Khu Hoà Bình Đàlạt xưa

Khu Hoà Bình Đàlạt xưa

Tấm ảnh này #1, chụp trước năm 1960, khi chợ mới Đàlạt chưa được xây cất bên phía tay trái của tấm hình. Ở giữa là Chợ Cũ, được xây lại khi Chợ Gỗ bị cháy. Mình có tấm ảnh Chợ Gỗ trước khi bị cháy nhưng không biết bỏ ở đâu. Mất công mò quá. Mình nghe bà cụ kể là khi vào Đàlạt thì người ta gọi chợ gỗ vì làm bằng cây. Sau bị cháy nên họ xây lại bằng hắc lô xi măng như hình ở trên.

Ta thấy chợ được lợp bằng loại tôn xi măng, có cái tháp chuông để định vị từ xa, xem như điểm cao nhất Đàlạt thời ấy.

Con đường ở giữa đi ra Khu Hoà Bình là đường Van Vollenhoven, tên của một toàn quyền Tây, sau 1954 thì đổi thành Phan Bội Châu, rồi có một dãy nhà hai tầng mà có tiệm giày Bata, nhà của Trần Thị Anh đào, hai chị em Nam Trân, Nam Trinh. Phía sau là một bãi đất trống, sau này được làm bến xe đò Tùng Nghĩa, xe đò Minh Trung chạy Sàigòn Đàlạt. Xe Peugeot 202 nhưng người ta độ lại chở 8 người. Băng trước 4 người và băng sau 4 người. Mình nhớ có đi Sàigòn một lần xe này với ông cụ hồi nhỏ. Xe đò đi Tùng Nghĩa Đức Trọng cũng bằng loại này.

Chỗ bến xe này có lối dẫn ra đường Hàm Nghi, nói chung là từ Khu Hoà Bình, muốn chạy ra đường Hàm Nghi thì phải chạy qua đây vì ngõ cà phê Tùng, nhà in Lâm Viên thì đường một chiều.

Bến xe thì phải có quán ăn. Khúc này nếu mình không lầm thì quán ăn đầy và sửa xe, vá bánh xe như ở khu rạp Ngọc Hiệp. Mình nhớ về Đàlạt lần đầu tiên, có gặp và ăn phở với ông giáo Kim ở đây.

Bên tay trái thì thấy vạc đất mà người ta trồng rau, rồi một dãy kiosque bên tay trái giúp tạo nên một không gian phố thị của chợ Cũ.

Chợ thì thấy thiên hạ ngồi ngoài đường bán thêm, thay vì chỉ trong chợ. Bà cụ mình khi ra riêng, mua lại một cái chỗ ngoài đường của bà nào, bỏ Đàlạt về Huế, nhưng phía bên tiệm đồng hồ Tiến Đạt. Nhờ đó mà bà cụ mình quen ông bà Tiến đạt, nhà kính Anh Lân, Việt Hoa, Việt Quang,…

Bên tay phải của tấm ảnh là một dãy nhà từ đường Hàm Nghi đi vào như quán Cà Phê Tùng, nhà in Lâm Viên, tiệm phở Quốc Hương, tiệm sách Liên Thanh, tiệm giày Đại Việt rồi tiệm vàng Bùi Thị Hiếu, con của ông Bùi Duy Chước. Ngay góc đó là đầu đường Tăng Bạt Hổ, đi xuống, đụng đường Minh Mạng ngay góc tiệm Vọng Nguyệt Lầu.
Đối diện tiệm vàng Bùi Thị Hiếu, qua đường Tăng Bạt Hổ là quán ăn Mekong, đám cưới ông bà cụ mình được tổ chức tại đây. Cách đây mấy năm, trong buổi hội ngộ Yersin với cô Ngô Thị Liên có con gái của ông đầu bếp nhà hàng này đến tham dự.

Cạnh tiệm Mekong là tiệm Việt Hoa, bán máy truyền hình radio,…rồi đến tiệm của bà Phúc Thị Lai, bán vãi rồi đến tiệm Chà Và, chuyên bán đồ Mỹ phẩm cho phụ nữ nên mình chỉ nhớ sơ sơ rồi đến tiệm Đức Xưng Long, bán tạp hoá rồi Lưu Hội Ký bán sắt, có thêm cái tiệm ở bên đường Duy Tân. Ông Lưu Hội Ký này, ngày xưa muốn hỏi bà cụ mình cho con trai của ông ta nhưng bà cụ không chịu, nếu không thì nay mình đã mang tên Lưu Linh.

Phía sau tiệm Mekong có bãi đất trống, có một dãy nhà là đường Nguyễn Biểu. Căn đầu bên tay phải là nhà của gia đình Hiệp Tam Kỳ, mình có học với con họ. Thằng đầu hơn mình một tuổi, không nhớ tên gì, thằng em tên Hùng. Thằng anh học đàn với mình với ông thầy dạy đàn tên Hà (nằm vùng) trên đường Tăng Bạt Hổ, sau này nó đánh đàn cho ty thông tin Đàlạt.

Dãy nhà này phía đường Minh mạng là của ông Bùi Duy Chước, tối thì có bà Bảy Quốc bán sữa đậu nành và bánh da lợn ngon tuyệt cú mèo ở đây. Căn thứ 3 hình như là nhà cũ của ông bà Hiệp Thạnh khi xưa, sau này dọn qua đường Duy tân, cho ai thuê. Có lần dì Thương, con bà Phúng dẫn mình đến đây lấy tiền mướn nhà.

Chỗ góc đường Minh Mạng, tiệm Đức Xương Long, có con là Huỳnh Quốc Lương, học chung với mình, nay ở Úc đại Lợi, nhìn qua đường có tiệm Lưu Hội Ký bán vật liệu xây cất, tiệm vàng Kim Thịnh, gần tiệm Anh Việt. Gần bên là tiệm Vĩnh Hoà, Kim Hưng,…

Bên kia đường Duy tân là tiệm bánh mì Vĩnh Chấn, sau Mậu Thân, họ trang bị lò bánh mì điện nhanh chóng ăn mê tơi. Mình nghe bà cụ kể là phía bên số lẻ của đường Duy Tân có mấy cái kiosque. Nếu nhìn tấm ảnh này thì thấy mấy cái kiosque mà bà cụ tả. Mình có tấm ảnh khúc này với mấy cái kiosque.

Sau này họ đập bỏ mấy kiosque và xây khu nhà lầu 4 tầng ở đoạn này và khách sạn Thuỷ Tiên, (xem hình dưới). Chỗ này có một con đường tên là Trương Vĩnh Ký mà ngay góc ấy là tiệm thuốc Bắc Thế An Đường có nhãn hiệu “con cua” nên người ta gọi là tiệm thuốc Con Cua. Có mấy người con nay ở Gia NÃ Đại, một tên là Huỳnh Quốc Hùng học chung với mình mà bạn bè hay gọi Hùng Con Cua.

Tiệm con cua này có một người anh và người chị là chủ nhân tiệm ăn và khách sạn Cẩm Đô. Mình có thăm viếng hai anh em này ở Pháp khi họ đi tỵ nạn. Nay nghe bác trai đã qua đời còn người em gái thì ở viện dưỡng lão. Họ không có con. Qua tây mà được ăn lại món mì Cẩm Đô do chính chủ nhân nấu. Sơn đen quả là hồng phúc.

Nhìn tấm ảnh thì thấy trường tiểu học Đoàn Thị Điểm đã được xây cất trước 1960 trên đường Trương Vĩnh Ký.

Từ tiệm Vĩnh Chấn đi lại phía đường Thành Thái thì có tiệm thuốc Tây Nguyễn Văn An, nhà hàng Chic Shanghai mà mình hay đem bồ câu đến đây bán. Dạo đó, nhà mình có nuôi Bồ câu, mình sơn chuồng rất đẹp nên chim bồ câu ở đâu hay bay về chuồng của mình để cù rũ, đạp mái thế là mình canh me, bắt mấy con chim dại gái này đem ra tiệm ăn này bán để họ làm Bồ câu hầm thuốc Bắc, hạt sen cho khách. Kế đó thì có tiệm vàng của bà Tư Bổ, tiệm Song Song của Vĩnh Ít, chắc cùng dòng họ với Vĩnh Chấn, Vĩnh Hoà, bán cà phê, trà rồi đến tiệm ông bà Võ Quang Tiềm mà bà cụ mình kêu bằng Dì Dượng, chị em bạn dì với mệ ngoại mình, bán rượu,.

Nghe nói khu Hoà Bình là do ông Võ Đình Dung, thầu khoán xây cất, ông ta làm chủ mấy căn ở dãy phố này. Thời Tây, ông Võ đình Dung, bà con chi bên vợ mình đi thầu xây cất rồi tụi Tây giao tiền giả nhưng tối nên không kiểm lại. Về nhà tối ngủ bà vợ thấy ai về mách nên đêm khuya thức dậy, xét lại mới khám phá ra tiền giả nên đem đốt hết. Vừa đốt xong là bảo an kéo lại lục soát nhà nhưng không thấy nên sau đó ông bà mới cúng tiền xây chùa Linh Sơn, được xem là nhà hảo tâm nổi tiếng của Đà Lạt rồi hưu trí, không làm ăn thầu xây cất nữa.

Nghe kể cách làm ăn hại nhau khi xưa và ngày nay nên mình không dám nghĩ đến làm ăn hay về sinh sống tại VN. Nghe kể cô con gái ông bà đi du học ở Pháp rồi đem con về giao cho gia đình nuôi rồi tập kết ra Bắc. Sau 75 có vào năm và chết trong Nam vì ung thư. Hình như mấy người này về cùng lược với cô giáo dạy mình việt văn khi xưa Ngô Thị Liên. Chỉ khác là gia đình chồng di cư vào Nam nên cô về  với Việt Nam Cộng Hoà, còn con gái ông bà Võ Đình Dung thì theo chồng ra Bắc.

Cạnh tiệm ông Võ Quang Tiềm thì có một ngân hàng hình như Đông Phương, Văn phòng Hàng Không Việt Nam, đến tiệm ăn Nam Sơn trước bãi xe taxi mà anh Bôn và Thanh của đội banh Đà Lạt bị Việt Cộng gài lựu đạn nơi xe bị nổ chết, cuối cùng là phòng nha sĩ Trình, bố tên Hy học Yersin với mình có lần nhổ mình mấy cái răng và mấy thang cấp nối đường Thành Thái qua Trương Vĩnh Ký chỗ trường Đoàn Thị Điểm mà mình từng học Hội Việt Mỹ ở đây.

Phía sau dãy phố này là đường Trương Vĩnh Ký, có mấy quán ăn mà nổi tiếng nhất là quán bánh xèo của hai ông bà người Huế. Xa Đà Lạt 40 năm nhưng mình vẫn nhớ rau xà lách couronne mà ngày xưa ăn phở thường có rau này. Bên Tây thì mình có ăn loại rau này có vị hơi đắng đắng, dòn dòn, lá có răng tua tua nhưng bên Mỹ thì không thấy bán. Về Đà Lạt tuy thèm nhưng không dám ăn vì lần đầu về mình bị Tào Tháo rượt ói mật xanh luôn vì ăn rau.

Chợ Đàlạt sau 1960

Xem tấm ảnh #2 này thì cho thấy Chợ Mới Đàlạt đã được xây cất. Chợ này do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế còn phần thiết kế đô thị xung quanh chợ là do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế như con đường đi ra bờ hồ từ chợ mới có mấy quán như cà phê Hạnh Tâm,… bến xe đò Sàigòn -Đàlạt,… Bức ảnh chắc được chụp sau cơn mưa. Dãy đường Phan Bội Châu, chưa có xây cất. Không thấy thiên hạ ngồi ngoài đường bán xung quanh khu Hoà BÌnh như trước.

Dựa theo hình ảnh thì mình đoán là kiến trúc sư Ngô Viết Thụ đã thiết kế chiếc cầu đi từ khu Hoà Bình vào chợ mới trên lầu. Nếu để ý thì một bên cầu thẳng và một bên to ra ở đầu và hẹp ở giữa cầu. Thêm ông ta đã làm cái cầu thang từ đường Lê Đại Hành đi xuống chợ. Ông ta là khôi nguyên giải La MÃ nên có ở tại La MÃ 3 năm do chính phủ Pháp đài thọ, ăn ở tại Villa Médicis để nghiên cứu về chi đó mà mình quên hỏi khi gặp lại dượng, khi về thăm Việt Nam. Cái cầu thang rất bị ảnh hưởng của cầu thang ở quảng trường Plaza Espagna ở thủ đô La Mã.

Mấy kiosque bên tay phải đã bị tháo dỡ để từ khu Hoà BÌnh có cái nhìn xa rộng hơn về hồ Xuân Hương, không bị gò bó như xưa. Chỗ đó, mình nhớ có mấy kiosque bán lan và đồ lưu niệm cho du khách như cưa gỗ thông, đánh vernis . Mình nhớ là chỗ này có xây một pháp trường thời ông Kỳ, sau này được dỡ bỏ. Có người kêu là không bao giờ có. Bác nào có ký ức tốt tốt hay hình ảnh thì cho em xin. Em thì nhớ rõ ràng vì đi với thằng bạn, kêu nó đứng trước cái tường làm bằng bao cát rồi mình bắn nó cái đùng. Không Chết.

Khách sạn Mộng Đẹp (Modern) đã được xây cất, tương tự nhà hàng vũ trường La Tulipe Rouge. Hai dãy nhà song song cái chợ đã được xây vì mình có tấm ảnh chợ Đàlạt mới xây thì chưa thấy hai dãy nhà hai tầng này.

Ta thấy dãy kiosque bên tay trái của hội trường Hoà Bình đã bị dỡ bỏ. Khách sạn Thuỷ Tiên đã được xây cất cùng với dãy nhà khúc này trên địa điểm của mấy kiosque khi xưa. Còn chợ Đàlạt thì mình đã kể rồi.

Từ cầu thang đi vào chợ trên lầu, người ta có thể đi qua Khu Hoà Bình, tại đây có phòng triển lãm chi đó, có tiệm Thanh Nhà của gia đình bác Bửu Ngự, hàng xóm mình ở cư xá Công Chánh. Rồi đi tới đường Tăng Bạt Hổ, góc tiệm cầm đồ Bùi Thị Hiếu và tiệm ăn Mekong.

Chợ được dời xuống chợ dưới hay Chợ Mới, còn chợ cũ được xây thành hội trường Hoà Bình; gồm một rạp xi nê ở giữa, và xung quanh là các tiệm bán đồ nhỏ.

Cửa vào rạp xi-nê Hoà Bình được nâng cao lên vì cái nền của rạp bên trong được xây cao từ cửa ra vào và nghiêng thấp từ từ xuống màn ảnh để người ngồi dãy ghế phía sau không bị cái đầu của khán giả phía trước che khuất cho nên phải bước lên mấy bậc thang cấp mới vào foyer của rạp, bên trái là phòng bán vé mà mình từng chen lấn như đi ăn cướp để mua vé nhất là ba ngày Tết.

Thường mấy ngày Tết họ chiếu phim tồi nhất vì ai cũng đi coi, sau đó vài tuần khi khán giả hết tiền lì xì thì mới chiếu phim hay. Đối diện phòng bán vé là nơi quảng cáo các hình ảnh của phim đang chiếu hay sắp chiếu. Sau khi chen lấn mua được vé thì phải bước lên vài thang cấp mới vào được hội trường. Bên trong được chia làm hai dãy ghế. Hình như có ba loại vé cho ba loại ghế xanh vàng đỏ. Vé đắt nhất là màu xanh, gần cửa ra vào, sau đến vàng thì phải, rồi đỏ gần màn ảnh. Hồi nhỏ mình hay mua vé bình dân, ngồi hàng ghế đỏ nên coi xong thường là hai suất cho đã ghiền nên bước ra khỏi rạp là đói meo, mắt hoa, chóng mặt. Mình coi ở đây Dr. Zhivago, Le Cid, Tần Thuỷ Hoàng, La colère d' Achille, Tân Độc Thủ Đại Hiệp có Khương Đại Vệ đóng, Thập Tam Thái Bảo mà cuối cùng KĐV bị tứ Mã phân thây...

Sau năm Mậu Thân thì mình nhớ có lần lính Lực Lượng Đặc Biệt của Mỹ gồm toàn người Nùng, gốc Tàu,...được Mỹ trả lương đi lùng các lính cảnh sát dã chiến đánh. Mình đang ở chợ dưới thì nghe súng liên thanh thì ngạc nhiên vì dạo đó lính VNCH xài toàn M1 hay Garant bắn từng viên, chỉ có AK 47 mới bắn liên thanh được nhưng tiếng nổ nghe khác, nhìn ra thì thấy vài tên lính cảnh sát dã chiến chạy từ cầu thang chợ xuống bến xe lam rồi chạy vào dưới chợ núp, trong khi mấy tên lính LLĐB ôm súng ẢR17 chạy đi lùng. Sau này mới hiểu lí do; có một tên LLĐB gốc Hoa đang đứng chơi với tên soát vé ở rạp Hoà Bình thì có mấy tên lính cảnh sát dã chiến muốn vào coi cọp nhưng tên LLĐB không cho bị CSDC đánh thì anh chàng này chạy về trại kêu lính LLĐB mà mình có biết vài tên vì trên đường Thi Sách có tên Dũng đầu bò, người Nùng, nói giọng bắc cả dòng họ nó đi LLĐB hay lái xe Jeep Mỹ về, đeo súng AR 15, lựu đạn cá nhân loại nhỏ,…

Cuối rạp thì có hai cửa thoát phòng cháy, bên phải thì chạy thẳng ra ngoài cạnh tiệm bazar của một ông người chà và còn cửa bên trái thì chạy thẳng ra bên tiệm kính Anh Lân. Phía sau chổ tiệm Thanh Nhàn, nơi có con đường đi xuyên khu Hoà Bình từ tiệm Mekong xuống cầu thang vô lầu hai của chợ Mới thì có một cái cửa đôi phòng cháy. Hậu trường của rạp này nhỏ nên các gánh hát cải lương không mượn chỗ này vì không làm sân khấu được nên chỉ có tổ chức đại nhạc hội của Phi Thoàn, Tùng Lâm thôi mà mình có xem một hai lần ban AVT. Trường Văn Học thường mướn rạp này để chiếu phim hay văn nghệ cho học sinh của trường xem. Mình nhớ coi phim Nắng Chiều có người đẹp Bình Dương đóng và một lần trường Văn Học tổ chức văn nghệ có mời ban nhạc Rolling Wheels chơi.

Ông chủ tiệm đồng hồ Tiến Đạt, người Bắc, có cái tiệm coi như rộng nhất ở khu này vì ba căn nhập lại, sát góc bên trái của rạp Hoà Bình. Lúc mới xây thì chia ra từng căn cở tiệm sửa radio Việt Quang nhưng dần dà có người bán thì mấy hàng bên cạnh mua, nới rộng thêm tiệm của họ. Mỗi lần đi bát phố ở khu này, mình hay ghé lại xem đồng hồ Seiko, Bulova, Citizen,.. Mình thích nhất hiệu Seiko nhưng ông cụ mua hiệu Citizen vì rẻ nhưng cũng là niềm hạnh phúc vô biên. Sau này sang tây thì cái đồng hồ này chết máy nên cũng không đeo đồng hồ tự dạo đó. Năm ngoái về thăm Đà Lạt mình vẫn thấy cái đồng hồ con gà treo tường mà 50 trước bà cụ mình mua ở tiệm này, nay không còn chạy nữa.

Năm 3ème mình bắt đầu không thấy rõ chữ trên bảng nên phải xin lên bàn đầu ngồi nhưng ông cụ không cho đi khám mắt đến khi sang Văn Học thì oải quá năn nỉ ông cụ đưa ra tiệm kính Anh Lân để đo mắt thì thấy cận trên 4 độ. Có lẻ ông cụ mình là gốc Bắc Kỳ nên quen hay mua đồ ở mấy tiệm do dân Bắc cầy làm chủ. Tiệm Anh Lân cũng rộng tương tự tiệm Tiến Đạt, có cái bảng đọc chữ khi khám mắt ở giữa để xem độ cận của khách hàng. Mấy anh em mình đều là thân chủ của tiệm Anh Lân đến 75. Tiến Đạt thì sau 75 không thấy trở lại Đà Lạt. Mình có gặp lại con của tiệm kinh Anh Lân, 2 chị em. Một cô học cùng năm khi xưa.

Cạnh tiệm Anh Lân là tiệm sửa radio Việt Quang, có thâu băng nhạc chắc lậu nên dạo đó đi ngang là nghe nhạc Phượng Hoàng vang rền trời. Có lẻ dãy tiệm này hướng Tây hay Nam nên thấy có mấy tấm vãi, biển quảng cáo được che nắng mưa. Nghe nói bà Việt Quang nay sống ở ấp Cô Giang, trồng Lan bán. Ông cụ mình thân với ông Việt Quang nên hay tụ tập ở đây với nhóm đặc phái viên của tờ báo Tiền Tuyến và Con Ong. Có lần đám học sinh Văn hỌc cũ rũ mình đi uống cà phê ở tiệm con gái Việt Quang ở đường Lê Quí Đôn. Trong nhóm này có chú Nê, anh của chú Nô ở ấp Cô Giang hay hát trên đài phát thanh Đà Lạt. Chú Nê ngày xưa có dạo đi tù chung với bà cụ mình khi tham gia kháng chiến chống Tây. Chú Nô đi lính, hay đánh bóng bàn với anh Tín, du học bên Nhật về, đánh kiểu cầm thìa, vô địch vùng 2 ở cái tiệm cho mướn bàn ở đường Minh Mạng, ngay dốc Tăng Bạt Hổ, đối diện tiệm chè Long Phụng Lầu. Mỗi lần có tin gì lạ thì ông cụ mình hay đánh điện tín về Saigon. Nhóm này hay trù trì ở nhà hàng Mekong nơi tổ chức tiệc cưới của ông bà cụ mình khi xưa. Mình có ăn mì xào với ông cụ ở tiệm này một lần khi đậu bằng Trung học Pháp. Nguyễn Bình, ông thầy dạy Thái cực đạo của mình bị lính 302 chỉa súng, bị đánh hội đồng tại đây khi ngồi uống cà phê với hai cô gái. Ông này chả dạy gì cả, cứ vát xe moto 125 cc chở gái chạy vòng vòng.

Tiện đây mình tải email của anh Võ văn Điểm, cựu sinh viên đại học Đàlạt, giáo sư trường Bùi Thị Xuân, kể những kỷ niệm của anh ta về Đàlạt.

“Đọc bài Chợ Da Lat thật thú vị. Nhân đó tôi nhớ lại một số hình ảnh khi sống ở DL từ 1962-1965 và 1969-1972. Nhớ tản mạn, ghi ra anh đọc chơi như trò chuyện vậy.

1. Taxi : là xe Peugeot 202 có thể chở 4-5 khách. Xe đò nhỏ Minh Trung cũng là loại này, chạy đường Sai Gon, Nha Trang nhưng chở 7-8 người. Không  nhớ tên xe đò lớn, nhưng nhớ nám 1962 khi lên học đại học, tôi đi xe dò rất to tên Cosara chạy chậm rì, từ bến xe ở đ. Petrus Ky ,Saigon. Xe lam ba bánh thì chạy  trong thành phố, tới tận khu Chi Lăng , Cây số 4, Mã Thánh... Đi Đức Trọng, Tùng Nghĩa, Đơn Dương, Trại Mát, Trại Hầm, Cầu Đất... thì xe đò lớn hơn, bến xe trước ở sau khu Hoà Bình sau dời xuống trước Chợ Mới.

2. Năm 63 không còn thấy cái rond point trước rạp Hoà Bình , dãy nhà phía nhìn xuống Chợ Mới  thành khu đất trống lát gạch, có vài ba kiosque, bãi giữ xe ở chỗ này. Mặt phía đông khu Hoà Bình có mấy cửa hàng như Thu Lan bán quần áo len . Chủ quán là một cô ( hay bà) trẻ, rất đẹp, vẻ quí phái. Có người nói vua Bảo Đại từng muốn cô này làm tì thiếp, không rõ thực hư. Có tiệm giày Phong nhiều mặt hàng đẹp, thời thượng. Mấy tiệm mắt kiếng, đồng hồ...Mặt sau khu HB  có hai phòng lớn dùng làm phòng triển lãm, phòng thông tin. Có hành lang rộng đi  vào, và thông ra hai mặt hai bên đông tây.

3. Đ. Trương Vĩnh Ký có trường tiểu học Đoàn Thị Điểm , khu Nữ đai học xá gần đó. Đầu đường ( sau lưng tiệm Vĩnh Chấn, đối diện Ks Thuỷ Tiên có dãy hàng quán mái che bán cháo, xôi, bún từ chiều tới hai ba giờ sáng. Quán cô Bảo bán xôi gà nổi tiếng , khoảng năm 2000 tôi ghé, cô ấy còn nhận ra " ông này chuyên ăn khuya, hai ba giờ sáng ". Trên vỉa hè góc Duy Tân- Minh Mạng buổi chiều hôm có mấy  cô bà bày  bán đậu phọng rang giòn, đặc biệt bắp nướng thoa mỡ hành , trơi lạnh vưa ăn vưa lòng vòng các phố, rất thú vị. Đ. Lê Đại Hành phía chợ có hàng cây anh đào, mùa Têt nở hoa tưoi thắm, tình tứ. Đ. Duy Tân bên số chẵn có cà phê Las Vegas, bà chủ cỡ 40 tuổi hút thuốc rất điệu nghệ, như đầm già vậy.D.Minh Mạng có càphê Sakura  chuyên phát nhạc bolero của Trúc Phương , khuya mà nghe Thanh Thuý hát Nửa đêm ngoài phố buồn thúi ruột nhưng vẫn khoái. Gần đó có tiệm Hủ tiếu Nam Vang ngon ( góc Tăng Bạt Hổ) . Bên kia đường, có hẻm lát đá dẫn xuống Phan Đình Phùng , trong hẻm có quán kiosque gọi Quán Dê ngon, rẻ. Xịch về phía dưới gần trạm điện có bida Hồng Ngọc. Cuối dốc Minh Mạng, tiếp giáp Phan Đình Phùng ngay góc có cà phê Phi Nhạn, bên cạnh có tiệm bida mà các tài tử  Sàigon như Hùng Cường lên thường đánh cá dộ ăn thua lớn (sơn đen bổ túc tiệm bi da Mnh Tâm, nơi trù trì của Trung Ba Tai). Gần đó là quán bún bò Ân Ký. Con bà chủ tên Phan...? tự Nhẫn , tụi này gọi " chúa badaud " ,sinh viên CTKD, chơi thuốc phiện. Đi cải tạo về, nghèo đói, nghiện rượu, chết vì ung thư gan. Chơi thân với bọn tôi. Đối diện là rạp Ngọc Hiệp, tiệm cơm Như Ý, ks Cẩm Đô…



4. Mặt sau rạp Hoà Bình nhìn qua dãy phố.Sau lưng dãy phố là hàng quán mái che , có quầy càphê Domino do bà vợ ông càphe Tùng đứng bán, giá bình dân. Cạnh đó la quán Bảy Kỷ  bán thịt nướng, riêng steak bò khá ngon rẻ ( 7$ /dĩa cục bò cỡ nửa bàn tay , mỏng lét) . Bến xe Đơn Dương, Tùng Nghĩa... có lúc ở đây, sau mới dời xuống chỗ Cây Xăng đầu ấp Ánh Sáng , tại dây có quán phở Ngọc Lan, tô rất to, nhiều thịt hầm mềm, ông chủ người Bắc , coi bậm trợn. Con đường cặp theo hương đông rạp HB có nhà hàng Mekong ngay đầu Tăng Bạt Hổ. Bên này đuòng là tiệm cầm đô và nữ trang Bùi Thị Hiếu, kế đó tiệm may Paris mode, nhà sách  và nhà in Lâm Viên, càphe Tùng, tiệm cơm Bắc Hương”.



Hôm nào rảnh kể tiếp.

Tấm ảnh #3 là góc tiệm đồng hồ Tiến Đạt sau này. Chỗ bà cụ mình bán ở ngoài chợ.



NHS