Thành phố tương lai GAFA

Thành phố GAFA, thành phố 15 phút 

Năm nay mình được đi viếng mấy thành phố ở Hoa Kỳ như Boston, Seattle, Oregon, New York thì rất ngạc nhiên vì thấy hệ thống đường xá dành cho xe đạp rất nhiều. Khắp nơi trong thành phố có những bãi đậu xe đạp. Nếu muốn đi xe đạp, chỉ cần mở cái app trong điện thoại rồi mở khoá xe đạp, chạy đến nơi mình muốn đến thay vì đi taxi hay xe điện ngầm, xe buýt. Đến nơi, cứ trả xe đạp tại một bãi đậu xe đạp bên đường. Rồi muốn đi đâu đến khi cần xe đạp thì ghé lại một bãi đậu xe đạp khác để lấy chiếc khác. Hiện tượng này khiến mình thấy xe hơi như taxi ít lại và xe chạy chậm lại không như xưa khi mình còn ở đó. 

Buồn đời, khi đi chơi vùng Trung Á, mình mò mò tài liệu để đọc trên máy bay hay phi trường, xem lý do của sự thay đổi lối sống của các thành phố trên. Mình bỏ nghề kiến trúc sư từ ngày lấy vợ đến nay nên không theo dõi về thiết kế đô thị và kiến trúc, chỉ tìm đọc tài liệu về đầu tư.

Khi xưa đi học mình có nghe nói đến những lý thuyết tạo dựng các thành phố từ Le Corbusier đến El futurismo, đến các thành phố của xã hội chủ nghĩa, những thất bại của những chương trình này ở âu châu và Hoa Kỳ mà mình có kể ở CHicago, họ có cho xây dựng các chung cư to đùng để rồi vài năm sau phải phá bỏ vì tỷ lệ phạm pháp, bất an ninh như các thành phố Saint Denis, Nanterre, Bobigny với những HLM mà mình có tham gia khi làm việc cho ông giáo sư của mình ở Paris. Đi viếng các nước của liên Sô cũ, mình cũng thấy dáng dấp các HLM ở ngoại ô Paris được thiết kế trong thời Liên Xô. Những lý thuyết gia, triết gia gây ảnh hưởng đến kiến trúc như ông Jacques Derida với phong trào Deconstruction. Khi mình vào trường kiến trúc thì đúng lúc phong trào Hậu Tân Đại rồi vài năm sau lại lỗi thời. Đến nay thì mình không biết thể loại gì.


Hoá ra chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà các công ty Hoa Kỳ ở Silicon Valley và Seattle đang thay đổi lối sống của chúng ta từ 1945 đến nay. Người ta gọi GAFA để chỉ định 4 công ty Google, Apple, Facebook và Amazon, đã thay đổi cuộc sống của chúng ta từ khi Internet ra đời. Muốn biết tin tức, cái gì thì bắt chước ông Nguyễn Du khi xưa, 100 năm trong cỏi người ta những gì không biết thì tra gú gồ. Lười đi phố thì lên Amazon đặt hàng mua, rồi cứ ôm cái iPhone cả ngày, nhấn nhấn thay vì gọi điện thoại nói chuyện, đàm thoại với người trước mặt. Rồi chụp hình những gì mình làm như nấu ăn, đi vệ sinh cũng chụp, đi ăn cũng chụp, mua cái quần cũng chụp. Cứ tưởng tượng, khi nấu ăn, mình chạy qua nhà hàng xóm kêu qua nhà mình rồi chỉ cho họ xem món mình mới nấu, rồi đưa họ ra cửa, sau đó ngồi ăn một mình.


Con người luôn luôn mơ đến một cuộc đời tốt đẹp, họ phát hoạ ra một lối sống mới, một thành phố qua lịch sử cận đại, chúng ta thấy các thành phố được xây dựng dựa trên các chủ nghĩa Phát xít (El futurismo), Đức quốc xã, xã hội chủ nghĩa, tư bản,… đưa đến những hệ quả giết người của thế kỷ 20.


Ở Pháp mới xuất hiện 1 cụm từ mới “thành phố 15 phút, Ville du quart d’heure” sau đại dịch khi con người bị dồn nén tại gia. Giấc mơ bắt người dân sinh hoạt đời sống hàng ngày trong một chu vi 1 km với bán kính 15 phút đi bộ. Họ làm việc tại nhà, đi bộ để mua thức ăn, chợ búa, bác sĩ,…trong vòng 15 phút như ở làng khi xưa. Cần gì thì có Amazon giao đến tận nhà thậm chí ăn uống cũng được giao tận nhà. Con người không cần phải ra ngoài như xưa, tự chôn chân mình trong một căn phòng.

Ông giáo sư Sorbonne tạo ra ý tưởng thành phố 15 phút và được chính quyền thực hiện

Bà đô trưởng Anne Hildago, dựa vào đại dịch, đưa ra ý định biến Paris thành một thành phố đi bộ, để giảm bớt sự ô nhiễm vì thủ đô này được xem là ô nhiễm nhất âu châu. Người ta không còn nhìn thấy tháp Eiffel vì không khí ô nhiễm. Chương trình của bà này được các thành phố lớn bắt chước như Thượng hải, Ottawa, Montreal, New York,…trong nhóm 40 thành phố trên thế giới.


Tuần rồi thấy anh bạn đi Paris với gia đình, thấy tải mấy tấm ảnh thấy rất khác xưa thời mình ở đó. Thiên hạ ngồi ngoài đường nhiều, có bàn ghế, thậm chí bên bờ sông Seine, thiên hạ cuối tuần vác bàn ghế ra ngồi ăn thấy cuộc sống chậm lại.


Thành phố 15 phút muốn giảm bớt sự di chuyển nhất là về mặt xe cộ, hình như Paris bắt buộc đến năm 2030 chỉ có xe hơi chạy điện mới được lưu hành. Xem như 7 năm nữa, ai muốn làm giàu đến Paris mua xe cũ rồi chở qua Việt Nam hay Châu Phi bán.


Họ mong đợi một hình thái xã hội gần hơn trước đây. Nếu chúng ta để ý thì ngày nay đi phố, đi xe lửa, vào tiệm ăn, con người chỉ cầm cái điện thoại, do đó chỉ cần đi bộ sống lòng vòng, đâu cần phải đi xa để khám phá.

Đường dành cho thiếc mã ở Nữu Ước

Chúng ta đang đi ngược lại với tư duy “turbo-tư bản” mà khi xưa các nước phấn đấu thi đua chạy theo sự phát triển của tư bản chủ nghĩa với những xa lộ, xe lửa cao tốc, với hệ thống RER nối liền các thành phố ngoại ô Paris, cứ sáng sớm thấy thiên hạ lái xe từ từ trên các xa lộ, khi nhân viên SNCF làm reo là khốn khổ một đời con kiến đi tha mồi về tổ. Các đường xe chạy nhanh dọc sông Seine, nghe nói nay cuối tuần thì họ đóng cửa xe hơi, chỉ để bộ hành và xe đạp sử dụng.


Tiểu bang Cali được thiết kế như một chân trời tự do, ai nấy đều có một chiếc xe để tự do di chuyển, không phụ thuộc vào ai, nhà nước với xe buýt, xe lửa, xe điện ngầm,.. phương châm giới trẻ là tiên học lái hậu hoc văn. Cứ 15 tuổi chúng bắt đầu đi học lái xe rồi 16 tuổi thi lấy cái bằng tương đương như một chứng nhận quyền tự do con người. Không lệ thuộc vào bố mẹ, vào xe buýt công cộng.


Ngày nay chúng ta đã quá mệt mỗi di chuyển để kiếm cơm hàng ngày. Mỗi ngày cứ từ 5 giờ sáng trở đi là thấy xe kẹt trên xa lộ và chiều từ 4 giờ, người ta hối hả lái xe về. Người ta có thể mất đến 4-5 tiếng đồng hồ lái xe hay ngồi xe công cộng. Mình nhớ dạo mới lấy nhau, đồng chí gái phải lấy xe buýt lên Los Angeles làm việc. Sáng mình chở ra bến xe buýt từ 7 giờ sáng rồi chiều đi đón 7 giờ tối sau được 3 năm thì bỏ việc trên Los Angeles để làm gần nhà, ít lợi tức hơn nhưng tránh 4 tiếng ngồi xe buýt.

Hình ảnh Taj Mahal cho thấy sau các hoà quang thường có những hình ảnh đau thương

Cách đổi mới lối sống và làm việc mà Paris đang muốn thực hiện như một đáp án cho sự mệt mỏi di chuyển bằng xe cộ, xe lửa đến chỗ làm dựa vào Internet. Vấn đề mà các nhà xã hội học đặt ra nếu tạo dựng một đời sống xung quanh 15 phút đi bộ. Chỗ làm việc gần nơi làm việc đúng hơn tại nhà thì sẽ tạo ra một vấn đề tâm lý khác, không tách rời nơi làm việc và đời sống gia đình. Đưa đến bệnh Trầm cảm, làm việc chỉ qua điện thoại hay Zoom, không có sự hiện diện để kết nối.


Vợ chồng cả hai làm việc ở nhà, trưa kêu người ta đem thức ăn đến như khi mình ở New York, mùa đông lạnh nên gọi tiệm ăn gần đó giao thức ăn rồi ngồi ngay bàn để ăn hay lấy cơm nguội ra ăn, không có một ranh giới giữa làm việc và đời tư. Cho thấy sẽ có những vấn đề về tâm lý sẽ xẩy ra.


Ý tưởng sinh hoạt trong vòng 15 phút chỉ là một ước mơ, chưa phải là một mô hình hay lý thuyết vì chúng ta chưa biết được kết quả, phải cần thời gian để thẩm định như các mô hình xã hội chủ nghĩa của thế kỷ 20.


Con gái mình làm việc cho một công ty ở Los Angeles nhưng lại ở New York, gặp đồng nghiệp qua Zoom hay xếp. Lâu lâu nó cho mướn căn phòng của nó 1 tuần lễ cho ai đó ghé lại New York chơi rồi bay đi xứ khác như Portugal vẫn làm việc được qua mạng.


Các nhà thiết kế đô thị có ảnh hưởng hiện nay như ông Jaime Lerner, Jan Gehl đã gây ảnh hưởng trên thế giới bằng cách cho người cư ngụ đi xe đạp và đi bộ lại với những phố đi bộ trong trung tâm thành phố. Khi đến Amsterdam xứ Hoà Lan, xứ này không có đồi núi nên thiên hạ đạp xe mệt thở. Xe đạp hư hay hết thời trang thì họ đem liệng xuống mấy con kênh khiến chính phủ mỗi năm phải cho tàu đến vớt xe đạp cũ lên vì cản trở lưu thông các chiếc tàu nhỏ trên các con kênh.


Cách đây 100 năm, một nhà thiết kế đô thị mỹ tên Clarence Stein đưa ra một lý thuyết về một đơn vị hàng xóm (l’unité de voisinage) với ý tưởng 15 phút đi bộ cho việc sinh hoạt cộng đồng. Năm 1960 thì bà Jane Jacobs lại ủng hộ các thành phố đông dân cư mà mình đã làm luận án ra trường về xây dựng một thành phố ngoại ô của Milan, Ý Đại Lợi. Thành lập một thành phố nhỏ như một bức tường thành cổ xưa thời trung cổ, phía trên có một đường xe lửa cao tốc, chở người dân di chuyển vào Milan làm việc, tối về, bước ra khỏi nhà ga là có chợ búa, trường học, nhà cửa. Thời đó ông Al Gore chưa biết Internet là gì.

Tường thành ở Uzbekistan

Năm 2020, một giáo sư đại học Sorbonne, gốc Colombia tên Carlos Moreno, đưa ra ý tưởng thành lập thành phố 15 phút « ville du quart d’heure ». Hồi mình sang Pháp thì nghe kể đến cuộc cách mạng văn hoá 1968, người dân nổi loạn chống lại những sai lầm về cuộc Cách Mạng kỹ nghệ hoá, Pháp quốc vẫn là một nước còn trong thời nông nghiệp.


Sau đệ nhị thế chiến, với chương trình Marshall, người Mỹ bơm tiền vào để hiện đại hoá xứ này tạo dựng các nhà máy, nông dân được khuyến khích ra thành phố làm việc trong các hãng xưởng lớn như Renault,… thay vì ở trong một căn nhà ở làng hay đồng quê, nay họ phải chen chút trong các HLM, chung cư hạng rẻ tiền với thiếu thốn mọi mặt. Mình nhớ các thành phố như Nanterre, Bobigny họ cho xây nhiều HLM, mấy chục tầng hay ở Mantes la Jolie, dành cho công nhân và gia đình ở, xung quanh không có gì cả. Muốn đi chợ búa là phải đi xe buýt, đủ trò. Gặp giới trẻ đi học về không có gì làm buồn đời đi phá làng phá xóm như mình khi xưa, rồi các tệ nạn xã hội, sì ke ma tuý đến.


Tại Trung Cộng, họ muốn tránh vấn nạn này nên xây cất các chung cư cao tầng để nông dân ra tỉnh làm việc có thể mua nhà để ở nhưng giá thành quá đắt nên bỏ trống cả chục năm này, có nơi họ phải đập phá bỏ. Ở Hoa Kỳ cũng vậy, Cali cần 5.5 triệu căn hộ mới nhưng đất đai và xây cất vật liệu quá đắt nên giá thành quá cao để một gia đình bình dân có thể mua.

Khi xưa mình học về thiết kế đô thị thì họ phân chia, loại chỉ định khu vực làm việc, khu kỹ nghệ, khu dân cư thì tối đến các khu kỹ nghệ như bãi tha ma, các khu văn phòng đóng cửa, khu dân cư thì đèn đóm lên do đó phải di chuyển vì các xí nghiệp được xây dựng phía ngoại ô để rẻ tiền. Từ đó thành phố cũ bị bỏ hoang, người ta dọn ra ngoại ô gần các xí nghiệp. Nay thì ngược lại, người ta ùn ùn vào tháng phố cũ, trùng tu lại để sống vì ngoại ô chẳng có gì. Muốn đi xem Opera phải bò vào thành phố lớn còn thì xem phim bộ trên truyền hình.

 Từ 1 thập niên qua, Cali cho phép các nhà đầu tư có thể xây nhà , văn phòng chung với nhau để tránh trường hợp kể trên. Vùng Tierra Bella ở Huntington Beach cho thấy đông đúc tấp nập lại khác với 20 năm về trước, như chùa Bà Đanh. Nay các văn phòng chợ búa ở dưới còn các tầng trên dành cho các chung cư. Ban ngày hay buổi tối đều tập nập.


Chúng ta thấy các công ty GAFA xây dựng các mô hình của họ nơi làm việc. Có nên áp dụng các mô hình này để tạo dựng lại các thành phố cũ, chia thành những khu vực 15 phút như các hợp tác xã khi xưa hay các kibutz của DO Thái. Họ có thể sử dụng trường học ban đêm sau tan trường để chơi thể thao hay hội họp khu phố, thay vì bỏ trống. Vấn đề là người ta có bỏ xuống cái điện thoại thông minh, để tham gia các buổi họp, đấu bóng,.. hay ngồi ì uống nước ngọt to béo.


Ngày nay Paris tạo dựng được hơn 1,000 cây số đường cho xe đạp, nghe đâu đến năm 2030 thì chỉ có xe điện mới được lưu hành. Ngày nay cuối tuần có nhiều con lộ ở rive gauche, không cho xe hơi chạy, chỉ để người đi xe đạp và bộ hành. Người dân có thể picnic bên bờ sông Seine,…


Sau khi người dân Paris nổi loạn đánh chiếm ngục Bastille tạo dựng cuộc cách mạng, đánh đổ chế độ quân chủ chuyên chế để thay thế một chế độ chuyên chính khác do Napoleon thực hiện. Dạo ấy ông Hausmann được chỉ định thiết kế lại Paris. Họ đưa lý do là Paris có vấn đề y tế, cống rảnh,.. trên thực tế ý định nhà cầm quyền là để dễ di chuyển quân đội đàn áp khi có bạo loạn. Họ không muốn một Bastille thứ hai xẩy ra. Các đại lộ có thể đặt đại bác để bắn vào dân nổi loạn.


Sau cuộc cách mạng Mai 68, thì chính phủ De Gaulle bỏ tiền thuế của dân để làm đường lại vì không muốn kẻ bạo loạn nậy các cục đá lót đường để chọi cảnh sát cơ động. Mình nghĩ sau covid thì các nước hay thành phố muốn tái thiết kế lại các thành phố để dễ cô lập hoá người dân nhân danh y tế hay sức khoẻ người dân nên mới nẩy ra ý nghĩ thành phố 15 phút. Lý do là ý tưởng này đã có từ hơn 100 năm trước mà mình đã học thời sinh viên. Họ dễ dàng kiểm soát an ninh cho người dân với các camera an ninh khắp nơi.

Tại Do Thái, người ta gắn camera khắp nơi để quan sát vùng PAlestine. Một anh Ạ, cứ mỗi sáng thức giấc là ra vườn xem chim hay cho gà ăn nhưng hôm nay không thấy anh ta thì máy điện toán báo động ngay để xem anh ta có trong nhà hay đã đi đâu đêm qua không về. Đi ngoài đừng chúng ta thấy rất nhiều camera an ninh, được gắn khắp nơi, truyền tải hình ảnh trực tiếp.


Có lần về Sàigòn, mình được mấy người bạn học cũ của đồng chí gái rủ đi ăn cưới con của một người bạn học cũ. Đến nơi thấy một toà nhà cao 8 hay 9 tầng, có đến 10 đám cưới cùng một lúc. Vấn đề là họ cho xây một bin đinh to lớn mà không có chỗ để gửi xe. Hồi đầu năm về Sàigòn thì thấy nhà cửa xây dựng đủ nơi, có nhiều nơi chưa bán được để lê thê bên đường như mấy chung cư thời Liên Xô bỏ trống mà mình vừa có dịp thấy ở Georgia. Cho thấy họ xây dựng đột suất, không có chương trình gì cả, không chợ búa, không trường học để học sinh ở đó có thể đi bộ đến trường. Nói chung là không có gì hết ngoài các chung cư.



Các chung cư HLM ở Pháp được xây dựng theo tinh thần xã hội chủ nghĩa còn có bãi đậu xe, trạm xe buýt gần đó hay métro.


Ý tưởng đô thị 15 phút đã có từ lâu nhưng nay người ta mới áp dụng. Mình không biết kết quả sẽ ra sao vì con người muốn được tự do, không muốn chôn chân tại một chỗ. Cũng có thể các đám đầu tư địa ốc, đưa ra chương trình này để được chính phủ cho đặc quyền, mượn tiền để trùng tu lại các khu phố trong thủ đô vì ngoại ô, đa số các người nghèo nhất là thế hệ thứ hai của người di dân, thất nghiệp, hay nổi loạn phá phách. Mình nghĩ đến các tên đầu sỏ về địa ốc hơn là mơ mộng về cuộc sống 15 phút gần nhà. Anh phải kiếm vợ trong vòng 15 phút, tìm việc ăn uống trong vòng 15 phút thì chán ngấy. Không còn gì khám phá về cuộc đời. 


Ở Hoa Kỳ, hàng xóm của mình, gặp nhau nói chuyện nắng mưa độ 5 phút mà nay họ muốn mình chỉ sống loay quay trong vòng 15 phút đi bộ. Lại càng cô đơn hơn trước.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn