Quê hương và niềm nhớ

Quê hương và niềm nhớ

Hôm trước, đi dự buổi gây quỹ thường niên của hội thiện nguyện SAP-VN với vài người bạn. Ngồi nói chuyện với người quen, mình cảm thấy người việt bỏ nước ra đi vì nhiều lí do và khác biệt thời gian nhưng họ vẫn đau đáu, nghĩ về quê cha đất tổ nhất là lúc về già. Họ tìm gặp lại nhau vì có chung cùng những ký ức của tuổi trẻ ngày xưa. Họ như đứa bé trong bụng, sau khi ra đời, bị cắt cuống nhau nhưng vẫn tập tễnh sinh sống quanh người mẹ, người sinh ra mình như nhớ đến nguồn cội.

Người Việt rời quê hương qua nhiều phương tiện: di tản năm 75, du học trước 75, vượt biển, đoàn tụ, người đi theo diện H.O., rồi những đợt sau này như lấy chồng vợ việt kiều, du học sinh,... Tuy rời quê hương không cùng thời điểm hay hoàn cảnh nhưng họ có một mẫu số chung là tâm thể lưu vong. Họ khác với thế hệ con cháu của họ sinh tại ngoại quốc.

Mình nhận thấy con gái của mình rặc là người mỹ, cách đối xử hay suy nghĩ đều hoàn toàn mỹ cho dù khi xưa, có cho mấy đứa con học tiếng Việt, sinh hoạt hướng đạo với những trưởng gốc Việt. Có thể nói thế hệ con cháu sinh tại nước ngoại sẽ không đau đáu, khắc khỏi về Việt Nam. Con gái kể là chuyến đi Việt Nam vừa qua là chuyến đi vui nhất vì hiểu biết nhiều hơn, làm chung những việc cùng với em cô cậu.

Cái đau đáu của người lưu vong là có chung một ký ức về nguồn cội, quê hương. Lúc đầu họ nhìn nhau qua những ký ức của VNCH, đã bị khai tử ngày 30/4/75, rồi dần dần với thời gian họ cảm thấy gần gủi với những người có cùng quê quán nên các hội đoàn như Hội Thừa Thiên và Huế, hội thân hữu Đà Lạt, hội Bến Tre, hội Quảng Nam,..., được thành lập trong cộng đồng. Rồi đến trường học, nơi họ lớn lên như Văn Học Đà Lạt, Yersin Đà Lạt, Bùi Thị Xuân, Trần Hưng Đạo,...

Trong cộng đồng người Việt lưu vong, tuỳ theo mức độ, kẻ lưu vong cảm thấy lạc lõng nơi quê hương thứ hai, không hoà nhập được vào nền văn hoá sở tại vì ngôn ngữ, tuổi tác, thức ăn,.... Những cụ già, cả ngày ngồi chờ con cháu đi làm, trơ trọi, cô đơn trong căn nhà to lớn, xa cộng đồng người việt. Có lưỡi như câm vì không biết tiếng nước sở tại, có chân như què vì không biết lái xe hay lấy xe buýt. Ngồi coi các phim hàn quốc hay đài loan, cũng là một thứ văn hoá xa lạ tuy có được thuyết minh bằng giọng quảng.

Mình nhớ lần đầu tiên, ông bà cụ sang chơi, gia đình mình ở ngay phố Bolsa nên ông bà cụ vui lắm. Sáng đi bộ ra phố, mua báo đọc, uống cà phê, đi chợ Việt Nam, làm quen bạn mới,..., nhưng mấy lần sau sang thì gia đình mình dọn xa khu người Việt nên buồn chán, thay vì ở một năm như lần trước thì bỏ về Việt Nam sớm. Mình mua phim bộ cho ông bà cụ xem hay mướn thêm các kênh đá banh nhưng ông bà cụ sợ ra đường vì xung quanh là dân mỹ, lạ tiếng lạ hồn.

Kẻ lưu vong, đau đáu nhớ về quê hương bỏ lại, theo dõi tình hình chính trị, kinh tế tại quê nhà qua những báo trên mạng hay báo địa phương. Họ sống giữa quê cũ và quê mới, giữa cái mới và cái cũ, giữa hoài niệm và hoài bảo cho quê hương bỏ lại. Có người như bất lực nên chỉ biết chửi đổng VC rồi bạn học cũ, còn ở lại Việt Nam chỉ trích không nên vơ đũa cả nắm.

Nhớ dạo còn sinh viên, mình hay hát:

Từ quê hương tôi chợt nghe tiếng gọi
Của giống nòi đang quằn quại đau thương
100 phố phường vang lên nghìn lời nói
Nói tôi nghe nổi khổ của dân tôi

Sống lầm than tại sao phải lầm than
Bom thôi rơi tiếng súng đã im rồi
Sao dân tôi vẫn còn trong đói khổ
Sao nụ cười vẫn chưa nở trên môi

Tin tức từ quê nhà được các người vượt biển thoát kể lại càng ngày càng kinh hoàng khiến nhiều đêm nằm mơ thấy đang ở quê hương, bị công an tìm kiếm. Vợ mình vượt biển nên lâu lâu cũng có những ác mộng tương tự, lo sợ làm sao có tiền đi vượt biển đây.

Mình có anh bạn học, đi du học trước 75 nhưng chưa bao giờ về thăm Việt Nam. Anh ta khắc khỏi theo dõi trên du tu be những hình ảnh về Đà Lạt năm xưa hay ngày nay, thậm chí anh ta còn dùng phần mềm để vẽ lại chợ Đà Lạt, khu Hoà Bình,..., để được du lịch, đi lại những con đường xưa quen, hồ Than Thở, hồ Xuân Hương,... trở lại quê xưa trong  mạng như thầm hỏi:

Ôi quê xưa biết bao giờ trở lại
Đà Lạt ơi! thôi hết những chiều mưa

Mây vẫn trôi mang hồn thuyền viễn xứ
Về nơi đâu, đây khách xứ quê xa
Và lá rơi buốt lòng anh trơ trọi
Em hỡi em, có biết chăng nỗi nhớ nhà

Mơ thấy quê hương, một ngày thanh bình
Ta vẫn mơ, ta mãi mơ, mơ suốt đời

(Trần Chí Phúc)


Có người với nổi nhớ không nguôi, bay về Việt Nam làm chuyến du lịch để rồi xót xa trong lặng câm, có người vì hoàn cảnh kinh tế hay chính trị, không về thăm lại quê xưa để rồi đau đáu nổi nhớ nhà, nhớ quê xưa khi bóng hoàng hôn bắt đầu phủ xuống đời họ. Có người theo dõi những diễn biến của quê cũ một cách thụ động, lại có người mang hoài bảo làm việc gì cho quê hương trong những ngày tháng còn lại. Có người về hưu, trở về chốn cũ để sống trên quê cha đất tổ theo chủ nghĩa ta về ta tắm ao tao dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

Anh bạn của mình tự hỏi khi anh về thăm lại quê xưa, thay vì rủ nhau ra tiệm ăn, rồi đường ai nấy đi, trở lại không gian xã hội đang sống, quê hương thứ 2, sao không làm việc gì đó với số tiền trả nhà hàng, rượu bia,... , như để lại một di sản (legacy) như người mỹ thường làm.

Chuyến hè vừa qua, mình có về Đà Lạt, duyên may gặp lại được vài người bạn học xưa. Gặp nhau chỉ ăn và uống, kể chuyện đời xưa nhưng cái thân tình bạn hữu, xa cách trên 40 năm, nếu muốn tồn tại thì phải có những hoạt động chung trong tương lai thì mới gắn bó lại tình bạn hữu khi xưa, bị gián đoạn trên 41 năm.

Mình thấy vài người bạn ở Đà Lạt, hàng tháng rủ nhau đi thăm thầy cũ, để giúp đỡ thầy cô trong tuổi già, không còn lao động được, lại không được nhà nước chu cấp hưu trí. Mình được biết có số bạn học xưa, ở hải ngoại cũng gửi tiền về giúp thầy cô trong tuổi già, nói lên tình thầy trò thiêng liêng và nhớ công ơn của thầy xưa với những người bạn đồng môn khi xưa. Mình nghe nói có anh bạn học cũ, nay chạy xe ôm nhưng đến nhà xưa thì không ai biết tông tích. Đa số những người bạn học cũ mà mình đã gặp lại thì tương đối họ có cuộc sống khá sung túc. Những người bạn khác, không có dịp gặp lại thì chắc cuộc sống kinh tế của họ, chắc cũng khó khăn nên không có thời gian hội họp với bạn bè xưa.

Mấy năm gần đây, mọc rộ lên những chuyến du hành từ thiện về VN, các phái đoàn y tế, do các hội từ thiện, tháp tùng bởi các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, ...., về Việt Nam để chữa bệnh, sang hơn thì có các bác sĩ tây mỹ tháp tùng cho có tiếng tăm hơn. Các bác sĩ ngoại quốc đi theo vì tò mò nghề nghiệp, để xem các trường hợp nạn nhân của thuốc khai quang màu da cam, do quân đội Mỹ rãi trên rừng Trường Sơn trong thời kỳ chiến tranh. Họ đến Việt Nam để xem các nạn nhân như xem xiếc, quái vật như trong phim The Elephant man, rồi hứa sẽ trợ giúp, rồi ra đi không hẹn ngày về. Mình nói chuyện với các y sĩ có tâm ở Việt Nam, thì họ rất chán vì mất công, mất thì giờ tiếp đón các phái đoàn y sĩ ngoại quốc, vì y sĩ ngoại quốc chỉ tò mò nghề nghiệp chớ không phải chức năng hay lòng hảo tâm, muốn cứu giúp vì không mang lại lợi tức, lợi nhuận trong xã hội của họ.

Rồi những đoàn khác tiếp tục đến rồi đi, nhưng cũng có những đoàn về làm giải phẫu cho người nghèo, phát thuốc,... Cái khó là làm từ thiện ở Việt Nam thì phải qua Mặt Trận Tổ Quốc của nhà nước nên thường bị ăn xén bớt, đến người dân thì không bao nhiêu. Nếu làm chui thì sẽ bị làm khó dể. Mình có đến gặp các cha sứ ở Lâm Đồng hay Phan Rang, được bảo trợ bởi các tổ chức thiện nguyện, mới hiểu được tình hình.

Mình biết vài người làm những công tác này hay họ xin tiền của hội đoàn người mỹ để đưa các cựu chiến binh mỹ về thăm lại Việt Nam, để xoa diệu vết thương tinh thần vẫn ám ảnh trong thời chiến. Các người này, khi xưa chỉ làm theo lòng nhân đạo nhưng dần dần, thời gian bỏ vào các hoạt động từ thiện biến họ thành chuyên gia từ thiện, sống bám theo những vấn nạn này, mỗi năm xin được vài triệu, để trả lương cho họ, chi phí,....

Có dạo mình rủ cô em ở Pháp đi thăm mấy trung tâm mồ côi và người già neo đơn, không có con cái chăm sóc thì được một người quen sinh sống bên pháp, nay về hưu ở Việt Nam, khuyên không nên đi vì những cảnh tượng đau lòng làm mất vui cho chuyến đi nghỉ hè, quyết theo chính sách 3 Không để an vui, sống thoải mái ở quê nhà trong lúc tuổi già. Họ bất lực trước hiện tại nên thôi sống cho họ, ai chết mặc bây.

Các người đi tham dự buổi gây quỹ từ thiện cho Việt Nam, nhiều khi chỉ là dịp để gặp lại thân hữu, cũng có thể quảng cáo cho thương hiệu của họ, tặng cho ban tổ chức vài chục để lương tâm cảm thấy an bình hơn như một bài báo do người Ái nhỉ Lan viết về các cuộc từ thiện để giúp người dân ở quê hương họ. Mình có anh bạn gốc Ái nhỉ Lan nhưng sinh sống tại Luân Đôn vì quê anh ta chả có gì cả. Sau này anh ta xin qua Hoa Kỳ sống vì muốn con anh ta sẽ không bị mặc cảm, khi làm việc cho người Anh quốc.

Biết Bao Giờ Trở Lại -

Tôi đã đi, tôi vẫn đi mãi biết bao giờ trở lại
Đà Lạt ơi, sao em còn mãi trong tim tôi
Ôi những con đường ngày nào còn nghe lá rơi
Nụ cười còn tươi nét môi
Hay áo mầu phai úa rồi

Tôi đã đi, tôi vẫn đi mãi biết bao giờ trở lại
Hỏi lòng nhau cơn mưa nào xóa đi thương đau
Bao tháng năm dài miệt mài đời như khói sương
Nghìn trùng giòng sông vấn vương
Để nhớ thương lệ mắt buồn

Tôi vẫn mơ thành phố cũ lối xưa đi về
Dù hồn nghe tái tê,
tìm đâu thấy những cơn mộng mê
Một ngày nào đó như cánh chim bạt gió
Có nghe mùa thu qua xót xa tình phôi pha

Tôi vẫn tin, tôi vẫn tin mãi sẽ có ngày trở lại
Để cùng em rong chơi tìm những cánh sao rơi
Cho tiếng hát buồn ngày nào nhịp vang phố vui
Nụ cười về trên nét môi
Hạnh phúc tôi, một góc trời
 (không biết tác giả)


Nhs

Mới nghe tin nhà thơ Du Tử Lê mới qua đời. R.I.P.