Giả từ Tbilisi


Từ giả Tbilisi 


Hôm nay hai vợ chồng được đưa đi viếng mấy tu viện, có một nữ tu viện lâu đời nhưng đã được trùng tu như mới, họ xây thêm một nhà thờ với kiến trúc cổ xưa thời trung cổ khác với nữ tu viện từ thế kỷ 18, 19 theo mình đoán. 

Tuyệt nhiên trong nhà thờ không thấy họ để mấy cái ghế dài để con chiên vào quỳ lạy, cầu nguyện như ở Âu châu hay Hoa Kỳ. Có lẻ dưới thời sô viết các ghế này đã bị tháo bỏ nên nay không còn. Các tranh vẽ trên tường bị xóa bỏ thời liên sô nay đang được trùng tu lại nhưng không đẹp như ở Uzbekistan. 


Ở Uzbekistan dù biết họ mới làm lại nhưng vẫn cảm thấy có gì xa xưa còn đây thì như mấy bảng quảng cáo hamburger hay donut. Thấy rõ sự chấp vá. Có một tu viện được unesco danh tặng bảo tồn văn hóa thế giới thì họ đem xây thêm mấy thứ hiện đại vào khiến unesco tước bỏ danh hiệu như 1 nhà nghỉ mát ở Uzbekistan. 
Nhà thờ được xây mới hoàn toàn tốn tiền không phải để cầu nguyện mà câu du khách

Tu viện không thấy các tu sĩ, không có ghế để cầu nguyện, không được chụp hình vì có người ngồi bán hình chụp đóng khung. Quang cảnh khiến mình cảm thấy Chán Mớ Đời khi đi viếng mấy nơi này. Năm ngoái có viếng hai tu viện cơ đốc chính thống ở Thổ Nhĩ Kỳ, mình có ngồi lại để xem xét và cảm thấy dễ chịu trong nhà thờ ấm cúng, có cái gì khó tả giúp mình yêu mến nhà thờ còn ở Georgia thì cảm thấy chỉ thương mại, nhà thờ không có linh khí. 


Viếng một tu viện thì khám phá ra có nhiều lính mới đi quân dịch thấy có nữ bộ đội. Họ cắm lều trong khuôn viên tu viện. Được biết thì phụ nữ không bắt buộc đi quân dịch còn nam thì đi một năm nhưng trong một năm họ chưa tập bắn đến 10 phát đạn. Có lẻ vì vậy khi Putin cho quân sang thì chưa đánh thì đã hàng, bị Putin vớt mất 20% lãnh thổ. Lương đâu $50/ tháng nên ít ai muốn phí một năm đời trai trẻ. Cũng thấy các chỉ huy lên sân khấu kêu gọi bảo vệ trung thành với tổ quốc. 

Mình không hiểu lý do họ trùng tu nhà thờ cổ kiểu này

Sau khi thăm viếng các tu viện nam và nữ. Dân tình nói tiếng nga như tiếng mẹ đẻ. Anh tài xế và anh hướng dẫn viên nói tiếng nga với nhau vì họ cho biết khó mà đối thoại lâu dài bằng thổ ngữ của họ rất khác nhau. Ông hướng dẫn viên bồ với một cô gốc Belarus. Cô này sang đây chơi rồi phát hiện mối tình hữu nghị Belorussian Georgian rồi ở lại, làm việc qua mạng. Họ nói tiếng nga với nhau. 


Cách đồng hóa nhanh nhất là qua ngôn ngữ và chữ viết. Người nga chiếm đóng mấy xứ này và sử dụng Nga ngữ nên dân địa phương đồng cảm, học văn chương. Văn hóa nga la tư. Nếu thêm một thế hệ thì chả ai muốn độc lập với xứ nga. 


Sau mấy tu viện thì được đi viếng một thành phố cổ, có tường thành dài độ 1 cây số. Họ đột phá tư duy xây một con đường nhỏ bằng cantiliver đổ bê tông gắn sắt vào tường thành để du khách có thể đi trên đó như khi xưa quân lính đứng canh gác.

 

Sau đó được dẫn đi viếng vùng trồng nho và làm rượu nổi tiếng nhất xứ này. Vùng này thì thấp có con sông nên có vẻ trù phú xe cộ tấp nập. Xe ngừng ở một trong những công ty làm rượu. 


Thấy họ đào đường hầm xuyên cái núi to đùng. Nghe kể khi xưa dài đến 8 cây số để giữ rượu cho liên Xô vì phía Bắc lạnh nên họ không trồng nho được chỉ có loại rượu mạnh thôi. 


Mình đoán chắc cất giữ vũ khí nữa. Năm 2004, 13 năm sau khi dành độc lập thì chủ công ty mua lại chỗ này từ chính phủ. Độ lạnh quanh năm đâu 14 độ c nên ai lạnh thì mượn cái khăn choàng đi vào trong. Họ dẫn đi giải thích đủ trò cách làm rượu và trữ rượu xong thì đến màn thử rượu. Có hai loại rượu ở vùng này là trắng và đen. Lúc đó mới nhớ là khi ăn tráng miệng họ hay đem nho vàng và nho đen cho ăn. Mình đâu biết gì về rượu. Cũng lắc lắc ly rượu rồi làm một ngụm rồi nhổ ra cái thố bên cạnh có cái lỗ chảy xuống cái lu. Ăn miếng phô mát hay lấy miếng bánh mì chấm dầu hạt nho, được làm sau khi rượu lên men thì họ lọc xác và hạt nho. Làm được 4 lần thì hết loại rượu nên đi ra, lên xe về Tbilisi. Chả mua gì cả. 


Mình mời anh tài xế, hướng dẫn viên và cô bạn gái đi ăn tối. Tiệm ăn hơi sang nhưng cũng mấy món như thường lệ; Khachapuri, một loại bánh như pizza có độn phô mát ở trong, kebab, đồng chí gái thì ăn cá dù dân đây không ăn cá. Xà lách dưa leo, cà chua và dầu olive. Họ không ăn bánh tráng miệng nên ăn xong hai vợ chồng đi bộ xuống cầu hòa bình rồi ghé ăn bánh Tây ở một tiệm bên cầu. Ăn xong về khách sạn xem tin tức rồi ngủ. 

Được cái là liên trúc Tân đại của xứ này có vài công trình khá lạ, có đầu tư khác với những gì thời liên xô

Sáng nay ăn sáng xong thì hướng dẫn viên đưa ra phi trường. Vào phi trường ngồi đợi, viết vài dòng chào Tbilisi. 


Đồng chí gái kêu không muốn Đi mấy nước hậu cộng sản nữa, chả có gì. Văn hóa bị phá sản bởi liên Xô nên không có gì để chụp hình tạo dáng. Mình thì thích vì được đến dãy núi caucase mà khi xưa học ở trường. Lại được viếng thăm một làng cổ thời trung cổ với các thành lũy khá đặc thù mà mình chưa bao giờ thấy trên thế giới. 


Thấy ngoài đường có rất nhiều phụ nữ lớn tuổi ngồi xin tiền nên đoán chương trình giúp đỡ người về hưu chắc không tốt. Ngoài ra chó hoang rất nhiều chạy ngoài đường. Người ta giải thích là người dân sở tại nuôi chó rồi chán vì tốn tiền đủ thứ về thú y nên họ đem chó bỏ chợ. Mấy con chó hoang đều được chích ngừa có tag hết nhưng thấy mập mạp, nằm đầy các nơi du khách đến. Có thể có du khách buồn đời xin về nuôi. 


Nói chung thì xứ Georgia mình chỉ thích vùng đồi núi caucase như thỏa mãn những gì học trên sách vỡ nay mới được mục thị còn thì chả có gì vì mấy tu viện nhà thờ đều được trùng tu, không đạt lắm, lại tốn tiền đi xem thêm trả tiền đi vệ sinh. 


Mới khám phá ra là công ty du lịch lộn vì mình ra phi trường thì khám phá ra ngày mai mới bay. Lại bò về khách sạn đi vòng vòng ngày mai lại bò ra phi trường.  Oải quá. 

Được cái hai vợ chồng đi bộ khu phố cổ vì hôm đầu tiên họ dẫn đi hơi nhanh thêm bị mưa. Hôm nay đi chậm nên có thời gian xem xét kiến trúc ở đây. Thấy cái spa tắm nước suối nóng mà ông vua thích nên dời đô về đây, hai vợ chồng bò vào được cho vào cái hồ nước nóng có lưu huỳnh kỳ cọ đã xong đi ăn cơm rồi thong thả về lại khách sạn. 


Hy vọng mai sẽ không bị lộn xộn. 


Hôm nay ăn sáng đi bộ một vòng như từ giả Tbilisi chắc sẽ không bao giờ trở lại vì không có gì hấp dẫn lạ so với những nước Âu châu hay Hoa Kỳ mình đã ghé qua. Mình được mục thị khi đến dẫy núi caucase là mãn nguyện không hấp dẫn như đây núi Alpes ở Âu châu. 


Đang ở phòng đợi lên máy bay đi Qatar rồi về Cali. Thấm mệt rồi 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen

Nguyễn Hoàng Sơn