Văn hoá đồi truỵ 2018

Dạo này đồng chí gái hết coi đài mỹ với những chương trình hát hò như The Voice, American Idol,…, lại xem những chương trình truyền hình ca nhạc từ Việt Nam qua Youtube. Đại khái mới ra trong ngày thì họ tải lên Youtube nên mụ vợ, đi làm về, ăn uống xong cứ dán mắt vào cái màn ảnh mà xem. Tối đi tập về, ngồi đọc sách trong phòng để vợ chồng, tuy gần nhưng cách xa, cùng không gian nhưng đầu óc thì ở hai nơi.
Ra hải ngoại, có dịp nhìn lại và đọc sách báo thì hiểu được sơ sơ về mặt trận chính trị, tuyên truyền của Việt Cộng trong thời chiến tranh. Hà Nội nghiên cứu rất kỷ về Nguyễn Trãi, trong việc Tâm Công trong thời gian kháng chiến chống giặc Minh. Họ có in nhiều tài liệu về Bình Ngô Đại Cáo, để sử dụng trong cuộc tâm công nhân loại, các nước tây phương, điển hình tết Mậu Thân, tuy thất bại trên chiến trường, trên 300,000 binh lính của họ bị giết nhưng họ vẫn thắng trên mặt trận chính trị, các cuộc biểu tình khắp thế giới chống Mỹ và Đồng minh.
Đọc đâu đó, các nhà văn miền Nam nằm vùng như Sơn Nam, Vũ Hạnh vào mặt mật khu để gặp Trần Văn Trà, và nhận chỉ thị viết văn kiểu lơ mơ, tiểu thuyết để ru ngủ nhân dân miền nam tương tự các nhạc sĩ nằm vùng.
Nhớ khi xưa, mỗi lần nghe nhạc của Phạm Thế Mỹ, Miên Đức Thắng,…là chán đời. Mình, dạo ấy còn nhỏ nên không hiểu những ca từ của nhưng bài hát Không Tên của Vũ Thành An,…nay mới hiểu những than van, ai oán về những mối tình tan vỡ. Hình như người Việt có cái tính lãng mạn hoá, nạn nhân hoá những cuộc tình. Cứ rên rỉ kêu bị mấy cô bồ đá. Họ đá là vì mình không xứng đáng, tội vạ gì đi lấy mình để khổ cả Đời. Có ông nào cứ rên rỉ “đừng yêu tôi, xin đừng yêu tôi, đời tôi đó em xem có gì đâu,…” đã là cà chớn lại còn thi vị hoá cuộc đời, tự cho mình được gái bu như kiến, làm như các cô gái Việt Nam ngu.

So sánh những tình ca thời VNCH với những ca từ của Việt Cộng qua Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây thì mới hiểu lý do VNCH thua về mặt chính trị, tuyên truyền. Tình yêu của Việt Cộng xem đường ra trận giết người Việt, cùng dòng máu là mùa rất đẹp, em yêu anh nên ra sức đào hố chắn bom thù,…. Kinh hoàng. Vợ chồng mình, miệng thì cứ kêu mông na mua, ho ni ho tê nhưng đều đùn cho nhau rữa chén bát, dọn nhà,...
Sau 75, Hà Nội cho đốt sách báo, văn hoá miền nam, được gán cho cái tội văn hoá đồi truỵ, phi cách mạng. Xem những hình ảnh được ghi lại qua đài truyền hình ngoại quốc những chồng sách báo, băng cassette,…được chất đống để đốt hết tàn tích của chế độ VNCH.
Nghe nhạc sĩ Tuấn Khanh kể về kiểm duyệt văn hoá của Hà Nội rất tàn bạo, như thể một bàn tay sắt với mọi loại chương trình văn hoá. Từ nội dung đến hình thức, từng ca từ được xem xét kỹ lưỡng, từng chiếc áo, chiếc quần trong hậu trường, ngay cả đến những động tác trên sân khấu cũng phải theo những quy tắc để phù hợp với văn hoá xã hội chủ nghĩa. Để bảo đảm an ninh chính trị, hầu hết các chương trình được kêu là trực tiếp, đều được phát hình trễ đến 30 phút. Ở Hoa Kỳ thì sau vụ cô em gái của Michael Jackson bị tên ca sĩ hát chung giựt áo để lòi ra ngực trong khi nghỉ giải lao của SuperBowl nên các chương trình trực tiếp đều được phát sóng sau 5 giây.
Ông ta kể có dạo một ca sĩ miền bắc, bị tai tiếng về chuyện tình cảm chi đó, vào nam nhờ ông ta giúp đỡ nên có lên chương trình cho cô ca sĩ này hát trong một chương trình ca nhạc. Khi nhạc vừa dạo lên thì đã có một cán bộ, mặt còn măng sữa của Thành Đoàn của đoàn Thanh Niên Cộng Sản, chạy đến hỏi ai cho loại người này lên sân khấu, tìm cách đuổi ca sĩ xuống dù là ca sĩ đã hát nữa bài. Mỗi lần, ca sĩ đưa bài hát thì ban tổ chức, ai cũng hỏi bài này bị cấm hay được hát.
Mình rất ngạc nhiên là đài truyền hình ở Việt Nam, ngày nay đều cho phép những bài ca dưới thời VNCH, từng được xem là văn hoá đồi truỵ, đã làm nhụt chí chiến đấu của quân dân miền nam. Gần đây có một ông tên Lộc Vàng ở Hà Nội, bị đi tù 10 năm với bạn bè của ông vì đã nghe lén hay hát nhạc vàng trong thời kỳ chống VNCH, mở tiệm ăn hay quán nhạc chi đó để nhắc lại một thời ngu muội của Việt Cộng. Hay là họ muốn ru ngủ người dân tại Việt Nam bằng các ca khúc xưa của miền nam, khuyến khích nhảy đầm (mình gặp anh bạn học cũ, đảng viên, kể nay đi nhảy đầm mỗi đêm),…vì những lời ca của nhạc miền nam khi xưa, làm quên tinh thần chiến đấu chống cộng. Người dân tự tạo cho mình một không gian, một dung dịch như người đi trên mây, quên hẳn chiến tranh, đạn bom,…
Mình thấy đồng chí gái xem những chương trình như Duyên Dáng Bolero, Khúc Hát Se Duyên,… có một cô gái đến từ Đàlạt thắng. Youtube, Facebook,…dùng thuật toán thông minh để giới thiệu những chương trình khác nên Mụ Vợ càng lún sâu vào những chương trình ca nhạc hiện nay ở Việt Nam.
Càng ngạc nhiên hơn là thấy những ca nhạc sĩ, từng vượt biển, vượt tuyến, từng tuyên bố không đội trời chung với Việt Cộng để xin tỵ nạn tại Hoa Kỳ, nay làm giám khảo các chương trình ca nhạc tại VN. Phái đoàn y tế ở Hoa Kỳ về Việt Nam làm việc từ thiện, đều phải xin phép làm việc ở Việt Nam, đóng mỗi người $50 nhưng khi đến Việt Nam thì bị ngăn cản dù đã đóng tiền rồi, phải lén đi làm chui, giúp người nghèo nhưng cán bộ vẫn đem gia đình họ đến nhưng phải đành giúp họ nếu không thì người nghèo không được chăm sóc.
Khi mấy người này được Việt Cộng đưa ra hải ngoại hát giao lưu rồi họ ở lại khiến mình ngạc nhiên vì thông thường, Việt Cộng chỉ cho đi những người có thân thế gốc trong đảng. Đặng Thái Sơn được ông giáo sư người Nga cương quyết bảo trợ mới được đi Liên Xô, mà mấy người nghệ sĩ ở lại, chắc có gì bí ẩn.
Nhạc sĩ Phú Quang có tuyên bố là ca sĩ ở Việt Nam hát không đúng nốt nhạc mà cứ làm giám khảo, dạy thiên hạ hát. Hề cũng làm giám khảo về ca nhạc. Thấy á hậu, hoa hậu làm giám khảo hay lên đài truyền hình để bàn luận túc cầu, cứ lâu lâu máy quay chiếu cái ngực hơi lộ hàng của mấy cô này. Một cách định hướng dư luận.
Thật sự mình không trách, các ca nhạc sĩ ở hải ngoại về Việt Nam, vì miếng cơm manh áo, họ phải tìm đường sống, quỳ luỵ Hà Nội để sống, để hưởng được chút vinh quang vào cuối đời của họ. Những người không phải là nhạc sĩ như Nguyễn cao Kỳ Duyên cũng được làm giám khảo chương trình nhạc, những ca sĩ mà ngày nay nghe đến ở hải ngoại, không ai dám đi xem, dù miễn phí như Phương Dung, Con Nhạn Gò Công, Giao Linh hay Mỹ Huyền, nếu mình không lầm chuyên đi hát chùa,…nhưng ngày nay, áo quần hở hang, được đặt trên những cái ghế “barocco” hoành tráng trên những sân khấu dàn dựng đắt tiền.
Có 2 ca sĩ khi xưa được Hà Nội cho đi để giao lưu, trong chương trình Khúc ruột nghìn dặm, quê hương là chùm khế ngọt,.. kêu gọi người Việt tỵ nạn trở về, vượt tuyến, đã xin quy chế tỵ nạn tại Hoa Kỳ, nay lại thấy làm giám khảo mấy chương trình ca nhạc. Hà Nội để mấy người này lên sân khấu để tuyên truyền ngầm về chế độ của họ.
Áo quần xiêm y được các thí sinh lên đồ rất hoành tráng, hở mông lộ hàng, lâu lâu máy chiếu gần để kích dục khán giả. Mới xem thì tưởng Việt Cộng đã hoàn toàn đổi mới, cho phép tự do lộ hàng, tự do phát biểu ý chí cá nhân như các nước tây phương theo chế độ dân chủ.
Cứ thấy báo Việt Cộng kêu gọi toàn dân học tập tấm gương đạo đức bác Hồ mà cứ cho lên truyền hình, áo quần lòi rún, lộ hàng đủ trò. Nghe đồng chí gái nói là 10 cô hay anh là đã có 8 người đã qua qui trình giải phẩu thẩm mỹ.
Mình đọc ở đâu đó, cho rằng Hà Nội luôn luôn chính trị hoá, đời sống thường nhật của người dân. Họ không bao giờ làm bậy bạ, đều có mục đích cả. Họ cho phép những ca sĩ, nhạc sĩ của VNCH trở lại sân khấu tại Việt Nam, chắc chắn là do sự xếp đặt của bộ chính trị trong khi những nhạc sĩ, ca sĩ hát những bài ca ngợi ca quê hương như Việt Khang, Mai Khôi,…thì bị cầm tù.
Bản nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy dịch thơ của Apollinaire thì phải về mùa thu chết mà Hà Nội cấm trước 75, vì họ giải thích là ông Phạm Duy có ý nói đến cách mạng mùa thu của họ, nay được cho hát tự do, bú xua la mua.
Có một chương trình mà mình nghĩ Hà Nội có lẻ đã mắc lỗi lầm cho phát sóng là “Hát mãi ước mơ”, một chương trình dành cho những người có những ước mơ cho người thân, hàng xóm,..lên truyền hình hát để gây quỹ giúp người thân xây nhà, được đi học hay hàng xóm có chiếc chân gãy,… theo mình đoán thì chương trình lấy ý từ một phim Nam Hàn.
Đồng chí gái hay khóc khi xem chương trình này, nói lên những khổ hạnh của người Việt sau 43 năm được “giải phóng”, lại nghèo hơn thời VNCH. Ngày xưa, mình biết nhiều nhà nghèo nhưng nay xem mấy cảnh được chiếu lên truyền hình thì phải căm thù chế độ mới. Sau bao nhiêu năm mà người Việt vẫn nghèo, không những nghèo mà còn khốn cùng như cuốn truyện “Les Miserables” được Victor Hugo kể khi xưa. Buồn cười nhất là càng nghèo chừng nào thì họ càng hát những bài ca thuộc loại “nhạc Đỏ”, mừng đảng mừng xuân như để cảm ơn đảng đã giúp họ nghèo. Có lẻ chương trình cài những dòng nhạc đỏ vào để thí sinh hát.
Hồi nhỏ, học lịch sử Việt Nam, mấy ông thầy cho biết là thực dân ru ngũ thanh niên Việt Nam bằng những chương trình thể thao hay văn hoá nhảy đầm, hát ca. Mình thấy các hình ảnh khi xưa, các thanh niên bận áo vét, quần tây cùng các thiếu nữ theo tây học, ôm nhau nhảy đầm, bắt chước những người đô hộ dân tộc mình.
Đọc báo cứ thấy thiên hạ kêu thoát trung mà họ cứ dùng từ của tàu, vẫn khen, bênh vực văn hoá tàu, nho giáo,… khi tư tưởng của người ta vẫn lệ thuộc vào người Tàu, người Pháp,…thì chúng ta chưa thoát được cơ bản của một kẻ nô lệ. Chúng ta vẫn kí cóp tiền để mua đồ hiệu của tây phương thì tinh thần nô lệ, vẫn dìm chúng ta dưới vực sâu của một nước nhược tiểu.
Nhạc Việt Nam có giai đoạn rất hay, là kho tàng của người Việt trong giai đoạn hoà bình mà người ta hay gọi là nhạc tiền chiến. Đó là thời gian mà thực dân Tây, khuyến khích thanh niên thanh nữ Việt Nam tham gia văn hoá cải cách, với các nhóm Tự Lực Văn Đoàn,…mà Hà Nội cấm mấy chục năm qua.
Nhớ có xem cái clip về các cán bộ văn hoá Hà Nội, kêu gọi hát nhạc đỏ thay vì nhạc vàng của VNCH thì nhạc sĩ Trần Tiến, kêu hãy quên đi giai đoạn đó. Xem trực tuyến trên Facebook, thấy công an Việt Cộng, vào lúc 11 giờ đêm, đột nhập vào nhà ca sĩ Mai Khôi, bắt bớ dù cô ta chỉ có 2 người bạn vì hình như ở Việt Nam, có tụ tập trên 3 người là phạm luật hay sao đó. May cô này có chồng ngoại quốc nếu không thì đã ở tù mọt gông.
Ca sĩ Mai Khôi là cô ca nhạc sĩ hát nhạc rap khi gặp Obama và cầm tờ giấy chống Trump, kêu Fuck Trump khi ông này viếng Việt Nam. Nghe cô này kể là muốn gặp Obama rất khó. Thứ nhất là phải làm cái clip video 1 phút để gửi cho toà Bạch Cung nên khi ông Obama viếng thăm Việt Nam mới có cơ hội gặp và phải giả dạng trốn tránh công an chìm vì bị ngăn chận. Đi trình diễn nhạc ở Âu Châu về bị VC tống giam,… có cơ hội nên tìm nghe nhạc cô này. Rất đổi mới, cộng nhạc cổ truyền Việt Nam. Hình như cô này học ở hải ngoại về thì phải.
Tháng trước thấy có nhiều người biểu tình chống đối một trung tâm sản xuất video ca nhạc ở Bolsa, có đài truyền hình, phát sóng các chương trình truyền hình của Hà Nội. Dân con buôn, mở đài truyền hình để ăn tiền quảng cáo, lười không muốn bỏ tiền làm chương trình nên cứ chôm chương trình của Hà Nội, trên Youtube rồi phát sóng cho thiên hạ coi để ăn tiền quảng cáo.
Nói chung thì sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật ở vùng Bôn Sa rất hạn chế. Các cộng đồng khác như Mễ, Phi luật Tân, Nam Hàn,..đều có hậu thuẫn của nước họ nên chương trình truyền hình của họ rất phong phú đến từ xứ họ. Các chương trình ca kịch, tranh ảnh,..rất nhiều còn cộng đồng tỵ nạn người Việt thì không có gì. Các ca sĩ thì già, không có chi lạ, tuổi trẻ thì theo văn hoá chính của mỹ còn lại vài chỗ dạy nhảy đầm, hát cho nhau nghe. Cuối tuần người già chỉ biết bò vào những chỗ này nghe hát lại những bài ca ngày xưa, múa máy vài điệu Rumba,… nói chung thì văn hoá VNCH đang chết dần với thế hệ đã từng sống lâu năm ở Miền Nam.
Hôm trước có anh bạn nói “Việt Cộng bán rẻ Trường Sa, Hoàng Sa cho tàu để mua đắc Bôn Sa”. Hôm kia, có anh bạn mời tham dự đêm cầu nguyện cho Việt Nam ở dòng Bosco ở Rosemead nên mình lò mò chạy lên thì thấy ít người dù có 3 ông cha kêu gọi. Có thể gần ngày lễ quốc khánh Hoa Kỳ nên thiên hạ đi chơi nhưng cũng có vài người từ Seattle hay Texas đến.
Cảm thấy buồn vì giới trẻ ngày nay không có mặt, chỉ còn lại người già hơn mình, còn đau đáu về quê hương Việt Nam. Nhiều người lớn tuổi, giọng khan khàn lên hát những bài đấu tranh, du ca khi xưa, khiến mình nghĩ đến vài năm nữa thì chắc sẽ hết còn những buổi họp mặt kiểu này hay Bôn Sa sẽ vắng bóng cờ VNCH, khi thế hệ của mình lên 7 bó, ở viện dưỡng lão. Lúc đó lại mong những người như đồng chí gái cuối tuần đến thăm, uỷ lạo, hát nhạc Việt Nam để nhớ về một quá khứ xa xăm.
Chán mớ đời