Tóc em thưa em đi trong gió
Tóc em không có em đi vô chùa.
Đọc mấy câu này làm mình nhớ một chị trong xóm khi xưa ở Đà Lạt. Nhà chị ta ở gần giếng Ông Ba Tây. Chị ta nghe ai giới thiệu đến nhà mình, nhờ bà dì, làm thợ may, may cho cái áo dài. Từ đó hay đến gặp bà dì mình. Cuộc đời chị ta theo mái tóc được tả như trên. Chị ta tên Thảo, hay đến nhà mình trò chuyện với bà dì mình là thợ may.
Dì mình dạo ấy cũng kén chọn, nhiều người theo đuổi thậm chí dân miền Tây, được giới thiệu, cả nhà lên hỏi cưới nhưng Dì không chịu vì mộng ước cao hơn làm chủ tiệm thuốc tây rất nhiều. Dì rời Huế vào Sàigòn học nghề thợ may nơi ông Tư, ở đường Thủ Khoa Huân, gần chợ Bến Thành, hình số nhà là 34, người may áo dài cho tổng thống Ngô Đình Diệm khi xưa. Sau này ông Tư về hưu, muốn sang một tiệm cho dì nhưng dì muốn ông cho căn tiệm ở đường lớn nhưng ông Tư có đến 9 người con nên dì giận, bỏ lên Đà Lạt ở với gia đình mình. Dì chưa chồng nên hợp với chị Thảo, hai người bàn luận, tỉ tê to nhỏ về đàn ông. Hai người không hiểu lý do gì bị mụn to đùng ở mặt nên hay điều nghiên cách chữa bệnh mọc mụn trên mặt. Không biết vì to nhỏ với nhau mà sao mình thấy mụn của họ tương tự nhau. Bà dì mình cứ mỗi tối là phải lấy nghệ xoa trên mặt, chỗ mấy cái mụn mọc vô trật tự.
Tóc chị rất dài gần tới lưng, mình nghe người lớn kêu đó là tóc thề. Mình không hiểu tóc thề là tóc gì, là tóc người ta để dài để thề thốt với người yêu hay chi đó. Còn tóc chị Tình, người giúp việc thì dài hơn cả chân chị ta. Mỗi lần chị ta gội đầu với chùm kết xong, là thấy chị ta đứng trên cái ghế rồi xả tóc xuống chấm đất rồi cứ chải tóc hoài cho khô. Ông Trịnh Công Sơn kêu hong tóc bên bờ còn chị Tình thì hong tóc trên ghế. Hỏi người lớn tóc thề là tóc ra sao thì họ cứ tát mình rồi phán cho một câu sao mày ngu thế nhưng cho tới nay mình cũng chả hiểu tại sao người ta gọi tóc thề. Chỉ nhớ khi học truyện Kiều thì có mấy câu nói về tóc thề.
Tóc thề đã chấm ngang vai
Nào lời non nước, nào lời sắc son.Một hôm, chị Thảo đến nhà mình với tóc ngắn mà tây gọi là Demi-garçon như hình cô ca sĩ Sylvie Vartan, nói với bà dì là mua thuốc gì đó uống để giải tán đám mụn mọc vô trật tự. Khi xưa tóc dài nên ít ai để ý đến cái mặt đầy mụn của chị ta. Nay muốn trở thành La plus belle pour Aller danser, nên cắt tóc ngắn như bài hát này cô em bắc kỳ nho nhỏ, tóc đờ mi gặc xôn. Chị ta đọc tên thuốc để mình ghi lại rồi chạy qua tiệm thuốc tây Lâm Viên ở đường Phan Đình Phùng, ngay chợ Nhỏ mua thuốc cho hai người. Vấn đề là chị ta không biết tiếng tây, lại không ghi lại tên thuốc mà đọc theo âm Việt trong khi mình lại không rành tiếng Việt, vừa dốt tiếng tây nên viết thành Bê-đui và B đuôi. Khỏi cần mua thuốc cứ ra Đắc Tín ăn phở đuôi bò. Chị ta kêu không phải nên mất nữa tiếng để mò tiếng Tây qua âm người Việt. Thời đó chưa có gú gồ nên mình phải vận động tư duy để hiểu chị Thảo nói gì ở tuổi học học 9 ème. Cuối cùng mình tư duy đột phá chạy qua tiệm thuốc Tây để hỏi.
Lúc chạy qua tiệm thuốc tây, gặp ông bán thuốc tây, quên tên, người thấp thấp, chỉ thấy cái đầu ông ta qua cái bàn gỗ, có thời để ý bà dì mình khi dì mướn một chỗ để may ở tiệm ông Ba Hoà, chuyên may liểng đám ma bên cạnh nhưng bà dì mình không đáp lại mối tình hữu nghị, thợ may-bán thuốc tây. Khi mình nói cho thuốc Bê-đui thì ông này giác ngộ cách mạng ngay, đưa cho mình một hộp sinh tố B-12. Tiếng tây gọi số 12 là “Douze” mà chị Thảo phát âm ra thành Đui, mình thuộc dạng ngu lâu dốt sớm nên viết thành Bê-đui. Ngày nay, chắc phải đánh vần Bờ Ê bê đờ ui đui.
Dì mướn một chỗ trong tiệm ông Ba Hoà, để may vì gần chợ, ngay phố nhưng không hiểu sao, dì lại cãi nhau với ông Ba Hoà. Ngay chợ Nhỏ, mẹ của thằng Đào, học Yersin với mình, chắc lớn tuổi hơn vì thấy nó lái xe gắn máy dạo đó, chở gái đi chơi đủ trò. Trong lớp gọi nó là Playboy, theo gen của bố nó vì ông ta có vợ bé ở Sàigòn. Mẹ nó kêu dì mình đi với bà ta về Sàigòn để đánh ghen. Bà mẹ thằng Đào không biết Sàigòn, còn dì mình thì ở Sàigòn gần 20 năm nên được nhờ. Chuyện vỡ lẻ ra sao đó, dì mình bị ông Hoà la nên giận đời vì thấy mình quê, giúp mẹ thằng Đào đi đánh ghen như vũ nữ Cẩm Nhung bỏ tiệm ông Ba Hoà về nhà mình may. Ít khách, mẹ mình nuôi, không tốn tiền ăn ở nên hay tâm sự với chị Thảo về tình yêu lứa đôi.
Nhớ có lần chị Tình phải về quê vì có người thân qua đời. Dì xung phong nấu ăn. Dì cả đời chỉ biết may, chưa bao giờ biết nấu ăn. Dì kêu mình quạt than cho lò rồi trưa đó thì canh nấu, không thấy nước chỉ thấy bún. Nguyên một nồi canh đầy nhóc, ngập ngụa bún nở phì ra. Dì nói thấy bún ít quá, nên bỏ mấy gói bún. Không ai còn nhớ không, doạ ấy mấy gói bún khô được bó nhỏ lại như bó len, rồi người ta lấy dây cao su, bó lại. Dì bỏ vào 5, 6 bó bún nên cái nồi nở đầy nồi.
Thuốc Bê-đui để tẩm bổ hết mụnMình lãnh trách nhiệm cưa ống B-12 cho bà dì uống để làm hàng rào ấp chiến lược, ngăn ngừa mụn xâm nhập trên mặt. Khi xưa, thời tây, nên các thuốc bằng nước đều được bỏ trong các ống bằng ve chai, ở hai đầu nhỏ lại và dài. Mình nhớ hộp thuốc có 6 ống thuốc Bê-đui. Thường họ có cho thêm cái cưa nhỏ, mình lấy một ống và lưỡi cưa để cưa một ống nhỏ, sau đó trút cái ống vào cái ly rồi cưa tiếp cái ống dẹp bên kia. Lý do là một ống bị cưa nhưng không có không khí vào nên khó chảy ra. Chả hiểu lý do sao bà dì bắt mình cưa ống thuốc. Có lẻ mình học nghề y tá của ông cụ khi xưa. Ông cụ hay sai mình làm mấy vụ này khi chích thuốc trong gia đình. Nấu nước sôi, rồi ngâm syringe và kim chích trong nước sôi để khử trùng.
Thế là cứ mỗi tuần mình phải chạy qua tiệm thuốc tây Lâm Viên để mua 1 hộp thuốc bê-đui cho bà dì còn chị Thảo thì từ khi biết được hiệu thuốc thì tự đi mua. Rồi một ngày đẹp trời, bà dì đi lấy chồng, đám cưới được tổ chức ở nhà hàng Nam Sơn. Chị Thảo không còn ai tâm sự, hết xuống nhà mình. Lâu lâu có thấy chị ta đi lêu bêu ngang qua nhà. Không biết chị ta có đi làm hay không hay ở nhà học nấu ăn với mẹ đợi ngày vu quy.
Trên đời không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ làm đẹp hoài nhưng không thành công. Do đó rất tốn tiền khi em là con gái trời bắt xấu. Hồi nhỏ, người ta nói mình đừng lấy vợ đẹp vì chỉ lo làm đẹp, không bếp núc, tốn tiền. Mình ngu nên cãi lại, kêu xấu như chị Thảo tốn tiền mua thuốc bê-đui, xoa kem da mặt đủ trò, tối ngày cứ đi phố thì bị ăn thêm cái tát, bảo sao ngu thế, nói to như vậy, vách tường nó báo cho chị biết thì thêm thù oán. Từ đó mình hết dám nói chuyện cạnh tường nhà vì sợ chúng làm công an khu vực, điềm chỉ cho chính quyền rằng mình nói xấu phụ nữ.
Hình này thấy tiệm thuốc tây Lâm Viên, cận cảnh là trường tiểu học Mình Trí, bên cạnh là nhà bác sĩ Giãn, kế bên là nhà bảo sanh Tôn Thất ChíRồi mình đi tây. 20 năm sau về Đà Lạt, hỏi vách tường xưa xem hàng xóm ai còn ai mất thì nghe tin chị Thảo có lấy chồng sau 75, rồi sau đó tình yêu tan vỡ ra sao, không sinh được con nên bị ông chồng đánh đập hoài, nay cạo đầu đi tu đâu dưới Đại Ninh. Trên đường Calmette, có con gái đầu của bác Mân, bà con hay người làng chi với bà cụ mình, làm cảnh sát, có lỗ mũi lập thể như tranh hoạ Picasso nên sau này chị ta nổi tiếng qua tập thơ “em là con gái trời bắt xấu”. Nghe nói sau 75 cũng cực khổ lắm. Mình có kể ngày xưa về chị Lệ Khánh rồi.
Dì mình thì chê của nào trời trao của nấy. Chê mấy ông theo đuổi là thấp, sau này lấy chồng cũng thuộc dạng không cao lắm, thua dì 10 phân. Lấy chồng rồi, dì không còn thời gian để làm đẹp, chăm sóc mụn cóc gì bay hết. Khi về Đà Lạt lần đầu thấy dì hết may vá vì mắt kém, ngồi quạt lò bán bắp nướng ngoài đường chỗ Ngã Ba Chùa. Nhà cửa bên chồng cũng bán hết, đổ nợ, dọn vô nhà phía trong hẻm ông Xu hUệ. Thấy thương dì! Chỉ biết đưa cho dì chút tiền tiêu.
Thời con gái nhiều ước mơ, mộng cao sang để chẳng có gì mang theo khi lấy chồng. Phải lao động may vá cực lực, nuôi 4 người con riêng của chồng, bố mẹ chồng rồi con của dì nên mỗi lần nghe bản nhạc Tóc Gió Thôi Bay là mình nhớ đến dì và chị Thảo và thuốc bê-đui. Lâu lâu đi tập về, ghé tiệm phở 79 ăn tô phở đuôi bò để nhớ đến B 12 mà mình lại viết thành bê-đuôi. Chán Mớ Đời
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn