cô con gái ông bà Võ Quang Hàm. Hình như, ông Võ Quang Hàm là cháu của ông Tiềm. Trong một lần họp mặt, thím Minh (con ông bà Võ Quang Hàm) hỏi mẹ, ai khai ra chị khiến chị bị bắt. Mẹ trả lời: “em chứ ai” Chán Mớ Đời 

Cùng thời điểm đó, có 1 mật thám tây lai, bị ám sát chết trước cửa tiệm Đức Xương Long. Kẻ ám sát, nay hiện đang ở San Francisco. Mật thám Tây, bắt đâu 21 người đem ra Cam Ly bắn để trả thù, làm gương. Có một bà tên Lan, nhà ở Số 4, sống sót hôm đó. Hình như bà ta mới qua đời trước Covid.

Mẹ kể bị mật thám trấn nước rồi hỏi đi tàu thuỷ, tàu bay lần nào chưa (trấn nước và câu dây điện). Mẹ nói tàu bay thì chưa còn tàu thuỷ thì đi rồi. Hỏi đi tàu thuỷ hồi nào, mẹ nói đi từ Tourane (Đà Nẳng) vào Phan Thiết bằng tàu thuỷ khi rời Huế năm 1948, vào Đà Lạt. Mẹ nói mấy ông làm ơn chỉ tui cách khai đi. Tui đâu có biết đọc, biết viết mà làm cách mạng. Muốn tui khai cái gì cũng được, miễn sao cho tui về, đi làm để có tiền nuôi mạ tui và em tui ngoài Huế. Một tên mật thám kêu: con này sao nó ngu vậy, chắc không biết gì, còn một tên khác thì kêu: lù đù vác cái lu chạy. Hoá ra mình thừa hưởng được cái “Ngu lâu dốt sớm” từ mẹ. Từ bé đến nay, ai cũng kêu mình ngu. Chán Mớ Đời 

Hình mẹ chụp thời con gái, ngay hồ Đội Có

Sau này, mẹ ra riêng, đi buôn mía ở Nha Trang, đem về Đà Lạt bán, để dành tiền mua một cái sập tại Chợ CŨ Đà Lạt. Sau 1961, xuống Chợ Mới, bán hàng xén đến khi về hưu. Mẹ kể bà Phúng, em dâu bà Võ Quang Tiềm, cho mượn mấy trăm, mẹ mua rau cải Đà Lạt, chở xuống Nha Trang bán, rồi mua mía từ Nha Trang, chở lên Đà Lạt bán. Lời được 500. Bà Phúng kêu Con ơi, kiếm cái sập mà bán chớ đi buôn xa xôi, thân gái dậm trường”. 

Mẹ ra chợ hỏi thì có bà Đài, em chồng của bà Lộc Sơn, mẹ của Võ Ngọc Sơn, học Yersin với mình, về HUế nên để lại cho cái sập. Bà Lộc Sơn này khi xưa, vào nhà của bà, thấy bà ta mến mình lắm, tưởng vì bạn với con trai bà ta. Sau này mới khám phá ra bà ta và một ông cậu, em chú bác ruột với mẹ mình, khi xưa thương nhau. Cậu mình dạy cho bà ta học nhưng bố của cậu mình không cho lấy vì kêu con quan thì phải lấy nhà quan. Chú ruột mẹ mình khi xưa làm quan triều đình nhà Nguyễn. Sau này bà lấy ông Sáu Có, sinh ra Ngọc Sơn, học chung với mình ở Yersin. Mẹ đặt cọc 500, rồi buôn bán trả dần, kiểu mình mua nhà trả góp sau này. Cậu mình buồn đời đi kháng chiến bị tây bắn chết ở Phan Thiết.

Mẹ rất hãnh diện về sự nghiệp buôn bán. Mẹ kêu người ta lấy bột mới khuấy nên hồ, còn mẹ thì lấy nước lã để khuấy thành hồ. Mượn đầu heo nấu cháo. Không có vốn thì mẹ lấy hàng của bà Phúng, và mấy tiệm tàu như Vĩnh Sanh ở khu Hoà Bình, đối diện Vĩnh Chấn, đầu đường Duy Tân, đem ra bán rồi trả tiền lại cho họ. Họ lời và mẹ mình có tiền nuôi con.

Mẹ lấy chồng năm 1955. Bố mình, lính Ngự Lâm Quân của Bảo Đại, đóng quân tại Đà Lạt, phát hiện ra mối tình hữu nghị Trung Bắc của Mẹ mình. Đám cưới tại nhà hàng Mekong. Sáng hôm sau, phải lên đường ra đơn vị như bài thơ “màu tím hoa sim”. Mẹ mướn nhà ở Ấp Ánh Sáng, khởi đầu cuộc đời người chinh phụ. Khi Bảo Đại thoái vị, ông cụ được thuyên chuyển qua sư đoàn 3, đóng quân ở Quy Nhơn, Bình Định.

Khi mẹ sinh mình ra được mấy tháng thì bị mật vụ của chính phủ Ngô Đình Diệm bắt. Mẹ bồng mình vào lao, ở đường Trần Bình Trọng, sau này là trung tâm Cảnh Sát Dã Chiến. Có người theo Việt Cộng, nằm vùng, tìm cách liên lạc với mẹ mình, bà này bị bắt. Đến khi họ cho mẹ đối mặt bà kia thì kêu: chị kêu tui mua nước mắm, tui không mua rồi chị kêu tui theo Việt Cộng. Bà kia, người Phan Thiết, nghe vậy, xin lỗi, kêu họ đánh đau quá thì tui nhớ ai tui nói. Sau 75, bà này làm lớn ở Phan Thiết, có ghé thăm mẹ nhưng dạo ấy mẹ thuộc thành phần, vợ của ác ôn, giai cấp phản động.

Đúng lúc đó, bố mình đi phép về Đà Lạt để thăm con đầu lòng mới sinh. Cùng mấy người đồng đội khác, chạy lên đồn mật vụ, kêu được cấp trên cho phép về, để đưa vợ con ra đơn vị. Bố mình bảo lãnh hai mẹ con ra tù. Mình đã từng vào khám khi lên 3 tháng. Kinh. 

Mẹ bồng mình ra Quy Nhơn, nơi ông cụ mình đóng quân để tránh mật vụ. Dạo ấy, ông cụ là y tá trưởng của tiểu đoàn. Mẹ mượn người xây căn chòi để buôn bán và ở. Hoá ra mình đã có thời sinh sống tại Quy Nhơn được 6 tháng. Mẹ thấy xứ này không khá nên bán nhà, về Đà Lạt lại. Nếu không có lẻ cuộc đời mình đã có khúc quanh khác.

Nói chung trong mấy chị em, chỉ có mẹ là chu cấp cho Mệ ngoại và ông ngoại. Mấy người kia thì viện cớ mẹ là chị, lớn tuổi hơn. Hôm qua, em út của mẹ gọi điện thoại, kể khi xưa, Mệ Ngoại, bắt cậu nghỉ học chữ, đi học nghề thợ may. Mẹ nói với Mệ Ngoại, để cho cậu tiếp tục đi học, mẹ sẽ lo cho cậu ăn học. Cậu tiếp tục đi học đến tú tài, đi sĩ quan, sau này đi cải tạo mấy năm mới được đi Hoa Kỳ theo diện H.O., thay đổi đời mấy người con, nay đều thành đạt. Chỉ có ông cậu còn nhớ đến sự hy sinh của mẹ, mấy người con không đến thăm mẹ khi sang Hoa Kỳ. Người thành đạt, ít khi muốn nhìn lại những nơi mình xuất xứ.

Mỗi năm ông cụ về phép, mẹ lại mang bầu, theo chu kỳ hai năm sinh một, đến khi ông cụ giải ngủ thì xem như năm một. Mẹ có mang 14 lần, sinh đâu 11 người con. Thú thật mình không nhớ có bao nhiêu người em. Mỗi lần ai hỏi đến, phải làm tính cộng tính trừ vì có mấy người đã qua đời.

Từ khi lớn lên đến khi đi tây, mình thấy hình ảnh mẹ mình luôn luôn mang bầu, như chữ “Hảo”  好 . Vừa hết ở cử là nghe tin mẹ có bầu lại. Khi giải ngủ, ông cụ thi đậu vào làm công chức ở ty Công Chánh Đà Lạt, được cấp một căn nhà công chức ở khu cư xá Công Chánh, đường Hai Bà Trưng. Gia đình mình dọn về đây ở đến nay, đỡ tốn tiền mướn nhà ở Ấp Ánh Sáng. Xem như từ năm 1962 đến nay. Gần 60 năm. Dạo ấy mẹ mua được 2 căn nhà ở Ấp Ánh Sáng. Kinh

Mẹ ở Nhật Bản. Hôm đi chụp hình, mướn áo quần Nhật Bản đi dạo phố, mẹ rất vui, cứ như trẻ con. Có lẻ hôm ấy, mình hạnh phúc nhất khi đi bên mẹ. Qua Nhật Bản, đi ngoài đường, thấy ai bận kimono, là biết du khách người Tàu, mướn bận đi tá lả. Tương tự sang Thái Lan thái ai bận đồ Thái Lan là biết du khách từ Việt Nam.

Ngày ngày, nắng mưa, mẹ mình cuốc bộ từ nhà ở Hai Bà Trưng ra chợ Đà Lạt với bụng mang dạ chữa. Leo dốc Nhà Làng. Có lần, ông cụ mình bị đổi lên Ban Mê Thuột, mẹ phải nhờ ông Đổ Cao Lụa, bố của tướng Đổ Cao Trí, bạn nhậu của ông Hai, hàng xóm. Nhờ ông con, can thiệp để được đổi về lại Đà Lạt. May quá, ông cụ về Đà Lạt xong thì ông Trí tử nạn trực thăng. Lớn lên, mẹ mua cho chiếc xe gắn máy, mình chở mẹ đi chợ và giao gạo đến nhà người mua. Khởi đầu cuộc đời kiến tha lâu đày tổ của mình. Tiền boa của mẹ cho, mình gửi vào quỹ tiết kiệm ngân hàng. Đến khi đi tây, thì thấy có đến gần 2 tháng lương của ông cụ. Mình rút ra hết đưa cho mẹ.

Mẹ mình bán hàng xén nhưng có bán chui gạo và đường vì không có môn bài. Mẹ lấy hàng cô Ba CHỉ, tiệm Bình Lợi để bán. Ai mua gạo, ngại thuê xe Lam chở về, mẹ nói sẽ chở gạo đến nhà. Mình là tên chở gạo, giao cho họ. Sau ăn trưa, mình ra chợ, hỏi chở gạo cho ai rồi đem đi giao. Được tiền boa thì mình bỏ trương mục tiết kiệm ở Đông Phương Ngân Hàng, cạnh nhà hàng Nam Sơn. Sau này đi Tây, mình rút ra được trên 40,000 đồng, đưa cho mẹ.

Hình chụp từ dãy hàng bán trái cây, của dì Bê, bạn của mẹ mình, có thời theo kháng chiến, ở tù chung. Phía sau là dãy hàng thịt, cạnh hàng bà Phòng, có bà bán bánh căn mà mình hay ăn. Rẻ. Bên tay trái là hàng dừa, gần chỗ hàng của mẹ mình

Hồi nhỏ, mình và cô em kế ra phụ mẹ dọn hàng vào cuối tuần. Dọn xong thường được thưởng gói xôi, bọc tỏng lá chuối hay bánh căn ở hàng thịt, sau lưng hàng bà Phòng. Bà bán bánh căn ở đây, sau này dọn lên Dốc Nhà Làng, nổi tiếng đến giờ. Mình hay ra kéo đòn, ngồi ăn bánh căn ở đây. Có lần thấy mấy cô, học trường Tây với mình, đi ngang, nhìn mình như bò đội nón. Lâu lâu mẹ thưởng thêm cho cái trứng vịt, mua của dì Gái, con bà Cáp, có tên là Ngụ, đem ra đưa cho bà đổ bánh căn, phải canh bà ta, sợ bà ta bỏ trứng vào bánh của thiên hạ. 

Nghĩ lại, mẹ mình khi xưa, cũng nghỉ hè hàng năm như tây đầm. Khi bể bầu, phải ở cử, nằm lò than, xoa nghệ với long não 1 tháng trời như nghỉ hè chỉ có không đi đâu, ở nhà, tiền không vào. Sau này, mẹ được đi Pháp, đi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cao Miên, Mã Lai, Thái LAn, Nam HÀn, Trung Cộng, Tân Gia Ba và Dominican Republic, và năm ngoái Dubai. Hoa Kỳ, mẹ mình đi nhiều tiểu bang, Cali, New York, Philadelphia, Virginia, Maryland, Nevada, Utah, Arizona, Texas,…gần đây đi Dubai. Nhiều người lưu dân sang Hoa Kỳ mấy chục năm, chỉ loanh quanh ở phố Bôn-sa. Mẹ ở Cali buồn nên mình đưa về lại Việt Nam.

Có lẻ Đà Lạt, thế hệ của mẹ mình, ít ai được đi nhiều xứ ở hải ngoại như mẹ mình. Mình muốn đưa mẹ đi viếng Úc Đại Lợi nhưng không biết thực hiện được không với Covid, thêm lớn tuổi. Qua Tết mình về Việt Nam, đi viếng Sơn Đòng xong, sẽ đưa mẹ đi Phuket chơi một tuần.

Ông cụ mình may mắn, có người vợ biết lo buôn bán. Sau này, ông cụ đâm ra chơi bời, đánh bài, gái gú. Dạo mới giải ngủ, ông cụ mình chịu khó lắm, đi chích thuốc dạo, kiếm tiền mua sữa cho con,… Mẹ mình nghe ai, mua mấy mẫu đất trong Suối Tía, để làm vườn, trồng sú, khoai tây bán cho mỹ. Mình có kể vụ này rồi. Ông cụ hồ hởi được mấy tuần lễ, sau thấy mệt quá nên mướn người thượng làm rồi vòi tiền của mẹ, kêu phải mua phân, mua máy tưới nước,…gấp 3, 4 lần để đánh bài. Mẹ lỗ vốn rất nhiều vì ông cụ thua bài. Bác Bửu Ngự bảo, ba mày không biết đánh bài, ai cũng muốn rủ ông cụ mình đánh để ăn. May quá, sau Mậu Thân thì không có ai được hoãn dịch cả. Trai tráng đều đi quân dịch, không có người làm vườn nên mẹ ngưng làm vườn.

Có lần, Mẹ dẫn mình vào nhà bác Cháu ở ấp Ánh Sáng, chào anh Lê Công Vui, đi du học ở Nhật Bản. BÁc Cháu là chị dâu của dì Lan, có 10 người con. Bán mắm gần đồn cảnh sát, cạnh hàng mẹ của Lâm Thị Đức, tảo tần nuôi con ăn học, đi du học. Là một trong những gương sáng của những người mẹ trùng khơi của chợ Đà Lạt khi xưa. Nay ở hải ngoại, mình thấy mấy bà đi làm nail, nuôi con ăn học đến thành tài, dù tiếng tây tiếng u lớ ngớ. Hy sinh đời mẹ củng cố đời con.

Mẹ không nói gì nhưng cứ giới thiệu mình cho mấy người đi du học, như thăm cậu Nghị, con ông bà Đàng, trước khi cậu đi du học bên Tây,… gặp những người này khiến mình bắt đầu, có ý định, giấc mơ đi Tây. Sau này mình đi du học, cũng nhờ mẹ. Mẹ không bao giờ nói về giấc mơ của mẹ, chỉ giới thiệu các người đi du học, để cấy vào đầu mình ý tưởng đi du học, chịu khó học.

Ngày mình đi du học, mẹ đang có mang cô út gần sanh. Mẹ dẫn mình đi chào mấy bạn hàng của mẹ, rồi quay mặt đi, như để che các giọt nước mắt. Như bài thơ của ông Đổ Trung Quân kể về một người bạn:

 “ngày xưa chào Mẹ, ta đi
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
10 năm rồi lại thêm 10
Ta về thì khóc, mẹ cười lạ không”

20 năm sau, mình trở về Đà Lạt. Mình may mắn hơn người bạn của nhà thơ Đổ Trung Quân. Mẹ mình chưa trả nhớ về không, vẫn còn nhận ra mình. Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc. Khóc cho vơi đi nổi nhớ nhung, cho trôi đi oán hận. Bao nhiêu tủi hờn của 20 năm qua, chịu đựng những hà khắc dưới chế độ Hà Nội. Mẹ khóc như những ngày mưa bão Đà Lạt, những giọt nước mắt chảy dài trên má, kể lại những nổi khổ, nổi đau chịu đựng suốt 20 năm qua. Suốt con đường từ Sàigòn lên Đà Lạt, mẹ kể lại cuộc đời đã trải qua từ 20 năm trong tủi nhục. Thời con gái đi theo cách mạng, bị tù hai lần để rồi khi cách mạng thành công, lại đày đoạ mẹ. Hình ảnh người mẹ Việt Nam anh hùng như bao nhiêu phụ nữ Việt Nam đã trải qua sau 75. Như nhà thơ Hồ Dzếnh có nói qua bài “Cảm Xúc”:


Cô gái Việt Nam ơi!
Từ thuở sơ sinh lận đận rồi
Tôi biết tình cô u uất lắm
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi

Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha
Khi cô vui thú, là khi đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già

Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Nghìn năm vằng vặc ánh trăng soi

Tôi đến đây tìm lại bóng cô
Trở về đường cũ, hái mơ xưa
Rau sam vẫn mọc chân rào trước
Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ

Dãi lúa cô trồng nay đã tươi
Gió xuân ý nhị vít bông cười...
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
Trong một làng con, đã héo rồi!

Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi


Mẹ trước hí viện Los Angeles

Trong cuộc đời lưu dân, buồn xa nhà, mình thường nhớ đến mẹ. Xa em út, gia đình từ năm 15 tuổi. Vào Đà Lạt làm ô-sin, hy sinh đời chị củng cố đời em. Rồi vài năm sau, em út học xong tú tài, với bàn tay trắng, lập nên sự nghiệp, trở thành triệu phú trước năm 1975, dù cả đời, chưa bước chân vào lớp học. Mẹ học đọc và viết khi ở trong tù, được mấy người trong tù dạy đánh vần chữ “Khổ”. Từ này đã đi theo mẹ suốt 70 năm trời. Chỉ có khác là thừoi Việt Nam Cộng Hoà thì đánh vần Ca hát ô khô hỏi khổ, còn thời cách mạng thì đánh vần Khờ Ô Khô hởi KHổ. Thời nào mẹ cũng khổ chỉ khác là thời Việt Nam Cộng Hoà, thì mẹ khổ nhưng còn ca còn hát được, còn thời cách mạng thì Khổ nhưng KHờ luôn. Chán Mớ Đời 

Sau này, mình gửi quà về cho mẹ, khăn choàng mua ở Luân Đôn nơi mình làm việc,… hoá ra mẹ không dùng, chỉ đem đi bán để nuôi con ăn học và chồng học tập cải tạo để trở thành con người mới, yêu xã hội chủ nghĩa.. lúc nào cũng động viên chồng học tập tốt, các con trở thành cháu ngoan của bác, cho xứng đáng con người xã hội chủ nghĩa để qua mắt công an khu vực, dân CM30.

Năm 1992, mình về Đà Lạt thăm nhà. Ông cụ được thả sau 15 năm cải tạo. Mình nghe họ thả ra khi gần ngáp ngáp nên cố về thăm bố một chuyến để sau này khỏi ân hận. Khi bước ra khỏi phi trường Tân Sân Nhất, thấy cánh cửa sắt, những bàn tay thò vào kêu ơi ới. Bổng mình nghe tiếng của mẹ gọi tên mình. 20 năm mới được nghe lại giọng của mẹ, không thể nào quên. Chỉ một tiếng “Sơn” độc nhất nhưng sao êm ấm đợi chờ từ 20 năm qua. Nước mắt tự trào ra.

Mình đẩy xe hành lý ra cửa phi trường, thấy mẹ chạy cà thọt đến. Đúng là cách mạng, giải phóng Mẹ khỏi cuộc đời phong kiến. Khi xưa, mình chưa bao giờ thấy mẹ mình ra đường bận áo bà 3. Đi chợ, lúc nào cũng bận áo dài như các cô gái Huế. Nay thấy mẹ bận bà ba, hình ảnh người mới của xã hội chủ nghĩa. Mẹ mừng gặp lại mình sau gần 20 năm xa vắng. Mình thấy mẹ đi khập khiễng nên hỏi. 

Mẹ đi thăm nuôi bố, trời mưa, băng rừng lội suối, bị trợt chân, gãy cái xương chậu. Sau này, mình có giúp các em Chu-Ru, xe đạp và học bổng để trả ơn cho bố mẹ họ khi xưa đã cưu mang mẹ khi đi thăm nuôi bố mình. Cho ngủ lại trong buông thượng, khi trời mưa bão, xe bị lún xình,.. Từ đó, đi khập khiễng. Trời lạnh Đà Lạt thì đau buốt. Sau này, cô em kế ở Pháp làm giấy tờ cho ông bà cụ sang pháp để mổ cái xương chậu. Hai anh em hùn tiền trả y phí cho mẹ. Mẹ kêu thuốc tiên, đi lại bình thường. Nếu không mổ, có lẻ mẹ bệnh nhiều sau này. Nghe nói nay hơi đau lại.

Trên đường từ Sàigòn về Đà Lạt, mẹ ngồi kể lại đoạn trường sau 75. Chồng cải tạo, hàng xóm Cm30 lên án, vùi dập, ngoài chợ đủ trò. Chỉ có tình thương vô bờ của người mẹ, mới vượt qua khỏi những đoạn đường cách mạng vô sản hoá, bần cùng hoá con người. Bao nhiêu của cải đều bị mất hết khi di tản. 1 thân một mình nuôi một đàn con, người chồng cải tạo giữa bầy lang sói.

Ăn cưới với bạn hàng ngoài chợ. Đa số mấy dì này ở tù chung với mẹ mình. Trước khi đi Tây, mình được mẹ đưa ra chào mấy dì.

Lên xe, mẹ bắt đầu kể chuyện cho tới khi xe ngừng. Câu chuyện lúc nào cũng khởi đầu bằng “Con ơi! Thời cách mạng vào Khổ lắm con”. Hai tiếng “con ơi” tuy ngắn gọn nhưng hàm chứa đầy uẩn ức của một thời, có lẻ gian nan nhất cuộc đời mẹ. Thời chống Pháp, ở tù còn được Tây thực dân nuôi ăn sướng hơn thời “cách mạng không có gì”. Thời tây, ở tù, mẹ được cử ra chợ để mua thức ăn, rau quả, thịt về nấu cho tù ăn. Thời cách mạng chỉ ăn bo bo và khoai sắn.


Khi Đà Lạt bỏ ngõ, gia đình mình chạy về Bình Tuy, rồi về Sàigòn. Tiền bạc mất hết. Khi trở về Đà Lạt với hai bàn tay trắng như lần đầu tiên đến Đà Lạt vào năm 1948.

Làm lại cuộc đời với bàn tay trắng như khi xưa, từ Huế vào Đà Lạt, chỉ khác là có thêm 10 miệng ăn và nuôi chồng cải tạo hàng tháng suốt 15 năm liền. Ngày đi buôn, tối về phải đi họp tổ dân phố, để nghe bọn CM30 tố vợ phản động, phản quốc đủ trò, đề nghị đi kinh tế mới…. Có những người Đà Lạt mến yêu, giúp đỡ mới sống sót đến ngày nay. Mấy người CM 30, sau này, Hà Nội cho người vào thay thế hết, chả được cái gì. Mình về không dám đi gặp họ.

Mẹ không thù hằn họ, vẫn nói chuyện với họ như thường. Chỉ nói, họ cũng vì con cháu họ, tìm cách lập công cách mạng thôi. Đó là bồ tát nói. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn