Sự phát triển Đàlạt

Đàlạt nằm ở vùng nhiệt đới, nhưng ở cao độ 1,500m nên khí hậu tương đối mát so với khí hậu Sàigòn, được người Pháp xây dựng hoàn toàn từ đầu vì trước đó chưa có một người Việt nào sinh sống tại đây, ngoài vài bộ lạc người Thượng trong vùng. Gần Việt Nam, các nước Tây phương cũng xây cất tại các thuộc địa của họ những thành phố tương tự Đàlạt. Hoa Kỳ thành lập Banguio (1,800 m) ở Phi Luật Tân, người Anh lập Ootacamund (2,200 m) ở Nam Ấn độ, người Hoà Lan lập Tosari (1,800 m) ở Nam Dương.
Người Việt đầu tiên đến đây là những người tù, thay vì đưa đi Côn Đảo thì người pháp đày lên rừng cao nguyên. Nghe nói cọp nhiều lắm, thợ săn cũng bị cọp xơi tái nên tù hết dám trốn vì sợ ông 30 làm thịt. Ngay Tây có súng cũng bị biến thành steak cho cọp.
Người Pháp cho xây dựng Đàlạt trên cao độ 1,500 m trong mục đích làm nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp làm việc tại Đông Dương, thay vì về nước nghỉ ngơi vì mẫu quốc đang lâm chiến trong cuộc chiến thế giới 1914-1918. Cô bạn đầm Catherine, năm ngoái sang Việt Nam chơi, đi lại các vùng như Nam Định, nơi bà ngoại đi dạy và mẹ cô nàng sinh ra tại đây, có kể lên Đàlạt nghỉ dưỡng nên có bò lên đây để viếng lại những dấu chân của gia đình cô ta khi xưa đã đi qua.
Trước đó, người Pháp có xây khu nghỉ dưỡng ở Bà Rịa, Vũng Tàu mà người ta hay gọi Cap Saint Jacques, cho công chức và quân nhân của họ. Sau khi viếng thăm Ấn Độ, thì toàn quyền Paul Doumer, muốn thành lập một khu nghỉ dưỡng trên núi như Ootacamund ở Ấn Độ, rất ích lợi cho người Pháp tại Đông Dương, như được tái tạo lại hồng huyết cầu khi ở độ cao.
Đúng lúc ông bác sĩ Yersin lại khám phá ra cao nguyên Lâm Viên, và đệ trình cho toàn quyền Doumer. Ông này cử hai phái đoàn quân đội đi trinh sát để báo cáo lại. Đến năm 1900 thì ông ta đích thân lên Đàlạt và lấy quyết định thành lập khu nghỉ dưỡng và tính sẽ thành lập trung tâm hành chánh Đông Dương tại đây luôn.
Bác sĩ Yersin, đề nghị làm khu nghỉ dưỡng tại hồ Dankia, trong khi bác sĩ Étienne Tardif lại đề nghị thiết lập tại Đàlạt theo hồ sơ y tế. Dankia hay bị sương mù và độ cao hơn Đàlạt.
Ông ta nhờ kiến trúc sư Hébrard thiết kế hoạ đồ phát triển Đàlạt. Có một con đường bộ nối liền Phan Thiết lên Đàlạt, và một đường rày xe lửa từ Phan Rang lên Đàlạt. Dạo ấy, người Pháp đã xây dựng quốc lộ 1 và đường rày xe hoả nối liền Nam -Bắc.
Đàlạt nếu biết khai thác, sẽ trở thành một trung tâm nghỉ mát của Đông Nam Á hay Á châu. Vâng nếu biết khai thác vì theo những thay đổi mà mình chứng kiến từ năm về thăm lần đầu tiên 1992 đến nay thì họ phá nát ý tưởng nguyên thuỷ của người Pháp trên 30 năm qua.
Cao nguyên Lâm Viên có cao độ 1,500 m, rộng 400 km2, khí hậu mát mẻ (nay thì thấy nóng vì họ chặt cây và đông dân cư). Theo đường chim bay thì cách Sàigòn 250 cây số, cách bờ biển 100 km, gần Hải Cảng Cam Ranh, Nha Trang, Phan Rang,…
Mình đọc tài liệu thì các chuyên gia đã ngắm, sẽ dùng hải cảng Cam Ranh làm thủ đô hành chánh của một nước Việt Nam thống nhất như Hoa Thịnh Đốn của Hoa Kỳ. Sàigòn và Hà Nội chỉ là vùng khai thác kinh tế như New York và California.
Hai nhân vật đã kiến tạo ra Đàlạt là toàn quyền Paul Doumer và bác sĩ Yersin. Ông Doumer sau này làm đến chức tổng thống pháp. Mình đang gửi mua cuốn hồi ký của ông ta. Theo tài liệu, được biết ông Yersin là người Thuỵ Sĩ nhưng gốc Pháp, mình đoán là ông ta theo đạo tin lành vì khi xưa, một số người Pháp theo đạo tin lành bị ruồng bố, bỏ chạy trốn sang Thuỵ Sĩ mà người tây gọi “Huguenot” theo ông Calvin (calvinist).
Vì lẻ đó, có thể ông ta vẫn xem Pháp quốc là quê hương như đa số người việt hải ngoại dù mang quốc tịch ngoại quốc vẫn hướng về Việt Nam. Do ông ta đệ trình và toàn quyền Paul Doumer phê chuẩn, thành lập khu nghỉ dưỡng này để đỡ tốn tiền, thời gian cho công chức tây đầm về Pháp nghỉ phép vì Việt Nam không phải là một nơi nghỉ dưỡng, khí hậu nóng bức. Mình về Việt Nam được 1 tuần, nóng khủng khiếp ngay Đàlạt ngày nay, chỉ có tối thì lạnh, khó mà tạo nên một nơi nghỉ dưỡng để du khách ngoại quốc đến, ngoại trừ các bãi biển mà nay họ cũng tàn phá.
Tên Đà-Lạt là do người thượng tại địa phương đặt mà ra. Theo ông Cunhac, một trong những người đầu tiên đến Đàlạt để nghiên cứu, kể trong tập san Revue Indochine người Pháp hỏi các người địa phương, bộ lạc “Lạt” và Đà hay Dak là “nước” vì có con suối chảy qua. Đà-Lạt có nghĩa là con suối của người Lạt. Mình có thấy ai kêu là do cụm từ la tinh, bú xua la mua, cho có vẻ trí thức. Chán Mớ Đời
Được biết căn nhà đầu tiên được chính quyền thực dân xây dựng là đồn nhà binh vào năm 1898, sau đó là một nhà thị sảnh năm 1900. Sau này là toà hành chính Đà Lạt trước 1975.
Đùng một cái ông Doumer bị đổi về Pháp nên bao nhiêu dự án thành lập Đàlạt đều bị bỏ quên vì các toàn quyền khác không chú trọng đến. Đến khi thế chiến thứ nhất xẩy ra, các nhân viên của chế độ thực dân, không về Pháp nghỉ an dưỡng nên mới dùng Đàlạt là nơi nghỉ dưỡng, giúp Đàlạt được tiếp tục phát triển.
Nhưng dạo ấy đường rầy xe lửa từ Phan Rang lên Xon-Gom, gần Song Pha ngày nay đã được thiết lập, và từ đó người ta lên Đàlạt bằng ngựa. Tuyến đường từ Phan Thiết lên Đàlạt cũng bắt đầu được sử dụng. Bà cụ mình kể là khi di cư vào Đàlạt, bà cụ dùng tuyến đường này để đi xe đò lên Đàlạt. Dạo mình đi Đàlạt xuống Mũi Né thì có đi đường này.
Khu nhà Decoux, gần hồ Vạn Kiếp. người Pháp mướn mấy căn này để ở khi lên Đà Lạt nghỉ dưỡng.
Nhà ga xe hoả Đà Lạt, được xem là đẹp nhất Đông Dương.
Năm 1915, người âu châu mới bắt đầu lên Đàlạt để nghỉ dưỡng, hay sinh sống, trước đó chỉ có 3 người tây ở thành phố này. Đến năm 1920 thì đường từ Song Pha lên Đàlạt mới được hoàn thành và bắt đầu thiết lập đường xe lửa răng cưa từ Xóm-Gon lên Đàlạt.
Khách sạn Palace được khởi công vào năm 1916, hồ Lớn (Grand lac) mà nay người ta gọi hồ Xuân Hương được thành lập năm 1919 do ông công sứ Cunhac và kỹ sư Labbé, bằng cách chắn con suối Cam Ly. Sau đó họ chắn thêm bởi một cái đập khác ở dưới tạo thành hai cái hồ, do đó mới có tên Grand Lac (hồ lớn) và Petit Lac (hồ nhỏ) nhưng đến năm 1932 thì hai cái đập này bị vỡ sau một cơn bão lớn. Đến năm 1934-1935 thì người Pháp mới cho xây lại cái đập bằng đá, mà ngày nay người Đàlạt gọi là cầu Ông Đạo vì xe có thể di chuyển ở trên, tạo thành cái hồ Xuân Hương ngày nay. Cách đây đâu 10 năm, Việt Cộng có cho làm lại cái đập này và vét bùn trong hồ, giúp khu cạnh vườn Bích Câu bớt đầm lầy.
Cùng thời gian ấy, nhà máy điện và nhà máy nước được xây cất để cho người Pháp dùng. Nhà máy nước nằm cạnh bên bờ hồ, chỗ đường Đinh Tiên Hoàng nhưng nay hình như bị dẹp bỏ, không biết họ đem đi đâu. Bù lại phía trên đồi phía sau, họ xây cái chùa tổ chảng màu vàng khè to đùng, thấy bảng đề Thích Tâm Ấn hay chi đó như đang hiếp dâm hay giải vong môi trường và không gian Đàlạt.
Cầu xe lửa từ Phan Rang lên Đà Lạt 
Khách sạn đầu tiên tại Đà Lạt.
Nhà dây thép, trường Nazareth,… bắt đầu được xây dựng. Nghe anh bạn kêu là nhà dây thép (bưu điện) là ngôi nhà dùng cho công sở được xây dựng đầu tiên tại Đàlạt, cạnh nhà thờ Con Gà, đối diện Hôtel du Pảrc, sau này người ta dời qua chỗ bên cạnh.
Đến năm 1923, toàn quyền Q. Long giao cho kiến trúc sư Hébrard thiết kế đồ án phát triển thành phố Đàlạt có thể chứa trên 300,000 thị dân. Ý tưởng chính của đồ án là tập trung dân cư xung quanh vùng Hồ Lớn, một khu quân sự ở viện đại học Đàlạt ngày nay, cạnh bên trường chính tranh chính trị xưa và khu trung tâm hành chánh ở vùng trường Võ Bị Quốc Gia xưa, gần hồ Than Thở nhưng sau này bị bãi bỏ.
Xem bản thiết kế thì cái trục chính của thành phố là con đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương ngày nay từ phi trường Cam Ly về, đường Lê Thái Tổ từ Tháp Prenn lên, đều có các dinh thự, cơ quan hành chánh, biệt thự nhất là ở đường Trần Hưng Đạo. Ở khúc Lê Thái Tổ thì có phát hoạ nhà ga xe lửa, sau này được dời xuống đường Nguyễn Trãi, còn khu nhà ga thì trước 75, ông Nguyễn Hợp Đoàn, tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức, có cho ủi miếng đất để làm bến xe Đàlạt, nay thì các xe đò đến Đàlạt đều đậu ở đây thay vì ở gần cầu Ông Đạo, khu Ấp Ánh Sáng.
Xung quanh hồ lớn thì có trung tâm thể thao mà sau này người ta xây Cercle Sportif nơi đánh tennis rồi Thao Trường, sân Vận Động, vườn Bích Câu, sân cù, trường học… còn chợ thì toạ lạc tại Ấp Ánh sáng, sau 1945 mới được đưa lên khu Hoà Bình, thường được gọi là Chợ Cây vì làm bằng cây và lợp tôn, có lần bị cháy. Sau 1960 mới dời xuống chợ Mới hay chợ Lớn ngày nay.
Khu xung quanh khu Hoà Bình, đều do thầu khoán Võ Đình Dung xây cất. Mình có thấy hình xưa mấy cái kiosque bên tay phải từ đường Lê Đại Hành lên, sau lưng vũ trường La Tulipe, xây theo kiểu arche của vùng Normandie. Sau này, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, thiết kế cái cầu thang vô chợ trên và chợ dưới, cho dẹp các kiosque này để khỏi choáng phong cảnh chợ và hồ Xuân Hương xa xa. Thậm chí khách sạn Mộng Đẹp, có thời cho quân đội Mỹ thuê, cũng được thiết kế thấp hơn để khỏi chướng ngại tầm nhìn từ khu Hoà Bình ra hồ. Khi xây, ông thầu khoán này chơi cha thiên hạ thêm mấy tầng rồi bôi trơn chính quyền mới nên im ru bà rù.
Chính ông kiến trúc sư Hébrard thiết kế Thuỷ Tạ mà ông ta gọi “La Grenouillère” khiến mình điên điên vì không hiểu tại sao lại có cái tên cúng cơm tây rất ư là hoành tráng. Cứ đoán là dân Tây thích ăn thịt ếch nên đặt cái tên này. Sau này sang tây thì mới khám phá ra có một nơi thanh lịch mà dân giàu có ở paris hay đến đây chơi thuyền trên sông hay nhảy đầm, có cái tên La Grenouillère, do đó mình đoán là ông kiến trúc sư này thiết kế chỗ này để nhớ về quê hương của ông ta như người Việt hải ngoại đặt tên Phở Sàigòn, Phở Hà Nội,… người Việt mình gọi Thuỷ Tạ vì chữ hán viết là Thuỷ Tạo, rồi người mình đọc thiếu trở thành Tạ, khiến mình có dạo cũng ngu ngu không hiểu lý do chữ “Tạ”.
Petit Lycee Yersin, nơi mình học các lớp tiểu học khi xưa
Grand lycee Yersin, nơi mình học trung học đệ nhất cấp, premier cycle 
Năm 1926, tây bắt đầu xây trường học Le Petit Lycée, Grand Lycée Yersin sau đó năm 1935 thì Couvent des Oiseaux, do bà hoàng hậu Nam Phương đề xướng, tặng 8 mẫu tây đất để xây dựng trường này mà mình đã có kể…
Căn nhà tiêu biểu cho khu nhà Decoux, gần trường Trần Hưng Đạo, gần hộ Vạn Kiếp mà người Pháp lên Đà Lạt nghỉ mát, mướn để ở. Như ngày nay, chúng ta lên núi mướn mấy cái châlet ở.
Năm 1923, Đàlạt chỉ có đâu 10 căn nhà làm bằng gỗ, 15 năm sau thì có đến 398 biệt thự và năm 1939 có tổng cộng là 427 biệt thự. Sau đó có những biệt thự được xây cất để bán hay cho thuê như cư xá Saint Benoit, Chi Lăng ngày nay, cư xá Bellevue hay Des Piques, còn được gọi là cư xá Decoux,mang tên toàn quyền Decoux mà khi xưa học lịch sử, trong lớp hay nói ông tây 2 cu cho dễ nhớ, kiểu bình dân học vụ. Sau này được dùng làm chỗ đóng quân cho Ngự lâm Quân của Bảo Đại, rồi trường trung học Bảo Long, sau đó đổi lại Trần Hưng Đạo.
Mình không biết kiến trúc sư nào, đã thiết kế trường Võ bị rất đẹp, so với thời gian đó.
Đường Hai Bà Trưng được người Pháp cho xây các cư xá cho nhân viên làm việc tại Nha Địa Dư, ty Kiến Thiết, Bưu Điện, Công Chánh, viện Pasteur, nhà đèn,…do đó thời đó không có hàng quán, tiệm buôn bán ở đường này như ở đường Phan Đình Phùng. Trước 75 thì có vài cái quán nhỏ được mọc lên để bán thuốc lá lẻ, bánh kẹo cho con nít,…
Dân số Đàlạt năm 1923 chỉ có 1,500 cư dân đến năm 1939 thì lên đến 11,500 trong đó có 600 pháp kiều. Như mình có kể, người Huế vào Đàlạt, rồi có người từ Hà Đông vào để trồng rau cải ở Đàlạt do tổng đốc Hà Đông, Hoàng Trọng Phu đưa vào nhằm giải quyết nạn nhân mãn của vùng Hà Đông, thêm người Nghệ An và Hà Tỉnh vào Đàlạt để làm cu li, xây dựng đường rầy răng cưa từ Song Pha lên Đàlạt.
Trong thời gian đệ nhị thế chiến, người Pháp đổ xô lên Đàlạt nghỉ dưỡng vì không về Pháp quốc được. Họ càng chú tâm phát triển Đàlạt để trồng hoa, rau cho pháp kiều tiêu thụ. Hầu như các loại rau của Pháp đều được đem sang Việt Nam trồng tại Đàlạt.
Toàn quyền Decoux kêu kiến trúc sư Lagisquet phác hoạ chương trình phát triển Đàlạt, vẫn giữ ý chính của ông Hébrard. Các trường học việt khác được xây dựng, nhà thờ,… cho thấy cuối năm 1945, Đàlạt có trên 1,000 biệt thự.
Ngoài ra, người ta có nhà máy thuỷ điện ở Cam Ly dẫn về Đàlạt qua trạm biến điện ở đường Lê Quý Đôn, mà mình hay thấy ông Tây Nhà Đèn, say rượu, cầm ba toong rượt tụi này đi học về, rồi vùng Song Pha,.. Dân số cũng tăng dần đến 25,500 người vào năm 1944, rồi thiên hạ chạy tản cư vì tây đổ bộ. Đến năm 1955, có 1 triệu người Bắc di cư vào nam, một số lên Đàlạt sinh sống nên dân số nhân gấp đôi, lên đến 53,390 người. Rồi chiến tranh tràn lan, dân xứ Quảng, Thừa Thiên, bỏ làng chạy vào Đàlạt làm vườn nhiều.
Với hiệp định Geneve được ký kết, người Pháp rời Đông Dương, Đàlạt được chính quyền miền nam cai quản, không còn được xem là Hoàng Triều Cương Thổ nữa. Theo mình bắt đầu xuống dốc vì dân số nhân gấp đôi nên nhà cửa bắt đầu mọc lên như nấm thêm nạn thương phế binh cắm dùi, xây nhà lộn xộn, không theo quy hoạch làm bước tiến cho sự phát triển vô tội vạ và di dân từ miền bắc vào sau 1975, khiến dân số nhân gấp 10.
Có vài người hỏi mình về sự phát triển của Đàlạt. Theo mình thì Đàlạt được phát triển một cách cẩu thả trong thời kỳ chiến tranh nhất là sau Mậu thân vì nông dân, chạy giặc được đưa vào thành thị nhưng sau 1992, Đàlạt được phát triển một cách man rợ, vô tổ chức theo kiểu tư duy ao làng.
Điển hình nhà bên cạnh căn nhà mà gia đình mình ở của cư xá Công Chánh. Ông bà cụ mình kêu mình và một ông người Huế nào, cuốc đất, ban đất rồi xây cái nhà, chả cần xin phép gì cả. Trong xóm, tương tự, ông Hiển chết nên gia đình ông ta, trả nhà cho gia đình ông bà Châu ở và xây cái nhà ngay ga ra khi xưa, làm tạm, rồi con bà Hiển, cắm dùi ở sân nhà Bà Ron, em của ông bà Phú, xây cái nhà, rồi trên đường Thi Sách, có bà Hành chiếm đất, bà Thới, bà mẹ thằng Khánh Ù,…. Khiến bà Ron chửi đủ trò nhưng tên Kiệt, đi An Ninh Quân Đội, vác súng ra bắn vài phát, huề cả làng. Nhà bà Địch dưới đường Hai Bà Trưng cũng chơi một căn nhà hoành tráng,… thương phế binh cắm dùi miếng đất mới được ủi ở đường Hai Bà Trưng hay đường Cường Để, ôi thôi loạn. Dạo đó trong xóm thiên hạ chửi nhau vì dành đất của nhau, vui không thể tả.
Mình về Huế, làng An Cựu thăm nhà thờ tổ của bên vợ thì thấy vườn tược chi đều được phá hết để xây nhà cửa cho mỗi đứa con hay cháu, hằm bà lằn. Dân di dân vào Đàlạt với tư duy ao làng nên họ cũng xây cất loạn lên, vô tổ chức như thể Đàlạt bị hiếp dâm tập thể rồi sinh ra đủ loại con vô thừa nhận.

Theo mình thì vẫn còn có cách cứu chữa Đàlạt. Quy hoạch do kiến trúc sư Hébrard có thể chứa 300,000 cư dân ở Đàlạt. Thứ nhất là nên ra nghị quyết biến Đàlạt thành một công viên quốc gia, cấm không cho xây dựng thêm ở Đàlạt rồi từ từ chỉnh đốn sau. Dời kinh tế, hành chánh về Bảo Lộc, vườn hoa, rau về vùng Đức Trọng, dân sẽ dời về Bảo Lộc làm ăn hay Đức Trọng để làm nông vụ. Còn hành chánh thì về hồ Than Thở,.. Thuê chuyên gia cực giỏi để họ làm luật lệ xây cất, và vẽ lại Đàlạt, trồng lại thông 3 lá vì khi bị phá đi như hiện nay thì thông ba lá sẽ mất vĩnh viễn. Mình thấy dự án mới về Đà Lạt, họ kêu thằng tây nào vẽ cà chới không thể tả. Cứ vác một thằng tây dốt vào để nổ người Việt. Dân mình thì cứ nghe ông tây là chắc phải giỏi hơn người Việt. Chán Mớ Đời 
Họ phá rừng thông để trồng cà phê dỡ nhất thế giới, bán rẻ cho ngoại quốc thay vì để rừng thông, giúp đem du khách lên tham quan kiến tiền nhiều hơn là trồng cà phê. Phải bán bao nhiêu tấn cà phê để mua một cái điện thoại Iphone. Nhà chức trách cần có tư duy Phù Đổng để đem thế giới về Đàlạt. Họ cần cho người đi tham quan các khu nghỉ dưỡng trên thế giới, để tìm một lối phát triển Đàlạt đặc thù cho thế kỷ 21 nếu không thì chúng ta sẽ mất Đàlạt vĩnh viễn. Hôm trước, mình đi viếng các hồ ở vùng Mammoth lần thứ hai, vẫn thấy họ thiết kế rất hay và gìn giữ thiên nhiên quá chuẩn. Nếu Đà Lạt mà được giữ gìn và thiết kế theo mô hình này thì dân giàu thành phố mạnh. Hàng năm mấy triệu người vùng đông Nam Á sẽ viếng Đà Lạt.
Có người nói mình đi xa về rồi chê Đàlạt, Việt Nam. Không phải. Nếu họ có thể ra khỏi Việt Nam, đi chu du thì sẽ thấy sự khác biệt giữa Việt Nam và thế giới. Mẹ mình, cả đời chưa bao giờ được đi học, sang Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đưa ra những nhận xét, so sánh với Việt Nam rất đúng. Mình đi nhiều và có ở Thuỵ Sĩ một thời gian, hay Hoa Kỳ có những vùng miền núi, họ giữ thiên nhiên rất kỹ. Không cho xe cộ vào. Người Mỹ phải trả tiền đặt cọc trước cả năm hay 2 năm để vào đấy tham quan. Xe cộ không được vào công viên này. Muốn ở lại cắm trại mỗi đêm tốn cả $150.


Ở Đức, họ có cho xây dựng lại những thành phố bị quân đội đồng minh thả bom tan nát trong thời kỳ thế chiến để giữ lại kiến trúc cổ xưa, di sản văn hoá của tiền nhân thay vì xây dựng lại kiểu mới, rẻ hơn. Có thể nói là văn hoá Đàlạt do tây mà ra nhưng thật ra Đàlạt có cái hay với nét tây phương sẽ giúp du khách á châu ngay cả âu châu đến tương tự Hội An có nét phố tàu còn phố Việt Nam thì nên về làng sẽ thấy. Bú xu la mua, không đầu không đuôi.
Mình vẫn hy vọng một ngày nào đó, nhà chức trách Đàlạt có trách nhiệm, sẽ có viễn kiến, tái tạo trùng tu lại Đàlạt xưa, sẽ giúp thị dân giàu có hơn và Đàlạt sẽ là dấu ấn của nhà chức trách cho muôn đời sau thay vì ăn xổi như dự án ở khu Hoà Bình.
Chán Mớ Đời
Nguyễn Hoàng Sơn