Yêu nước*

Nhà mình ở cư xá Công Chánh trên đồi đường Hai Bà Trưng nên luôn luôn có vấn đề về nước dùng. Hệ thống dẫn nước máy được thiết lập thời Tây nên hoen rĩ, nghẹt ống. Các ống nước bằng gang đều bị rét rĩ nên khi mở nước thì chảy từng giọt như tra tấn hay thách đố tính chịu đựng của người hứng nước, chỉ nghe tiếng hơi ọc ọc ra và nước màu vàng rét rĩ chảy nhỏ giọt ra nên không ai dám dùng.
Vì ở trên dốc thêm nhiều nhà dùng trong ngày cho nên áp suất rất yếu nên không có thể đẩy nước lên trên dốc của xóm mình nên mình phải thức khuya để hứng nước máy khi toàn khu phố ngưng dùng nước nhưng cũng không đủ vì nước rĩ cả đêm chưa đầy một thùng nước mắm Phan Thiết cho nên nhà mình phải hứng thêm nước mưa để dùng.
Mỗi nhà trong xóm có những thùng phuy nước, các thùng phuy đựng 100 lít xăng của hãng Exxo màu đỏ kẻ vàng, thuê thợ hàn cắt cái nắp rồi đặt dưới máng xối để hứng nước mưa. Khi nào nước lắng cặn một tí thì mình múc nước đem vào chứa trong lu ở trong nhà để thổi cơm hay đun nước sôi. Nước sôi rồi thì bỏ bông gòn trong cái phểu theo cách thầy cô dạy cách lọc nước qua leçons des choses rồi chế nước vào bình thuỷ, nhiều khi thấy đất hay màu vàng đục đọng lại ở bông gòn.
Lúc còn bé, nhà ít người nên nước mưa đủ dùng, khi mưa mình thường hay tắm mưa để đở tốn nước. Lâu lâu ông cụ dẫn đi tắm ở tiệm Minh Tâm đối diện rạp Ngọc Hiệp, thường là đi cắt tóc ở tiệm này, trong khi chợ đợi đến phiên mình thì đi tắm. Thường thường mình tắm, kỳ cọ rất lâu cho đáng đồng tiền bát gạo nên mấy đứa con của chủ tiệm đập cửa la hét bảo mau lên thì mình chữi lại. Họ lấy củi để đun mấy cái nồi nước sôi xong đổ vào cái bồn nước trên cao để tạo áp suất cho nước chảy mạnh ra các vòi sen. Mấy năm trước, có gặp lại con trai tiệm nước nóng Minh Tâm, mình chửi hắn lại khiến hắn cừoi ruồi.

Sau này mình về thăm thì thấy đa số các nhà dùng máy bơm nước lên sân thượng nơi có cái château d'eau để có áp suất mà dùng trong nhà hay khi bị cúp nước. Kế tiệm Minh Tâm có một tiệm hớt tóc khác, có thêm dịch vụ sang băng nhạc sau 75 mới khám phá ra tên cắt tóc này là nằm vùng, làm chức lớn lắm đến khi nhà nước bố trí người từ ngoài Bắc vào tiếp thu thì ngồi kể chuyện vui buồn thời trước Cách Mạng. Mình chỉ nhớ cô con gái của tên này hơn mình 1 ,2 tuổi gì đó không xinh lắm hình như tên Thanh hay bận bộ đồ bộ chật bó rất bắt mắt, hình như học Việt Anh.
Mình mê nhất là cái máy nấu nước nóng của nhà bà Bửu Duy vì có một lần thằng Vinh cho mình tắm nước nóng ở nhà nó sau khi phụ nó làm bánh. Cái máy nhỏ gắn nơi tường sát trần nhà, nấu bằng điện nên có nước nóng thêm hai cái vòi sen. Dạo đó hè mưa bảo nên trời lạnh mà phải đi làm không công cho tên này nên được hắn ban phép cho tắm nước nóng nên nhớ mãi. Hạnh phúc rất đơn sơ. Trong khi nhà mình phải đun nước sôi nơi cái ấm nước 2 lít rồi pha với nước trong cái thau nước lạnh rồi lấy gáo múc tắm nên mình hay tắm mưa cho đã vì không phải hà tiện nước khiến mình bị đau phổi từ nhỏ đến 7 năm trước khi tập nội công thì mới khỏi.
Bà cụ mình thuộc thành phần chuyên chính sinh sản nên lúc đầu thì 15 tháng ở cử một lần sau thì theo chế độ năm một vào viện bảo sanh Hiền Chi ở đường Phan Đình Phùng rồi về nhà nằm lò than, bôi nghệ trên mặt và xoa dầu long não cho cứng cáp chân tay trong vòng một tháng sau khi sinh nở. Sau này đồng chí gái đi sinh hai đứa con thì ngày hôm sau y tá bắt phải đi bộ dù bị mỗ rồi ba ngày sau là họ đuổi về. Không biết có phải nhờ ở cử một tháng sau 11 lần sinh sản cộng thêm vài lần hư thai mà ngày nay bà cụ mình trên 80 mà vẫn khoẻ, mỗi ngày đi bộ mấy cây số và tập Thái cực quyền nhất là làm tính nhẩm còn nhanh hơn mình.
Trong nhà dân số tăng dần nên mấy cái thùng phui đựng nước không đủ cho cả nhà dùng nhất là về mùa khô nên mình phải đi xách nước thêm để có nước để dùng. Mình nhớ nhà mình có ba thùng phui, một cái luôn đậy nắp để tránh nhện, bụi,.. dùng nấu cơm, đun nước, ba cái để song song và một cái nằm dưới cái máng xối, mình lấy hai ống nước, một cái nối từ thùng 1 sang thùng 2 và một cái từ thùng 2 sang thùng 3. Khi mưa xuống thì cái vòi sẽ tự động cho nước chảy thông qua thùng 2 và thùng 3 cho nên đi học cũng giúp mình thông minh, đỡ tốn công trong khi đa số trong xóm phải đợi đầy rồi múc đỗ qua thùng khác dù trời mưa. Mình chỉ bỏ hai cái vòi nước khi nào mưa nên chả ai biết mánh của mình và khỏi sợ bị ăn cắp.
Ngoài tắm rửa, giặt áo quần thì còn có cái nạn đi vệ sinh. Trong xóm có 7 căn hộ, căn giữa thì khi xưa thời Tây được dùng làm nhà hội ( salle commune) cho 6 căn hộ kia. Khi họp hành, có tổ chức ăn uống thì dùng nhà hội này cho thoải mái nhưng sau vì thiếu nhà nên ty công chánh cấp cho một gia đình ở đó. Cuối xóm thì có nhà vệ sinh gồm 3 cái nhà cầu, 2 nhà tắm và cái bể nước để giặt quần áo. Lâu ngày thì ống nước của hai cái phòng tắm bị hoen rĩ nên nước không ra nên trong xóm tắm ở nhà. Bể nước để giặt quần áo thì nước cũng không ra nên không ai giặt cả thêm mấy cái thùng nước trên tường để dựt nước sau khi đi vệ sinh thì cũng không có nước nên dân trong xóm phải xách nước ở nhà đem theo. Thường thì họ dùng cái thùng dầu ăn bằng thiết rồi cắt cái nắp phía trên, lấy miếng gổ đóng cái quai để cầm. Để tránh đinh bị long hay tuột thì người ta hay dùng một miếng võ xe đạp hay cao su để lót trước khi đóng đinh.
Mỗi lần đi vệ sinh là dân trong xóm phải xách một thùng nước đem tờ báo vì dạo đó chưa có giấy đi cầu, đem theo đèn pin hay đèn cầy vào ban đêm. Nhiều khi đi trúng giờ hoành đạo thì cả ba cái nhà vệ sinh đều có người cắm dùi nên mọi người đều đồng ca Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây, chỉ khổ là khi biết bên kia là con gái thì phải nín thở thả bom nhè nhè như nàng thơ, nhiều khi có vài người xếp hàng đợi lâu quá thì đến gõ cửa hối mau lên. Cứ hai gia đình thì tiếp thu một nhà vệ sinh, vì sợ các gia đình khác sử dụng cầu mình rồi không dội nước nên phải dùng ổ khoá lại.
Có nhiều lúc mình ghét tên nào là cứ rình khi hắn vào phòng cầu tiêu là lấy dây kẻm, cột cái cửa lại nên lâu lâu đang chơi mà nghe tiếng la kêu cứu mỡ cửa trong nhà cầu là biết có người bị khoá ở trong cho nên dân trong xóm khi xách thùng, báo và chìa khoá mà thấy mình là thiên hạ hay trở vô nhà đợi mình đi rồi mới dám hó hé đi ra. Mình nhớ có lần ban đêm thấy trong nhà cầu có ánh đèn cầy nên vô làm ma chọc người trong cầu làm tên đó đánh rơi cái đèn cầy khóc la vang trời. Trong nhà cầu thì có đèn nhưng khi bóng hư thì đâu có ai gắng cái mới nên đang đêm chột dạ mà đi thì phải đem theo đèn pin hay đèn cầy. Sau này mỗi gia đình làm cầu tiêu tại nhà để tiết kiệm thì giờ thì cái mục đi cầu tập thể biến mất. Ở xóm Địa Dư của Phạm Ngọc Liên cũng có nhà vệ sinh tương tự ngay cái sân mà mấy ông già tụ tập đánh pétanque hay con nít bắn bi, chơi banh tù,...
Trong khu xóm mình có hai cái giếng; một ở nhà ông Ba Đà và một ở nhà ông Ba Tây, một sự trùng hợp vì cả hai đều tên Ba. Nhà ông Ba Đà ở ngay vườn gần cái suối nằm giữa đường đất từ Hai Bà Trưng băng qua Phan Đình Phùng, góc ngã ba chùa. Sau này mình về thì nhà cửa xây đầy chả nhận đâu ra đâu. Từ nhà mình đến đây thì khá xa nhất là đường đi hay bị bùn lầy dễ té. Nhiều lần đi bị té đỗ nước hết lại phải trở lại nhà ông Ba Đà đứng xếp hàng xin nước. Nhờ múc nước ở giếng mà sau này tập Võ mình mới hiểu tâm thân đồng nhất khi đánh kiếm nhật.
Còn nhà ông Ba Tây ở trên đường Thi Sách đối diện nhà ông Rị trong xóm Phạm Minh Tuấn và Bích Hường, gần nhà và ít dốc hơn mà hai chỗ này rất đông người đến gánh nước nên phải đợi rất lâu nên mình hay hỏi các nhà ở Hai Bà Trưng có nước chảy ban ngày để xin nước đỡ đi xa. Sau này về mình thăm thì có thử gánh nước thì chịu không hiểu sao dạo ấy mình gánh tài thật dù gầy hơn nay. Cứ lấy hai thùng thiết nước mắm đóng hai cái quai rồi có hai cái móc bằng sắt rồi dùng cái đòn gánh bằng tre, gánh thỏai mái nay mỗi lần vợ bảo khiên mấy thùng phân đất cho bà ấy làm vườn thì phải cột dây nịt, kéo cái xe đẫy đi.
Lúc đầu thì mình xuống xin nước ở nhà ông Nhị, làm công chánh với ông cụ mình, có lò gạch ở Cầu Đất. Ông bà Nhị này có 3 thằng con trai và một cô gái út. Nhà này ngộ lắm, hai ông bà rất là thấp hơn vợ chồng Ấm Thảo sinh ra mấy người con đều thấp cả. Bảo thằng con đầu hơn mình đâu một hai tuổi, học Yersin, có lần chạy xe Honda đi học ở Grand lycée, chạy ngang qua cái am chỗ nhà bác sĩ Sohier không ngã nón bị thánh thần vật té, gãy chân nằm nhà mất mấy tháng nên từ độ ấy mỗi lần chạy xe ngang cái am này là mình phải ngã nón dù trời mưa và cuối đầu không dám ngẫn mặt lên sợ bị quở. Sau thằng Bảo thì có Toàn và Miều rồi cô gái út thì mình quên tên vì còn bé sinh sau này. Có người chết sau 75, nghe nói tên Bảo ngày nay ở Vũng Tàu.
Mình bắt chước thằng Bảo mua trứng vịt của dì Gái ở ngoài chợ về bỏ trong cái thùng carton đựng mấy cái vĩ hột lộn rồi cắm điện bỏ cái bóng đèn ở trong được vài tuần thì nở được 10 con vịt con, số còn lại khổng nở nên luộc ăn. Mình nuôi vịt để bán lấy tiền ai ngờ khi vịt lớn thì ông cụ mình mời mấy người bạn về nhà binh xập sám, kêu người làm đánh tiết canh nên từ từ đàn vịt mười con đều được đem lên bàn nhậu hết mà không được trả tiền mất vốn nên cuộc đời chăn vịt của mình chấm đứt từ dạo đó.
Dì Gái là bạn hàng với bà cụ mình, con gái của bà Cáp, dạo đó chưa chồng nên có một tên nào đi ve nhưng ông Cáp không chịu kêu thằng ni, chộ mặt là không tin nên mượn nhà mình để tên đó đưa ông chú ở quê lên thăm hỏi, ra mắt gia đình dì Gái nhưng chỉ có bà Cáp đến dự. Mình chỉ nhớ hôm đó ăn một bửa ngon, có bún bò, bánh bột lọc,...có một ông đeo kính xưng là chú ruột của nhà trai, thay mặt bố mẹ của thằng cháu đã qua đời, xin phép bà Cáp cho cháu được đăng kí quản lí đời dì Gái. Mình thấy hôm đó dì Gái khóc nức nở rồi cười khi nắm tay ông bồ. Mấy ngày sau, mình nghe kể vợ của tên bồ ở Saigon lên đánh ghen dì Gái ngoài chợ, may là không bị tạt acid như vũ nữ Cẩm Nhung.
Dì Gái ở trên số 4, cạnh nhà ông Ba Thành lái xe Lam, hay chở học sinh Yersin đi học, đối diện nhà Phạm Đình Kháng, có 3 tên em cùng cha khác mẹ tên Nghị, Ngữ và một tên út không nhớ tên. Mỗi sáng thằng Nghị hay ghé nhà rũ mình đi chợ dọn hàng ở ngoài chợ. Bà cụ mình thuộc thành phần chuyên chính sinh sản, nên mang bầu hoài cho nên mình buổi sáng mình phải ra chợ dọn hàng giúp bà cụ rồi đi học, chiều 6 giờ ra dọn hàng cho bà cụ. Có thằng Nghị đi chung sáng sớm cũng đỡ sợ nhất là chiều tối khi đi ngang cái trụ điện mà tên lính tự tử, sau này lớn lên thì mình cũng ít gặp hắn rồi nghe hắn đi lính. Sau này dì Gái lấy chú Ba, lính đóng ở đồn quân cụ ở trong Xú Tía , chổ dốc Nhà Bò đi vào.
Có lần nhà mình có mấy mẫu đất vườn trong này đến sau Mậu Thân thì ngưng canh tác vì thiếu an ninh. Sau 75 nghe nói chú Ba dạy cán bộ lái xe tải,.. Kiếm tiền cũng khá. Dạo sau 30/4 nhà mình chạy di tản rồi hồi cư về lại Đà Lạt thì người thân trong gia đình lấy hết hàng hoá ngoài chợ và đồ đạt trong nhà đem bán và không trả lại một xu thì nhờ dì Gái, không di tản giúp đỡ nhất là bà Tàu bán tương ớt ở dưới cầu thang chợ cho mượn vốn để buôn bán lại. 79 thì gia đình bà Tàu bán tương ớt bị đuổi đi, chạy qua Mỹ sau này có về thăm Đà Lạt.
Nhà ông Nhị nằm thấp dưới đường Hai Bà Trưng, phía sau lưng là vườn của ông Ba Đà nên áp suất của nước mạnh nên mỗi ngày đi học về là mình mất cũng 1-2 tiếng đi xách nước. Muốn đỗ đầy cái thùng phui 100 lít cũng ỏai lắm. Sau này hình như mình đánh lộn với thằng Bảo nên mình phải đi gánh nước giếng ở xóm Bích Hường và Tuấn, học Văn Học trên đường Thi Sách.
Hai tên này lớn tuổi hơn mình nên cũng hay bắt chẹt, hành hạ mình đủ trò rồi mới cho gánh nước về. Khổ nhất là trước Tết, phải đi gánh nước về trữ cho ba ngày Tết, vì kiêng cữ đạp đất nhà ông Ba Tây nên thiếu điều lạy lục tên Tuấn này thì nó mới mở cửa rào. Sau này qua Văn Học thì học chung với hắn 11B còn năm 12 thì hắn di tản qua Việt Anh theo bộ Tam Sư. Mình thích đi gánh nước ở xóm Thi Sách hơn vì ít dốc còn dưới nhà ông Nhị với hai thùng nước lên dốc thì phải gánh lưng thùng khoảng 3/5 cả nước đổ ra ngoài khi lên dốc nên phải đi nhiều lần. Mỗi ngày tốn hai tiếng đi gánh nước nên chả muốn đi phá làng phá xóm nữa.
Sau này ông cụ mình được đổi sang ty công quản nước do ông Tùng làm trưởng ty, có thằng con tên Huân học Yersin với mình, lo về nước uống cho thị xã Đà Lạt, có máy bơm nước ở gần bờ Hồ, cạnh sân cù. Mỗi tuần ông cụ cho xe citerne chở nước đem về cung cấp cho xóm nên hàng xóm dạo đó thương ông cụ mình lắm. Mình lấy cái vòi nước bỏ vào mấy thùng phui của nhà cho đầy xong thì tên nào mình thân trong xóm thì kêu đem thùng lại để mình bơm cho nên dạo đó bọn trong xóm cũng gờm mình lắm. Từ tên xin nước mình trở thành tên cho nước, người lớn họ khôn nên cứ kêu con gái đưa thùng hứng nước nên mình phải ưu tiên cho đàn bà con gái trước. Đúng là ngu vì gái từ bé! Tết là hàng xóm qua nhà mình lì xì cho anh em mình khá khá. Nhà mình dạo đó có xây một cái hồ nước khoản 3m x 3m x 1.5m để xe nước về là bơm vô đó xài vô tư. Cuộc đời gánh nước của mình cũng chấm dứt từ đó.
Dạo đó có chương trình thiết bị lại các hệ thống ống nước cũ ở đường Hai Bà Trưng và các đường khác ở Đà Lạt nên khi mưa xuống là bùn ngập mà thi công thì toàn cuốc đất bằng tay không có máy móc như bên Mỹ nên kéo dài cả mấy năm trời. Mùa khô thì bụi mịt mù, mùa mưa thì đi bị bùn bắn quần dơ hết. Đâu có tiền mà mang giày, đi dép nhật nên phải lết nếu không thì bắn đầy phía sau quần. Sau 75 thì các ông thợ làm dưới quyền của ông cụ đều là dân nằm vùng nên được chế độ mới đãi ngộ cho làm xếp còn ông cụ thì được đi tham quan lao động thực tế nên lại phải cuốc đất thay mấy ông thợ trước kia nên ông cụ thôi việc về làm vườn rồi bị bắt đi cải tạo 15 năm.
Ông cụ mình bắt ống nước lớn từ đường Hai Bà Trưng lên nhà mình nên áp suất của nước rất mạnh, ai đến nhà cũng bảo dinh tỉnh trưởng cũng không bằng. Dạo đó thị trưởng là bà Nguyễn Thị Hậu, hình như luật sư thì phải, người đàn bà đầu tiên làm thị trưởng ở VN, sau này thì ông Nguyễn Hợp Đoàn nên ông cụ mình phải lo đem xe nước lên bơm vào cái château d'eau để gia đình tỉnh trưởng dùng nên có lần ông này bảo ông cụ mình ra ứng cử hội đồng thị xã, chắc chắn là đắc cử nhưng ông cụ từ chối vì dạo đó các cuộc bầu phiếu đều bị tráo thùng phiếu hết. Ông cụ mình cùng quê với ông NCK nên không thích ông Thiệu. Ông cụ mình kể làm công chức thì phải đi trông coi bầu cử thì lính đem xe nhà binh đến lấy thùng phiếu rồi đổi trên xe nên khi đếm phiếu thì các người do chính quyền đưa ra đều thắng cử.
Dạo đó mỗi lần có bầu cử là thấy các ứng cử viên dán đầy bích chương quay roneo khổ A4 đầy cột điện. Ở đường Hai Bà Trưng thì có thầy Nguyễn Văn Thành, hiệu trưởng trường Quang Trung, lấy trái bắp xú tượng trưng cho người làm vườn hay rau cỏ đặc sản của Đà Lạt nên từ dạo đó dân Đà Lạt gọi thầy là Thành bắp xú. Mình thấy có nhiều người lấy danh hiệu là cây bút, cây đuốc, cây nến,..như mấy công ty quảng cáo đồ dùng. Đại loại là phải người của Đảng Dân Chủ do ông Thiệu thành lập như chú của bà cụ mình ở trong ấp Xuân An thì đắc cử hết còn lại thì các đảng Đại Việt hay VNQĐ, tương tự thời đệ I Cộng Hoà với Đảng Cần Lao, còn thanh niên phải gia nhập đoàn thanh niên Cộng Hoà mà có lần mình thấy ông cụ mình bận áo xanh tập cho mấy người trong sở 1-2 đi diễn hành ở khu Hoà Bình vì ông cụ ngày xưa làm lính ngự lâm quân nên đi 1-2 rất nhuyễn khi Bảo Đại đón thượng khách.
Ông cụ cho thợ bắt một cái vòi ở ngoài sân để tưới cây nhưng nó trở thành cái vòi công cộng vì trên xóm Thi Sách thiên hạ không muốn đi xa nên ghé nhà mình xin nước nhất là nhanh không cần lấy gáo múc nước ở dưới giếng, nhiều khi thấy mấy con lăn quăn nhưng cũng phải lấy vì không dám đỗ đi. Từ từ ông cụ mình cho thợ về bắt nước vào từng nhà trong xóm nên ai cũng mang ơn. Dạo đó ông cụ mình có thớ ở Đà Lạt, ai mà cà chớn, thì cứ đợi đến năm Canh Dần mới có nước. Ty công quản nước có một toán thợ đâu 4-5 người và trung bình phải mất 3-4 ngày mới hoàn tất đem nước vào một nhà, cho nên khi vợ thầy Viêm lái xe con cóc VW từ trong trường Việt Anh chạy ra đụng xe mình thì thầy ra bảo đi đi vì dạo đó mình chưa có bằng lái xe nhưng thầy biết xe của ông cụ mình.
Mình đoán là thầy CBA cho mình học không tốn tiền vì ông cụ mình bắt nước cho trường Văn Khoa khi mới được xây cất nếu không cứ đợi đến Tết congo mới khai trương trường này. Lâu lâu mình lái xe hơi của ông cụ thì bên đường bà con dơ tay chào mệt nghỉ. Sau này khi ông cụ đi cải tạo thì mấy tên nằm vùng trong xóm, tìm cách đuổi bà cụ và 10 đứa em của mình đi kinh tế mới để chiếm cái nhà dù gia đình mình đã dâng cho cách mạng một căn hộ. Có một cô em kế mình bị đưa xuống Tà In, cái chòi ở bị cháy hoài sau vượt biên rồi sang Pháp định cư. Ngày xưa mấy tên này đến xin nước thì mình đều cho vui vẽ nhưng không ngờ vật đổi sao dời nên lòng người rất mau quên. Cuộc đời không ai lường được tương lai.
Dạo đó có con Thu con gái của ông Đề, giám đốc Trung tâm thẩm vấn ở đường Thi Sách hay xuống nhà mình xách nước. Trung tâm thẩm vấn nằm trên cái đồi ở đường Bá Đa Lộc, lối vào Lasan Adran, nơi giam người bị tình nghi theo VC để lấy cung như thằng Vui, con bà Thủ bán quán trên đường Thi Sách, học Trần Hưng Đạo rồi bị bắt đưa vô đây sau Mậu Thân. Có lần ông Lê Công Oai, bố của thằng Hùng thịt cầy chở mình vào đây thì thấy thằng Vui ở trong xà lim, ông Oai mở cửa sổ nói thôi khai đi rồi tha về. Có lần mình thấy bà Thủ lên nhà ông Oai nhờ đưa cái gì cho thằng Vui. Mình nghe kể ông Oai này, cảnh sát chìm bắt rất giỏi dân nằm vùng như bắt dế, thằng Hùng con ông ta kể là phải đi lục thùng rác để xem thư của dân nằm vùng,...cứ như James Bond.
Có lần chiếc xe tải tiền của Nam Đô ngân hàng chạy qua đường từ bờ hồ lên khách sạn Palace bị cướp sau đó thì thấy xe bị bỏ lại với tên tài xế bị trói ở đèo Prenn. Ông này với một ông nào ở ty cảnh sát lấy cung tên tài xế thì một tiếng đồng hồ sau, các đồng bọn giả ăn cướp lấy hết tiền bị bắt hết. Có lần đêm du kích về đánh đồn trung tâm thẩm vấn, hôm sau đi học về mình chạy vào xem thì thấy họ để xác chết mấy người nằm trên đường, ruồi bu đen đặc nghe nói để gia đình đến lãnh hay làm gương.
Sau 75 thì thằng Vui là trời con trong xóm, tên này hình như hơn mình đâu 4 tuổi rồi không được chế độ mới dùng nên chắc cũng tiếc quảng đời đấu tranh ở tù của hắn như bài thơ của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, nổi tiếng với cuộc tàn sát tập thể ở Huế, năm Mậu Thân. Mình có mấy người bà con bị giết năm đó ở Huế.
Những chiều Bến Ngự dâng mưa
Chừng như ai đó mơ hồ gọi tôi
Tôi ra mở cửa đón người
Chỉ nghe tiếng gió thổi ngoài hành lang.
Nhà tên Vui này bà con gì với bà Thới, mẹ thằng Minh tây lai học Văn Học, cao to hay đi học Thái cực đạo với mình. Sau 75 cũng một thời làm mưa làm gió trong xóm. Bà cụ mình ngày thì đi buôn ngoài chợ, nuôi 10 đứa con rồi cuối tháng lại đi thăm nuôi ông cụ mình ở trại Đại Bình trên đường đi Phan Thiết, tối lại phải đi họp tổ khu phố. Thơ nặc danh gửi cho phường tố cáo bà cụ mình là phản động, có nợ máu dân, cần được đưa đi kinh tế mới để giúp gia đình mình giác ngộ cách mạng, để trở thành con người mới của xã hội chủ nghĩa vì muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì đất nước cần những người xã hội chủ nghĩa.
May dạo đó có cô Ba Chỉ, chủ tiệm Bình Lợi ở dưới chợ đỡ đầu nên tai qua nạn khỏi. Cô Ba Chỉ này không có chồng con, làm ăn rất khá, có xe hàng chạy Saigon Đà Lạt, nằm vùng nên tiếp tế gạo đường muối cho VC như đa số các xe chở hàng dạo đó nếu không thì họ đốt xe. Nay về hưu cô về tu ở Đại Ninh, mình có gửi quà về. Sau 75 thì cô Ba Chỉ làm lớn trong chính quyền mới nên các thư nặc danh gửi lên tố cáo bà cụ mình đều được cô đọc trước khi họp tổ khu phố nên thông báo cho bà cụ mình trước để chuẩn bị khi họp là nói trước có nhận thư nặc danh rồi cũng tham gia văn nghệ, hát hò như có Bác trong ngày vui đại thắng.
Con Thu con ông bà Đề học Hùng Vương thua mình đâu 2-3 tuổi mà dạo đó đã trỗ mã xem rất bắt mắt sau này bồ với tên nào, hay bị nó sai xuống nhà mình xách nước. Ông Đề hay đem tù nằm vùng về nhà làm vườn, nhà thì rào kẻm gai vòng cuốn của lính Mỹ, có lần đêm tối VC muốn vào nhà làm thịt ông ta nhưng mấy cái lon nước cam hay bia mỹ được treo lũng lẳng ở mấy cuộn dây thép gai kêu leng keng báo động nên ông ta núp bắn mấy tên đang tìm cách chui vào.
Có dạo mình và ông cụ tối phải ra phố ngủ lại nhà bà con vì nằm vùng hay về khu số 4 giết các trưởng ấp và bắt lính cho MTGP tương tự trên các tuyến đường Saigon Đà Lạt. Mình ở khu phố 2 nhưng bà cụ mình quen ông Ngô La làm trưởng khu phố 1, có trụ sở ở đường Duy Tân, ông ta ký giấy tờ thẻ nhân dân tự vệ cho mình ở khu phố 1 nên khỏi phải đi gác như đám bạn học.
Có lần thằng Tuấn ở đường Thi Sách rũ mình đi gác nhân dân tự vệ ở khu phố 2 thì tính đi nhưng ông cụ không cho thì tối đó VC về đánh cái đồn nhân dân tự vệ sau lưng trường Đa Nghĩa, bắn B40 ầm ầm nên mình thôi hát "giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh, vận nước ta gặp hồi gian nguy, anh em ta ôi cùng nhau kết đoàn chống giặc không gì hay hơn, nhân dân tự vệ , nhân dan tự vệ cầm súng cầm dao,.." mà mỗi tuần chương trình "nhân dân tự vệ" được phát thanh trên đài phát thanh Đàlạt.
Nếu mình không lầm thì dạo đó có số bạn học cùng lớp, tối đi gác nhân dân tự vệ như Nguyễn Thành Sang, Tuấn, Dương Quang Trí, Nguyễn Đình Tài,... Sau này mình vẫn ân hận là đã không làm bổn phận công dân của mình, không đóng góp vào cuộc chiến. Trong lớp thì có rất nhiều người học nhảy hay làm giấy tờ ít tuổi lại trong khi những người không có khả năng tài chánh để chạy giấy tờ giả thì phải đi quân dịch.
Ngồi viết lại những kỹ niệm ngày xưa đã gần 50 năm mà khi về thăm lại VN mình vẫn còn thấy cảnh mấy đứa bé đi xách hay gánh nước như mình khi xưa. Mấy nhà có tiền thì có trang bị château d'eau trên sân thượng trong khi ở bên Mỹ thì nước dùng tưới cỏ nhiều khi chảy đầy đường. Vào mấy câu lạc bộ thể thao thì xài nước quá phung phí như nhà tắm Đại Hàn mà mình hay đi với gia đình để cảm nhận được cái hạnh phúc đời người nhưng mình vẫn không bao giờ quên lần đầu tắm nước nóng ở nhà bà Duy, cái phòng tắm mà mình thấy lần đầu trong đời có hai vòi nước và cái vòi sen trên cao rất là cao sang, không cần phải pha nước nóng và lạnh cho đủ ấm, không phải lấy gáo múc, tự do kì cọ không bị ai đập cửa như ở nhà tắm Minh Tâm. Hạnh phúc rất đơn sơ nếu ta cảm nhận từng giây phút đang hiện hữu trong cuộc đời này.
Nous cherchons tout le bonheur, mais sans savoir où, comme des ivrognes qui ne peuvent trouver leur maison, mais qui savent qu'ils en ont une. (Voltaire)
Sơn Đen