Hôm trước, viết về những con hẻm Đà Lạt xưa, bổng nhớ đến bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, nhà ở gần xóm mình trên đường Calmette. Bài hát mang tên “tình tôi, con dốc nhỏ”. Anh ta nói về những con dốc nhỏ của Đà Lạt, những con đường rất ngắn, bụi đỏ. Anh ta lồng 1 cuộc tình vào đó. Anh ta nói đến những con dốc nhỏ của Đà Lạt xưa kia như Dốc Nhà Làng, Dốc Nhà Bò,… nhưng mình lại hình dung đến con dốc nối liền ba con đường của Đà Lạt. Tạm gọi “Dốc nhà Sơn Đen” cho dễ nhớ.
Mình có tấm ảnh này nhưng không rõ lắm. Đà Lạt xưa chắc đã dùng phần mềm để làm cho rõ lại nên đưa lên đây, để mấy người hàng xóm xưa, có đọc thì nhận ra nhà họ. Thấy rõ cột điện mà mình sẽ nhắc phần dưới và nhà mình.
Có người kêu mình sao không viết về con hẻm từ trường Đa Nghĩa băng qua Phan đình Phùng. Chỗ hãng cưa Xu Tiếng và ga-ra Phan Xứng. Chỗ này mình hay đến thăm thầy Hồ Thanh Tâm. Không thấy anh nhắc hẻm Cơ đốc Phục lâm trên đường PĐP, và con hẻm gần đó băng qua suối tới trường Đa Nghĩa trên đường HBT. Có đường hẻm đi từ cổng trường Bồ đề, đi ngang Lữ quán Thanh niên, lên tới cổng Dinh Tỉnh trưởng nữa. Mình chỉ viết về những con hẻm khi xưa thường đi qua. Mấy bác nào nhớ hẻm khác thì cứ ghi vào đây, em sẽ bổ túc.
Đây hẻm từ garage Phan Xứng, đường Phan Đình Phùng qua đường Hai bà Trưng. Mình mới kể hôm trước .Từ nhà anh ta, phải đi qua con dốc nhỏ này hàng ngày đi học, hay ra phố. Bố anh ta làm gì ở nhà thờ Tin Lành trên đường Hàm Nghi. Mình có chơi nhưng không thân lắm với em trai của anh ta, tên Nguyễn Đức Vinh, trong xóm hay gọi Vinh Kennedy, học trên mình một lớp ở trường Trần Hưng Đạo.
Con dốc này đã để lại cho mình rất nhiều kỷ niệm, của tuổi thơ và tuổi dậy thì. Khởi đầu từ đường Hai Bà Trưng, nằm giữa nhà ông Hiển số 43B Hai Bà Trưng, nay là gia đình ông Châu ở và số 45A của nhà ông Quán. Chỗ này lúc đầu chỉ có mấy thang cấp do ty công chánh làm để cho công chức ở trên đi lên xuống dốc. Dần dần, thiên hạ chạy xe gắn máy, xe đạp, lấn vào khúc đất của nhà ông Hiển, biến thành một con dốc nhỏ để xe gắn máy, xe đạp chạy, khỏi phải dắt xe lên thang cấp. Nay thì họ làm rộng thêm con đường mòn này để xe hơi có thể chạy xuống từ đường Thi Sách.
Đi lên đường Thi Sách, sau nhà ông Q là cái ga-ra để chiếc xe Peugeot 203 của ông. Sau này, ông ta đánh bài thua, bán mất. Đối diện cũng có một cái ga-ra khác, của nhà ông Hiển. Hình như sau này, ông cụ mình với ông Q có choảng nhau vì ông ta lấn đất vào sân nhà mình, từ ga-ra của ông ta. Ông ta rào xung quanh ga-ra không có xe, cách vách độ 2 mét và chiếm luôn dàn xu của nhà mình. Hai căn nhà đầu của cái dốc, trấn yểm nhà mình vì cãi nhau với ông cụ mình.
Sau đó là nhà mình, đối diện là nhà bà Phú, sau này dọn qua Phan Đình PHùng, cạnh nhà thuốc Tây Lâm Viên. Gia đình bà R, em ông Phú hay bà Phú dọn đến. Ông Tước muốn xin dọn vào nhà này nhưng bà R xin trước. Gần đây, mình liên lạc lại được với Chị Mẫn, con gái đầu của bà Phú, ở Seattle. Chị nói cả gia đình hiện ở Seattle. Xứ mưa gió quanh năm suốt tháng. Hồi tháng 5 vừa rồi mình lên vùng đó chơi thì chị ta lại đi Texas thăm gia đình.
Chị có hai em trai tên Phúc với gì đó quên tên. Hồi nhỏ mình hay qua sân bên nhà chị bắn bi với hai tên này. Sau này, gia đình chị dọn qua Phan Đình Phùng thì hết liên lạc. Chị này bạn học với chị Gái, con bà Tước, phát hiện ra mối tình hữu nghị với anh bà con của chị Gái, ở Sàigòn, học Kiến trúc, lên Đà Lạt chơi. Sau này, mình ở Pháp thì nhận thư của anh Đức gửi, nhờ chuyển về cho chị Mẫn.
Nhớ thằng Hậu, con bà H, một hôm chạy sang nhà mình, kêu lại nhà bà Tước, nhìn qua cửa sổ, thấy hai anh chị đang mớm nhau như trong xi-nê. Thằng Hậu nay chết lâu rồi, mình có gặp lại Hiếu, làm cho khách sạn Novotel. Hai tên này có bà chị đầu tên Hợp, học Văn Học, mình có gặp một vài lần khi về Đà Lạt, chị ta bán chui ở phố Hoà Bình, chị hỏi đổi đôla cho chị kiếm lời. Sau này, có cô em bán vàng nên nhờ cô em đổi. Nghe nói chị Hợp đã qua đời. Lần cuối về, mình không qua nhà vì bà H đã chết.
Để kể thêm nếu không thì không ai hiểu, ngoại trừ dân xóm xưa. Nhà của ty công chánh ở đường Hai Bà Trưng, thường được xây 2 căn nhập một, bên Anh quốc người ta gọi “semi-detached” , do đó căn nhà ông Hiển mang số 45B, vì là căn thứ 2. Căn bên cạnh là nhà bà K số 45A. Mình có gặp lại T, con của bà K tại nhà mình, trong buổi họp mặt cựu học sinh Văn Học. Cô này, mình đặt tên là Thánh Nữ Văn Học, vì khi xưa, ngày nào cũng đi nhà thờ cả. Sáng mình tập võ, thấy cô nàng đi chánh niệm lên nhà thờ bệnh viện Đà Lạt, gần nhà xác, chiều cũng vậy. Nay ở Ohio.
Trước cái chấm đỏ (nhà mình) có 3 căn nhà lớn (semi-detached). Căn đầu tiên gồm hai gia đình ở số 41 A, nhà ông Mai, em ông Lào, ba của thằng Banh và nhà ông Tân Ù số 41B, có cô con gái tên Trần Hoàng Giang, cùng tuổi mình. Sau đó đến số 43A, nhà ông K, bố của T và 43B, nhà ông Hiển, sau này chết thì gia đình ông Châu dọn đến. Ông Châu mới qua đời, còn lại bà vợ, thường gọi là cô giáo Thanh, hay đi chơi với bà cụ mình. Căn thứ 3, số 45A là nhà ông Q, còn số 45B là nhà ông N, hay chứa bài. Có lần 302, đột nhập vào nhà chỉa súng lấy hết tiền mấy ông công chức đang binh xập xám.
Sau đó là căn 47A, nhà của bà T gầy, mẹ của Đôn, Chị L, rồi đến hai người em tên Ân Ái, hình như có cô út tên gì quên rồi, hình như Tú. Mình có gặp một lần khi về Đà Lạt, cô ta chăm sóc mẹ ở nhà. Căn 47B thì người ra người dọn vô nhiều lắm không nhớ rõ. Sau đó là căn cuối số 49A, B của nhà ông Hân và ông Ngọc. Mình có liên lạc được với hai cô con gái của ông Ngọc, hiện sinh sống tại Úc.
Nhờ bờ-lốc Sơn Đen mà mình tìm lại được khá nhiều hàng xóm ngày xưa. Nay mình khám phá ra căn nhà xây sau Mậu Thân, ngay vườn ông Bắc kỳ mang số 49 C. Ông thần ở nhà này không biết có nhớ thằng Hiếu, khi xưa học với mình ở Yersin, ở nhà 2 căn, ngay dốc hẻm đi vào khu nhà Cò đào.
Thấy cột điện trước nhà ông Hiển mà tên lính cho nổ lựu đạn chết theo cuộc tình vớ vẩn. Kế bên chấm đỏ là nhà bà Phú (Ron) và bà Ngà. Sau lưng là nhà ông Đề, giám đốc trung tâm thẩm vấn đến mấy căn nhà bà Ấm Thảo, bà Phúc, Hồ Thanh Hy,… mờ mờ thấy nhà anh Nguyễn Đức Quang, Vinh Kennedy, cạnh nàh Thạch, sau này đánh lộn bị ai đâm chết, bên tay phải gần Domaine de Marie là nhà thi sĩ Lệ Khánh (em là con gái trời bắt xấu).
Dạo mình mới qua Tây, đến nhà cậu Võ Quang Miên, con ông bà Võ Quang Tiềm, có gặp một tên trung uý, con của ông bà bán quán ở đường Trương Vĩnh Ký, người Huế, quen với mẹ mình. Tên này đánh bài, thua, biển thủ lương của đại đội, dọt qua Miên, lúc Việt Nam Cộng Hoà đánh vào Cao Miên, rồi dọt đi Tây luôn. Qua Pháp làm bồi. Dạo ấy, có một tên đại uý, đánh bài thua, lấy gạo của đại đội, đem bán cho mẹ mình. Lần sau, hắn lấy tiền trước nhưng không giao gạo. Mẹ mình có kiện như tiểu khu trưởng xin tha vì hắn hết tiền.
Trước nhà ông K và ông Hiển có một trụ điện. Khi xưa, có một tên lính “yêu người mà người chẳng yêu tôi” bò lại đây, trước nhà đối tượng. Mở chốt lựu đạn vào 7 giờ sáng, sau hết giờ giới nghiêm, nổ cái đùng. Mình mới thức dậy, nghe cái đùng, chạy xuống đường thì thấy thiên hạ bu quanh cái xác ông ta. Nữa cái đầu bay mất tiêu. Cái xác ông ta nằm trên đường với nữa cái mặt, ám ảnh mình cả chục năm. Mỗi lần ban đêm, đi về nhà phải đi ngang cái trụ điện này, mình khấn chết bỏ, để ông ta đừng bắt mình chết thế để ông ta đi đầu thai vì tình phụ. May quá, ông này chết không linh thiêng nên không ai lập am, thờ cúng. Cũng có thể vía mình được bán cho Ông Chín ở am Mệ Cai Thỏ ở đường Nguyễn Công Trứ nên không có thánh thần nào dám đụng tới mình, ngoại trừ Ma Cái.
Ông H, người Nam, ghét bố mình lắm, hình như ông ta là nguyên nhân khiến bố mình bị đổi lên Ban Mê Thuột. Ông này uống rượu nhiều lắm, sau này đau gan chết. Bà H, trả nhà lại để gia đình ông Châu đến ở. Bà H, mới phá cái ga-ra, cắm dùi xây căn nhà 2 tầng. Bà có mấy cô gái, Đ học Yersin, thằng S cũng học Yersin, L H thì không nhớ. Nghe nói LĐ sau 75, lấy ca sĩ Duy Quang. Con trai đầu tên K, an ninh quân đội, lấy vợ, chiếm miếng đất của nhà Bà R, xây cái nhà. Bà R với tên này, cãi lộn hoài. Tên này có lần, vác súng ra bắn đùng đùng, khiến bà R im re.
Bà R này tội lắm. Ông chồng theo vợ bé, một mình bán cơm ở chợ Đà Lạt, nuôi đàn con. Ông chồng chạy chiếc xe Vespa, lâu lâu ghé nhà. Nhà có mấy cô con gái và một thằng con trai tên Cu L thì phải. Có một cô bị câm, con gái đầu tên P, thì phải. Không biết bệnh gì mà bôi vôi trên đầu. Con pH này ghét mình lắm vì mình hay bợt tai thằng Cu L, em nó. Nghe nói nay là đại gia tại Sàigòn. Thằng Cu l vẫn sống tại Đà Lạt, xây nhà trong sân khi xưa mình chơi bắn bi, tạt lon. Có cái cổng to đùng nên không mò lại hỏi thăm.
Từ đó, tên K và Bà R không cãi nhau nữa. Giặc ngoài đã bình định xong thì giặc trong nhà nổi dậy. Bà vợ tên K, người Nam, bà H về quê ở đâu đó, cưới đem về. Bà này, dữ lắm. Có lần mình thấy cãi nhau với tên K, hắn bỏ chạy, bà này rượt theo, kêu “đụ má mày, chạy hả” rồi cầm cái dao bầu đang thái rau, phóng theo. Con dao bay tới trúng cái lưng của hắn, mình nghe hắn kêu cái hự. May quá cán dao trúng lưng hắn, cắm xuống đất nghe cái phụt. Hắn bỏ chạy vào nhà mẹ, bên cạnh bụi Hoa Quỳ. Vài hôm sau, thấy hai vợ chồng ôm hôn thắm thiết lại. Vở tuồng K an ninh quân đội lâu lâu tái diễn lại cho con nít lối xóm xem miễn phí. Sau này, đi kiếm vợ, mình không bao giờ đụng mấy cô gốc miền nam.
Bà H, không làm gì, chỉ cho vay tiền ăn lời. Mỗi ngày, thấy bà ta xách cái giỏ, đi qua chợ Nhỏ ở đường Phan Đình Phùng, chỗ nhà thuốc Tây Lâm Viên, ngồi xuống trước mấy gánh hàng rong, lấy tiền lời. Chắc bà ta cho vay 2%/ tháng. Rồi từ từ đi lên Chợ Mới, thấy mấy bà ngoài chợ, gạt nước mắt, trao tiền lời cho bà ta. Đà Lạt dạo ấy mấy tên du đảng theo bà này, giựt tiền là trúng mánh. Nhà mình không chơi với nhà bà H vì có mối thù khi xưa. Ông H làm ông cụ mình bị đổi lên Ban Mê Thuột mấy năm.
Bây giờ nói đến nhà bà Q (số 45A, nhà ông Ngần 45B). Mình chỉ nhớ bà Q hay làm bánh tráng khoai lang. Tới mùa khoai lang, là thấy bà ta làm bánh tráng bằng khoai lang Đà Lạt, sau đó phơi khô trên mái nhà, ruồi bu đen nghịt nhưng mà rất ngon. Mình hay mua của bà ta. Có lần, một con hoảng chạy lạc đâu từ Lãnh Địa Đức BÀ xuống, chắc của mấy bà sơ nuôi. Chạy sao lọt vô nhà bà ta, họ đóng cổng lại. Tối đó, họ đem lên nhà mình một miếng thịt hoảng, lấy thảo. Ăn ngon cực.
Bà này sinh con cũng nhiều. Mình chỉ nhớ 4 người con trai. Ông đầu chết trận thì phải sau đó tên Đ, Đ, Đ, và Đ, còn mấy cô con gái thì chị H, chị N, chị L (có liên lạc được với chị này qua Facebook), chị M. Hình như M cùng tuổi với mình. Nếu mình không lầm thì mấy chị em này đẹp lắm, trai đến nhà đông như ruồi. Nhà này, khi xưa có nuôi một con chó berger, nó cắn mình một lần, phải lên viện Pasteur chích 21 mũi. Kinh
Khi xưa, trong xóm, có nhà bà Tước, bà Hân đông con gái nhưng nhà bà Q thì trai đến đông như ruồi. Có lần mình thấy hai tên bạn của thằng Đ, đánh nhau trước cửa nhà này. Sau đó thằng Đ chạy ra can. Hình như một tên chạy xe lạng qua mặt tên kia nên rượt nhau tới nhà ông Quán, đánh nhau. Một tên có học nhu đạo vì thấy hắn ra đòn nhu đạo, căn bản thứ 1. Chắc hai nhà kia cấm không cho trai đến nhà trồng cây si. Để hôm nào hỏi mấy bà hàng xóm xưa xem.
Mình về Đà Lạt, có lần gặp chồng của chị M ở Thuỷ Tạ, anh ta kể gia đình sắp đi định cư tại Hoa Kỳ, nói tên Điệp, khi xưa hay chơi với mình, sau này đi hải quân, 75 chạy qua Mỹ. Không biết ở đâu. Tên Đ này lớn hơn mình đâu 2, 3 tuổi, học Việt Anh, bắn ná hay lắm. Hắn dạy mình bẩy chim sẻ, lấy cái thúng, để cái que chống cái thúng lên, cột sợi dây dài rồi núp, khi chim sẻ đậu xuống, nhảy đến dưới thúng để ăn gạo thì giựt cái sợ dây, cái thúng úp lên con chim. Chỉ tội là khi mình mở hé cái thúng thì con chim bay đi.
Nhà ông Q có cái chuồng bồ câu. Nhà mình dạo ấy cũng nuôi bồ câu, và gà. Có cái chuồng bồ câu. Vấn đề là chim Bồ câu nhà mình hay bay đi ăn mỗi ngày, đậu lại chuồng Bồ câu của nhà ông Q, rồi không bao giờ trở lại. Mình sơn phết chuồng lại cho đẹp thì chim nhà ông Q bay lại. Mình chộp, đem ra tiệm Chic Shanghai bán. Chị L đọc bài của mình nên kể lại đây để nhớ lại một thời nghèo đói khi xưa trong xóm. Nay nghe nói con gái chị N, xây nhà bên dốc, chị L cũng ở đó, hay ghé thăm bà cụ mình. Hôm tước, sinh nhật bà cụ có nói chuyện với chị ta ở nhà hàng qua điện thoại.
Cạnh nhà bà Phú, có nhà ai mình quên tên, trước khi bà Đàng dọn đến. Có thằng con tên Hoàng thì phải. Chị nó học Bùi Thị Xuân, to béo lắm. Chị ta nghe ai, uống dấm trừ cơm, rồi lăn đùng ra chết. Thằng Hoàng hay hát bản nhạc “cớ sao buồn này Kim,..” sau này gia đình này dọn đi đâu. Xong phần mấy nhà cạnh “tình tôi, con dốc nhỏ của Sơn Đen”.
Mình chỉ kể những gia đình thời anh Nguyễn Đức Quang còn đi học tại Đà Lạt. Vì sau Mậu Thân thì thiên hạ đến cắm dùi khắp nơi.
Từ Hai Bà trưng, con dốc dẫn đến đường Thi Sách. Chỗ này trước Mậu Thân, toàn là Vệ Đường Hoa, hoa Quỳ mọc đầy, con nít trong xóm ít dám bò tới đây vì sợ rắn.
Hôm qua lên vườn, thấy con rắn giữa đường. May chớ đi vào trong mấy cây bơ, tối tối khó thấy.Từ đường Thi Sách đi lên dốc về hướng đường Calmette, có mấy thang cấp. Bên phải là nhà bác của tên Bi, ở trường gọi là Đinh Gia LÀnh. Sau này, ông ta đi Pháp để để lại căn nhà này cho bố hắn là đại uý Hải, làm việc trong trường Võ Bị. Nhà tên Bi này, cũng nằm trên đường Thi Sách, cạnh nhà ông Tô. Căn nhà to đùng. Mình có gặp lại 2 lần tại Bolsa, anh chàng ở cách 3 tiếng lái xe thành phố Seattle.
Đối diện nhà bác của thằng Bi, là nhà của ông Đề, giám đốc trung tâm Thẩm Vấn. Lâu lâu, ông ta đem tù Việt Cộng về nhà, phát mấy bụi hoa Quỳ, làm hàng rào kẽm gai, sợ nằm vùng vào ban đêm thịt gia đình ông ta. Mình chỉ nhớ con gái đầu ông ta, học HÙng Vương, tên Thu, hay xuống nhà mình xách nước. Sau này, nó bồ với thằng nào, sai xuống xách nước mệt thở.
Đi lên thì bên trái, cạnh nhà bác thằng Bi là nhà của ông ấm Thảo. Mỗi lần lên nhà này, mình ra trước sân nhà, để vái cái trang. Mẹ mình xẩy thai một lần, chôn cái nhau ở đây. Mình nhớ có thằng Thọ, thằng Hậu, còn mấy cô con gái thì chịu. Hình như một cô tên Chi. Chỉ nhớ anh Ngữ, con đầu, hướng đạo sinh Lâm Viên. Hồi nhỏ, thấy anh ta điều động đám hướng đạo sinh LÂm Viên, xây cái cầu gỗ bắt qua con suối ở xóm Địa Dư. Sau này, anh đi Thuỷ Quân Lục Chiến. Trong trận đánh vượt sông Thạch Hãn, chiếm lại Quảng TRị, anh ta bị thương, hư mất một con mắt, giải ngủ. Nay không biết trôi dạt về đâu. Mình về Đà Lạt, có ghé thăm bà Ấm Thảo và thằng Thọ.
Đi lên chút nữa thì gặp nhà của tên Hồ Thanh Hy, anh của Hồ Thành Hải. Bố hắn làm ở Địa Dư hay ty Kiến Thiết. Sau này dọn qua Phan Đình Phùng, chỗ ngã ba chùa, cạnh nhà Nguyễn Đắc Hớn. Hắn học Yersin trên mình một lớp. Có lần hắn liên lạc với mình trên Facebook, mình như bò đội nón, không nhớ hắn, chỉ nhớ em hắn. Nghe nói ở San Diego. Bố hắn hay đi chiếc xe Lambretta, chở cả đám con phía sau. Sau này, Đinh Anh quốc nói thì mới nhớ hắn học chung với mình khi xưa ở Yersin. Có nhắn tin cho hắn nhưng không thấy trả lời.
Sau này, nói chuyện với Đinh Anh quốc, một nghiên cứu sinh về gia phả các gia đình Đà Lạt. Tên này, người độc nhất nhớ tên ông cụ mình. Hắn nghiên cứu gia phả dân Đà Lạt hay sao đó. Khi hỏi hắn về tên nào, hắn kể ra bố thằng này tên gì, ông nội cô kia họ gì. tên này, nhắc lại Hồ Thành Hy, mình mới nhớ bố hắn đi chiếc xe Lambretta. Khi xưa, trong xóm, người ta cấm con họ chơi với mình nên quên. Trước 75, hàng xóm đã cấm con họ chơi với mình, thành phần bất hảo, không cùng giai cấp. Chán Mớ Đời
Bên cạnh là nhà bà Cúc hay Phúc, bán len ngoài chợ. Có mấy đứa con nhỏ hơn mình nên không nhớ tên. Hình như có một cô con gái, bằng tuổi mình, học BÙi Thị Xuân. Một tên đi vượt biển chung ghe với em mình. Sau đó, định cư bên Úc Đại Lợi, mở tiệm bánh mì, nghe nói giàu lắm.
Sau đó thì có một nhà của một chị lớn tuổi, dáng người mập mập, hay bận váy, mang giày cao góc, đi ngang nhà mình, để lại dấu ấn của nhưng gót giầy escarpin. Đến nhà ngay góc dốc và Calmette là nhà của thằng Thạch, học Yersin trên mình mấy lớp. Sau đi 302, rồi sau 75, đánh lộn với ai bị đâm chết. Nhà của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang ở trên đường Calmette, hình như căn số 2 hay bên tay phải của nhà thằng Thạch. Đối diện, phía góc đường Thi Sách và Calmette, sau lưng nhà Ông Đề có một căn nhà đầu tiên của đường Calmette nhưng mình không biết nhà ai.
Mình chỉ nhớ có gặp anh Nguyễn Đức Quang một hai lần khi vào nhà anh ta vì hay đánh bóng bàn với Nguyễn Đức Vinh, em trai của anh ta, con nít trong xóm hay gọi Vinh Kennedy, vì hắn giống Tây Lai. Tên Vinh này học chung lớp với anh bà con mình tên Thành, mà dân Trần Hưng Đạo gọi là Bồn Lừa, vì đá banh hay. Vinh Kennedy chơi thân với Đinh Gia Lành trong xóm. Năm Mậu Thân bắt đầu đánh bóng bàn trong xóm với anh Toàn, con ông Tô, ông Đức, em của ông trồng răng Nguyễn Văn NGhi,… lúc đầu mình học đánh bóng bàn với thằng Vinh Kennedy. Sau đó thì mình hạ hết mấy người khác trong xóm. Lớn nhỏ đều hạ hết.
Mình thấy tên Vinh Kennedy học đánh đàn dạo ấy. Mình nghe nói anh hắn là Du Ca chi đó nhưng không rõ lắm. Lớn lên thì mới biết về phong trào Du Ca Việt Nam dạo ấy. Khi ông Kennedy lên làm tổng thống, với câu nói bất hủ “đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho tôi,…” có thành lập một đoàn thanh niên mang tên Peace Corps, gửi các thanh niên mỹ đi sang các nước nghèo để phục vụ về y tế, dạy anh ngữ,… chắc là để chống lại các đoàn thanh niên cộng sản của Liên Xô, đi nghĩa vụ quốc tế tại các nước anh em.
Dạo ấy, có một cuốn sách viết về người Mỹ mang tên “the ugly American” (người Mỹ xấu xí) mà tân tổng thống Hoa Kỳ, bắt các nhà ngoại giao, trước khi được bổ nhiệm tại các nước, phải đọc cuốn sách này. Phong trào này nhằm nối kết tình hữu nghị hai nước, thông hiểu nhau hơn.
Tại Việt Nam, có nhiều phong trào kêu gọi các thanh niên về nông thôn, xây cất các trạm y xá, đào giếng,..được sự ủng hộ của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà.
Sau này, ở hải ngoại, tò mò mình tìm đọc về phong trào du ca này. Có nhiều bản nhạc sinh hoạt khi xưa mình nghe mà không biết xuất xứ từ đâu. Mình thích nhất bài “Người Anh Vĩnh Bình”, mới hiểu thêm về ông cụ. Du kích trong làng bao vây nhà ông bà nội mình vào ban đêm. May ông cụ mình phòng bị từ hồi chiều, nên vượt tường nhà, nhảy qua hàng rào nhà bà cô bên cạnh rồi trốn vào nam. Nếu ông cụ có kết cuộc như người anh Vĩnh Bình thì Sơn Đen không có mặt trên đời. Và bài “chiều Tuy Hoà”, nghe buồn não ruột. Thôi mệt rồi, ngưng đây.
Nguyễn Hoàng Sơn