Thời Trang Nhanh Fast Fashion

Khi dọn về nhà mới, mụ vợ, chỉ phòng đựng quần áo, to gấp 2 căn phòng ô-sin mình sống 8 năm trời tại Paris. Kêu bên ni là quần áo của tui, bên tê là quần áo của ôn. Dần dần mình phải đem áo quần ra ga-ra để vì áo quần mụ vợ đã chiếm đất dành chỗ hết. Xem như vùng tạm chiếm.

Mình rất ngạc nhiên vì khi đả thông tư tưởng, điều nghiên lý lịch trích dọc, trích ngang 3 đời, trước khi đăng ký quản lý đời nhau, mình thấy mụ vợ rất hào sản như người Huế, nghĩa là hà tằng hà tiện. Nay không hiểu quần áo đâu mà nhiều thế. 30 năm qua, mình không dám chọc mụ vợ giận vì mỗi lần mụ căm thù thằng chồng nhân dân là mụ bỏ đi shopping đến khi đóng cửa mới về. Tò mò mình tìm tài liệu đọc về vụ này thì thất kinh. Ghi lại cho mấy bác để hiểu thêm về vợ của mình. Mụ có cách doạ mình, muốn tui đi shopping không? Im lặng là vàng, nếu không mụ đi mua sắm tiêu tiền lại xót xa như mất sổ gạo.

Khi xưa, mình ở Âu Châu, nghe đến những nhà thiết kế thời trang như Yves Saint Laurent, Armani, ..hàng năm trình diễn thời trang đủ trò với mấy cô người mẫu đẹp cực xinh. Ai mà có tiền thì đợi bạn bè, làm việc ở mấy tiệm này, báo khi nào cuối mùa, bán hạ giá thì mua để sang năm bận. Có dạo mình, mình đi mua dùm cho du khách Nhật Bản ví ở tiệm Hermes. Mỗi lần mua được trả công 50 quan pháp, mua được 10 ổ baguette ăn trừ cơm được 4 ngày.

Nhà thiết kế thời trang Katharine Hamnett, nổi tiếng với tấm ảnh này, khi gặp bà thủ tướng Thatcher.

Khi mình làm việc ở Luân Đôn, cho công ty kiến trúc Norman Foster & Associates, có vẽ tiệm thời trang cho nhà thiết kế Katharine Hamnett, chuyên thiết kế các áo mang tính chính trị. Bà này nổi tiếng nhờ câu: “ chúng ta là những gì chúng ta bận”.

Hồi nhỏ, ở Đà Lạt. Mỗi năm mẹ mình sắm cho mỗi đứa con 2 bộ đồ ở Chợ Lầu Đà Lạt. Đi tây, mẹ mình may cho 4 cái quần, 4 cái áo sơ-mi. Sang tây, ăn bơ thừa sữa cặn của thực dân, đâm béo ra. 3 tháng sau, hết bận được, phải đi xin áo quần phát chẩn. Mình được người Pháp quen, lâu lâu gửi thư, báo mình đến hội của họ để xem có áo quần phát chẩn nào bận vừa thì lấy. 8 năm trời ở Pháp, mình chưa bao giờ mua áo quần, chỉ bận đồ phát chẩn của nhà thờ.

Qua Mỹ, thằng mỹ ở chung. Lâu lâu hắn về Cleveland thăm mẹ hắn, hỏi mình cần mua áo sơ-mi cũ giá $1/ cái ở chợ trời thì mình nhờ hắn mua, 7 cái, mỗi ngày thay một cái. Đến khi lấy vợ thì lâu lâu thấy đồng chí gái mua cho cái quần, cái áo chi đó, đại hạ giá. Có lẻ đi shopping, mụ vợ cảm thấy tội lỗi vì tiêu tiền nhiều nên mua cho mình cái áo. Mình cũng không bận, cứ lôi áo quần cũ ra bận theo truyền thống nông dân thêm cái tính hào sảng của cố đô.

Người ta cho biết vào những năm 1980, trung bình người Mỹ mua độ 12 áo hay quần mỗi năm. Ngày nay, người Mỹ mua trung bình là 68 áo hay quần hàng năm, gần gấp 6 lần. Thường họ chỉ bận có 2, 3 lần là quăn. Làm tính xem, 68 nhân cho $60/ cái là $4,080. Họ phải làm ra tối thiểu $7,000, đóng thuế mới được $4,080 để tiêu. Mấy bà lại sợ đụng hàng. Có cô ca sĩ dạo mới ra nghề, nghe kể cô ta mua đồ xịn bận đi trình diễn rồi đem trả lại.

Lâu lâu, mụ vợ, soạn áo quần cũ, bận một vài lần rồi đem ra mấy cái thùng quần áo từ thiện để gần chợ để cho, hay các cơ quan từ thiện. Sau đó, mụ cảm thấy hãnh diện, cứ vênh vênh cái mặt lên trời như mẹ Teresa, đoạt giải Nobel hoà bình, đã làm được việc thiện, bớt ấm ức cái lương tâm, xài phí tiền. Hy vọng ngày nào đó, đồng chí gái sẽ đoạt giải từ thiện về áo quần. Lâu lâu mình có đặt lại vấn đề thì mụ chửi tát gáo luôn, đành nín thinh.

Trong cuốn sách “những người triệu phú hàng xóm”, người ta cho biết các triệu phú, mua áo quần loại sang trọng vì bền lâu để bận. Mình xin mở ngoặc.

Từ khi những cuộc bạo loạn của những thập niên 60, 70, các chính phủ tây phương và Hoa Kỳ đã thực hiện một xã hội tiêu thụ, biến công dân của họ thành những nô lệ của thời trang, tiêu thụ. Họ ham mua sắm vì đồ rẻ, được sản xuất tại Trung Cộng, hay các nước nghèo khác. Họ mua ào ào với thẻ tín dụng. Mua trước trả sau. Khi con người bị tràn ngập bởi nợ nần, họ chỉ lo làm thêm, để kiếm tiền, trả nợ. Quên các sự bất công của xã hội. Chúng ta từ nô lệ của chủ ông, nay trở thành nô lệ của những gì mua sắm. Chúng ta cứ nghe quảng cáo đại hạ giá, rồi chạy đi mua dù không cần. Khi chỉ lo trả nợ, người ta sẽ không để ý gì đến công lý, tự do, nhân quyền bú xua la mua.

Xã hội được dân chủ hoá, ai cũng có thể mua cái ví hàng nhái của LV, dù là đồ giả, cũng vui vì có cảm tưởng như chúng ta thuộc thành phần cao cấp nào đó thay vì nông dân như sơn đen. Trung bình người Mỹ chỉ có $5,000 quỹ hưu trí. Mình đến nhà người mướn nhà, đài truyền hình của họ to gấp mấy lần nhà mình. Đi xe BMW. Người Mỹ sống theo lương hàng tuần, nếu mất việc là mất tất cả. Có cặp vợ chồng mướn nhà. Ông chồng bị thương, ăn tiền bảo hiểm, ngồi nhà đến 2 năm. Sau được bồi thường bao nhiêu không biết, thấy cô vợ chạy chiếc Lexus SUV. Thay vì mua căn nhà, họ mua chiếc xe. Chán Mớ Đời 

Có lần, ra Phước Lộc Thọ, thấy họ bán ví Louis Vuiton giả, mình tính mua một cái cho mụ vợ. Bà bán hàng chưa kịp hỏi, đã chỉ mặt kêu: “này này, sáng giờ chưa mở hàng, đừng có hỏi nhé, mặt anh làm vườn, đi chỗ khác phá dùm tôi”. Mặt mình xanh như đít nhái, bỏ chạy. Tình thật thì mặt mình rất gian gian. Từ bé, thiên hạ không dám cho vô nhà, sợ chôm chỉa. Ra chợ, thiên hạ chăm mình như công an.

Ngày nay, các công ty thời trang như H&M, Zara,… gần như chiếm lĩnh thị trường thời trang nhanh. Chủ công ty thời trang Zara, được xem là tỷ phú nhờ bán áo quần thời trang Fast Fashion. Giàu hơn các gia đình Louis Vuiton,…

Zara là một trong những công ty thời trang thành công nhất. Công ty được thành lập tại Tây Ban Nha. Khởi đầu lấy tên Zorba nhưng vì có một cái quán rượu gần đó cũng mang tên này, nên người chủ đổi thành Zara.

Các công ty thời trang lớn, mỗi lần ra một kiểu mẫu, mất độ 21 tháng. Trong khi công ty Zara kêu quá lâu, tốn tiền. Họ theo cách làm, tạo hình thiết kế, sản xuất độ 4 tháng. Nếu không ăn khách thì đổi cái khác. Họ bắt chước các kiểu mẫu của công ty nổi tiếng rồi chế lại hơi khác 1 tị và bán giá rẻ nên mấy bà mấy cô thích. Không ai nói đến ông chủ công ty Zara dù tài sản có lên 70 tỷ đôla.

Ông ta cho biết, chỉ thích sống cuộc đời bình thường, ngồi uống cà phê với vợ, không ai quấy rầy. Người giàu có thì chỉ muốn được thiên hạ để yên, không muốn ai biết. Trong khi chúng ta cứ mua ba đồ xịn, tạo dáng để được người ta chiêm ngưỡng. Bỏ lên mạng câu like. Chán Mớ Đời 


Họ bắt chước các kiểu mẫu. Điển hình khi cô Kim Kardashian, bận bộ đồ của nhà thiết kế thời trang Thierry Mugler thì hai ngày sau, Fashion Nova cho ra đời cái áo tương tự với giá $60. Trong hai ngày, phụ nữ bắt đầu bận áo ngược vì Kim K. Giày dép của các minh tinh bận đều được dân chủ hoá, bán rẻ khiến mấy bà xúm vào mua như điên. Ai cũng có thể trở thành Kim K với giá $60.

Họ bắt chước áo của Kim K trong vòng 48 tiếng

Lúc đầu mình nghĩ nếu bắt chước thì sẽ bị phạt, vi phạm bản quyền nhưng họ chỉ đổi chút chút và mang tên khác, người Mỹ gọi là “knock-off” thì không vi phạm bản quyền. Điển hình thay vì Louis Vuiton, họ ghi Louis Vutton, không có chữ “i” Yves Saint Larry, thay vì Laurent, Channel thay vì Chanel, 2 “n” thay vì chỉ có 1 “n”… mình thấy Gucci viết thành Guchi.

Nguy hiểm nhất là họ cho ra lò các loại thời trang rất nhanh. H&M cho ra các loại thời trang và thứ 2, thứ 4, thứ 6, và cuối tuần. Họ xem loại nào bán chạy thì sản xuất nhanh để bán. Thay vì 4 mùa thời trang, họ có đến 52 mùa thời trang, tóm lại mỗi tuần có một loại áo quần ra lò.

Chúng ta bị tràn ngập bởi thời trang. Năm vừa rồi trước đại dịch Inditex cho ra lò hơn 1.6 tỷ quần áo trên 7,500 tiệm thời trang khắp thế giới. Mỗi ngày, họ mở một tiệm bán thời trang. Xin nhắc lại công ty bán hamburger MacDonalds cho ra đời mỗi ngày 3 tiệm ăn này trên thế giới. Mình không biết nữa, dạo này mụ vợ, làm việc ở nhà. Mình thấy mụ bận quần áo ngủ làm việc nhưng vẫn cứ đi mua sắm áo quần rồi không bận. Không dám nhắc nhở vì sợ bị chửi.

Được cái mụ vợ mình không có cái bệnh lên mạng tạo dáng, khoe áo quần nếu không chắc mình chết quá. Ngày nay, các mạng xã hội đã giúp mấy bà mua áo quần, tạo dáng, chụp ảnh rồi bỏ lên mạng, đã giúp các công ty thời trang Nhanh, giàu có.

Mấy bà và giới trẻ kêu gào bảo vệ môi trường xanh bú xua la mua. Trên thực tế, chính các bà đã làm hỏng môi trường. Áo quần được làm bởi các chất hoá học, nguyên chất từ các dầu hoả. Cứ thấy toàn là Polyester,… Quần áo phát chẩn được bày bán trong các tiệm của các cơ quan từ thiện. Sau 3 tuần lễ, không bán được thì sẽ được đóng trong các container chở qua các nước nghèo như hàng SIDA, khi xưa tặng Việt Nam.

Người ta phỏng vấn các cơ quan nhận đồ phát chẩn từ các nước tây phương là 70% quần áo, gửi qua các nước nghèo, không bận được, người ta phải đem chôn hay đốt. Nhiều khi họ nhét ba đồ không tái sinh được trong mấy thùng đồ phát chẩn.

Người ta cho rằng, thay vì chúng ta mua quần áo mới, mua quần áo cũ sẽ giúp giảm phá hoại môi trường. Làm vườn nên mình mua quần áo cũ cho nó lành. Xem như số mình từ khi ra hải ngoại, đều bận quần áo cũ. Quần áo đồ vía lên truyền hình, đã mua từ khi sang Hoa Kỳ 35 về trước. Đâu ai biết là cũ đâu. Tiền áo quần dành gửi về Việt Nam hay cho các hội từ thiện ở Hoa Kỳ. Xong om.

Mấy bác cứ mua áo quần cũ như em là khoẻ. Bảo vệ túi tiền bảo vệ môi trường bú xua la mua. Cái khó là truyền tinh thần bảo vệ môi trường nhất là túi tiền cho mấy bà. Không xài tiền không phải đàn bà. Không tạo dáng không phải đàn bà. Không trả nợ thời trang cho vợ không phải người chồng nhân dân. Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn