Những tấm ảnh xưa #2

 Mình không biết lý do nào lại có trên 2,750 tấm ảnh cũ của Đà Lạt xưa. Nhiều người nhớ Đà Lạt xưa nên sưu tầm hình ảnh cũ rồi gửi cho mình. Vấn đề là làm gì với mấy tấm ảnh này. Không lẻ cứ xem mấy tấm ảnh rồi kể chuyện đời xưa. Mấy bác nghe em kể chuyện Đà Lạt nay chắc đã ớn cận cổ. Mấy bữa nay tình cờ thấy mấy tấm ảnh của ông nhạc sĩ nào tên Thi ở Đà Lạt, tải lên mạng khiến mình thất kinh. Những tấm ảnh này mới thấy lần đầu tiên nhất là đám tang của ông Cửu Quế (Nguyễn Quế). Ông này người làng Ngọc Anh, Thừa Thiên, đồng hương với ông Võ Quang Tiềm. Có thấy tấm ảnh chụp ông Tiềm đi đám.

Tò mò mình hỏi ông nhạc sĩ kiêm chủ quán cà phê ở Đà Lạt thì khám phá ra Ông Cửu Quế là người làng NGọc ANh. Mình hỏi vậy có bà con chi với ông Võ Quang Tiềm, bà cụ mình gọi Dượng. Lần trước về Huế, mình có chạy xe qua làng Ngọc Anh thì bà cụ nói làng ni làng của ông Tiềm. Do đó mình nhớ. Hoá ra người cùng làng với ông Tiềm. Nghe nói làng này có 3 dòng họ Nguyễn và một họ Võ, cho nên rất gần nhau.

Vấn đề là khi xem một tấm ảnh cũ Đà Lạt khiến mình xốn xang, nhớ lại ngày xưa, những ngày đi ngang đây. Không ngờ những hình ảnh ấy chỉ còn trong tiềm thức.

Tấm ảnh này chụp trên đường Hùng Vương, gần ngã Ba Huyền Trân Công CHúa đi lên trường Couvent Des Oiseaux, toạ lạc trong rừng cây thông phía sau. Hình chuẩn bị cuộc đưa đám ông Cửu Quế. Bên tay trái hình như là ngôi chợ ở khu vực này. Có người nói chợ Suối Cát Nam thiên. Khu vực này được xem là khu vực dành cho người Việt (indigenes) đầu tiên theo bản vẽ phát triển của Đà Lạt thời tây. Hình như chỗ này có đường băng qua suối về Hoàng Diệu, chỗ lò gạch và có một bản thượng, có nhà thờ Cam Ly mà mình đã kể.

 Hồi năm 8 ème và 9 ème, bà cụ cho mình học trường Thanh Ngọc vào buổi sáng, mình học Petit Lycee vào buổi chiều, gần Couvent des Oiseaux nên mỗi ngày đi ngang khu vực này. Nếu mình không lầm có một anh chàng tên Châu, người béo béo, thấp thấp, học với mình khi xưa ở lycee, nghe nói nay sinh sống tại Úc Đại Lợi. Biết thôi chớ không chơi với nhau. Hình như ông bố có chiếc xe Lambretta, chở khách.
Đám tang đi lên về phía đường Lê Quý Đôn, bên trái là đồi của trường Petit Lycee. Bên phải là các biệt thự đẹp. Mình nhớ khi học 11 ème, ra chơi là dưới mấy cây thông này, nhìn xuống đường Hùng Vương. Chỗ này nhớ có lần bà đầm Cavalier dạy, dẫn ra đây để đón Ngô tổng thống, đi kinh lý, ngồi xe huê kỳ từ phi trường Cam Ly chạy về. Hai bên đường là học sinh với thường dân, cầm cờ phất ầm lên kêu Ngô tổng thống muôn năm. Sau đó mấy tháng thì ông ta bị giết. Chán Mớ Đời

Đối diện Petit Lycee thì có nhiều biệt thự, có một con đường nhỏ đi xuống vùng thấp, nơi mấy cái vườn. Có dạo mùa hè mình học tư một ông giáo ở khu vực này. Bổng nhiên quên tên. Ông ta có một người con trai du học ở Pháp, năm 1972, có về Đà Lạt thăm, lấy vợ đầm. Mình gặp khi ông ta ghé thăm bà dì mình ở số 11 Duy Tân, Đà Lạt xưa. Có một cháu gái học chung với mình, năm 10 ème với ông Didier, không nhớ tên. À cụ Khâm.
Đây là góc ngã ba Hùng Vương và Lê Quý Đôn, thấy hai ông cảnh sát đứng gác. Trước mặt là khách sạn Duy Tân. Hình như chỗ này có vũ trường thì phải vì nghe thiên hạ kể đi nhảy đầm ở đây. Phía bên tay trái là nhà của một gia đình tây, thường thấy họ nuôi vài con gà tây. Có xích đu đủ trò. Mỗi lần đi học về thấy mấy đứa tây đầm ở đây, ngồi đánh đu thèm chảy nước miếng. Mình đi học mỗi ngày băng qua khúc này đến Petit Lycee. Bây giờ  là một khách sạn to đùng. Lần trước về mình có ăn cơm với Ngô Văn Thuỷ tại đây và mấy người bạn học chung khi xưa.
Hình này của ông Lê HUy Cầm tải căn nhà của công ty Shell, ngay đường Hùng Vương và Đoàn Thị Điểm. HÌnh như mình có kể hai căn nhà này rồi. Bên phải là đường Huỳnh Thúc Kháng, có nhà thờ Tin Lành bị bắn nát năm Mậu Thân mà mình đã kể rồi.
Đây đường Phan Đình Phùng, gần ngã ba chùa. Cuối đường hình ảnh, thấy nhà thờ Tin Lành trên đồi Hàm Nghi, thấy khách sạn Mimosa, dãy nhà tiệm Sơn Hà bán gạo. Đối diện bên tiệm Đức Lợi và tiệm thuốc tây, hình như trường bà sơ Trinh Vương. Cạnh tiệm thuốc tây bên tay trái, có quán cơm của gia đình Nguyễn Lương Đô, có ông anh nghe nói học rất giỏi. Chỗ này phía trong có một dãy nhà, hình như của bà Mười Võ, cho thuê. Trong lớp có một anh chàng nhà ở Tùng Nghĩa tên Trần Thiện Tân, ở trong này. Lâu lâu mình cũng hay ghé đây nghe anh ta và Nguyễn Đình Tài đánh đàn. Năm đó thi rớt, anh chàng chạy về Sàigòn học lại.
Hình này chụp ngay cây xăng ngã ba chùa, thấy tiệm thuốc tây Long Vân của bà Mười Võ nhưng bên tay phải thấy căn nhà 2 tầng ngói của ông dượng mình, nhà mái cạnh hãng cưa của ông Xu Huệ. Ông dượng mình khi xưa có tiệm hớt tóc cạnh quán cơm bị Việt Cộng đặt chất nổ. Góc này có con hẻm đi qua vườn ông Ba Đà.
Đây khúc này thường được gọi là ngã ba chùa. Thấy tiệm thuốc tây Long Vân, hình như của bà Mười Võ. Bên cạnh có một chỗ dạy khiêu vũ. Đi lên chút xíu có lò xay gạo để dân Đà Lạt đổ bánh căn. Hình như bà 10 Võ có một người con trai đồng tuổi với mình tên Cao Minh Đức, nghe nói qua đời sau 75. Thấy con cháu người quá cố lạy mệt thở trên đường đi đưa đám ra Mả Thánh
Hình này thấy rõ hơn. Trạm biến điện, bên cạnh có trạm Nhân Dân Tự Vệ, ban đêm họ dăng rào kèm gai. Chỗ này có một cây xăng, bị Việt Cộng đặt chất nổ. Trụ sở nhân dân tự vệ do ông Phấn làm đoàn trưởng, đóng ngay hợp tác xã Rau.
Khúc này là ngã ba chùa. Thấy con đường từ Hàm Nghi bên trái chạy xuống Phan Đình Phùng mà người Đà Lạt xưa gọi là Cầu Quẹo vì từ Hàm Nghi chạy xuống quẹo lại về khu phố Ngọc Hiệp nên thường được gọi là đường Cầu Quẹo, vì có chiếc cầu nhỏ khi xưa. Sau này thời ông Diệm được đổi tên thành Phan Đình Phùng. Khúc này đi tới chút xíu có cái cầu, người xưa gọi Cầu Quẹo. Phía dưới có ống cống to đùng bằng Xi Măng, hướng dẫn nước từ ấp Mỹ Lộc chảy xuống ra tới suối. Ở trên được lát đường nhựa. Mình thấy giải thích này chí lý nhất do một anh lớn tuổi ở Đà Lạt kể lại khi mình kể đường Cầu Quẹo.

 Có dạo một ông cán sự ty Công Chánh Đà Lạt, quên tên, họ hàng gì đó với CBMT, lái chiếc xe công xa ngang đây thì có thằng bé chơi sao chạy ra đường bị ông ta cán chết ngày cuối tuần. Sau này họ kêu ông ta đi công tác rồi đền cho gia đình một số tiền và một tấn gạo để khỏi thưa ông ta ra toà.

Bên tay trái của đường đi xuống có cổng chùa Linh Sơn, bên tay trái có tiệm bánh rồng vàng, bán loại bán xu-xê, bánh cốm để đi đám hỏi. Có ba người học Yersin với mình ở đây. Phan thị Thu Thuỷ, nay ở nam cali, mình có gặp lại, có người em trai tên Tuấn thì phải, Bích Thu và Nguyễn Văn Khoa, học chung lớp khi xưa, hay cúp cua đi đá banh với mình ở sân Cô Giang phía sau Grand Lycee. Trước kia ở Số 4, hay đánh lộn với Tuấn Trung, sau Mậu Thân xuống đây ở nhà bà con hay sao đó vì sợ Việt Cộng đêm về trên số 4, bắt đi lính giải phóng. Mình về Đà Lạt, cố tìm anh ta nhưng không biết nơi mô. Hơn mình mấy tuổi.

Chỗ này mình đoán là từ Ấp Mỹ Lộc đi tới khúc hãng cưa Xu Tiếng

Hình này mình chưa định hình vị được vì có thể đường Ngã ba Chùa nhưng không thấy hợp tác xã rau Đà Lạt, nơi đồn Nhân Dân Tự Vệ. Mình nhớ là hai tầng lầu. Ai nhớ thì cho mình biết để bổ túc. Ngoài ra thấy căn nhà mà mình hay đem gạo đến cho họ xay gạo mỗi lần nhà đổ bánh căn. Họ lấy tiền công xay gạo. Cứ sáng đem lại rồi trưa ghé lại lấy với cái xoong, đem về. Hồi nhỏ phải đi bộ băng qua vườn ông Ba Đà, sau lớn có xe gắn máy thì chở về.
Đoạn đường này ở Mả Thánh. Phía dưới đường là con đường tên Tôn Thất Thuyết, chạy ra trường Trần Hưng Đạo. Con đường này nối liền với đường Nguyễn Hoàng ngay đoạn Nguyễn Công Trứ. Chỗ đoạn này lên mả thánh từ đường Tôn Thất Thuyết vì đường đi lên chỗ cái am ngay ngã ba La Sơn Phu Tử và Phan Đình Phùng và Tôn Thất Thuyết đã hết chỗ nên họ nới thêm con đường phía này. Em trai mình chết năm Mậu Thân cũng được chôn khu vực này. Xa xa thấy Domaine de MArie trên đường Ngô Quyền.
Bản đồ Đà Lạt xưa do tiến sĩ Chử Nhị Anh vẽ lại qua tài liệu cũ. Để ai muốn mò đường cũ của Đà Lạt xưa.

Xe chạy đẩy lên đồi mả thánh. Xe chở quan tài này được sử dụng khi em trai mình qua đời năm Mậu Thân, chắc mướn rồi chở quan tài rồi thiên hạ xúm lại đẩy tới Mả Thánh, mình nhớ đi lên khúc này rất châm vì trời mưa, đường trơn trợt.
Đường Nguyễn Trường Tộ từ cây xăng Esso, Thuỷ Tạ chạy lên cây xăng Kim Cúc, xuống Nguyễn Tri pHương, chạy về thác Datanla và Sàigòn. Nay về thì khó mà nhận ra đâu là đâu. Hình này ông Lê HUy Cầm tải lên. Nhìn thì mình nhận ra ngay. Hình ngày nay thì chịu. Hôm trước có xem YouTube ông thần nào ở Đà Lạt, quay khúc này khiến mình thất kinh.
Hình không định vị được thời gian của tấm ảnh được vì nhà may Văn Gừng lại tên Duyên, bên cạnh có tiệm xe đạp em của bà Cháu ở Phan Bội Châu và ông Công Thành ở đường Phan Đình pHùng. Chỗ hai nữ sinh đầu bên tay trái là hẻm vô tiệm chè Mai Hường. Khi xưa mình ăn chè ở đây hai lần và chè gì ngay ngõ vào dốc Nhà Làng được 3 lần, vài lần chè Mây Hồng ở đường Tăng Bạt Hổ. Mấy chị bạn kể nhiều tiệm chè ở Đà Lạt khiến mình thất kinh. Em chỉ biết có mấy tiệm này thôi. Thêm tiệm Vọng Nguyệt Lầu, chỗ này đi xuống chút xíu, ngay ngã ba Tăng Bạt Hổ.
Hình này trên đường Minh Mạng. Mình có tấm ảnh tương tự nhưng không có bóng người. Tấm này chụp thấy tiệm giặt ủi của cậu Châu, con Mệ Cai Thỏ, ngay ngã ba Tăng Bạt Hổ và Minh Mạng nên đoán chụp gần tiệm giày Mỹ Hưng. Xa xa bên trái là lữ quán Sàigòn và tiệm bi-da Hồng Ngọc. Nhà bên trái Lữ Quán Sàigòn, của một ông luật sư nào ở Sàigòn. Chỗ thằng bé đứng bên tay trái, chỗ nhà ông luật sư ở Sàigòn, có mấy thang cấp đi xuống đường Phan Đình Phùng, ngay tiệm Cẩm Đô. Chỗ này gia đình chú Lìn, bán hủ tíu cạnh hàng bà cụ ngoài chợ ở. Chỗ chiếc xe Traction đậu có tiệm hủ tiếu Nam Vang cũng do chủ lữ quán Sàigòn làm chủ. Cô con gái kể là sau 75, có ông nằm vùng kể cho bà mẹ, ông được lệnh đặt chất nổ trong gà mên vào cuối tuần khi sinh viên Võ Bị ghé lại đây ăn đông lắm nhưng thấy mấy đứa bé chơi trước cửa tiệm nên không nở. Tháng 8 năm nay sẽ lên vùng Seattle chơi, hy vọng gặp lại cô bạn học cũ, và gia đình hàng xóm khi xưa, biết đâu có duyên gặp gia đình hủ tiếu Nam Vang.
Tấm này chụp được phía bên kia dãy Hoà Bình. Chỗ tiệm Đà Lạt, có một quầy nhỏ bọc plastic các giấy tờ tuỳ thân như thẻ học sinh, hoãn dịch. Kiếm tiền bộn vì sinh viên học sinh phải ra đây bọc nhựa giấy tờ tuỳ thân. Họ lấy cái fermeture để dưới bàn, bỏ miếng nhựa lên rồi lấy bàn ủi, ủi lên, hàn kín thẻ học sinh hay giấy tờ. Hình như họ có lấy gì bỏ trên mặt plastic để khỏi chảy nhựa hết. Anh chàng phụ ông bố là học sinh Trần Hưng Đạo. Thấy có bà người thượng bán ngo, cái gù hết ngo. Có thể bà ta ở chỗ gần nhà thờ Cam Ly. Bên tay trái chỗ tấm tăng che có chữ Traders là của ông Chà Và, trước khi đi Tây, ông cụ dẫn đến đây mua cho cái dây nịt.
Hình này là trường Võ Bị Quốc gia, quá mờ. Ai có tấm nào rõ hơn một tí thì cho em xin
Khóa sinh mới nhập ngủ, đứng trước cổng vào trường chuẩn bị vào cuộc đời binh nghiệp. Nghe nói kiến trúc sư người Việt quên tên, thiết kế trường võ bị quốc gia nhập ngủ ngành Công Binh nên có nhiệm vụ thiết kế các căn cứ quân đội của Việt Nam Cộng Hoà, đã thiết kế trường Võ Bị quốc gia trước kia mang tên trường Lục Quân do tây thành lập.
Hình ảnh ga xe lửa Đà Lạt khi xưa
Mình có xem mấy tấm ảnh ngày của mấy trạm xe lửa trên, tan hoang quá.
Trường bà sơ Couvent des oiseaux
Grand lycee
Văn phòng Proviseur, chụp thời đổi thành trung tâm giáo dục Hùng Vương

Thác Prenn thời mình còn bé, có nhớ mấy nhà dù này

Mấy bưu thiếp Đà Lạt xưa
Hình ảnh phi trường Liên kHương xưa
Chỗ này thấy quen, biết là ngay Grand lycee. Hỏi bạn học cũ thì được biết từ trong trường đi ra cổng, có mấy căn nhà to đùng ở bên cạnh, chụp gần cái chuông cao. Mình đoán chắc chụp sau 75 khi chế độ mới mở trường dạy sư phạm chi đó. Hay sau khi trường Yersin được đổi qua Petit Lycee. Trở thành trung tâm giáo dục hÙng Vương. Mình có đâu 2 người em học ở đây.
Lữ quán thanh niên Đà Lạt khi xưa. Bà mẹ của Mai Thế Lương thầu trúng nấu cơm hàng ngày cho sinh viên ăn
Nhà của ông Quản Đạo Trần Văn Lý sau này được dùng làm câu lạc bộ thể thao trước khi bị phá bỏ, gần cầu ông Đạo
Hồi xưa, còn nhỏ chưa có bồ để dẫn lên đây. He he . Chắc ai có con học ở Lasan Adran nên đến đón con rồi dẫn nhau ra đây ăn uống. Lúc mình lớn lớn một chút thì chỉ đến đá banh chớ không dám vào rừng. Sợ Việt Cộng nằm vùng.

Còn nhiều tấm ảnh mới nhận được nhưng để hôm nào kể tiếp.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn