Hà Nội 1 thủa đi về

Mình về Hà Nội lần này là lần thứ 5 bằng chuyến bay đêm nên không thấy gì ngoài trăng đêm 16. Mình không quên cảm giác lần đầu đáp phi cơ xuống Hà Nội. Bao nhiêu hình ảnh, những gì nghe kể từ ông cụ, người quen hay sách vở và thi ca. Đã tạo cho mình một hình ảnh mông lung về Hà Nội 36 phố phường, những gì đại diện cho Hà Nội, quê cha đất tổ và lịch sử của Việt Nam.
Máy bay bay vòng vòng trước khi đáp, qua cửa sổ phi cơ nhỏ bé, phong cảnh với những cây xanh đậm và màu nâu của mái ngói hay đất tạo cho mình một bức tranh khá đẹp đầy cảm xúc như phong cảnh vùng Toscana của Ý Đại Lợi. Có gì làm mình bồn chồn, nghe lòng say say nước mắt cay cay dù không ai đón.
Khi xe đưa về nhà trọ, vang vang bên tai giọng của ông Phan Nhật Nam 22 năm về trước, tường trình trong lần ra Bắc tham dự hội nghị 4 bên sau hiệp định Ba Lê để trao đổi tù binh trong khi mình với ông cụ dán lỗ tai vào đài radio để nghe tin tức quê nội từ khi ông cụ trốn vào Nam năm 1949. Những hình ảnh được cấu tạo trong đầu dần dần được thay đổi bởi những quan cảnh tan thương của Thăng Long, nghèo nàn, bẩn thỉu, người qua lại chơ vơ trên các chiếc xe đạp cũ kỷ.
Mình tự hỏi Hà Nội đây ư, xót xa cho những mộng mơ, hình ảnh được đan dệt trong mong đợi từ thủa bé đến 42 tuổi mới về thăm quê nội.
Kỳ này mình về thăm quê nội đột xuất để gặp lại họ hàng bên nội luôn tiện thăm mộ của ông bà nội tổ, cố, nội, cô chú… ông cụ qua đời nên phải về thay, luôn tiện xem sửa chửa lại căn nhà thờ tổ. Bà cụ dời mộ của ông bà từ ngoài ruộng về nghĩa trang của làng vì trong tương lai không biết đất ruộng về đâu trong cuộc chạy đua phát triển của thế kỷ 21. Con cháu ở xa, không nhớ hay bận tâm về quê cũ.

Dạo xưa, mình hay tìm đọc thơ của Quang Dũng và Hoàng Cầm để tìm chút dư âm về quê nội với bài thơ “đợi chờ” nói lên sự mong đợi của thi sĩ về một người con gái, đi theo cách mạng hay cô hàng xén răng đen của Hoàng Cầm bên kia “sông Đuống” đã thêu dệt lên một tấm tranh mênh mông cho tuổi thơ mình.
Sau này qua Tây thì mới hiểu “Đợi Chờ” là thế nào khi xa quê hương. Ông Hoàng Cầm thì nhớ đến cô hàng xén, Chị Vinh Lá Diêu Bông còn Ông Quang Dũng thì nhớ đến cô Asimi, dinh tê (do chữ rentrer của pháp, trở về khi những người theo kháng chiến, khi đã giác ngộ cách mạng thì họ trở về Hà Nội, họ đọc chéo là dinh tê).
Sau những giờ họp, mình lang thang qua những phố của Thạch Lam trong Hà Nội 36 phố phường, lại thất vọng ê chề. Sau này mới hiểu Hà Nội xuống cấp từ khi ông Thạch Lam miêu tả, mà học sinh trong Nam đều phải học những bài tả của cuốn sách về Hà Nội khi xưa. Cũng như mình trở lại Đàlạt sau gần 20 năm, để cho mình ngậm ngùi hoang vu như bài thơ của cô Vy Khuê.
Qua đèo nay, nhớ trấn xưa
Hoang vu đồi hạ, đôi bờ cỏ may
Em giờ đây xuôi bến nào
Tôi thương cổ thụ hai hàng lệ xưa
Từ bên ấy sang bên này
Con sông vẽ một nét mày bắt ngang
Cồn hoang dã, bến lau thưa
Trơ thân cỏ dại nằm chờ nước sông
Khung trời xanh đã khép buồn
Suy tư bước nhỏ ngại ngùng chân em
Bên dòng sông nước vẫn trôi
Hoang vu trao lại riêng mình hoang vu
Xong om