Hôm kia, thằng con hỏi có nên trả dứt nợ mà nó mượn khi đi học. Mình hỏi có mấy nợ thì được biết là 2: một đâu $2,600 và một độ $20,000. Mình nói là cố trả cho hết cái nợ $2,600 còn $20,000 thì cứ trả đều đều mỗi tháng để tạo dựng “credit” để sau này có thể mượn tiền mua nhà hay xe,…
Nó hỏi thêm là nên để dành tiền trong Roth IRA hay IRA, mình nói cả hai vì nay lương ít nên thuế rất ít do đó nên bỏ vào Roth IRA còn IRA thì chịu khó bỏ vào để trừ thuế. Mình có cho thằng con đi học về tài chánh cơ bản nên mấy năm nay có bỏ tiền vào quỹ hưu trí.
Dạo còn học sinh, mình có để dành tiền cho hai đứa con vào quỹ giáo dục Coverdell, và chỉ cho chúng mỗi năm, bỏ trong Mutual Funds, lên xuống bao nhiêu. Thằng con được trời ị trúng đầu nên khi đi học chỉ mượn 25% tiền học, còn thì được nhà nước giúp phần còn lại, nhờ học trường công còn con gái thì được ít hơn vì học trường tư.
Vấn đề là thuế chỉ cho khai được $3,000/ năm nên bù trớt. Để xem coi Hoa Kỳ có chơi khăm, cho sinh viên xù tiền nợ đi học hay không vì đảng Dân Chủ, đang xây dựng cách chạy đua vào Bạch Ốc, quốc hội năm tới bằng chiêu này. Nếu không có đạo luật xù nợ đại học thì mình sẽ bán cho con mình một căn nhà rồi cho vay lại, sau một năm thì chúng có thể tái tài trợ ngân hàng để trả nợ mượn đi học, có thể khấu trừ thuế nhiều hơn $3,000/ năm, và tiền depreciation để bớt thuế lợi tức. Luật thuế quá cũ nên chưa cập nhật hoá thời nay. Chán Mớ Đời
Trong xã hội tây phương nhất là các nước theo thiên chúa giáo thì thông thường người ta ít nói với con cháu về tiền bạc vì trong kinh thánh, cho đó là “Evil”, tà ác chi đó. Mình đoán là họ nói như vậy để con chiên lo ngại nên cúng tiền nhiều cho nhà thờ. Mình đọc đâu đó, nếu không lầm trong Tân Ước không nhớ khúc nào, hình trong “Luke”. Nói về một bà nghèo nhưng cho nhà thờ hết số tiền của bà có, cho thấy bà ta thương chúa hơn những kẻ giàu có dù cho tiền nhiều hơn bà này. Tin lành thì khá hơn, chỉ lấy 10% lợi tức hàng tháng.
Người ta ngại nói chuyện với con cháu về tài chánh mà cuộc sống đều dựa vào tài chánh nên qua lịch sử, người ta thấy các nước theo đạo Tin Lành, thường khá giả hơn các nước có đa số theo Thiên Chúa giáo.
Hồi mấy đứa con còn học trung học, mình trả chúng $50 để đọc cuốn “Rich Dad Poor Dad” và mấy cuốn khác rồi tóm tắc lại cho mình. 3 cha con nói chuyện về tiền bạc, tài chánh, mình cho chúng lên Yahoo, lựa mấy cái stocks như MacDonalds,… rồi đầu tư giả nhưng sau một năm mà lời thì cho chúng tiền còn lỗ thì lấy tiền lì xì chúng lại. Mình giới thiệu chúng với Rich Dad của mình và dặn nếu chúng không thích mình thì kiếm bố mẹ bạn bè nào mà giàu thì theo học nghề họ, coi họ như Rich Dad của mình.
Mình nói chúng là nếu muốn làm 1 triệu một năm thì kiếm ai làm một triệu một năm để học nghề họ còn muốn làm $50,000/ năm thì chơi với ai làm $50,000/ năm. Người làm 1 triệu một năm, tư duy khác, có bạn, đọc sách khác với người làm $50,000/ năm. Tuỳ các con lựa chọn, không bắt buộc. Xong om.
Thằng con mình thì chơi với đám nghèo như mình còn con gái thì chơi với đám cực giàu, gốc Do Thái không, nên nó theo học Business thay vì kỹ sư. Nó đến nhà bạn của chúng có tài xế riêng, ở khu toàn đại sứ, có ô sin ở nhà, có bãi biển tư…. Ở mỹ trả tiền ô sin là khẩm vì phải trả đủ trò,…
Ông Rich Morris, đồng tác giả cuốn “ Kids, Wealth and Consequences” cho rằng người giàu ở Hoa Kỳ, tuy không nói về tài chánh nhưng họ muốn con họ, phải theo chân họ. Mình nhớ dạo đi làm ở Thuỵ Sĩ, tên bạn Hoà Lan, đi làm lãnh lương thì hắn viết ngân phiếu, gửi tiền mua stocks,…còn mình thì với tư duy ao làng Việt Nam, bỏ vào quỹ tiết kiệm. Nếu mình chịu khó hỏi hắn thì có lẻ mình đã đốt giai đoạn được 15 năm ngu lâu dốt sớm về tài chánh. Tiền để dành suốt 10 năm lao động chỉ đủ đặt cọc để mua một căn nhỏ bé tí ti trước khi lên xe hoa với đồng chí gái. Nếu mình mua cổ phiếu thị trường chứng khoán hay Mutual Funds thì số tiền ấy gấp 10 lần, trả đứt luôn. Chán Mớ Đời
Tên Hoà Lan, làm theo những gì bố mẹ hắn làm, để dành tiền bỏ vào đầu tư còn mình thì chỉ nhớ bỏ vào ngân hàng Nguyễn Tấn Đời khi xưa. Ngân hàng đâu muốn mình khôn, họ muốn mình ngu lâu để họ dùng tiền cho vay, lời gấp 5, 6 lần.
Ông Morris cho rằng khi nói đến tài chánh thì người cực giàu, khác với người Mỹ bình thường. Lý do là người Mỹ trung lưu không biết gì về tài chánh, thứ hai họ nghĩ con họ đã học tài chánh tại trường. Có một lớp dạy cơ bản cho học sinh về viết ngân phiếu, mở trương mục,…quá cổ lổ xỉ vì ngày nay giới trẻ xử dụng Venmo,…để trả tiền.
Kết quả là người Mỹ trẻ tuổi bị nợ chồng chất vì khi vào đại học, các ngân hàng quảng cáo thẻ tín dụng. Mới 18 tuổi biết gì nên cứ nạp đơn để được thẻ rồi xài đủ trò rồi không có tiền trả thì chỉ trả số tiền tối thiểu của tiền lời mỗi tháng, sau 4 năm đại học nợ cao như cái núi chưa kể là tiền mượn để đi học. Một bác sĩ hay nha sĩ ra trường, nợ từ $300,000 đến nữa triệu đô. Điên luôn.
Do đó dạo mấy đứa con còn ở trung học, mình phải giải thích chúng đủ trò về sử dụng thẻ tín dụng rồi cho chúng mấy thẻ của công ty mình để mình theo dõi.
Trong cuốn sách, tác giả cho rằng người giàu có, đều nói cho con cháu biết về tài sản của họ, có để lại cho con họ gì không, những gì ai sẽ nhận hay họ sẽ cho từ thiện. Đọc báo có ông tàu hồng không nào để lại gia sản cho từ thiện. Nếu con ông ta giỏi thì chúng sẽ giàu hơn ông ta còn dốt thì tài sản sẽ bay đi rất sớm, chưa kể con cháu chém giết nhau như bà đại gia nào ở Việt Nam, mới qua đời là con trai, đuổi cổ ông bố ra khỏi nhà, làm giấy tờ chiếm công ty cổ phần đủ trò. Thiên hạ kêu bà này khi xưa gian ác lắm, công ty bà ta làm chủ khách sạn Palace Đàlạt, và có xây thêm một phần khác rất phản cảm, làm mất đi cái đẹp oai vệ của khách sạn cũ.
Họ nói về tài chánh với con cháu không chỉ một lần mà đều đều để cập nhật hoá thông tin cho con cháu.
Họ nói về tiền bạc ra sao, lợi tức thuế, chi tiêu trong gia đình. Mình có mua cuốn sách dạy kiếm tiền thêm ở tuổi tiểu học cho chúng đọc. Chúng bắt chước, thằng anh thì vẽ hoạt hoạ, còn con em viết truyện rồi in ra đem lên trường bán cho tụi bạn 1 đô. Rồi chúng đi lượm lon ở trường, hay xung quanh hồ bơi mỗi lần đi bơi để đổi lấy tiền.
Mình thấy bạn bè cho con họ mỗi tuần bao nhiêu tiền, nói để chúng tự biết xoay sở. Khi xưa bà cụ mình kêu nay mình lớn nên cho 100 đồng, bỏ túi để lỡ có đi uống sinh tố với bạn bè chi đó. Đi đánh bi da một tiếng là hết bố tiền nên mình bắt con mình đi lượm lon theo truyền thống bần cố nông. Mỗi lần tiêu cái gì là chúng phải nghĩ đến lượm bao nhiêu cái lon nên hết dám tiêu bậy. Mình dẫn chúng ra ngân hàng, làm tài khoản rồi để vào quỹ tiết kiệm, lớn lên một tí thì bỏ vào quỹ giáo dục để giải thích là không bị thuế….
Mụ vợ cứ la mình, kêu để con nó sống tuổi thơ của chúng, đừng có nhồi sọ chúng. Vấn đề là lúc chúng còn nghe mình thì phải nói, vì sau đó thì chúng bay về vùng trời nào đó thì sao mà biết. Ngồi trên xe với bố, là nghe mấy CD nói về tài chánh, đầu tư, thương lượng. Chán Mớ Đời
Khi mấy đứa con mượn tiền đi học đại học, mình giải thích về tiền lời rồi có nói cho chúng mỗi đứa một căn nhà cho thuê để sau này, trả tiền mượn tiền đi học. Giải thích mượn tiền ra sao, credit ra sao nên thấy chúng không tiêu xài phung phí lắm. Hai năm nữa mà họ không cho sinh viên xù nợ đại học thì mình bán cho thằng con và đứa con gái một cái nhà cho thuê, rồi cho vay lại để khỏi đóng thuế nhiều. Sau đó một năm thì chúng có thể tái tài trợ qua ngân hàng, để trả nợ đi học vì chính phủ chỉ cho khấu trừ $3,000/ năm. Đây chúng có thể khấu trừ tiền lời lên $30,000/ năm. Bớt đóng thuế lợi tức,….
Mình nói với mấy đứa con đi làm, đừng có tiêu, đưa bố tiền, bố mua dùm nhà cho thuê. Mỗi năm một căn rồi khi nào có đủ 10 cái thì thoải mái con gà kê. Để người thuê nhà trả nợ mượn ngân hàng. 20 năm sau thì không cần làm nữa, cứ đi chơi thả dàn. Điều tiên quyết là lấy chồng, lấy vợ phải chọn cho kỹ vì thành bại hay không là ở đây.
Chán Mớ Đời
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét