Gia đình mình dọn về đường Hai Bà Trưng, cư xá công chánh năm mình bắt đầu học Petit Lycée sau khi ông cụ đậu tuyển vào ty công chánh Đà Lạt. Ông cụ mình rời quê vào Nam năm 1950, đi lính ngự lâm quân của vua Bảo Đại. Sau này ông vua bị thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế nên ông cụ bị đổi sang lính chính quy của VNCH mới thành lập. Khi mới thành lập, quân đội VNCH thiếu sĩ quan nên có tuyển một số hạ sĩ quan đi học khoá tham mưu để trở thành sĩ quan.
Ông cụ mình xin đi học khoá y tá, cứu thương vì nghĩ khi giải ngủ thì có cái nghề để sinh sống. Mình chỉ nhớ hồi nhỏ có thấy cái huy chương anh dũng bội tinh và bằng khen ông cụ, trong lúc giao tranh, đã liều mình xông lên băn bó, cứu thuơng các đồng đội. Gia tài còn lại cái mũ sắc dùng làm cái cối để giả gạo, thịt khi làm chả, một hộp cứu thương bằng sắt như hộp đạn đại liên, một hộp sắt nhỏ đựng mấy ống tiêm, cái kéo để cắt băng ga. Mỗi lần đau, phải bị chích thuốc là mình sợ vì ông cụ chích rất đau. Cứ lấy bông gòn, thấm alchol, xoa xoa cái mông rồi lấy hết sức bình sinh, phóng mũi kim vào mông. Sau này ra hải ngoại, đi bác sĩ, biết tâm lý, họ xoa bên trái rồi xoa bên phải, rồi làm cái phập bên trái nên không thấy đau. Các bạn đồng ngủ của ông cụ đi học lớp tham mưu thì sau này lên tá và tướng của VNCH. Mình nhớ có đại tá Trần Văn Chuyên mà có lần ông cụ dẫn đến thăm ở cực xá Võ Bị.
Khi ông cụ mình giãi ngủ thì gia đình mình đang ở ấp Ánh Sáng và học ở trường Ấu Việt gần cầu Bá Hộ Chúc. Trường Ấu Việt thật ra là một căn biệt thự có hai tầng dùng làm vườn trẻ. Dạo đó sao thấy to lớn, Nhất Anh có nhắc đến cây trứng cá mà trong giờ ra chơi cả đám hay đi lượm mót mấy trái trứng cá màu đỏ rớt. Mình chỉ nhớ một hôm, ông cụ dẫn đi bộ lên Petit Lycée ở đường Yersin, vào phòng ông hiệu trưởng người Tây để khảo sát. Ông Tây đưa cuốn sách chỉ mấy tấm hình hỏi cái gì, mình trả lời được 9 cái còn lúc ông tây chỉ hình cái mâm thì mình trả lời "lơ cái mâm" nhưng cũng được vào học trường Tây.
Thời Tây còn cai trị VN thì họ đào tạo một số nhân viên, công chức người Việt, để giúp họ, lo về hành chánh nên trả lương khá nên ai cũng muốn làm thầy thông, thầy ký. Họ cho xây nhà cửa cho công chức và gia đình ở miễn phí. Dạo đó đường Hai Bà Trưng có nhiều cư xá cho các gia đình công chức cư ngụ như cư xá viện Pasteur, nha Địa Dư rồi đến ty Công Chánh, ty Bưu Điện và ty Kiến Thiết trãi dài từ trường nữ công gia chánh đến trường Đa nghĩa. Nói chung cư xá Công Chánh gồm các nhà như biệt thự hai tầng hình chữ A được ngăn đôi như kiểu duplex, tổng Cộng là 8 căn (16 gia đình), một biệt thự dành cho trưởng ty và dãy cư xá gồm 7 căn xây dính chùm vào nhau và cuối xóm là nhà xí chung, có 3 cái nhà cầu, 2 phòng tắm và một bể nước để giặt quần áo nhưng ít ai đem đồ dơ ra đó giặt vì xa, nhất là ống nước hoen rĩ. Tổng cộng có 24 gia đình, đổ đồng cũng trên 150 dân cư.
Ở đường Hai Bà Trưng, giáp ranh với cư xá Địa dư thuộc số chẳn #42 và 42 bis là nhà của ông Nhị và ông Điện, bố của thầy Trịnh Minh Đức, dạy Pháp văn trường Trần Hưng Đạo và Văn Học. Tiếp đến số 44 và 44 bis là nhà Dì Tân, cháu gọi bà ngoại bằng dì, năm ngoái về thăm, thấy dì bị tai biến mạch máu não, nằm trên giường không nói được nhưng nhận ra mình. Bên cạnh là nhà của ông Võ Văn Địch, có thằng Võ Việt Điểu cùng tuổi với mình, học Yersin, anh nó tên Thắng, học y khoa Saigon, có cô em gái tên Thu, học Hùng Vương, đi quá giang xe nhà mình mỗi ngày. Có bà chị tên Lực thì phải, có dạo làm sở Mỹ. Sau 75 nghe nói cả gia đình chạy sang Tây, sinh sống tại miền nam nước Pháp hình như Toulon thì phải. Mình có viết thư nhưng không nhận hồi âm. Năm ngoái thì được tin là ở vùng Đông Bắc. Rồi đến số 46 và 46 bis của nhà ông Bửu Ngự và Bửu Duy. Ông Bửu Ngự là cháu của ông Ưng Huyền, mình nhớ có lần chó nhà ông ấy đẻ, ông xem con nào cái là cho vô nồi nấu cháo nghe nói rất bổ. Phía sau vườn rất rộng, trồng toàn là chuối. Mỗi lần trời mưa là nước ở con suối dâng lên nhiều khi làm ngập nhà.
Phía bên dãy nhà số lẻ thì giáp với cư xá địa dư, có nhà thằng Banh, học trường Trần Hưng Đạo, hồi nhỏ có chơi dích hình với nó, lần về thăm Đà Lạt thì thấy làm quán karaoke. Bên cạnh là nhà ông Tân "Ù", người Bắc, người ta gọi Tân Ù để dễ nhận vì trong xóm có 3 người tên Tân nên gọi Tân Ù và Tân ốm. Ông Tân Ù là bố của Hoàng Giang, học Văn Học, sau 75 có vượt biển nhưng đến nay gia đình không biết tin tức. Cạnh đó là nhà của ông Kham, người Huế, bố của Thanh Tịnh, cũng học Văn Học. Cô này ngoan đạo, ngày nào cũng thấy đi lễ 6:00 sáng và chiều trên Domaine De Marie. Sau này, ông Kham biển thủ lương của công chức, trốn đâu mất tích nên cô con gái lại càng đi lễ. Ty công chánh lấy lại nhà, hình như dọn ra đường Minh Mạng vì có lần mình thấy họ có tiệm giặt ủi thời quân đội Mỹ tràn ngập Đà Lạt.
Bên cạnh nhà ông Kham là nhà ông bà Hiển, có mấy người con học trường Tây, có hai trai và ba gái. Một cô tên Lâm Đồng nghe nói sau 75 lấy ca sĩ DQ, anh đầu tên Kiệt làm an ninh quân đội nhưng hay bị vợ rượt với cái dao phay khi cãi nhau. Có lần mình thấy bà vợ phóng con dao nhưng may là cái cán dao trúng lưng anh chàng. Bà Hiển làm nghề cho vay, cho các bà bán ngoài chợ mượn tiền, mổi ngày thấy bà ta đi rảo qua chợ nhỏ ở Phan Đình Phùng và chợ lớn lấy tiền lời. Bà này khôn lắm, chỉ cho vay những bà buôn bán, có nghề nghiệp chớ ai không có nghề thì không bao giờ cho mượn. Mình không bao giờ thấy mấy bà trong xóm đến mượn tiền. Ông Hiển chết sớm vì uống rượu và nhậu mỗi ngày với ông Hai và ông Đổ cao Luận, cha của tướng Đổ Cao Trí, có cái nhà ở gần bờ Hồ Xuân Hương, cạnh nhà ông Sohier. Mình có ghé lại đây vài lần nhưng ở ngoài cổng vì ông gác dan là bà con chi với thằng Bi, Trương Việt Tài, học Văn Học. Sau khi ông Hiển qua đời thì gia đình bà này cắm dùi miếng đất mà ông Hiển làm cái garage cho chiếc xe Datsun xây cái nhà hai tầng để ở còn nhà cũ thì gia đình ông Châu, phó trưởng ty về ở.
Nhà ông Châu và nhà ông Quán được ngăn chia bởi một đường hẻm từ đường Hai Bà Trưng lên đến Thi Sách rồi Calmette. Giữa con hẽm này thì có dãy cư xá công chánh mà gia đình mình dọn về đó từ năm 1963. Bên kia con hẻm thì có hai căn nhà, một của gia đình bà Ron, người Huế, chồng người Nam, theo bà Nhỏ. Bên cạnh là nhà của một cô học Bùi Thị Xuân, người đẫy đà nên hay uống dấm, nhịn ăn rồi đi Tây phương cực lạc luôn.
Nhà đầu tiên của dãy nhà của xóm mình là của ông Hai làm cai lục lộ có cái sân to nhất xóm, sau này ông bà về hưu thì gia đình mình tranh thủ dọn về căn này. Kế nhà ông bà Hai là nhà mình, kế đến là nhà bà Thường, rồi nhà ông Khoa làm ty kiến thiết rồi đến nhà ông bà Kiếm, người Quảng Trị đến nhà Thằng Dư, Con Thuý rồi nhà cuối cùng thì gia đình ông Nhân.
Ông bà Hai người Nam, không con nhưng có cháu ở Biên Hoà thường lên chơi. Ông theo đạo Hoà Hảo còn bà theo đạo Cao Đài nhưng dạo đó xung quanh mình là toàn đạo Phật và Thiên chúa giáo cho nên thấy la lạ. Mỗi chiều, bà Hai đều ra thắp hương ngoài sân nên sau này khi ông bà dọn đi thì mình cũng bắt chước thắp hương mỗi ngày, khấn thổ thần đất đai, phù hộ cho gia đình và lối xóm. Bà Hai hay đánh mình vì trưa mình không ngũ, hay chạy chơi với đám con Thuý ngoài sân, làm bà ta ngủ không được. Mình mét bà cụ mình thì bà còn cám ơn bà Hai lại bắt mình xin lỗi nên mình hiểu từ dạo đó cứ bị ai đánh thì câm mồm nếu không lại bị bà cụ nện thêm cho một trận.
Mình có kỷ niệm đáng nhớ với bà Hai là một hôm, có gánh cải lương lên đóng đô ở rạp Ngọc Hiệp, họ mướn xe Lam ba bánh, đeo panneau chạy khắp đường Phan Đình Phùng và Hai bà Trưng quảng cáo, rãi truyền đơn về tuồng hát diễn đêm đó. Bà Hai, người nam, mê cải lương nên gọi mình, bảo chạy xuống đường Hai bà Trưng xem tối nay họ diễn tuồng gì. Mình với mấy đứa nhỏ ở dưới đường chạy theo xe lam, quảng cáo đọc cái tên tuồng, vừa chạy vừa xin tờ chương trình màu xanh, màu tím vừa hít hơi khói xe Lam nhưng không được, chạy về báo cáo tối nay họ diễn tuồng "Hai lan thu hen" làm bà này nhăn nhó không hiểu gì cả sau con Thuý, học trường Việt chạy vào nói là "Hai Lần Thu Hẹn " khiến từ đó hàng xóm gặp mình là kêu thằng hai lan thu hen.
Cạnh nhà mình là gia đình bà Thường, người Bắc. Hai chị em bà này lấy một chồng kiểu Thuý Kiều, Thuý Vân lấy Kim Trọng. Chị bà Thường lấy chồng nhưng không có con nên sợ ông chồng đi kiếm vợ bé nên kêu bà em lấy ông chồng của mình, đẻ ra 5 người con, 4 gái 1 trai nên mấy người con gọi bà là "Đẻ", còn gọi bà chị là Mẹ. Gọi nôm na tình chị con em. Bà Thường Cả thì ở Nha Trang, lâu lâu mới lên còn ông Thường thì chết sớm vì phải phục vụ chức năng, nghiệp vụ làm chồng cho hai Mụ vợ. Mấy người con đều học trường tây cả sau có người đi du học bên Nhật và Pháp. Cô con gái đầu tên Oanh, dạo đó nghe nói sợ bị ế chồng sau có một tên ở Nha Trang hay lên chơi, mỗi đêm thổi sáo cho cô Oanh nghe như Trương Chi thổi sáo cho Mỵ Nương sau này thì hai người lấy nhau rồi sinh con, còn ông chồng thì chắc đi lính.
Lúc cô Oanh sinh con, bà Thường mỗi sáng, sang nhà mình đưa cái bô để mình tè, mang về cho cô con gái ở cử uống. Nghe nói, nước tiểu con nít rất tốt. Cứ nhìn bà ấy nhìn chim mình xem có hoành tráng hay không rồi cứ kêu xi xi rồi xi xi làm mình khó khăn lắm mới phọt nước tiểu ra. Có lần mình đọc về "canh dưỡng sinh" của ông người nhật nào, bị ung thư. Ông ta nấu cà rốt, củ cải của Đại Hàn, nấm shitake rồi pha nước tiểu của chính mình vào buổi sáng để uống, để lành bệnh. Ông ta giải thích là trong nước tiểu có những kháng sinh do cơ thể tạo ra, uống vào sẽ trị được bệnh.
Sau này lớn lên thì mình mới biết ông Trưong Chi này thổi mấy bài của Đặng Thế Phong vì tiếng sáo năm xưa vẫn bềnh bồng trong tai mình đến ngày nay. Hàng xóm bảo tiếng sáo sẽ kêu ma trơi về xóm nên mình không dám ra sân ban đêm để nghe. Mình có kỷ niệm với nhà này là khi rũ thằng bạn học Thái cực đạo chung, ở đường Thi sách, đối diện nhà đại tá Tốn, leo lên trần nhà đi khám xét các nhà hàng xóm.
Tới nhà cô hàng xóm, Trương Nữ Việt Quân, học Văn Học, đâu trên mình hai lớp thì ông thần này làm rớt cục gạch nên cô này la thằng em, tưởng thằng này phá, nên hai đứa sợ quá quay về thì tên này đạp phải cái tấm chắn leo lên trần nhà của bà Thường nên lọt xuống nhà người ta, trúng ngay bàn thờ làm hình ảnh của ông Thường, ông bà tổ tiên của người ta bay tứ tung làm mình hoảng quá chạy về nhà trong khi tên bạn cứ lớ ngớ hỏi tao đang ở đâu? Sau cô Oanh là cô Tâm lấy chú Minh, trung uý pháo binh, rồi đến cô Tuyết, sau này đi du học ở Nhật về cắm hoa, đến chú Dũng, học Yersin trên mình 5 năm, sau tốt nghiệp Văn Khoa Saigon, môn Pháp Văn rồi đến cô Bích. Dạo đó cô Tâm hay ngồi lặt rau, hay hát "người con gái VN da vàng,.." làm mình sợ cô bị bắt vì nghe nói dạo đó mấy bản nhạc này bị cấm nhưng cũng nhờ cô mà mình mới biết đến nhạc TCS. Chú Dũng, em của cô thì cho mình nghe nhạc Tây và Anh vì có cái máy quay đĩa để bàn và sach báo cấm ptrer em dưới 18 tuổi. Trước nhà có cây bưởi rất nhiều trái nhưng ăn không được vì đắng, chả có ai phân bón hay vì đất sét.
Kế nhà bà Thường là nhà ông Khoa làm ty kiến thiết! Nhà này to nhất xóm vì khởi đầu dùng làm nhà hội cho cả xóm khi có việc cần để bàn chuyện trong xóm hay ăn uống tiệc tùng như các nhà hội bên Mỹ. Ông bà Khoa có 3 người con trai và hai cô con gái. Người con đầu có tên là Lê minh Sớm thường được gọi là anh Bình, dạy vở lòng cho con nít trong xóm, một người con trai khác tên Sanh, đi võ bị lên chức thiếu tá và người con trai út tên Hành thì làm về Không Lưu ở Saigon. Hai cô con gái thì sau này lấy chồng nhưng mình chỉ nhớ cô tên Cúc.
Có lần cô Cúc sang nhà mình, thấy mình đang học bài nên lấy cái cặp của mình để xem thì bổng nhiên cô ta rú lên, té xuống đất. Cô ta thò tay vô cặp của mình thì bốc nhằm mấy con chuột con đỏ loét có lẻ mới sinh. Cặp mình có hai ngăn, ngăn lớn thì mình mở hàng ngày còn ngăn kia thì chả bao giờ, không hiểu con chuột sao chui vô đó làm ổ đẻ. Cô này không nhớ làm nghề gì nhưng ăn diện lắm, một hôm anh Bình nhờ đưa thằng Đắc, con anh đi bác sĩ vì anh bận dạy học trò thì cô này quên đi chơi với trai, khi về thì anh Bình khệnh cho một trận chạy qua nhà mình núp. Anh Bình cũng điên điên lên, đem giày dép gì của cô em ra lấy búa đập gãy hết rồi lấy áo dài, váy để xé tanh bành cả.
Một kỷ niệm khác là có dạo một ông Tây ghé lại ngủ nhà cô Cúc ban đêm thì đậu cái xe 2 CV trước sân nhà mình. Sáng chủ nhật mình và cô em kế rút cục gạch chặn bánh xe khiến chiếc xe tuộc dốc lọt xuống mương khiến hai anh em chạy vô nhà núp sợ ông tây nhà đèn đánh. Sau này ông Khoa về hưu trả nhà lại và gia đình "ừ trời mưa" dọn đến từ Ban mê Thuột khi Khu Công Chánh cao nguyên trung phần đổi về tỉnh Tuyên Đức. Anh Bình thì chiếm miếng đất cạnh nhà xí của xóm cắm dùi, làm một cái nhà đẻ thêm nữa tá con, Thái, Thu Oanh, Thu em,... Khi mình về thăm thì mấy đứa này chả biết mình là thằng Tây nào cả.
Kế nhà ông Khoa là nhà ông bà Kiếm, người Quảng Trị có người con trai tên Sữu, tuổi con trâu nên hay ăn hiếp mình. Bà Kiếm hay nhờ mình sỏ mũi kim cho bà khi may vá và cho mình chặt một cây mía mà ông kiếm trồng trước nhà. Ông bà Kiếm có trồng mấy vồng khoai lang và có cây ổi. Cạnh nhà bà Kiếm là nhà của thằng Dư và con Thuý. Con Thuý cùng tuổi với mình nên hay chơi nhảy dây với nó hay nhảy cò cò còn thằng Dư là anh bằng tuổi tên Sữu, bắn ná rất tài. Sau này gia đình này dọn lên Ban Mê Thuột thì gia đình chị Kim Hiền dọn về đây. Bố mẹ chị Kim Hiền là gốc Hà Tỉnh, Quảng Bình chi đó nên cái máu Nghệ Tĩnh Sô Viết không bỏ được, nên mấy cây trái trong xóm được mấy gia đình ở khi xưa, trồng nay dọn đi nơi khác thì gia đình này đều chiếm quyền tư hữu, nói là của gia đình họ vì mấy gia đình kia nhờ họ quản lý nên trong xóm ít ai ưa.
Mình hay bợp tai mấy đứa em của chị này vì cái tính hay xung cây cối trong xóm vào hợp tác xã của gia đình này. Bà cụ của chị, có cái món bột mì ve thành con sâu rồi chiên dòn ăn rất phê. Năm Mậu Thân, phố xá đóng cửa nên bà cụ của Chị làm món này, dụ con nít trong xóm nên mình cũng tốn khá nhiều tiền lì xì cho gia đình nghệ tỉnh Sô Viết này. Có thời họ lấy gỗ của ông Lào ở xóm Địa Dư về đóng thùng gỗ đựng rau cải cho quân đội Mỹ, mình có qua đóng nhưng sau đi đóng ở nhà ông Lào được nhiều tiền hơn vì nhà này ăn chận mất của mình. Mỗi năm có chợ Tết thì bà cụ mình xin cho một ô đất ở chợ dưới để cho nhà này lấy hàng của bà cụ ra bán kiếm tiền tiêu Tết nên sau này về già thì bà cụ mình với bà cụ của Chị rất thân nhau. Năm rồi về thăm thì mẹ chị KH không khoẻ lắm sau đó thì qua đời.
Cạnh nhà chị Kim Hiền thì nhà ông Vinh dọn về từ Ban mê Thuột. Gia đình này có làm cái garage và bỏ cái bàn bóng bàn nên cả xóm nhất là mùa hè tụ lại đây đánh bóng bàn. Vinh Kennedy, em trai của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang dạy mình đánh bóng bàn và sau đó mình hạ hết dân trong xóm. Sau này ở Đà Lạt về thiếu niên mình chỉ thua Lê Xuân Thảo và Nguyễn minh Dũng còn người lớn thì mình thắng Bác Hoè có công ty bảo hiểm xe cộ ở đường Minh Mạng, cựu vô địch Đà Lạt những thập niên 60 ngoài ra mình còn thua anh Tín, đánh kiểu cầm thìa, du học bên Nhật về, Minh Đen ở ngã ba chùa và Nguyễn Nô.
Mình chỉ nhớ khi mới dọn về cư xá Công Chánh ở đường Hai Bà Trưng thì có một vụ tự tử vì tình khá ly kỳ. Một quân nhân mê chị Hoa con ông bà Q trong xóm nhưng không được đáp lại mối tình hữu nghị sông liền sông , núi liền núi nên một sáng sớm sau giới nghiêm thì mình nghe một tiếng nổ chát chúa nên chạy xuống đường thì thấy thiên hạ bu quanh một xác chết không đầu ở cột điện trước nhà Thanh Tịnh cạnh nhà chị Hoa. Nhà chị Hoa có nhiều anh em khá nổi tiếng như hai ông anh tên Đường và Độ, chơi thân với hai anh em Lai và Thái ở xóm nữ công gia chánh, một thời nổi tiếng du đảng Đà Lạt.
Tên Đường bị đi Côn Đảo 5 năm sau khi đâm chết một tên nào ở tiệm hớt tóc Minh Tâm, đối diện rạp Ngọc Hiệp. Độ thì trốn lính nhưng nghiện thuốc phiện nên tối tối hắn đi rình nhà hàng xóm để chôm đồ, nhà mình bị hắn lấy trộm gà khá nhiều. Hắn có hai tên em trai tên là Điệp và Điềm. Điệp hơn mình đâu 4 tuổi sau này đi Hải quân rồi 75 theo Tàu qua Mỹ. Điềm thua mình đâu hai tuổi sau này chơi với em trai của Lai Thái nên cũng khiến con trai trong xóm ớn ớn. Mình có nặng nợ Giang hồ với gia đình này vì bị con chó Berger nhà này cắn một lần phải đi viện Pasteur chích bụng mấy chục mũi. Gia đình này coi như ở xóm mình lâu nhất.
Giáp nhà ông Quán là nhà ông bà Ngần, Phó trưởng ty công chánh chuyên chứa đánh bài, các công chức rãnh nên cứ kéo lại nhà ông này đánh bài, có lần cảnh sát hay lính 302 kéo đến đòi bắt làm tiền thì phải. Sau lưng nhà này là vườn nhà mình. Kế đến là nhà bà Tân gầy, có cô con gái tên Lan rồi 3 tên con trai là Đôn, Ân, Ái rồi cô gái út. Tên Đôn này cùng tuổi với mình hay đánh lộn với mình, sau 75 bị công an bắn chết ở Saigon vì đào ngủ bộ đội.
Tiếp đến là nhà Hân, chị của bà Ngần, nhà này con cái cũng khá đông. Cô con đầu tên Huệ, học Việt Anh hơn mình ba tuổi sau là một cô tên Hương lấy giáo sư Tôn thất Trai, dạy toán ở trường Trần Hưng Đạo, rồi đến tên Hùng rồi một đám sau không nhớ tên. Mấy chị em bà Hân hay lên nhà mình với đám con gái nói chuyện với bà cụ mình sau năm 73-74 họ dọn về Saigon. Nhà bà Ngọc sát vách nhà bà Hân có ông chồng tên thánh là Albert nên khi đánh bài mình nghe thân hữu gọi Ro be, cũng dọn một lần về Saigon sau này 30/4 thì thằng con trai chạy loạn sao bị VC pháo kích chết trong những giờ phút hấp hối của VNCH .
Đối diện nhà bà Hân là nhà ông Sâm, trưởng ty công chánh, có dạo mình có hay chơi với thằng Chiến, học Trần Hưng Đạo, con của ông ta nhưng ít khi được cho vô nhà vì lập trường giai cấp không đồng nhất. Cạnh đó là nhà bà Duy và Ngự. Hai người này thuộc dòng Các Mệ nên đặt con là Vĩnh Dũng, Vĩnh Vinh,.. Bà Duy có tài nội trợ, làm bánh rất khéo. Mình nhớ ngày xưa, mỗi lần bà ta tổ chức sinh nhật cho hai đứa con gái thì xe hơi đậu đầy đường Hai Bà Trưng. Mình mò mò lại cửa sổ, lén nhìn vào, thấy một đám con nhà giàu, ngồi xung quanh bàn, xem con bà Duy thổi đèn cầy thấy sang không thể tả. Cứ mơ được một ngày nào ăn được cái bánh Tây.
Mình có vào nhà học nghề làm bánh bông lan, bị thằng Vinh sai như đầy tớ nên lâu lâu đập nó một trận. Tuy bị sai nhưng mình nhất quyết phải học nghề làm bánh bông lan của bà Duy. Họ có cái máy xay bột bằng điện, còn mình thì lấy cái thìa lớn để đánh bột, bỏ vào lò. Nhà này có bình nước nóng, chạy bằng điện để mỗi khi tắm, chỉ cần mở hai vòi nước lạnh và nước nóng cho nhiệt độ vừa ý là tắm, không như ở nhà mình, phải quạt cái lò than, khói bay mịt mù để nấu cái ấm nước. Khi nước sôi thì lấy cái gáo chế vào và pha với nước lạnh rồi tắm. Mình học được cái tính chắc chiu từng gáo nước từ hồi nhỏ nên khi sang Tây, ở chambre de bonne trên lầu 8, không có nước trong phòng. Mỗi lần đi tắm, phải đun cái nồi nước rồi tuần tự cứ tắm như kiểu Đà Lạt cho đến khi ra trường. Từ Đà Lạt cho đến Paris, kinh đô ánh sáng thì cuộc đời mình cũng chẳng có gì thay đổi.
Buồn buồn, mình hay lấy ná bắn đá xuống mái tôn nhà này như để khẳng định lập trường giai cấp, để xem cha con họ chạy ra ngoài mưa gió, xem hướng pháo kích. Sau 75, thằng Vinh chết khi đi thanh niên xung phong, thằng Dũng cũng chết, con Hương cũng chết, hình như mấy đứa con đều chết ngoại trừ thằng Hồ, lấy con gái bà Ngần, đi đoàn tụ ở Mỹ và con Hà thì theo chồng qua Úc.
Bên cạnh nhà bà Duy, là nhà ông Bửu Ngự, đá banh rất hay. Bà Ngự qua nhà học nghề làm bánh của bà Duy rồi mở tiệm Thanh Nhàn, bán bánh ở khu Hoà Bình. Có lẻ vì vậy mà hai gia đình sau này không thân nhau nữa. Bà Ngự, mỗi sáng lên nhà mình để lấy mức do bà cụ mình làm tối trước đó, đem ra tiệm bán. Gia đình ông Ngự, vượt biển sang Mỹ, mở tiệm Thanh Nhàn ở Bolsa, làm ăn khá. Sau này ông bà về hưu, không đứa con nào muốn tiếp tục bán bánh mì thịt, nên sang lại cho ai khác. Thằng Huy thì mở hãng, thằng Hội thì lấy con gái của Tùng Giang, mình có đi ăn cưới. Có cô con gái út lấy con trai của đại tá Phạm Ngọc Thảo.
Ngày nay, khi trở về thăm xóm thì chỉ còn con cháu của ông bà Quán, vợ anh Bình, con cháu bà Hoà , ngoài ra thì không còn ai khác. Nhà cửa xây đầy nên không thể nhận ra. Nhà bà Địch thì họ xây cái quán nhậu. Cháu bà Quán, xây cái nhà, ngay chổ cái garage khi xưa, làm tiệm uốn tóc. Khi xưa xóm này toàn là công chức nên không có ai buôn bán, còn ngày nay theo định hướng kinh tế thị trường thì tiệm quán ăn mọc lên như nấm, khiến mình ngậm ngùi nhớ lại một thời làm con nít.
Ôi quê xưa biết bao giờ trở lại
Đà Lạt ơi, thôi hết những chiều mưa
Đà Lạt ơi, thôi hết những chiều mưa
Sơn đen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét