Từ mấy năm nay, tình cờ tìm lại được mấy người bạn học cũ tại Yersin và Văn Học. Thật ra thì có người mình nhớ, có người mình chưa bao giờ nghe tên đến, thậm chí có người học khác niên khoá nhưng có cái gì thân quen với họ như cùng chia sẻ một mẫu số chung về Đà Lạt, về tuổi thơ, về những hoài bão hay những giấc mơ của một thời xa xăm,…
Mà nhớ thì phải nhớ cả họ và tên vì ai mà hỏi nhớ thằng Tâm, con Hà thì Phật A Di Đà có xuất hiện thì mình cũng chịu thua. Phải hỏi mày biết Lê Văn Đạt, Tôn Thất Hứa,…thì hoạ may , vâng hoạ may mới nhớ. Ở hải ngoại thì có nhiều tên chơi tên mỹ như Em Đi, Ăn Đi, Rô Be, Rô Bợt. Mình nhớ có vợ tên bạn, người Huế kêu hắn là Đá Đi, Đá Đi nên mình thắc mắc hỏi lý do vợ mày muốn mày đá thì hắn kêu là Daddy, nghĩa là bố mày. Chán Mớ Đời
Nói chuyện đổi tên ở hải ngoại vì nhu cầu chớ không phải người Việt muốn làm oai. Bên Pháp, mình có quen một tên, họ là Lê còn tên là Chiến, tây đọc là “Le chien” nghĩa là con chó nên sau này gặp lại hắn thì hắn đổi tên thành Henri khiến mình tối tăm mặt mũi để nhớ tên hắn. Qua Mỹ thì nghe kể có ông thần nào được bố mẹ đặt tên là Tô Đình Cự. Ở hải ngoại, người ta viết tên trước, chữ lót thì chỉ viết chữ đầu và họ lại viết sau. Một hôm ông bố nhận thư ai đề “Cu D. To” ở mỹ gửi về nên thất kinh hỏi mụ vợ có quen ai tên “cu dê to”/ Chán Mớ Đời
Có ông bác sĩ tên Robert họ Vũ, nhưng ở mỹ nhưng ta lười gọi tên cúng cơm nên thay vì Robert, họ gọi tắc là Bob. Trên danh thiếp, ông bác sĩ này đề M. D. Bob Vu, người Việt đọc là “Em Đi Bóp Vú”. Không biết nay có đổi hay không. Tên mình thì mấy thằng mỹ kêu “sony” nên sau này chết cứng luôn. Mình hay tếu là vợ mình tên “Toshiba” cho nó oai. Chán Mớ Đời
Gặp lại họ tuy lúc đầu hơi ngỡ ngàng như nghe họ kể về quãng đời sau 30/4/75, những hoài bão, thành tựu, thất bại, những kỷ niệm vui buồn trong suốt 42 năm, mình cảm thấy như gần gủi họ hơn vì những hoài bão, giấc mơ tuổi thơ của họ đều có mẫu số chung của thế hệ mình, một thế hệ không may sinh nhằm thời, thế kỷ hay quê hương.
Có chị bạn kêu; mình thù Việt Cộng lắm vì bao nhiêu giấc mơ của tuổi học trò biến theo mây khói sau ngày định mệnh của đất nước 42 năm về trước. Chị ta, khi xưa là một học sinh giỏi, không ấp ủ những giấc mơ, như may áo đợi chờ ngày vu quy như những bài hát sến diễn tả, ngược lại chị ta muốn bay bổng với những giấc mơ phù đổng, trở thành một Marie Curie của Việt Nam để rồi ngày 30/4/75 đến, cha đi học tập, lý lịch nguỵ quân nguỵ quyền đành bỏ giấc mơ của một thiếu nữ 18, xông ra chợ đời, để nuôi đàn em nhỏ dại, rồi lập gia đình để tránh bị đưa đi nông trường thuỷ lợi, sống cho qua ngày với những ước vọng buồn cho thân phận con cháu của kẻ bại trận.
Người thì kể được gửi đi vùng kinh tế mới, tìm cách trở về Đà Lạt, thức khuya để ra bến xe, đặt cục đá, giả tây giả đầm để được ưu tiên mua cái vé để thoát hay giả điên điên khi bị bắt trong lúc trốn đi vượt biển. Người thì khổ quá, đành nhắm mắt làm dâu xứ Phù Tang để rồi vài năm sau ôm con khăn gói trở về Đà Lạt, trốn tránh cảnh kiếp lưu đầy ở xứ người.
Người thì lên buôn người thượng, dạy trẻ em Chu Ru đến 5 năm rồi tìm cách chạy về Đàlạt hay chỗ khác để sinh sống vì không muốn con mình có một tương lai như người Chu Ru, đi bên lề lịch sử.
Người thoát ra được thiên đàng cộng sản lại không về thăm nhà được vì có tên trong sổ đen của Hà Nội. Người muốn quên đi những ác mộng của những ngày sau khi được "giải phóng", mượn men rượu để quên đi thực tại hay trong thâm tâm muốn tự hại mình để sớm tìm được cái chết, chôn đi bao hoài bão ấp ủ của thời mới lớn. Biết bao nhiêu giấc mơ của tuổi trẻ bị vứt bỏ vào thùng rác của lịch sử Việt Nam.
Người học giỏi đậu cao, với những giấc mơ của tuổi trẻ để rồi lái xe ôm nuôi vợ con lây lất qua ngày hay người đang học đại học y khoa, bị lý lịch trích ngang dọc nguỵ quân nguỵ quyền thế là đang học bị đuổi ra, đi cày đi cuốc, thối chí trong những năm tháng dài của tuổi thanh niên sung mãn,…., để rồi ngày nay sống trong câm lặng của một người chí lớn không thành, cô đơn trong cảnh về già, chăm cháu.
Còn nhiều nữa, những cuộc đời thân thương của những người bạn không bao giờ kể cho hết, chua xót để rồi họ lao vào nhưng cuộc ăn nhậu để quên đi những hoài bão, những giấc mơ của một thời đáng nhớ như tìm cách chạy trốn, để quên đi số phận của mình trong khi những thằng dốt, không có khả năng loay hoay với những mớ khẩu hiệu, cách mạng mà thế giới đã bỏ sọt rác lịch sử từ 70 năm qua.
Gặp lại vài người bạn cũ, nay đang chống chọi với tai biến. Nhìn họ nói không được chuẩn, tay chân không bình thường như xưa nên khá cảm động. Có dạo một anh bạn rất thân từ thời phổ thông, ra hải ngoại vẫn liên lạc thư từ để rồi một hôm anh ta gọi nói là bị ung thư phổi ở giai đoạn 4. Mình muốn bay sang thăm nhưng anh ta nhất định từ chối như đa số những người được tin mình bị bệnh, với ý chí sẽ thắng căn bệnh để rồi vài tháng sau chỉ thều thào trước khi khuất phục, kêu may quá, con tao đã học gần xong đại học rồi một hôm điện thoại reo, mình nghe tiếng vợ anh ta khóc oà bên kia.
Một anh bạn đang chữa bệnh ung thư kể đi hoá trị, người ta bỏ vào cái hộp như cái hòm mấy chục lần, nằm trong phòng tự hỏi mình rồi hỏi Chúa vì sao nông nổi. Nay nghỉ làm nên không xì trét nữa vì khi xưa lo làm ăn, đầu óc cứ tính toán chuyện làm ăn, không thì giờ cho người thân, bạn bè. Nay con ở xa cần cái gì, là chạy mấy trăm cây số để giúp con, kể tuần tới đi xa, sẽ đem đồ phụ tùng theo để sửa cái xe cho cô bạn. Trước khi bị bệnh, anh ta không có những thời gian để làm những việc đầy ắp tình người nay dừng lại mới mở con tim đầy ắp tình người của anh ta.
Dạo này đi chơi xa thì hay liên lạc với bạn cũ qua diễn đàn. Nhiều người mình không nhớ mô tê ngay cả học trên lớp hoặc dưới lớp thậm chí đồng chí gái đi công tác, cũng được mấy người bạn này tiếp đón nồng nàn. Nhiều người nghe mình kể thèm ăn mấy món đặc sản của Đà Lạt xưa, tuy bận công việc vẫn thức khuya làm những món bánh căn, bún thang,…, mời vợ chồng mình ghé lại dùng cơm gia đình.
Bên đồng chí gái cũng tương tự, đi đâu có bạn học cũ thì vẫn được tiếp đón niềm nở. Bạn học cũ bắt chồng bỏ làm để đưa tụi này đi chơi thăm viếng địa phương, nấu những nồi bún bò đặc sản của miền trung khi xưa. Có lần mình về Việt Nam một mình, bạn học cũ của đồng chí gái đã đứng đợi ở phi trường rồi hẹn với những người bạn khác đi ăn cơm rồi bỏ mấy ngày chở mình đi chơi, viếng Tây Đô Nam Bộ. Ôi thôi làm sao kể xiết những thân tình của tình bạn thời học trò.
Đại học Harvard có làm một thí nghiệm từ 72 năm qua. Họ chọn 272 sinh viên năm thứ 2 và trên 600 người ở vùng Boston cùng trang lứa trong đó có một người nổi tiếng nhất là JFK. Mỗi năm họ đều khám nghiệm y tế, xem xét về học lực hay công ăn việc làm, gia đình,… khi hỏi đối với bạn, thành công là gì thì có người trả lời tiền bạc, danh vọng…, nhưng sau 72 năm, còn lại đâu 60 người sống xót thì câu trả lời rất khác biệt.
Thành công là sự liên hệ với người phối ngẫu, con cháu và bạn hữu, không một ai nhắc đến giàu nghèo, danh vọng như xưa. Mình tự nhủ nếu còn khoẻ thì đi chơi đây đó, có dịp đến thăm những người bạn một thời có chung một giấc mơ, hoài bảo để rồi cùng một lứa bên đời lận đận mất quê hương, mất tất cả, chỉ còn lại nhau để cùng đi nốt quãng đường đời còn lại như đi tìm lại mùa xuân của ngày nào.
Nhs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét