Đôi mắt người xưa

Có cô nào gốc Đà Lạt, cắc-cớ hỏi đối tượng ngày xưa ở Đà Lạt là ai? Thời biết nhìn con gái dưới ánh mắt khù khờ thay vì chửi lộn như xưa, mình thích nhiều cô như vào tiệm ăn bao bụng. Đến năm 12 B thì trung kiên với một đối tượng rồi thì đi tây. Hết phim.

Có phim “Đôi mắt người xưa” thì phải, quay cảnh ở Đà Lạt. Mình nhớ hồi nhỏ, nhà ở ấp Ánh Sáng, ai đó dẫn mình ra chỗ Thanh Thuỷ để xem người ta quay xi-nê, hình như tài tử Lê Quỳnh đóng với Thanh Nga thì phải. Đạp Pédalo trên hồ Xuân Hương. Sau này về Đà Lạt, mình có đạp Pédalo với mấy đứa con, gió thổi ngược , đạp hoài không vào bờ được. 

Hình như quay theo một tuồng cải lương, cùng mang tựa đề. Câu chuyện, nói về anh chàng đi du học bên tây, học y khoa rồi về, gặp lại “đôi mắt người xưa” khi cô ta ở dưới quê, đọc báo thấy quảng cáo phòng mạch, đem con rơi của ông bác sĩ ở Tây về. Ông bác sĩ làm cô nàng có bầu rồi đi tây, về Việt Nam thì lấy vợ và mở phòng mạch hộ sinh ở Sàigòn. Xong om

Sau này, mình đi Tây nhưng khác với ông Lê Quỳnh thay vì 5 phút như trong phim, mấy chục năm sau mới trở về Đà Lạt, bắt chước Út Trà Ôn ca bản: “20 năm sau, tôi trở về bến nước năm xưa để tìm lại đối tượng một thời,..”. Đối tượng một thời vẫn còn sinh sống tại Đà Lạt nhưng mình không dám bò lại tiệm cô nàng để chào. Mấy tên hàng xóm khi xưa, gặp lại, mình chào, chúng đưa mặt như bò đội nón, ngơ ngác, kêu không nhớ. Mình bỏ mộng đi tìm lại người quen khi xưa.

Viếng Hội An lần đầu, gặp mấy cô bạn cũ của đồng chí vợ. Có người kể, một ông di tản năm 75. 20 năm sau, trở về Phố Cổ. Bao nhiêu trăn trở, ông quyết định, đi tìm lại cô bạn gái ngày xưa. Ông ta lần mò vào xóm xưa, thấy một bà cụ, ngồi bán xôi bên đường thì hỏi nhà “cô Mai”. Bà cụ bán xôi đáp giọng Hợi En: “doạ em đơi ” khiến anh chàng thất kinh, bỏ đi về một lèo. Về nhà chắc sẽ hát: “giết người đi, giết người đi”.

Sau bao nhiêu năm, sống với Việt Cộng trong thời bao cấp, cô nàng già, răng rụng xuống nồi xôi đậu, lên chức bà ngoại. Như trường hợp thi sỹ Hoàng Cầm, mê chị Vinh, để rồi mấy năm sau, gặp chị ta lại, te tua sau khi lấy chồng, ông ta xé bài thơ ấp ủ, tâm đắc từ bé “lá Diêu Bông”.

Cô bạn kể tiếp, một anh khác, mần mò tìm lại đối tượng một thời. Nay cô nàng to như con gà mái mệ, con đàn cháu đống. Kinh hãi. Rồi quay sang hỏi mình có gặp lại đôi mắt người xưa thì nói không dám. Nghe kể là đã hãi rồi.

Rời Việt Nam lâu, nay về lại quê xưa, ai đi tìm lại đối tượng một thời như đi tìm Lá Diêu Bông. Vì chỉ có hình ảnh của ký ức ngày xưa, đụng chạm thực tế thì hơi phiền. Khó mà đứng vững khi cuốn phim chiếu chậm, bổng nhiên cái vèo như xem phim trên mạng, bị cắt xén, chạy tới đoạn kết. 

Vào những năm 1972-1973, ông Hoàng Đức Nhã, làm tổng trưởng Dân Vận, có thực hiện được 2 chương trình, cho sinh viên, kiều bào tại âu châu và Hoa Kỳ về thăm quê hương trước khi Sàigòn mất. Nhằm giải độc tuyên truyền của Cộng Sản tại xứ người. Mình nhớ có lần, gặp con trai cụ Sâm, dạy hè mình, ở đường HÙng Vương. Nhà cụ từ đường Hùng Vương, đối diện trường Petit Lycée , có con dốc đi xuống, băng qua cái vườn rau, đến nhà gỗ của cụ. Mùa mưa hay bị lụt dù nhà cụ được xây trên nền cao. Hình như cháu ngoại hay cháu nội của cụ học chung với mình khi xưa. Hình như tên Thanh thì phải. 

Con trai cụ Sâm, du học bên tây, lấy vợ đầm. Năm đó về thăm Đà Lạt, có ghé nhà dì Thanh, con bà Phúng, học chung khi xưa. Dì Thanh khi xưa cũng thuộc dạng xinh đẹp, con bà Đàng như dì Luận thì đẹp có tiếng Đà Lạt. Con cụ Sâm chắc xem phim đôi mắt người xưa nên về tìm lại dì Thanh. Không biết tâm trạng của ông ta ra sao. Chỉ nhớ bà vợ đầm, ngồi bên cạnh, ngáp ruồi Đà Lạt, bay vo ve xung quanh. Mình thì sợ ngoại quốc, không dám mở mồm với tiếng Tây Bồi. Chỉ biết Bonjour, xong là tịt, đứng nhìn họ như người trong sở thú.


Năm 1994, mình được một tổ chức NGO, trả tiền về Hà Nội, dự một hội thảo về phát triển Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới. Trong phái đoàn từ phía Việt Nam, có một chị, đại diện đoàn thanh niên cộng Sản HCM, tự nhận là người Đà Lạt, nói biết bố mẹ, em gái của mình khiến mình thất kinh. Chị ta nói gia đình khi xưa, ở bên cạnh nhà ông bà Lào, cư xá Địa Dư.

Mình bổng nhớ đến một cô gái, đối tượng của Huỳnh KIm Sang. Có lần, hắn bảo mình chở hắn đi đâu, rồi trên đường về trên đường Hai BÀ Trưng. Hắn bổng kêu mình chạy chậm chậm lại, rồi nói xem mặt cô nữ sinh, đi chánh niệm trên đường. Mình chạy ngang, rồi lén quay lại để xem mặt cô gái. Dạo ấy, mình đã bị cận thị nhưng chưa đeo kính. Thấy cô nàng, tóc dài, gây gầy. Thằng Sang hỏi đẹp không, mình nhất trí ngay. Sau đó, đảo xe lại thì khám phá cô nàng đi vào xóm khu Địa Dư, cạnh nhà ông Lào.

 Xóm Địa Dư, gồm 3 dãy nhà, xây 2 tầng. Từ đường Hai Bà Trưng, có mấy cái cầu gỗ đi vào mấy căn hộ, nên không thể lộn được. Cầu cô nàng đi vào chỉ có nhà Ông Bà Lào, sau đó là nhà Chú Be và nhà thằng Hùng, đá banh với mình khi xưa. Chú Be khi xưa đi lính với ông cụ mình, sau này chú đi tàu hàng hải, lâu lâu mới về nên mình biết mẹ của Chú.

Sau mùa hè Đỏ Lửa, đôn quân, thằng Sang đi lính vì sinh 1955. Mình không còn để ý đến cô này vì có nhiều đối tượng khác. Mấy tên học chung thì kết mấy cô khác, nên bàn chuyện mấy đối tượng khác. 25 năm sau, mình như Từ Thức trở về quê, gặp lại một bà, tự xưng là đối tượng ngày xưa của HUỳnh Kim Sang, lại hát bài Mimosa của dân Đà Lạt, khiến mình thất kinh! Mình hỏi có phải em gái của thằng Hùng, thường đá banh với mình khi xưa. Cô nàng kêu dạ đúng. Choáng vánh luôn! Viết tới đây thì nhận được điện thoại của Huỳnh Kim Sang sau 48 năm. Cứ viết nhắc đến ai thì tìm lại người đó. Kinh

Đối tượng một thời. Hình chụp cô nàng làm kỷ niệm trước khi tây. Có người Đà Lạt hỏi mình đối tượng một thời ở Đà Lạt là ai nên mình đăng hình cô nàng ngày xưa lên cho thiên hạ xem. Kỷ niệm một thời ta đã yêu em. 

Từ độ ấy, mình không dám nghĩ đến chuyện, đi tìm đối tượng ngày xưa. Hãi hùng! Về Đà Lạt, mấy người em, kêu đi thăm đối tượng một thời, vẫn còn ở Đà Lạt nhưng mình sợ, không dám đối diện thực trạng của 25 năm, thời gian đã lão hoá, tàn phá tuổi thanh xuân của chúng ta. Chúng ta, ai cũng bị lão hoá. Thường ký ức của chúng ta dừng chân lại ngay từ khi lên máy bay, hay xuống thuyền vượt biển. Khi gặp lại bạn bè xưa hay đối tượng thì như con cá, mình chặc cái đầu và cái đuôi rồi ráp nhau lại, bỏ phần giữa, rồi ráp lại cái đầu và cái đuôi nên không ăn khớp lắm.

Cách đây mấy năm, mình về Đà Lạt, tìm ra được một tên bạn học cũ, trên diễn đàn Văn Học nên nhắn tin. Hắn kêu, sẽ tổ chức họp mặt với các bạn học khi xưa, sau đó hắn chêm thêm, đối tượng một thời sẽ có mặt khiến mình nổi da gà. Trước khi về Việt Nam, mình có gặp lại tên HÙng Con Cua. Nhờ tên này, mình mới biết chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, cho mình đi du học. Hắn ở Sàigòn, gửi một bản nghị định của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà lên cho mình. Hôm sau mình về Sàigòn, làm giấy tờ, sổ thông hành, và xin chiếu khán của toà đại sứ và 1 tuần lễ sau là khởi đầu cuộc phiêu lưu dài 20 năm mới trở lại Đà Lạt.


Để nhắc lại gia phả tên Hùng COn Cua này. Bố mẹ hắn có tiệm thuốc bắc tên Dưỡng An đường thì phải, có huy hiệu hai con cua ở đường Duy Tân, ngay góc Trương Vĩnh Ký. Đi học để khỏi lộn với Hùng khác thì chúng bạn hay gọi HÙng COn Cua. Anh hắn cũng tên Hùng, chỉ có chữ lót là khác nên khi gọi Hùng Con Cua thì hay nhầm lẫn anh em nó. Nhà nó ở dưới chợ Đà Lạt, cạnh nhà Nguyễn Văn Thuận, rể bà Ngà, bạn của mẹ mình và nhà ông Đàng, sau này dì Mỹ Dung ở và buôn bán tại đây. Sau 75, thì tiệm trên Duy Tân bị chiếm, em hay con gái nuôi mới mở tiệm thuốc bắc dưới chợ. 


Mình kể đây vì đọc trên mạng, có nhiều người cãi nhau về tiệm thuốc bắc này, người nói trên Duy Tân, người nói dưới chợ. Ngoài ra, có người BÁc và Cô không lập gia đình, mở tiệm ăn và khách sạn mang tên Cẩm Đô. Sau này, di dân sang Pháp, hiến cái khách sạn to đùng cho Việt Cộng. Ông bác nó, tội lắm đi tìm mình, để lại tin nhắn. Lúc đó mình đang ở Ý Đại Lợi. Khi về Paris, mình có ghé thăm hai người này vài lần rồi đi làm ở Thuỵ Sĩ. Nghe nói ông bác đã qua đời, còn người cô thì vào viện dưỡng lão.


Người Đà Lạt xưa rất chân tình. Ông bà đi Pháp, quen với mẹ mình. Mẹ mình nhờ ghé thăm mình. Bà gác dan của khu mình ở, kêu họ như có một trách nhiệm tìm ra mình.


Hắn được đi du học ở Gia-nã-đại, còn mình thì đi Tây. Hắn qua Mỹ, đón đối tượng của hắn ngày xưa, chở chị em cô này với ông chồng, trên xe đi khắp 4 vùng chiến thuật. Mấy bà chị này kinh hoàng lắm. Gặp mình là hỏi bú xua la mua, hỏi ngày xưa, đặt tên cúng cơm của em họ là gì, khai ra ngay, khiến mình không biết ất giáp gì cả. Hoá ra, họ đọc i-meo những bài mình viết về tuổi học trò ngày xưa ở Đà Lạt.

Gặp lại đối tượng, đại gia Đà Lạt nên rất mừng cho cô nàng 

Thấy tên này tỉnh bơ như Con Cua, hiệu thuốc Bắc của bố mẹ hắn khi xưa, không ngại ngùng gì cả. Cứ như Tây nên khi về Đà Lạt mình cũng bớt ngại gặp lại Cái Bớt Ngày Xưa, nhưng cũng lo trong lòng. Nói chung thì cũng không sợ thất vọng vì đã thấy hình bóng đương đại cô nàng trên diễn đàn Văn Học rồi.


Biết cô nàng sống sót sau 75 là vui rồi. Thấy tên HÙng Con Cua và đối tượng hắn ngày nào, tỉnh bơ bên ông chồng mỹ nên cũng làm liều đi dự hội ngộ học sinh Văn Học xưa.


Mình lấy xe taxi đến chỗ hẹn. Mình khám phá ra họ xây một con đường nối liền đường Lê Quý Đôn khi xưa, băng qua đường Hùng Vương, qua luôn trường Petit Lycee, con đường chạy lên đến gần viện Pasteur. Con đường mà học sinh hay đi tắc đến trường thay vì đi bộ theo con đường xe chạy, quẹo vô trường. Chỗ này mình hay mục kích thằng Khoa và thằng Tuấn Trung, hai tên dân Số 4 đánh nhau. Chúng đánh nhau ở Số 4 chưa đủ, tranh thủ lên trường đánh tiếp.


Chương trình hẹn ở tiệm cà phê, để gặp riêng thầy An và mấy tên học chung với mình để nói chuyện. Tối thì có bữa cơm với nhiều học sinh Văn Học khác. Mình gặp lại thầy An, dạy Việt Văn mình năm 11B. Thầy ở Bảo Lộc, nhưng phải dậy sớm từ 4 giờ sáng, lấy xe buýt lên Đà Lạt để gặp lại mình. Lý do thầy tò mò xem mặt thằng học trò ngày xưa ra sao. Thầy không nhớ mình, lại đọc bài mình kể khi xưa học với thầy ra sao.

Gặp lại thầy Phạm văn An, dạy việt văn năm 11B.

Mình kể khi học về Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Mình mê khi thầy giảng về luật khoa, khi Loan bị ra toà về tội đâm ông chồng chết. Mình nhớ nhất; thầy khuyên học sinh có Bồ, nên chở nhau lên Thác Cam Ly, đem theo lon sơn Bạch Tuyết với cái cọ. Viết tên hai người trên vách đá, rồi vẽ thêm một mũi tên đâm thủng hai quả tim vàng. Rồi nắm tay cùng thề trước thác Cam Ly, đầy rác từ Đà Lạt trôi về: “sông có cạn, núi có mòn xong mối tình hữu nghị của đôi ta luôn luôn bền vững đến khi nào hãng sơn Bạch Tuyết bị xụp tiệm”. Ai ngờ 2 năm sau, Việt Cộng vào. Đứt phim.


Mình mới bước vào thì thầy An kêu: “nhận ra rồi, nhận ra rồi”. Thầy nhận ra mình, một trong những tên phá trong lớp ngày xưa. Viết sai lỗi chính tả tùm lum. Quay qua thì nhận ra mấy tên học chung khi xưa. Có mấy cô khác thì chịu vì học bạn A. Ban B năm lớp 12 B, chỉ có độc nhất một cô nữ sinh tên Song Kim. Toán khô khan nên mấy cô theo ban C hết. Ngồi nói chuyện vài phút thì Cái Bớt Một Thời đi vào. Mình đứng dậy chào, thấy vẫn xinh như xưa. Hú vía!

Ngồi với mấy tên học chung khi xưa năm 11 B, lên 12 B thì chúng bỏ chạy sang ban À, và Cái Bớt Một Thời

Mình có gặp lại một cô học chung 3 tháng khi xưa, không nhận ra mình. Cô này mình đặt tên là “Người đẹp Song Pha” vì nhà ở Song Pha, lên Đà Lạt, trọ học. Cô nàng là nguyên nhân Nguyễn Đình Tài bị 302 đánh. Năm 12, cô này sang ban A  học nên mình không biết, chỉ nghe tên Tài kể lại, sau 41 năm. Hắn kể trong lớp có tên Châu, khi xưa học chung với mình ở Yersin, nhà ở phía sau lưng trường Petit Lycée. Nay hắn ở Úc. Hắn kết người đẹp Song Pha, trong lớp cũng có một tên khác kết cô này. Thế là hai tên choảng nhau, thằng Tài nhảy vào can. Thằng Châu mét lính 302 quen, chận đầu thằng Tài đánh. Chán Mớ Đời 


Cô này khi xưa, thuộc diện xinh gái, nay thì te tua thêm đối tượng của một tên học Văn Học, hắn hay kể. Mình gặp lại, chụp hình cô nàng, gửi cho hắn. Hắn té xỉu. Kinh


Tên Tài rất có tình với bạn bè. Em thằng Dương Quang Trí, con ông Marcel. đi chọc gái ra sao, thiên hạ đè đầu nó đánh trước cửa trường Văn Học. Tài nhảy vào đánh giải vây nếu không thằng Trí bị rạch mặt. Sau này đậu tú tài hạng Bình, nó cho tên nào mượn bằng tú tài và thẻ căn cước để nộp đơn di du học. Mình về Đà Lạt lần đầu, đi tìm nó nhưng không gặp. Chỉ gặp em nó kêu là nó đang chạy xe hàng ở Hà Nội. Tài tập võ chung với mình ở Ngã BA CHùa với anh họ hắn là Sỹ, học Trần Hưng Đạo, sau đi nhảy dù chết.


Mình được bố trí ngồi cạnh cô nàng. Cô nàng cho mình xem ảnh con gái, ở San Jose, cháu ngoại ,… xong gọi điện thoại cho Người Đẹp Phao Câu để mình nói chuyện. Cô này thì có gặp tại nhà mình với HÙng Con Cua vì em của đối tượng hắn, mà mấy bà chị đè đầu mình xuống tra tấn để khai đặt tên cô nàng là Người Đẹp Phao Câu. Khi xưa, cô nàng có cái Mông Cực Đỉnh,  xàng xê trước đám con trai mỗi lần ra chơi nên mình đặt tên cho nó dễ nhớ.


Khi xưa, mình làm cô Mụ, đặt tên mấy cô nàng trong lớp hay trong trường để dễ nhớ khi bàn tán về gái gú. Nào là Chị HAi, CHị Sui, CHị Cả, Thuỷ Dâm, Phi Liên Xô, người đẹp Song Pha, …. Khiến nhiều tên cứ hỏi mình hoài về mấy tên này. Có cô học chung tên Vy Thị Thu Thuỷ, đám trong lớp đặt tên trước khi mình vào Văn Học, là Vê Tê Tam Thừa cho có vẽ dân ban B. Cô này xinh, lớn tuổi hơn mình, hay mượn vỡ của mình để sửa chính tả. Sau này, mình bắt đầu viết về những kỷ niệm Đà Lạt thì Chị Cả hay sửa lỗi chính tả cho mình trước khi công bố cho thiên hạ đọc. Sau này, mình viết nhiều quá nên cô nàng đầu hàng, không có thì giờ để sửa lỗi chính tả. Chán Mớ Đời 


Cô nàng mời đi ăn sáng với mấy người bạn của cô nàng ở Đà Lạt và giới thiệu mình là “người đặc biệt”. Kinh! Có một cô là em gái của một cô rất xinh ngày xưa ở Văn Học. Có thể gọi đứng thứ 3 của trường sau Cái Bớt Một Thời và Trần Thị Ánh Nguyệt. Tên Vũ Văn Tùng, nhà ở ngay dốc Cẩm Đô, lên nhà thương, mê cô này lắm. Hắn hay ngồi khi ra chơi, nhìn theo cô nàng.


Nói chung thì gặp lại đôi mắt người xưa thì rất vui. Vui vì cô nàng còn sống. Thứ hai cô nàng là đại gia Đà Lạt, không cực khổ. Cô nàng kể là lưu lại hết mấy bài mình viết về Đà Lạt. Có đi tìm mình sau 75. Lúc đó mình đang mê đầm, mắt xanh tóc vàng thì chịu. Gặp lại bạn xưa, thấy họ sung sướng, giàu có là một cái mừng. Mình có gặp lại vài người bạn học cũ, vì lý lịch gia đình nên cuộc đời có kết cục khá buồn, vì không được đi học đại học tiếp.


Nguyễn Hoàng Sơn