Đi chơi mấy xứ hồi giáo mình thấy đồng chí gái than cho phụ nữ địa phương là phải che mặt chỉ còn đôi mắt để thấy đường, thậm chí nhiều nơi cũng làm lưới che luôn cặp mắt vì có nhiều nơi, phụ nữ có cặp mắt rất đẹp như tấm ảnh nổi tiếng được đăng trên tạp chí National Geographic, đến 20 năm sau, ông phó nhòm đi tìm để chụp lại hình ảnh cô gái năm xưa.
Khi mình đọc tự truyện của ông Gandhi, có đoạn nói về người vợ như sau: “Tham vọng của tôi là làm cho nàng sống một cuộc đời trong sạch, học những gì tôi học được, và đồng hóa đời nàng, tư tưởng nàng với đời sống và tư tưởng của tôi.”; “ý nghĩ ấy khiến tôi hay ghen tuông, bổn phận của nàng dễ dàng biến thành quyền của tôi ép buộc sự trung thành nơi nàng và nếu sự trung thành đã bị ép buộc, thì tôi luôn luôn tự cho mình đúng” ; “Nếu tôi có quyền cấm này, thí há nàng không có quyền tương tự đối với tôi sao? Tất cả điều này ngày nay với tôi rất rõ rệt. Nhưng thời ấy tôi phải củng cố uy quyền của một đức lang quân” , giúp mình giác ngộ cách mạng về cách hành xử với đồng chí gái và từ đó thay đổi cách nhìn về người vợ. Vấn đề là đồng chí gái không suy nghĩ như vợ ông Gandhi.
Đọc cuốn sách này mình mới hiểu lý do ông Gandhi, khi xưa hay có một bà người anh đi theo làm phụ tá thay vì người vợ. Ông ta không muốn ích kỷ, bắt bà vợ phải theo ông ta học tập về cuộc tranh đấu độc lập cho dân tộc ông ta. Sau này, mình thấy bà Penelope Faulkner (Ỷ Lan) hay đi theo ông Võ Văn Ái để tranh đấu cho quyền làm người Việt Nam như bà thư ký người Anh quốc của ông Gandhi. Hình như ông Võ Văn Ái đã qua đời tại Pháp năm nay. Thấy trên trang Quê Mẹ, nay là con trai của ông ta tiếp tục con đường của ông ta.
Có lẻ mình quen với văn hoá Việt Nam từ bé dù học trường Tây, khi học việt văn, cứ nghe “trai tài 5 thể 7 thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”,… những câu ca dao, vè này đã cấy trong đầu mình những hạt mầm gia trưởng phong kiến. Khi sang Pháp, mình bị khựng vì thấy đầm hút thuốc như cái ống khói thêm uống rượu mà ở Việt Nam, mình chưa bao giờ hiển thị, khác với hình ảnh mình được dạy dỗ về mẫu người phụ nữ đảm đang, công dung ngôn. Mình cần một thời gian dài mới hoà nhập, loại bỏ tư tưởng phản động ấy đi, giao tiếp với đầm rất được Tây hoá.
Đến khi sang Hoa Kỳ, quen mấy cô gốc Việt thì mình không biết phải xử sự ra sao? Theo Mỹ hay theo mít đến khi lấy vợ thì mới bắt đầu hiện ra những mâu thuẫn. Vợ mình có một cái nhìn thằng “Dôn” phải như thế này thế kia còn mình thì nghĩ theo kiểu Việt Nam vì lấy vợ việt nên vợ chồng hay giận lẫy đến khi mình đọc cuốn tự truyện của ông Ghandi kể về cuộc đời ông ta, nhất là trang 22. Từ đó, đời sống vợ chồng bớt căng thẳng, vui vẻ mà mấy tên bạn mình kêu là thằng sợ vợ.
Khi được nhận vào đại học USC về môn thương mại thế giới, con gái mình nhắn tin; cảm ơn bố mẹ đã không bắt nó học y khoa như bạn gốc Á châu của nó khiến mình thấy lạ. Hỏi ra thì đa số bạn bè của con mình đều được bố mẹ thúc dục học y khoa hay nha khoa, tệ lắm thì dược khoa. Nói chung đa số người Việt đều thích con mình thành một “ sĩ” thời đại.
Mình thì ngược lại, con muốn làm gì thì cứ làm vì chúng có mục đích của chúng, không nên ép buộc chúng vì khi không thích thì sẽ không làm gì hay. Học y khoa mà không thích thì sẽ nhàm chán, làm ra tiền nhưng chỉ biết nuôi bệnh nhân kiếm tiền thay vì lao đầu vào nghiên cứu khoa học để cứu trị bệnh nhân. Chúng ta sẽ vô tình làm mất đi một thiên tài vì người Mỹ dạy con cái mình ở học đường; hãy đeo đuổi giấc mơ của bạn. Cũng có thể vì chúng ta có những mộng ước nhưng không có khả năng thực hiện được nên mượn con cái thực hiện dùm mình.
Mấy năm về trước, có một sinh viên giết mẹ anh ta vì bà ta cứ ép buộc anh ta theo học y khoa. Mình nghe kể có một anh kia đậu y khoa xong thì đưa cái bằng y sĩ cho bố mẹ rồi đi làm về ngành công nghệ mà anh ta yêu thích. Tốn tiền bạc học hành trong vòng 3, 5 năm. Có một gia đình quen, cấm cản cô con gái học về Mỹ thuật, bắt học y khoa nhưng cô con gái thuộc loại phản động nên nhất quyết học ngành mình yêu thích, không cần đến sự trợ giúp của cha mẹ, nay bà mẹ kêu không ngờ lương về Mỹ thuật cũng hơn ngành y khoa. Hôm ở Boston, có anh bạn kể cô con gái học Harvard mới 24 tuổi được Google trả $300,000/ năm.
Mình quen nhiều triệu Phú Mỹ mà người ta gọi “millionaire next door”, ra đường họ ăn bận bình thường, đi xe bình thường nhưng họ lại mua mấy trăm mẫu đất trên núi rồi tặng cho hội Lions quốc tế để cho con nít nhà nghèo lên đó chơi, nghỉ hè hay trượt tuyết. Họ không cần bận đồ xịn, đi xe láng cóng để tạo ra hình dáng thành đạt.
Vấn đề là cha mẹ thường lầm lẫn về tình thương. Họ cho rằng ép buộc con mình học theo ngành y khoa, nha khoa,…làm theo những gì mình nghĩ là tốt thì đó mới là yêu thương. Trong buổi lễ trao giải thưởng cho nữ sinh được bầu làm hoàng hậu của niên học, con gái mình được bầu làm ”Công Chúa” cùng 4 nữ sinh khác, nhờ học tập, sinh hoạt ở trường, không phải kiểu thi hoa hậu, vì mấy cô rất to béo. Có hai vợ chồng gốc việt, có con gái học chung lớp với con mình và rất giỏi, đoạt huy chương, bằng khen về Science Fair. Mình chỉ mong con mình học được 1/2 con gái ông ta là mừng, đây ông ta lên tiếng chửi con gái ngu vì muốn theo học khoa học thay vì y khoa. Ông ta viện lý do là làm kỹ sư như ông ta thì về già sẽ bị sa thải. Mình không biết ông ta ngu sinh ra con gái ngu, đứng đầu trường khi tốt nghiệp trung học. Cô con gái thấp thấp người, béo béo vì ăn quá, không chơi thể thao trong khi con gái mình thì mỗi ngày đều bơi 2 tiếng đồng hồ. Khi xưa, nếu biết mình sẽ trở lại làm nghề nông dân thì khỏi đi học, mất công tốn thời gian.
Hồi nhỏ, nghe người lớn kêu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, mỗi lần có khách đến nhà vì tính hay hóng chuyện người lớn của mình, lâu lâu mình nghe cái gì không ổn thì hỏi là bị chửi, mi ăn cơm hớt hay răng, thậm chí bị ăn tát khi đặt những câu hỏi mà người lớn không trả lời được.
Ông cụ mình gốc Sơn Tây nên có dạo ông Nguyễn Cao kỳ lên làm thủ tướng hay chi đó, ông cụ nổi hứng kêu là NCK khi xưa học chung với cụ. Mình cảm thấy hãnh diện vì có bố là bạn học của ông chủ tịch ủy ban hành pháp trung ương, thấy ngoài khu Hoà Bình, có treo biểu ngữ, chính phủ Nguyễn Cao Kỳ là chính phủ của người dân,…
Ra chợ, mình ghé hàng bà Phúng, tiệm Hiệp Thạnh, đường Duy Tân, khoe là bố cháu là bạn học ông Kỳ. Bà Phúng nói, mi về kêu ba mi nói Nguyễn Cao Kỳ cho bạn học cũ một tạ gạo. Thấy có lý, mình về nhà nói ông cụ, bị ông cụ tán cho mấy bạt tai nhớ đời. Từ đó hết dám khoe Nguyễn Cao kỳ là bạn học bố tao. Lớn lên mình nhất quyết sẽ không bao giờ thấy người sang bắt quàng làm họ.
Văn hoá việt với tư duy cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, phát khởi từ văn hoá tre làng, bị ảnh hưởng của nho giáo. Lý do là khi xưa, khái niệm là một người làm quan cả họ được nhờ, tương tự một người làm phản, cả họ bị tru di Tam tộc. Do đó người trưởng gia đình, trưởng tộc cần phải chăm sóc và bắt buộc con cháu nghe lời mình vì lạng quạng cả họ bị tru di Tam tộc như trường hợp Nguyễn Trãi hay Cao Bá Quát. Mình có quen một bác, là người con trai duy nhất của dòng họ sống sót nhờ có người che chở, đổi tên họ nuôi ở xa mới thoát cảnh bị tru di Tam tộc.
Với những quyền huynh thế phụ đủ trò, đưa đến sự áp đặt quan niệm hạnh phúc, là lý do chính đáng cho sự cường quyền trong gia đình. Mình về quê, gặp mấy ông chú họ, kêu bố mày mất, bọn tao thay thế bố mày để dạy mày,… nghe đến đây là chim dế mình bổng biến mất, mặt xanh như đít nhái. Bỏ chạy khỏi làng như ông cụ mình khi xưa bị du kích bao vây nhà để giết vì không theo họ.
Cha mẹ người Việt kêu là yêu thương con cái nên bắt chúng nghe lời, học y khoa, nha khoa,.., giúp họ tự trấn an mình, mình làm vậy vì yêu thương thật lòng như câu tục ngữ khi xưa học “thương cho roi cho vọt ghét cho ngọt cho Bùi”. Ngày xưa, mình bị ông cụ khệnh lên khệnh xuống rồi được nghe câu này, khiến mình chỉ mong ông cụ ghét mình thôi.
Cha mẹ ép buộc con cái theo ý nguyện của mình không được thì phang ngay là “Đồ con bất Hiếu”, thiếu đạo Đức cách mạng, theo bạn xấu. Như ông Gandhi tự thuật, tự hỏi lòng yêu thương vợ hay lòng ích kỷ. Có lẻ những cha mẹ khi xưa vì thời cuộc hay khả năng không học được y khoa,..nên ngày nay bao nhiêu mộng ước của họ đều trút lên đầu con cái của mình, để con họ thực hiện dùm cho mình.
Dạo trước, mỗi lần đi đâu vợ chồng hay cãi nhau. Lý do là mình cứ thấy bộ đồ nào gần nhất trong tủ áo là lấy bận trong khi vợ mình thì có hình ảnh hai vợ chồng bận áo quần cho hợp màu mè. Cuối cùng là mụ vợ ủi quần áo sẵn cho mình, mình về là cứ bận vào cho hợp ý mụ vợ. Tư duy mình là tư duy nông dân nên rất bình dị, chả cần bận áo quần gì cho sang. Có bộ đồ vía, mua từ khi sang Hoa Kỳ đến giờ, 38 năm vẫn bận đi ăn tiệc, có chết thằng Tây nào đâu. Nông dân thì bận đồ smoking, tuxedo vẫn không dấu được cái cốt bần cố nông.
Từ từ mình bớt ích kỷ nữa, cứ bận áo quần mà vợ thích cho khoẻ, khỏi tranh cãi nhức đầu. Trong vũ trụ, đời sống thường nhật, chúng ta tương tác với nhiều người, đi với bụt bận áo cà sa, đi với ma bận áo giấy nên cứ bận áo quần mà mụ vợ thích là khoẻ.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn