Tại sao bán nhà rồi thuê lại ở?

 Mình nhận được nhiều tin nhắn riêng, hỏi về vụ bán nhà để đi du lịch, hưởng nhàn 1 tí trước khi vào viện dưỡng lão, vẫn ở nhà mình đã bán. Thế hệ mình còn bị ảnh hưởng của Nho giáo nên lo cho bố mẹ, ở chung nhà để chăm sóc khi bố mẹ về già. Ngược lại thế hệ con mình thì khác, ảnh hưởng tư duy của người Mỹ nên khi chúng lập gia đình, dọn ra ở riêng.

Ở Hoa Kỳ, ai có Phước thì được con cái mướn người làm để chăm sóc khi về già, nhất là khi bị lẫn. Bố Mẹ vợ mình may mắn, được mấy người con chung tiền, mướn hai người để chăm sóc 24/24. Bà Betty, tương tự, cũng được con cháu dùng tiền của bà ta để lại, để mướn hai cô người Phi Luật Tân để chăm sóc, 24/24 tốn đâu $3,000 mỗi tháng, và nuôi họ trong nhà luôn. Vào viện dưỡng lão thì tốn trên $5,000/ tháng.

Chính phủ có chương trình trả tiền cho người đến nhà vài tiếng trong tuần để chăm sóc, giặt quần áo đi chợ,…. Ít tốn cho chính phủ hơn. Về khuya thì mệt, phải có người trong gia đình chăm sóc. Con cháu ở riêng thì có vấn đề. Chúng đi làm nên không thể thức khuya để chăm sóc cho mình. Nhiều người thương cha mẹ, đành gạt lệ, đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão rồi quên luôn. Đồng chí gái đi hát trong mấy viện dưỡng lão thấy hoàn cảnh của họ tội lắm. Họ thèm được con cháu đến thăm. Không còn tiền thì con cháu cũng ít gặp.

Vào viện dưỡng lão là trắng tay, mất tất cả. Lúc đầu con cháu còn vào mỗi tuần sau chúng bận, dần dần thăm viếng thưa đi. Chúng ta còn lại sự cô đơn và nổi nhớ.

Nhiều người về hưu không muốn bán nhà hay dọn nhà. Nhớ dọn nhà ở mấy lần, cứ thấy đồng chí gái khóc nhớ thương căn nhà đã ở mấy năm qua, thậm chí 2 đứa con cũng tương tự. Hoa Kỳ có chương trình gọi là “reverse mortgage “. Một công ty hay ngân hàng xem và định giá căn nhà của mình đang ở, trị giá là bao nhiêu. Họ sẽ mua căn nhà của mình, và cho mình ở đó cho tới khi đi theo ông bà hay vào viện dưỡng lão.

Tương tự bảo hiểm nhân thọ, nếu mình còn trẻ thì họ mua giá rẻ còn già, gần xuống lổ thì họ trả cao hơn và mình cứ ở trong nhà của mình. Khi mình qua đời thì họ lấy căn nhà. Con cháu không được gì.

Mấy người như bà Betty, về già, bán mấy căn nhà cho mình rồi cho vay lại. Bà ta kể dùng tiền mình trả, để đi viếng bắc cực, đi xem mấy con gấu trắng, dẫn cháu gái đi Nam Phi,.. trả tiền cho 3 đứa cháu nội học đại học, đi du lịch những nơi bà ta muốn từ hồi bé đến khi sức khoẻ không cho phép nữa.

Sau này, yếu đi thì dùng tiền mình trả cho bà ta hàng tháng, để mướn hai cô người phi để chăm sóc bà ta đến khi về đất Chúa luôn. Bà ta qua đời, mỗi đầu tháng, mình vẫn trả tiền cho con của bà ta. Thật ra từ khi bà ta bị lẫn 7 năm trước, mình đã bắt đầu trả cho con bà ta rồi. Cứ viết ngân phiếu cho cái Trust của bà ta, con bà là người giám hộ nên bỏ ngân phiếu vào trương mục của bà ta, rồi lấy tiền ra để trang trải chi phí. Cần nhất là viết ngân phiếu cho Trust của bà ta. Nếu không sau khi bà ta chết, con cháu có thể nói mình không trả rồi bắt trả lại hết số tiền.

Bây giờ, lấy thí dụ trường hợp mình. Cách đây 30 năm, mình và đồng chí gái mua một căn nhà trước khi hai đứa đăng ký quản lý đời nhau. Mình mua một căn nhà giá $180,000, cộng tiền mượn nợ, sơn phết, sửa chửa đủ trò xem như tổng cộng $200,000. Mình mượn nợ 30 năm, xem như nay đã trả hết. Giá nhà ngày nay ở miền nam Cali trung bình là 1 triệu đô.

Bây giờ, hai vợ chồng về hưu, muốn đi du lịch, viếng thăm các xứ Âu Châu hay Á CHâu,… thực hiện giấc mộng từ khi hai vợ chồng quen nhau. Muốn thực hiện những chương trình mà khi xưa bận con cái, đi làm  nên không thực hiện được.

Vấn đề ngày nay mình có thời gian nhưng lại không có tiền nhiều. Thậm chí có nhiều người thương con nên tái tài trợ căn nhà để trả tiền cho con đi học đại học và nay vẫn còn cái nợ đến 15, 20 năm. Do đó không còn bao nhiêu sau khi trả nợ ngân hàng hàng tháng. Bao nhiêu giấc mộng, đều gác lại, thêm nữa, con mình đem cháu lại gửi,…rồi hát nổi buồn gác trọ cho qua thời gian.

Sức khoẻ mỗi ngày mỗi giảm, cho nên ít ai thực hiện được giấc mơ của mình mai sau. Chỉ có một thiểu số, thành đạt, họ có hưu trí cao, và 401K hay có nhà cho mướn nên về già họ sống thoải mái hơn, có thể đi chơi mút mùa lệ thuỷ như vợ chồng anh bạn của mình, mới đi hành hương bên Tây Ban Nhà 2 tháng vừa qua. Anh ta mới về đã kêu mình chuẩn bị tập luyện để tháng 4 năm 2022, hai đứa leo núi lên đỉnh Machu Pichu ở Peru.

Bây giờ, về hưu chúng ta có căn nhà giá trị 1 triệu đồng mà không sử dụng số tiền được. Người Việt gọi là của chìm nên xài không được. Chúng ta ngồi trên đống tiền nhưng không với tay lấy được. Mượn nợ ngân hàng thì tiền hưu trí ít nên ngân hàng không cho vay. Con cái nhiều khi chúng không muốn mình mượn nợ ngân hàng để xài, vì chúng nghĩ đó là tiền của chúng.

Mình có quen một ông, dạy nghề cho mình. Ông ta kể; sau bao nhiêu năm tiết kiệm, tậu được một gia sản, nay ông ta muốn mua một chiếc xe xịn thì mấy đứa con cản, kêu già rồi nên đi xe cũ vì chúng nghĩ ông ta xài tiền của chúng.

Hiện tại là 65 tuổi, vài năm nữa vào viện dưỡng lão thì họ bắt phải trả tiền, phải xài hết tiền của tài sản của mình cho hết thì mới chính phủ mới trả. Do đó phải bán nhà để trả tiền viện dưỡng lão. Nếu mình chuyển tên cho con mình thì phải làm trước khi vào viện dưỡng lão trên 5 năm. Không tiền thì họ cho ở viện dưỡng lão tồi, có tiền thì ở viện dưỡng lão tương đối khá hơn.

Đây là số tiền đóng thuế nếu là nhà cho thuê, không được hưởng quy chế 121. Do đó phải làm 1031 exchange để giữ nguyên số tiền 1 triệu

Có người chuyển tên nhà cửa cho con cái trước để được ở miễn phí. Viện dưỡng lão miễn phí thì te tua lắm mà chơi kiểu này thì có vấn đề như mình đã kể: có ông Mễ, nghe lời ai đó, sang tên căn nhà cho thằng con. Thằng con lăn đùng ra chết, cô con dâu bán cho mình. Mình nhờ đồng chí gái cải tạo từ thành phần ác ôn trở thành người chồng nhân dân, nên lấy tiền thuê nhà rẻ vì an sinh xã hội của ông ta rất ít ỏi. Nay ông ta về Mễ thì mình bán để mua căn nào gần nhà hơn.

Do đó không nên chuyển tên cho con mình. Chỉ sang tên vào Living Trust, rồi kê khai con mình thừa kế và viết di chúc, cho đứa nào cái gì. Tốt nhất là chia đều thì anh em chúng sẽ không lộn xộn như bố mẹ mình viết di chúc để lại 10 đứa đồng đều. Con lúc nào cũng nghĩ thương cha mẹ hơn mấy người anh, em của họ nên họ phải được nhiều hơn hết nên hay gây tranh cãi rồi anh em giận nhau. Mình có quen một bà mỹ, chồng làm luật sư gai đình, cho biết là cứ chia đều mọi thứ cho mấy đứa con, nếu không sẽ có chuyện. Anh em sẽ kiện nhau, rồi từ nhau.

Bạn bè của đồng chí gái kể nhiều chuyện gia đình bạn người Việt, kinh hãi lắm. Anh em, chị em đưa nhau ra toà về tội xài tiền của mẹ cha.

Reverse mortgage thì mình khuyên không nên thực hiện vì ngân hàng rất mất dạy. Mình có làm cái gì lộn xộn, chúng lấy lại nhà mình thấy thiên hạ kiện tụng nhiều lắm về vụ này.không rành luật ngữ thì dễ bị chúng cướp nhà.

Mình đã kể mấy vụ là bán nhà hùn tiền với con để mua căn nhà vĩ đại rồi vợ chồng chúng ly dị, mình phải dọn ra với con trai hay con gái, chia đôi tài sản. Mất vốn luôn. Do đó, tuyệt đối, không bán nhà, chung vốn mua nhà với con.

Đồng chí gái thì kêu: tiền mình thì mình xài, sau này còn bao nhiêu thì để lại cho tụi con. Không nên cho chúng bây giờ.

Một cách khác: là bán căn nhà rồi đi share phòng. Cái này thì tuỳ người, không tự do lắm nhất là mình trồng mấy cây ăn trái, hoa tùm lum, nay phải bỏ để ra đi. Về già ít ai muốn thay đổi chỗ ở ngoại trừ bất khả kháng.

1/ Nếu bán nhà thì xem tiền bạc và thuế vụ ra sao: chúng ta mua $200,000, bán $1,000,000. Xem như là lời $800,000. Hoa Kỳ có luật thuế vụ, được gọi là section 121 exclusion. Với luật này thì mỗi người có thể miễn thuế $250,000 tiền lời. Hai vợ chồng thì được miễn thuế $500,000. Lời $800,000 trừ được $500,000, còn lại $300,000 phải đóng thuế. Đóng thuế liên Bang là $20%, tiểu bang 5.1%, Medicare tax 3.8% (cái này do Obama ký nên họ gọi là ObamaCare). Xem như bay mất 30%. Hay $90,000. Còn lại $210,000. Hình như tiểu bang Cali thì được trừ đến $300,000/ người vì nhà cửa quá đắt so với mấy tiểu bang khác.

Mình sợ mất tiền nên bỏ vào ngân hàng, vào quỹ tiết kiệm vì không dám chơi cổ phiếu. Ngân hàng trả tiền lời 1%. Vì chi mỗi năm mình được $2,100 hay mỗi tháng độ $180.00. Làm cái gì với số tiền này. Uống được một ly cà phê mỗi ngày. Mình hay thấy mấy ông bò ra tiệm cà phê, ngồi cả ngày, đợi ai phải đi sớm , thanh toán tiền cà phê, không còn chịu chơi, hào sảng như xưa. Nhiều người chịu không được đời sống đặt đỏ ở Cali, đành phải dọn sang Florida,…

Bây giờ nếu mình bán và cho vay lại. Thuế vụ gọi là “Installment Sale”, nghĩa là mình bán nhưng không lấy tiền liền, mình lấy từ từ trong vòng 30 năm. Do đó mình chỉ trả tiền thuế hàng năm vào số tiền mình nhận được mỗi năm từ người mua.

Điển hình, bà Betty, ông Leon, bà Barbara, Ông Bob, ông John, bà Monique, ông Magdy,… là những người bán nhà rồi cho mình vay lại.

Nhà mua giá $200,000, bán với giá thị trường $1,000,000 với tiền lời hiện tại 3%. Mỗi năm mình được trả $4,216/ tháng hay $50,592/ năm. Nếu mình thương lượng với một người mua nhà mình để cho thuê. Mình ra điều kiện, phải cho mình thuê lại dài hạn 5, 10 năm đến khi mình phải vào viện dưỡng lão.

Mỗi năm, mình chỉ đóng thuế trên $10,000 nhận được (lời $300,000 chia cho 30 năm cho mượn nợ) nhưng nếu mình thuê lại nhà như trường hợp ông Bob, bán cho mình rồi thuê lại thì trừ $500 tiền thuê nhà, còn lại $3,716/tháng. Mình thấy mấy người bán nhà cho mình, cho trả góp trong 30 năm, không ai khai thuế cả vì trên nguyên tắc mỗi năm, họ phải gửi cho mình số tiền mình đã trả trong 12 tháng qua. Gọi 1098. Ông Larry cho biết, khi ông ta cho mượn nợ thì không khai thuế.

Lấy thí dụ; chị quen kể mình. Nhà có 3 phòng, chị ta cho thuê share phòng cái ga-ra, và 2 phòng kia. Bây giờ bán nhà, mướn lại 1 phòng như hiện tại, có hai người share phòng. Chị ta và ông chồng chỉ trả có $500, mỗi tháng người mua nhà trả thêm $4,216 hay $50,592/ năm. 4 ngàn đô mỗi tháng 2 vợ chồng có thể đi du lịch thoải mái. Đi du thuyền sang lắm $1,000/ người. Được ăn thoải mái.

Khi nào vào viện dưỡng lão thì số tiền kia $4,216, do người mua nhà trả, sẽ trả cho con cháu mình. Xong om

Tính ra là $50,592/ năm nhân cho 30 năm là mình và con cháu sẽ nhận được thêm $1,517,774. Mình không phải bỏ căn nhà đã bồi đắp, xây dựng khi sang mỹ đến giờ. Nếu con mình ly dị thì số tiền đó sẽ không lọt vào tay con rể hay con dâu.

Số tiền sau này, khi mình không còn ở căn nhà nữa, có thể sử dụng để cho mình ở viện dưỡng lão khá khá một tí, hay con cháu có thể lãnh trong vòng 30 năm. Nếu không, chúng sẽ nhận được tiền khi mình qua đời, đem đi Las Vegas, nướng hết là xong việc. 30 năm với $4,216/ tháng, có thể con cháu nuôi cháu ngoại, cháu nội,…

Có chị quen, ở gần nhà kể mấy năm trước, bán căn nhà vì to quá, không đủ sức chăm sóc vì ông chồng lăn ra chết. Thằng con rể mỹ, xin tiền để làm business chi đó. Chị ta không cho, kêu tiền hưu cua mẹ nên nó không cho tới nhà để gặp cháu ngoại. Cuối cùng nhớ cháu quá, cho nó mấy trăm ngàn, nghĩ là trước sau cũng thuộc về con mình. Thằng rể làm ăn hay quá, bay trắng mấy trăm ngàn. Chị kể vừa khóc, kêu biết vậy tui nghe lời anh, bán cho vay lại, vẫn ở nhà đó, con không biết là mình đã bán để xin tiền. Nay chị ta mất tiền, đi share phòng với tiền hưu ít ỏi. Cho thấy khi tính về tiền bạc, chúng ta phải dùng đầu óc thay vì tình cảm. 

Chớ mình ôm khư khư căn nhà, về già, nhà cũ phải thay mái nhà, sửa chửa ống nước bị bể, tốn tiền với tiền hưu ít ỏi. Bán đi cho khoẻ để người mua lo, mình lấy tiền hàng tháng, cho chồng về thăm quê hương, bay bướm với mấy em chân dài một lần cho thoả thích mộng làm trai già :) Khi vào viện dưỡng lão hay qua đời thì con cháu lãnh phần còn lại để nuôi cháu mình. Xong om

Chúng ta quen lối, để lại cho con nhưng thật ra chúng cũng đâu cần. Khi mình qua đời, chúng bán lấy tiền xài. Đâu muốn ở nhà của mình vì cũ. Tốt nhất là cứ hưởng thụ chút gì trước khi tiêu diêu miền cực lạc, còn dư thì con cháu hưởng. Đó là Phước phần của chúng.

Có người hỏi là nếu trường hợp người mua nhà, không trả tiền thì sao? Lúc mua thì người mua nhà đã ký giấy nợ. Nếu họ không trả thì mình làm thủ tục để xiết nhà. người Mỹ gọi foreclosure. Xong om

Trường hợp nhà còn nợ ngân hàng, thì mình tiếp tục trả nợ ấy. Người mua trả tiền mình để mình tiếp tục trả ngân hàng. Đến khi hết nợ ngân hàng thì mình sẽ nhận đủ số tiền mà người mua nợ, nhiều tiền hơn để tiêu xài. Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn