Gặp lại bà mẹ nuôi ( đầm)

 Gặp bà mẹ nuôi (đầm)


Hôm nay, thức giấc xong thì đi thăm bà mẹ nuôi đầm, người đã cho mình tá túc căn phòng ô sin của gia đình bà trong suốt thời gian đi học. Số là mình đi làm công việc đầu tiên tại pháp ở La Clusaz. Theo một colonie de vacances. Mùa đông học sinh pháp được nghĩ 1 hay 2 tuần thì bố mẹ bận đi làm nên gửi con theo mấy đoàn này cho lên núi trượt tuyết. Mình được nhận thế một tên nào vào giờ chót không đi được. Nhiệm vụ là phụ hai tên đầu bếp và chùi dọn nhà vệ sinh. 

Trời mưa paris cho thỏa lòng đội chờ

Đi chuyến này thì gặp tên trưởng đoàn, hắn hay hỏi chuyện rồi cho địa chỉ. Một hôm nhận được thư của anh chàng mời đến nhà ăn cơm. Hỏi ra thì mình nói căn phòng đang ở sắp bị phá để xây cao ốc nên đang kiếm chỗ ở. Đâu một tuần sau thì nhận thư của vợ hắn nói gọi cho bà dì vì bà ta có phòng ô sin cho mướn. 

Hôm nay gặp bà mẹ nuôi mới kể đầu đuôi. Khi cô cháu gọi thì đúng lúc hôm ấy bà giúp việc người Tây Ban Nha đưa trả lại chìa khóa để về xứ . Dạo ấy dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nghèo nên mấy bà thường bỏ chồng con qua pháp làm ô sin, gửi tiền về nuôi chồng uống rượu. Để dành một số vốn thì mấy bà về lại xứ làm ăn xây nhà cửa. Thế là mình có duyên ở phòng ô sin. Bà ta lấy mình mỗi tháng 100 quan pháp. Dạo ấy chưa có tiền Euro. Mỗi đầu tháng mình gõ cửa trả tiền. Có lần mình được mời ở lại ăn cơm kể chuyện gia đình không biết sống chết vì dạo đó mất liên lạc với gia đình suốt 3 năm sau mới biết tin tức gia đình còn sống ở Đà Lạt. Tháng sau mình trở lại trả tiền thì bà ta kêu từ nay về sau bà ta sẽ không lấy tiền nhà nữa thế là mình còn dư một trăm quan sau này để gửi chui cho bà cụ ở Việt Nam. 

Cuối năm mình đều tham dự lễ giáng sinh nhà bà ta với con của bà. Con đầu học giỏi ra kỹ sư hai thằng con kia học bị rớt Hoài nên bị đuổi sau đó đi học nghề thợ mộc còn cô con gái thì học thành y tá đúng hơn là lo các trẻ em có vấn đề. Dần dần mình được xem như thành viên trong gia đình. 

Ghé lại nơi khi xưa ở tận lầu chót. Con đường này mình chạy bộ ra jardin d’acclimatation mỗi sáng 

Sau này em mình vượt biên sang thì hai ông bà bảo lãnh từ trại tỵ nạn sang rồi cho ở trong nhà vì mấy đứa con ra riêng. Dạy tiếng Tây dẫn đi chợ đi búa. 

Ra trường thì mình chạy qua Ý Đại Lợi rồi Thụy sĩ rồi Anh quốc rồi Hoa Kỳ làm việc. Chỉ về thăm khi hai ông bà tổ chức lễ 60 năm cuộc đời và lần chót cách đây mấy năm khi đi thăm con gái học ở Ý Đại Lợi. 

Hôm nay trở lại thấy bà đã hơn 99 tuổi, có 5 người con, 17 đứa cháu và 21 chắc. Đồng chí gái có mua tặng bà ta tấm Ngọc thạch khiến bà mừng lắm vì vẫn nhớ đến bà. Nay già nên hơi mệt. Ngồi chút xíu là mệt nhưng đầu óc vẫn tinh tấn nhớ nhiều. Mình ghé thăm khiến bà ta nhớ lại những kỷ niệm xưa kia. 

Bà ta kể là khi mới dọn vào ở bà ta có đưa cho mình cái lò sưởi bằng điện nhỏ nhưng không đủ ấm vì không dám đưa cái lớn sợ bị cháy cầu chì. Sau này cái bình nước nóng bị hư nên luôn tiện mới sửa lại đường dây điện nên mới đưa mình cái lò sưởi điện cũ lớn hơn một chút. Mình nhớ là nóng quá vì phòng ô sin lại nhỏ nên không dùng. Xem như 8 năm trời ở đó không xài lò sưởi. Mùa đông học bài thì chỉ bận hết áo manteau rồi học. 

Có nhiều khi mình cần vẽ đồ án qua đêm cho xong thì bà ta kêu xuống nhà bà ta vẽ. Bà ta chỉ cái bàn ăn hồi chiều khiến mình từ từ nhớ lại như đi tìm các vết chân xưa. Phòng mình chỉ có cái bàn nhỏ và cái giường là hết chỗ nhúc nhích mà bản vẽ lại to lớn gấp ba lần cái bàn của mình. Thường mình vẽ ở trường đến khi trường đóng cửa 8:00 giờ tối rồi về nhưng ông thầy buồn đời hay cho thêm bài tập làm khi nghĩ giáng sinh hay mùa đông nên phải cần cái bàn to đùng Để vẽ. May bà ta kêu xuống nhà vẽ nếu không thì chả biết sao. Sau này mình có quen một tên Tây, nhà to lắm nên hắn kêu lại nhà hắn vẽ vì có bàn ghế rộng rãi luôn tiện giúp hắn vẽ. Tên bạn này bổng nhiên 10 năm về trước đâm ra không nhớ ai cả nên khi mình về thăm chỉ biết ngồi nhìn bạn chìm trong thế giới của hắn. Kỳ này chắc không gặp được vì vợ hắn kêu bỏ hắn trong viện nào ở Cherbourg. Lần trước về thì cả tuần cho vô nhà thương cuối tuần vợ con đem về nay chắc bệnh nặng hơn nên cho ở luôn trong nhà thương. 

Mình hỏi thăm cô cháu đã giới thiệu mình cho gia đình bà thì được biết ở miền quê nhưng nay bắt đầu lẫn rồi. Hình như hơn mình đâu 4,5 tuổi gì đó. Còn ông chồng thì chết lâu rồi khi mình còn đi học. Mình có đi đám ma nhà thờ. Xem như không có duyên gặp lại vì cũng chả biết mình là thằng an mà mít nào cả. 

Đi máy bay rẻ tiền đúng nghĩa. Ăn không cho ăn uống cũng không cho uống. Muốn uống trả tiền. Mình ăn ở phòng đợi của American Express nên cũng không cần ăn, đem theo bình 1.5 lít nước nên rỉ rã suốt 10 tiếng trên máy bay đỡ khát. Mình thấy có mấy tên thấy chỗ trống cạnh khu vực mình nên kéo nhau xuống ngồi vì máy bay không đầy. Ai ngờ năm phút sau tên tiếp đãi viên bò lại với cái máy chạc 50 Euro. Mình chả đổi gì cả lại có chỗ tốt ngồi ngủ được một giấc. Đọc chút sách cho qua giờ. 

Đến phi trường thì có thằng cháu ra đón. Mới ngày nào nó bé tí ti nay to cao như Tây. Về nhà cô em ở Rueil Malmaison. Trên xa lộ kẹt xe mưa bắt đầu rơi như khóc một đứa con hoang đàng trở về quê hương thứ hai. Nghe nói mai vẫn còn mưa nên chắc bò ra Paris đi vòng vòng tìm lại chút hương xưa. 

Hôm nay đi RER thì khi đến La Defense thì mùi và hơi của đường hầm bùng lại trong hơi thở của mình. Mấy chục năm rồi vẫn còn mùi này. Được cái xe RER ngày nay như xe Amtrak cũng có hai tầng không như xưa giống xe métro. Còn xe điện ngầm métro thì nay có các tường kinh và cửa chắn còn xe thì không người lái. Hôm nay chỉ đi đến Neuilly còn mai thì chắc ra khu la tinh bò lại trường cũ xem. Nghe nói nay họ dọn về quận 13 cạnh sông seine không còn chia năm xẻ bảy như xưa nữa. 

Mưa không dứt lại nhớ Cali nhớ đồng chí gái với tiếng lên dây đàn từng từng tứng từng. Mình thấy mụ vợ mua cây đàn mới vì American express báo cho biết. Cô em mua cho esim số điện thoại mới và Internet cho một tháng nên có số điện thoại Tây rồi. Đây là lần đầu tiên có số điện thoại Tây vì sinh viên thì không có. Thời đó là tối giãn, không điện thoại, không truyền hình chỉ radio nghe đài phát thanh. 

Trở lại paris mới chợt nhận ra mình có nhiều kỷ niệm tại xứ này. Rời paris mình để lại rất nhiều kỷ niệm của tuổi sinh viên. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn