Nhạc sĩ Nguyên Lê

Nhạc sĩ Nguyên Lê

Nhớ lần đầu tiên du lịch sang Hoa Kỳ, gặp anh bạn học cũ đang làm luận án tiến sĩ tại đại học MIT. Anh ta kêu mình rất khác lạ vì thông thường người Việt mình ra hải ngoại là học kỹ sư, y khoa hay nha khoa còn mình thì lại bò đi học kiến trúc.

Câu nói của anh bạn khiến mình nhìn lại thì quả đúng vì đa số bạn gốc Việt của mình, đều là kỹ sư, bác sĩ, Tiến sĩ,…còn về nghệ thuật thì hầu như không có, lẻ tẻ một vài người. Khi xưa đi học, thì có quen hai tên gốc việt nhưng là dân sinh trưởng tại pháp hay đã sang đây thời ông Diệm bị lật đỗ.

Mình hay theo dõi các nghệ nhân gốc Việt, ở thế hệ mình tại hải ngoại để xem họ đột phá ra sao. Các người làm nghệ thuật, thuộc thế hệ trước mình ở ngoại quốc thì chỉ làm chơi chơi, bán buôn không bao nhiêu. Nói chung là không có gì đột phá, toàn chạy theo, bắt chước người ngoại quốc. Người Việt ít học về nghệ thuật nên có một vài người là thiên hạ, báo chí bơm như điên nhưng nếu xét với người dân sở tại thì không có gì đặc sắc.

Bị ràng buộc trong nền văn hoá nho giáo nên khó mà làm nghệ thuật khi người ta kêu là bọn xướng ca vô loại. Ông đạo diễn Trần Văn Thuỷ làm cuốn phim “Người tử tế” phải họp hành đủ loại mới được cho đi chiếu ở đại hội phim ảnh Leipzig thời Đông Đức Cộng sản. Ông ta không được xem khi trình chiếu, lại chuẩn bị vượt tuyến qua Pháp tỵ nạn. May quá, phim ông ta được trúng giải nên cứu ông ta.

Mấy người thuộc thế hệ lớn hơn mình bị khủng hoảng bản thể, họ đứng ở gạch nối Việt-Mỹ hay Mỹ-Việt, hoặc Tây-Việt hay Việt-Tây,… họ làm nghệ thuật cho cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại thì có bao nhiêu người Việt đi xem hay biết thưởng lãm. Khó sống.

Văn hoá Bôn Sa chỉ quy tụ vào hát karaoke, lâu lâu mấy sòng bài gần gần tổ chức đại nhạc hội ca kịch thì họ đi xem. Tuần rồi có đại hội xi nê Việt Nam nhưng ít ai đi xem. Ngày đầu tiên, người già và sinh viên vào miễn phí thì đi gần đầy cái rạp còn mấy ngày sau thì phải trả tiền nên chỉ có ai thích lắm, hay quan tâm đến nghệ thuật Việt Nam mới bò lại. Mình dẫn mụ vợ đi xem “hạnh phúc của mẹ” khiến mụ khóc như mưa bấc, kêu hay. Mình muốn đi xem nữa thì mụ kêu thôi đi shopping.

Vẽ tranh phải có người xem, làm kịch nói thì phải có khán giả,..nên gom lại chỉ vài người làm kịch giả gái, đồng tính, kiểu rẻ tiền chọc cười thiên hạ. Nếu đám đồng tính ngoại quốc biết được họ sẽ kiện hết tiền luôn. Người Việt hải ngoại cứ kêu tự do tùm lum nhưng lại cười những người đồng tính, không tôn trọng sự khác biệt hay quyền làm người. Chán Mớ Đời

Hồi đầu tháng mình có ghé phòng khánh tiết của tờ báo Người Việt để xem tranh triển lãm của vài hoạ sĩ trước 75. Thấy họ tốn tiền, mướn phòng làm triển lãm nhưng ít người xem, toàn là bạn bè, gia đình, không có người mua. Có bà bác sĩ nào thích một bức tranh của anh bạn, kêu để dành nhưng khi nghe nói giá $5,000 là bà ta hoảng hốt kêu thích tấm tranh của mình mua của anh ta khi xưa, cho mượn để làm triển lãm nên nhờ anh bạn vẽ theo thể loại này. Nếu bà ta biết giá tiền mình mua tấm tranh ấy thì chắc khóc. Chán Mớ Đời

Sau đó mình được đi xem tranh tại nhà hai hoạ sĩ khác. Mình thấy một ông hoạ sĩ làm cây cảnh bonsai, đục khoét đá phúng thạch rồi bỏ đất vào trồng mấy cây cảnh đẹp hơn là những tác phẩm của anh ta bắt chước người Mỹ làm như lấy mấy cái motherboard hay chip của các máy điện toán, bị phế thải rồi gán ghép gượng gạo lại. Ông này kể là học trò của cậu đồng chí gái ở trường Mỹ thuật Huế khi xưa, Tôn Thất Đào.

Paik Nam June là nghệ nhân người Mỹ gốc đại Hàn đã đi rất xa, có thể là tiên phong trên thế giới về nghệ thuật truyền thông média. Ông này làm từ thời mình mới sang Tây.

Rồi có một chị hoạ sĩ khác, học ở Việt Nam, sau 75 vượt biển rồi có học lại bên này nhưng giai đoạn đầu của chị ta chỉ vẽ lại những rúng động, hoàn cảnh khi đi vượt biển. Màu sắc đen tối nhưng nếu đưa cho người Mỹ coi thì chỉ là tự sự cá nhân khó được người thưởng lãm đồng thuận. Sau này chị ta chuyển qua mục bảo vệ môi trường nhưng phải được giải thích thì mới hiểu vì vẽ cái Iphone không giống. Có nhiều hoạ sĩ vẽ thực tế không được nên khó hiểu để thẩm nhận ra. Màu mè có tươi sắc hơn xưa.

Có lẻ về âm nhạc thì người Việt hải ngoại có nhiều tiếng vang hơn. Không biết vì âm nhạc rất đại chúng, dễ nghe, nối kết hơn là các môn như hội họa, cãi lương.

Ở pháp thế hệ trước mình có Tôn Thất Tiết, Nguyễn Thiện Đạo, Trần Văn Khê, Trần Quang Hải và Bạch Yến, Nguyễn Thuyết Phong còn thế hệ của mình  có ông Nguyên LÊ, tên là Lê Thành Nguyên, sinh tại pháp năm 1959. Bên mỹ có nhiều người cũng theo âm nhạc, có ông soạn Opera vở “Quán Âm Thị Kính”,… năm ngoái mình có đi xem ở đại học Chapman, toàn là mỹ hát không, có người nhật,...

Ông ta kể; nếu ông ta sinh tại Việt Nam thì chắc chắn không bao giờ trở thành người của ngày hôm nay. Lý do là ông ta chơi nhạc Jazz mà nhạc Jazz thì không được thẩm âm trong văn hoá âm nhạc Việt Nam, bị cấm từ bao lâu. Ít ai người Việt cảm được nhạc Jazz và hy vọng ông ta sẽ giúp thay đổi hiện trạng này. Mình không thích nhạc này lắm nhất là từ khi lấy vợ ngược lại mình rất mê Opera như khi xưa mê cải lương. Đến khi lấy vợ, mỗi sáng được nghe vợ mình ngáy giọng Mezzo Soprano bên tai. Chán Mớ Đời

Ông này học triết học được 4 năm và tự học guita nhưng dần dần ông ta đam mê về âm nhạc hơn. Ông cho rằng triết học là một kiến trúc tri thức khá lạnh lùng trong khi âm nhạc tạo dựng một sự kết nối giữa nghệ nhân và người nghe. Ông này tuyên bố câu xanh rờn là ông ta chơi đàn như Jimmy Hendrix dù xưa kia chưa biết ông thần này.  Trong nhạc Jazz có phần “interplay”, chơi tự phăng (improvisation) nên tạo ngay ấn tượng với người nghe tuỳ theo hoàn cảnh.

Mình nhớ có lần ở New York, có giáo sư Nguyễn Thuyết Phong chơi đàn tranh rồi bổng nhiên ông ta tự chế hứng lên (improviser) khiến cả phòng hưng phấn. Lúc đó mình mới hiểu nhạc dân ca hay cổ truyền có thể biến tấu qua chơi kiểu này.

Mình chỉ buồn cười là khi ông Nguyên Lê kêu ông bố có nhiều bằng cấp (beaucoup de diplômes) vì ông bố học khoa học chính trị (sciences Politiques) với ông Trần Văn Khê. Học môn này mà không về Việt Nam, ở lại pháp thì xem như đói nên mấy người này chuyển ngành như ông Khê chuyển qua âm nhạc dân tộc. Ông bố chắc học ngành khác kiếm cơm.

Ông Nguyên Lê có kể là người Việt chú ý đến sáng tác của ông ta vì ông ta sử dụng nhiều phần nhạc cổ truyền Việt Nam như dân ca mà ai cũng đều nghe khi còn bé. Họ nhận ra ngay dù nghe rất lạ tai. Một phần vì ông ta nổi tiếng trên thế giới, có lẻ dễ thành công hơn là chạy làm nhạc để thế giới chiêm ngưỡng. Nói chung thì ông ta là hình ảnh của sự tân tạo và trải rộng của văn hoá Việt Nam.

Mình rất ngạc nhiên khi thấy ông ta chơi nhạc và sáng tác nhạc cho các nhạc sĩ người Malgreb, Ả rập ở bắc phi, khiến mình nhớ đến ông kiến trúc sư người Việt, tốt nghiệp tại Paris rồi theo ông bạn là Hassan II về Maroc để vẽ dinh thự, nơi chôn cất của vua cha đủ trò. Mình có gặp ông này, và ông ta muốn mình ở lại làm việc cho ông ta. Ông ta trả rẻ như bèo nên mình trở lại Paris và sang Thuỵ Sĩ.

Điểm lạ là ông kiến trúc sư này có thể cảm nhận kiến trúc cổ truyền ma rốc để thiết kế cái lăng của vua Mohammed, sau này bạn ông là vua Hassan đệ nhị, chết cũng được chôn tại đây. Sau này mình làm việc ở Thuỵ SĨ cũng thắng một giải quốc tế cho công ty mình làm ở Saudi Arabia , một bộ lao động, cũng bắt chước nghiên cứu và vẽ rồng rắn của kiến trúc cổ truyền của xứ này thay vì vẽ loại mới.

Nghệ thuật không phải là một ngôn ngữ chính trị vì khi bị chính trị hoá sẽ diệt đi óc sáng tạo, kiểu đặt hàng. Những kiến trúc của Nazi, Phát xít của Mussolini quá tồi tàn. Năm ngoái mình ghé lại Milano, xem gần Duomo, có một toà nhà thời phát xít trông thô kệch hay ở Prague có những toà nhà được thành lập thời cộng sản trong thấy mất cảm tình. Khó chịu con mắt.

Nhạc sĩ Văn Cao trước cuộc kháng chiến chống pháp đã làm nhiều bài ca bất hủ dù bị thực dân cai trị, sau 1945 không còn thấy bài hát nào ra hồn.

Chúng ta thấy nhạc đỏ, sử dụng trong thời gian chiến tranh để đánh chiếm miền nam, nay không ai nghe, không ai hát. Thậm chí nhạc sĩ Trần Tiến kêu gọi bỏ loại nhạc này đi. Ngược lại ngày nay, người Việt tại Việt Nam lại hâm mộ nhạc tình Bolero hay nhạc được sáng tác trước 1975 tại miền nam mà họ gọi là nhạc vàng.

Ông Nguyên Lê này may mắn là được bà mẹ đồng cảm và được ông bố cho phép bỏ học để chơi nhạc cho dù hơi lo ngại lúc đầu. May mắn ông ta được mướn trong ban nhạc Jazz quốc gia pháp nên về kinh tế không lo lắm và từ đó sáng tác đến nay. Bà mẹ khuyến khích dùng âm hưởng Việt Nam trong nhạc Jazz của ông ta.

ông bố là bạn học với ông Trần Văn Khê nên được nhạc sĩ này khuyến khích về sáng tạo, dùng âm hưởng nhạc cổ truyền, dân ca Việt Nam. Mình thấy ông ta chơi với bà Võ Hồng Anh, đánh đàn tranh và Ngô Hồng Quang, chơi đàn của người Mường. Có lần bạn của vợ cho vé đi xem Thuý Nga, mình có thấy họ mời ông ta chơi nhưng thấy phản cảm khi khán giả ăn bánh mì, nhai rồi rầm, liêng bênh, ồn ào vô trật tự.

Ông ta chơi nhạc của Jimmy Hendrix với âm hưởng nhạc dân ca Việt Nam, ông ta làm nhạc cho ca sĩ ả rập hát, chơi nhạc cụ dân tộc của họ.

Ông ta cho làm một cây đàn gui-ta riêng cho mình được mệnh danh là ”Julien Gendre Tao”. Ông ta kể là nhạc Việt Nam theo ngũ cung nên ông ta hay tìm cách chơi từ nhiều điểm khởi đầu khác nhau với những note trưởng và note thứ mà nhạc sĩ Jazz rất thích sử dụng khi chơi.

Nhiều chương trình nhạc trên thế giới bị giới hạn về nghệ thuật vì chúng ta cần phải vượt qua chủ nghĩa du lịch và lạ kỳ. Chúng ta cần học hỏi và hội nhập với nền âm nhạc của người ngoại quốc.

Mình nhớ khi đến vùng Andalusia thì rất mê nhạc Flamenco, tối nào cũng đi nghe và nhảy dù chả biết gì cả hay khi sang Hy Lạp, được tụi bạn Hy Lạp dẫn đi nghe nhạc dân ca của họ, cũng chạy ra với đám bạn để nhảy Sirtaki được tài tử Anthony Queen làm bất tử trong phim Zorba the Greek.

Ông Nguyên Lê thành công nhờ đột phá làm nhạc, chơi nhạc theo tây phương, phi châu,…ông ta cố gắng gom những cái hay của người khác để kiến tạo cái mới. Nếu ở Việt Nam, thì chắc chắn ông ta không trở nên một nhạc sĩ của thế giới ngày nay.

Mình nghe nhạc sĩ Tuấn Khanh kể là khi xưa đang học ở nhạc viện thì công an vào lôi đầu một sinh viên xuất sắc ra khỏi lớp vì lý lịch gia đình. Muốn hát cái gì phải xin phép kiểm duyệt đủ trò,… có lẻ vì vậy Việt Nam sản xuất nhiều ”Thiên Tai” thay vì Thiên Tài.

Chán Mớ Đời
NHS