Gặp lại bạn học Yersin
Hôm qua như đã hẹn Tuấn , thường được bạn học khi xưa gọi Toto và bà xã ghé lại nhà đón, chở vào Paris đến nhà Mỹ Kia và anh Kế. Mỹ Kia thì không có học chung khi xưa. Cô nàng học Couvent sang Yersin khi mình đã chuyển trường, du học năm 74 cùng thời với mình, tương tự Diệu Hà và Huỳnh quốc Hùng. Ông chồng là anh Kế, rất vui hay tếu tếu nhưng rất giỏi. Khi xưa đi làm được Tây đầm trọng vọng, giao trách nhiệm cao. Mình hay liên lạc với anh ta qua nhóm Yersingroup vì cô vợ đọc không được tiếng Việt cũng như anh Thái Anh cũng đọc email mình cho vợ. Có lần Mỹ Kia hỏi mình sao không dịch ra tiếng pháp cho cô ta đọc ké. Viết một lần đã oải rồi, còn nói dịch tiếng pháp. Vấn đề là viết tiếng pháp để thiên hạ cười thì chỉ có dân ở Tây mới hiểu và cười. Mỗi lần mình kể chuyện cười ở hội Toastmasters mà dùng các câu chuyện của người Pháp thì dân ở Mỹ nhìn mình như bò đội nón. Hóa ra nhiều cô yersiniennes xa xứ quên tiếng Việt. Họ mời mấy người yersinien học cùng thời với mình lại nhà ăn cơm. May là kiếm được chỗ đậu xe nhanh chớ không thì cũng quay xà quầng lâu.
Tuấn là cháu nội của bác sĩ Lương, có phòng mạch ở đầu đường Phan Đình Phùng, phía dưới là nhà bảo sanh Trương Thị Lập, nhà ở gần nhà ga Đà Lạt, mình có đến đây bắn bi với anh chàng hồi nhỏ học grand lycee. Hình như là bố dạy anh văn ở trường Võ Bị và Hội Việt Mỹ.
Hôm qua tình cờ đi ngang ngân hàng nơi mình mở trương mục đầu tiên khi qua Tây 50 về trước.Cuộc đời thấy lạ vì khi xưa người Pháp đi bộ đi xe đạp rồi họ chế ra xe hơi chạy tứ xứ rồi nay lại trở về thời 100 năm về trước, rồi không có chỗ đậu xe nên nay đạp xe đạp hay đi bộ để khẳng định mình là trí thức, bảo vệ môi trường này nọ. Thấy Tây đầm đạp xe đạp cứ vênh váo cái mặt lên trời nên hay bị xe tông rồi đám écolo xuống đường biểu tình chống xe hơi. Nghe nói chạy trên périphérique họ muốn giảm tốc độ xuống 50 km/ giờ còn trong Paris thì 20-30km. Nghe kể xe ai mà to dài, được gán ngay phá hoại môi trường hay bị chúng đâm lũng bánh xe hay cạo rạch sơn. ở pháp nên mua xe hai chỗ ngồi nhỏ nhắn là tốt, dễ đậu xe. Vài năm nữa chắc đi xe ngựa. Mình thấy ở Porte Dauphine họ đã làm lại đường rầy và đường dây điện trên không cho xe điện Tram như thời trước đệ nhị thế chiến. Chứng tỏ Pháp quốc đang đi ngược với dòng lịch sử thì làm sao tiến bộ. Wifi cũng còn yếu so với Nhật Bản hay đại Hàn. Điện thoại chỉ có 4 gờ hay ít hơn. Mình mua eSIM ở pháp mà chạy như rùa. Chán Mớ Đời
Mỗi lần về Paris thì mấy bạn học xưa đều có nhã ý mời vợ chồng mình dùng cơm. Mới tải hình đầu tiên paris là Toto hỏi liền. Có Diệu Vân, con gái hãng cưa Xu Tiếng và ông xã, hai vợ chồng đều Làm nha sĩ, về hưu chăm sóc cháu. Mình chơi thân với anh cô nàng và là người Đà Lạt đầu tiên gặp lại tại paris tại hội chợ Tết tổng hội năm 1976. Sau này qua đời Sớm khi mình ở Cali. Có Hoa, con ông bà Bùi Vàng, em của Bùi Văn Đông, học chung khi xưa. Cô này lấy chồng tên Hoà cũng họ Bùi nên khi ra tòa thị chính làm giấy tờ đám cưới bị nghi ngờ là chọc quê các công chức Tây đầm. Lý do là viết tên là Hoa Bui còn ông chồng tên Hòa thì Tây đâu có bỏ dấu nên khi thấy hai người đều mang tên Hoa Bui là Tây đầm nổi điên. Sau phải bình dân học vụ cho mấy ông Tây bà đầm về chữ quốc ngữ do người Tây phương phiên âm. Mình kể cho Hoa là có gặp chị của Huỳnh Ngọc Ánh, con ông bà Huỳnh Ngọc Bữu, có tiệm vàng ở khu Hoà Bình, cạnh tiệm Thanh nhàn của hai bác Bửu Ngự, hàng xóm với mình. Chị ta hỏi mình “biết ai đây không?” Khiến mình ú ớ như bò đội nón. Dân Đà Lạt nhưng mình đâu có bao giờ gặp mặt hay nghe tên. Mấy người này đều cùng làng Kế Môn ở Huế nên họ thân nhau lắm. Làng Kế Môn có ông tổ thợ bạc, gốc Thanh Hoá sau này làm trong triều đình nhà Nguyễn, truyền dạy nghề thợ bạc rồi dân làng đi khắp nơi mở tiệm kim hoàn. Dân làng này vào lập nghiệp ở Đà Lạt nhiều, chính họ thành lập ấp Ánh Sáng năm 1955. Ông Bùi Duy Chước, bố của bà Bùi Thị Hiếu cũng là người làng Kế Môn, ông Hoàng Ngọc Bửu khi xưa học nghề ở tiệm ông Bùi Duy Chước. Cháu ngoại của ông Chước ở Paris, có liên lạc với mình. Đa số dân làng Kế Môn ở ấp Ánh sáng rồi theo thời gian họ làm ăn phát đạt nên bắt đầu mua nhà trong khu Hoà Bình, xem như ai là thợ bạc Đà Lạt là 90% dân Kế Môn. Bên Mỹ ở Houston dân gốc Kế Môn đông như quân Nguyên. Mấy tiệm vàng ở đây đa số là của người làng Kế Môn.
Như mọi lần Diệu Vân đem món khai vị với Patê trét bánh mì còn thì thịt vịt quay và heo quay. Bên Tây thì ăn cơm á đông uống rượu đỏ hay rose đủ trò. Cô em mình đem bánh Tây đến. Phải công nhận bánh Tây ăn ngon thiệt nhưng đắt tiền. Hôm trước ăn ở tiệm ăn, tarte aux figues. Cực ngon. Tính đi lại để ăn nữa nhưng lội vào Paris thấy ớn quá. Hôm nay chắc tà tà chuẩn bị mai về nhà với vợ. Trưa hai anh em bò đi ăn couscous của Ma-rốc lại. Xa Paris nhớ couscous. Ăn xong lội bộ vào trung tâm thành phố. Xung quanh ngôi nhà thờ có đến 7 lò bánh mì và bán bánh Tây. Tính ra dân Tây còn giữ thói quen mua bánh mì hàng ngày cho bóng. Khi xưa thời sinh viên ít khi ăn pain complet còn nay thì thèm.
Câu chuyện của mọi người chuyển từ chăm nuôi cháu ngoại cháu nội vì ai nấy đều lên chức ông bà hết qua tình hình kinh tế hiện nay. Mình đoán là tình hình ở Âu châu như Nhật Bản 30 năm qua. Dân không đẻ nên không cần tiêu thụ nhiều, già thì họ tiết kiệm cho những ngày tuổi hạc. Nhà cửa Thì xuống giá. Nhắc đến vụ hội ngộ lịch sử với cô giáo Ngô Thị Liên. Họ cũng muốn tổ chức lại họp mặt bạn học cũ xưa nhưng cũng khó vì nay ai cũng lên chức ông bà, bận chăm cháu dù rất mệt nhưng vui. Chắc phải động viên cô Liên đi Tây gặp lại học trò một chuyến.
Bạn cũ Đà Lạt ăn như Tây vì không thấy đĩa gì cả.Trên đường về, GPS chỉ xe đi qua rừng Boulogne, thấy mấy chị em ta đứng đường ở bìa rừng khiến vợ Toto hỏi sao đi đường này. Ông thần này nói để cho Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen ôn lại thời xưa ở paris. Khi xưa mình ở Neuilly-sur-Seine nên mỗi sáng mưa gió tuyết hay chi mình cũng chạy bộ vào bois de Boulogne, không biết bao nhiêu cây số. Nhớ có lần đang chạy thì trong bụi vọt ra một tên Tây rồi một cô điếm chạy theo kêu trả tiền. Chắc ông Tây chơi quỵt rồi chạy làng. Nhờ chạy bộ mỗi ngày mà mình thấy cảnh đẹp trong rừng nhất là mùa thu, vừa chạy gió nhẹ nhẹ lay những lá vàng rơi rơi trước mặt để rồi được thay thế bởi những phấn tuyết của mùa đông. Cuối tuần thì đứa banh với mấy thằng Tây trong rừng. Tìm chỗ nào trống thì mấy thằng Tây đá banh còn mình xin đứa ké rồi từ từ quen qua năm tháng.
Qua Ý Đại Lợi, một anh bạn nhắc lại có lần mình sang nhà anh ta rồi khuya nên ngủ lại, anh ta kêu thằng Sơn, sáng 5 giờ sáng bò dậy chạy bộ ngoài đường. Dạo ấy mình luyện tập chạy đua Stratorino. Hình như chỉ qua new York thì mình hết chạy xe vì toàn đường và xe cộ. Chỉ có chạy bộ trong Central Park khi tập để chạy đua chi đó. Chớ ở Anh quốc, Thụy sĩ và Ý Đại Lợi hay Pháp quốc đều chạy bộ mỗi ngày. Khởi đầu là ở Mantes La Jolie, đi làm sợ tốn tiền mua vé xe buýt nên mình chạy 2 cây số đi làm và 2 cây số về nhà. Chiều chạy đi về thêm 4 cây số riết quen nên về Paris mình cũng chạy mỗi sáng đến khi sang new York.
Đến ăn cơm nhà anh bạn thấy La girolle ngày xưa mua ở Thụy Sĩ cho họ. Sau 40 năm thấy lại vật kỷ niệm.Hồi trưa thì mình đến thăm và ăn cơm nhà con bà mẹ nuôi. Tên này khi xưa hay đi chơi với mình. Có lần mình dẫn hắn đi nghe Khánh Ly hát ở Palais de Congres, ai trở về xứ Việt. Vào nhà thì thấy hắn thừa hưởng cái máy cạo fromage mà Tây gọi La Girolle. Mình mua tặng gia đình bố mẹ hắn khi xưa khi đi làm ở Thụy Sĩ. Chắc cũng 40 năm mà họ vẫn giữ.
Ăn xong ngồi nói chuyện đến 12 giờ khuya rồi mọi người để lại cho anh Kế và Mỹ Kia thu dọn chiến trường. Đó là nổi khổ khi đứng ra tổ chức họp mặt, phải có trái tim rất to to mới dám làm. Toto cho biết là Từ Lê Bình về Việt Nam sinh sống, nói đến ông thần này khi xưa ai cũng Chán Mớ Đời. Ông ta hay đập lộn với bạn học nên ai cũng ngán. Qua pháp cũng mang tính đó. Chắc có vấn đề tâm lý. Có dạo mình có liên lạc anh ta kể là qua Tây cũng đánh lộn tùm lum rồi bặt tin khi mình mời tham dự hội ngộ với Ngô Thị Liên. Có nhắc đến Paul Đào Công Hào.
Toto sắp đi Việt Nam 5 tuần lo vụ hội thiện nguyện của pháp tại Việt Nam.
Vô nhà là đi ngủ ngay. Lâu lắm mới đi ngủ quá 12 giờ đêm.
Đi ngang nhà hát mang tên nhà trí thức Tây có thời làm bộ trưởng văn hóa Tây. Tây hút thuốc rất nhiều. Nhất là các cô các bà nay họ có hút vape. Được cái là họ không cho hút thuốc trong nhà vì nhớ khi xưa đi học, trong atelier chúng hút thuốc như xe hoả.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét