Ngôi làng cao nhất âu châu trên núi Caucase


Trong chuyến đi viếng Georgia, một xứ thuộc khối Liên Xô cũ, mình chỉ thấy có ngôi làng cổ Ushguli ở cao độ 2,200 mét trên dẫy núi Caucase, chia đôi Âu châu và Á châu là rất lạ, được xem là khu vực người ở cao nhất ở Âu Châu còn các kiến trúc thời Liên Xô thì xem cho biết.

Trên đường đi lên núi ngăn đôi hai châu lục, mình thấy mấy tháp đài của thời trung cổ xây bằng bằng đá ở dọc hai bên bờ sông khá lạ. Xe ngừng lại Mestia ở cao độ 1,500 mét cao độ như Đà Lạt để ngủ qua đêm.

Sáng hôm sau thì xe SUV 4x4 đến chở tụi này lên núi viếng thăm một ngôi làng cổ vẫn còn giữ được nét cổ xưa, có lẻ ở xa phố thị vì ở Mestia có thấy nhiều tháp đài nhưng lẫn lộn với các kiến trúc nhà cửa hiện đại. Có một thành phố ở Ý Đại Lợi có các tháp đài tương tự nhưng cao hơn gấp đôi, ở vùng Toscana có tên là San Gimignano. Hoá ra hai thành phố này là sister cities.

Ngôi làng còn người ở cao độ cao nhất âu châu 2,200 mét với kiến trúc đặc thù.

Xe chạy lên núi mất đâu 2 tiếng vì đường xấu, nhiều nơi phải chạy qua các suối nhỏ rồi đến ngôi làng này. Xa xa chúng ta thấy đỉnh núi Shkhara, cao thứ 3 của Âu châu. Hai vợ chồng được đưa đi viếng thăm ngôi nhà thờ nhỏ nhắn được xây vào thế kỷ 12 tên Lamaria.


Ngôi nhà thờ này được xây trên điểm cao nhất làng, rất nhỏ so với những nhà thờ đã viếng thăm ở Georgia. Họ có mấy bức tranh vẽ trên tường khá đẹp nhưng cũng bị xoá nhiều trong thời Liên Xô. Mình thấy lần đầu tiên một ông linh mục lớn tuổi ở đây. Không thấy linh mục trẻ tuổi ở xứ này dù ông cố đạo được phép lấy vợ. Thắp một cây nến trong nhà thờ nhỏ bé.

Tường đá được xây từ thời trung cổ
Nhà được xây gắn liền với tháp đài phòng vệ, chỉ có một cửa ra vào
Mái nhà cũng được lợp bằng đá so với các nhà được làm thời liên xô hay gần đây bằng tôn 
Tấm ảnh chụp một gia đình Svan của vùng này
Căn nhà phía trong, trần nhà thấp để giữ nhiệt. Thấy cái cầu thang leo lên nơi trên loft để ngủ, phía dưới là để dê bò ngủ giúp sưởi ấm gia đình chủ nhà
Cái bếp ở giữa
Cái nôi để ru em bé và bàn ăn
Thấy thằng bé ngồi đập cái gì trong cái thố 

Cửa vào rất thấp, thấy đá vùng này từng thớt không dầy lắm, dễ xây không thấy họ trét gì cả để dính các miếng đá vào nhau

Ngôi nhà thờ trên cao 
Cửa vào nhà thờ cổ kính được xây từ thời trung cổ, mình thấy khung cửa rất lạ
Chi tiết của khung cửa được chạm trổ từng lớp. Du khách nhiều quá nên mình không thể ở lại xem xét kỹ hơn
Đỉnh núi  Shkhara, cao nhất phía Georgia  
Mình thích nhất màu của đá bị oxy hoá sau bao nhiêu năm
Phần dưới chắc đã được trùng tu lại với xi măng
Ngôi nhà thờ, một phần để ở, phần để thờ phụng Chúa và tháp đài để gia đình ông cố đạo chạy lên trên tử thủ khi quân xâm lược hay cướp bóc đến
Đồng chí gái đang tạo dáng trước đỉnh Shkhara 
Tháp đài tình yêu được trùng tu bởi một gia đình, và cho du khách thăm viếng kiếm tiền
Mình bò lên lầu 1 qua cái thang nhỏ
Lỗ châu mai để nhìn ra ngoài xem quân xâm lược, quân cướp 
Tầng cuối được làm lại với vật liệu nhẹ hơn 

Cầu thang leo lên lầu 2. Tối om ở trên quần thù bò lên đây là dã bị đạp tan xương
Lỗ lầu 1 nơi cầu thang leo lên


Đỉnh Shkhara cao thứ 3 ở âu châu
Mình thấy nhiều làng cổ như vậy dọc dường lên núi nhưng nhà cửa được xây dựng lại khá nhiều nên mất cái đẹp vật liệu chung.
Dãy núi Caucase chia đôi Âu Châu và Á Châu, mình ở bên Á Châu
Ăn sáng thấy có chả giò của họ. Họ cuốn phô mát dê bên trong rồi chiên. Mình ăn thử một cái thôi vì dầu mỡ hơi nhiều. Thích nhất là cái đĩa đựng trái ô líu, mình xơi hết mỗi lần ăn cơm còn phô mát thì thấy đã được kỹ nghệ hoá nên không đụng tới

Sau đó đi vòng vòng đến xem một căn nhà được xem còn giữ nét cổ xưa. Vùng thảo nguyên nên người ta nuôi bò, dê và trồng trọt. Khi các đạo quân Ottoman, Ba Tư xâm chiếm đánh phá các vùng này thì người dân leo lên mấy cái tháp đài, đóng chốt chỗ leo lên nên quân cướp không lên được. Muốn đốt tấm cửa cũng khó vì rất dày, xung quanh là đá ngay cả mái nhà. Trên đó họ để lương thực vài tháng cho gia đình ăn. Khi mùa đông đến thì quân cướp chỉ có rút lui vì rất lạnh ở cao độ 2,200 mét vì mùa đông tuyết phủ 6 tháng.


Mỗi căn nhà luôn gắn liền với tháp đài nên khi có chuyện là họ leo lên tháp với cung tên để bắn kẻ cướp. Dân địa phương có đặc điểm là cặp mắt của họ màu xanh. Người ta gọi là người Svan, cứ như người thượng du ở Việt Nam, nào là Ra đê, Nùng, Thái,… tóc họ màu đen. Bà nấu cơm cho tụi này ở khách sạn là người Svan, mắt xanh lá cây nhưng tóc đen. Bà ta thích đồng chí gái, cứ sờ sờ cánh tay của mụ vợ nhất là mình boa sau khi ăn thịnh soạn. Bữa cơm đầu tiên ở đây, bà ta nấu nhiều món đặc thù của vùng này. Xem như bữa cơm ngon nhất chuyến đi Georgia. Mình thích cơm Uzbekistan hơn,


Hiện nay làng này có 70 gia đình, độ 200 người ở. Khi viếng thăm căn nhà còn giữ nguyên vẹn lối trang trí cổ xưa khiến mình ngạc nhiên vì tương tự như một căn nhà ở trên núi Peru khi mình đi từ Saltankay về Machu Pichu. 


Căn nhà được chia hai tầng. Họ ngủ ở trên còn heo dê bò ở dưới vì mùa đông rất lạnh, có dê bò sưởi ấm, rất giống như ở quê bên Ý Đại Lợi mà mình viếng thăm nhà một cô bạn. Tối người ta vào chuồng bò để mấy bà đan áo cho bớt lạnh rồi tối đi ngủ thì họ nấu nước nóng bỏ trong cái túi nhựa, bỏ trên giường dưới cái mền cho ấm, để ngủ đến sáng mai.


Nghe kể là khi xưa có trên 300 căn hộ và tháp đài nhưng nay chỉ còn độ 30. Dân càng ngày càng thưa vì giới trẻ đi đến các tỉnh lớn để sinh sống, từ từ lối sống này sẽ bị mất. Nhất là thổ ngữ của họ sẽ biến mất một ngày. Trẻ em đi học tiếng Georgian sẽ không nói tiếng thổ ngữ. Họ có làm một cuốn phim về người Svan này, mình tính đi xem ở rạp nhưng nói thôi để về xem trên YouTube . Tối qua xem trên YouTube thì bắt đầu hiểu ý tưởng của họ xây các tháp đài dựa theo phong tục của vùng này. Họ giết người như ngoé. Cứ giận nhau là đâm chém nhau. Sinh sống tại các vùng có địa thế và thời tiết khắc nghiệt như vậy nên tính tình của họ rất bạo lực.


Đi Georgian chỉ có chỗ này mình thấy hay vì chưa bao giờ thấy lối kiến trúc một căn nhà nối liền với một tháp đài phòng thủ. Mỗi nhà mỗi tháp đài. Thường thì họ xây một cái thành xung quanh ngôi làng đây thì không. Mỗi nhà tự phòng thủ, một lối suy nghĩ khá lạ tự túc tự vệ. Dọc đường mình thấy rất nhiều ngôi làng với những tháp đài nhưng nhà ở đã được xây theo lối mới, mái nhà bằng tôn còn ở đây mái nhà làm bằng đá. 


Đó là văn hóa sẽ bị mai một khó mà cưỡng lại. Một văn hoá mạnh hơn sẽ giết một văn hoá khác khi kề cận. Ngoài ra còn tuỳ vào chính phủ. Một chính phủ có chính sách bảo tồn văn hoá xa lạ, khác lạ như Hoa Kỳ bỏ tiền ra để dạy các tiếng của các cộng đồng như người Việt, người Tàu,…mạnh nhất là người gốc la tinh. Cũng có những chính phủ với chính sách tiêu diệt các văn hoá khác, muốn đồng nhất một chính sách, sẽ tìm cách tiêu diệt như cấm nói thổ ngữ, không khuyến khích sự khác biệt.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn