Nằm vùng

Nằm vùng

Nhớ lần về thăm Đàlạt sau gần 20 năm xa vắng thì mình thất kinh khi đi thăm họ hàng, làng xóm,…. Lý do là khám phá nhiều người quen thậm chí họ hàng, nằm vùng trước 75.

Trong xóm thì có thằng V, học trường Trần Hưng Đạo, hơn mình 4 tuổi, hồi nhỏ có chơi bắn bi, bị bắt nhốt ở trung Tâm Thẩm Vấn khi xưa. Có lần mình được bố thằng bạn chở lên trung tâm thẩm vấn, thấy hắn trong xà lim nhưng không nói chuyện. Mẹ hắn là bà T, hay đến nhà ba thằng bạn, đã cho mình ăn thịt chó trong đêm Giáng Sinh, một trong những công an giỏi bắt nằm vùng Đàlạt, nhờ đưa đồ ăn cho hắn. Sau 75, hắn được ra, gia đình hắn làm trời khu phố nhà mình, nhờ công lao cách mạng, bị tù mấy năm rồi Hà Nội cho người vào thay thế, nay chỉ có cái nhà nhỏ xíu như cách mạng đền công mấy năm tù ở.

Bà cụ dẫn mình đi thăm một ông cậu bà con, chỉ biết khi xưa ông này là trưởng ty cảnh sát Đàlạt, cạnh nhà thờ con gà. Nghe ông cậu bà con kể là mới đi Gia Nã Đại về khiến mình tá hoả vì ông này không bị đi học tập dù trước 75, làm trưởng ty cảnh sát. Sau này nghe ông cụ kể là ông ta nằm vùng, lúc chiến dịch Phượng Hoàng lên cao điểm, sợ bị lộ nên tổ chức đặt chất nổ bên hông nhà để làm tan mối hoài nghi của chiến dịch. Chán mớ đời.

Mình lại thấy một ông trưởng khu phố Đàlạt khi xưa, phơi phới thì đoán là cũng dân nằm vùng. Nghe kể một ông cậu họ, em chú bác ruột với bà cụ mình, làm cho CIA, chiến dịch Phượng Hoàng, mà mình có kể chuyện cái máy truyền tin của cậu để trong phòng khách của nhà mình, mỗi lần lên nhà mình chơi hay đi công vụ, thì bỏ xe và máy ở nhà mình rồi đi đâu, gặp ai hay gần xóm để lấy tin tức. Cái máy truyền tin dỡ chứng cứ kêu đại bàng chi đó, mình cứ khoanh tay, thưa cái máy truyền tin là cậu con đi mô rồi. Nay nhớ lại mới hiểu mình thuộc dạng Ngu chi mà ngu chi lạ, vậy mà cũng được đi du học.

Nhà kể lúc di tản, CIA kêu cậu đem gia đình đến điểm hẹn để họ bốc đi, cậu ngồi nhà đợi bà vợ về để di tản. Moi đồ đạt để xem đem cái gì đi thì khám phá ra bà vợ là nằm vùng còn cậu làm cho CIA. Ngày 30/4 cậu rút súng tự tử luôn, còn bà mợ thì mất tích luôn từ dạo ấy.

Trước 75, nhà mình có nuôi một chị người Quảng, giúp bà cụ ngoài chợ. Một hôm biến mất với áo quần, chị người làm khác nói chị ta vô bưng rồi vì có rũ chị này đi theo. Chị này thì có ông anh bị Việt Cộng giết năm Mậu Thân ở Huế nên vào Đàlạt.

Năm 1972, nhà mình xây nhà, có một ông người huế tên K, nhà ở dưới Trại Hầm hay Cầu Đất chi đó, thầu xây nhà mình rồi có ông thợ mộc trên số 4 đến làm nhà. Ông cụ mình thì hay gây gỗ với mấy người này nhưng bà cụ mình thì nhẹ nhàng trả thêm tiền cho họ. Đùng 30/4 đến thì khám phá hai người này là nằm vùng cở lớn, hét ra lửa đến khi Hà Nội cho người từ Bắc vào thay. Hay ông hớt tóc cho mình, cạnh tiệm Minh Tâm, tắm nước nóng, cũng nằm vùng loại gộc.

Ông ngoại mình, sau 75 trốn Bảo Lộc, đi đâu mất tích luôn. Nghe phong phanh về quê, bị mấy người đi kháng chiến khi xưa, trở về giết và thủ tiêu. Hình như ông ngoại mình dinh tê sau khi đi kháng chiến. Chuyện người lớn, không ai kể hay biết nay bà cụ mình không biết ngày mô để kỵ.

Ông cụ mình làm ty Công Quản Nước Đàlạt, được cử làm đoàn trưởng nhân dân tự vệ, chia canh gác cho mấy người thợ mỗi đêm, gác nhà máy nước để tránh Việt Cộng phá hoại. Khi Việt Cộng vô thì ông cụ tá hoả tam tinh vì mấy người thợ đều là nằm vùng hết, tháng trước họ làm dưới quyền ông cụ nay lại làm tổ trưởng ông cụ nên ông cụ bỏ làm, ở nhà. Cái khổ là trước khi đi di tản, ông cụ có kêu họ đưa súng nhân dân tự vệ lại và đem chôn nên mấy người này theo dõi ông cụ và sau này ông cụ mình bị lên án đi tù 18 năm vì tham gia phục quốc.

Về Đàlạt thì được một anh bạn học cũ, cho biết anh ta là đảng viên, kể mấy người làm, hay dạy trường Văn Học, sau 75 thì khám phá ra họ nằm vùng. Một hôm thầy CBA thấy truyền đơn nên nghi và cho một người tài xế nghỉ thì hôm sau Tuần Cảnh đến trường lùng bắt. Có ông thầy, trước 75 ở đường Hai Bà Trưng, đem gia đình đến ở căn nhà 30 Nguyễn Du sau 30/4 đến khi Hà Nội cho người thay thế.

Có hôm đang ngồi ăn cơm ở tiệm, với mấy người bạn học cũ thì một cô chỉ mặt một anh chàng học chung lớp khi xưa, kêu trước 75, ông là nằm vùng, có người lại kêu anh chàng hát Quảng, theo mình hiểu là gốc Quảng nên chạy theo Việt Cộng sau 75, kiểu CM30 chi đó. Dạo ấy mình cũng có nghi anh ta là dân nằm vùng vì cách nói chuyện chống Thiệu Kỳ.

Có gặp mấy cô Yersin, họ lại nói đến cô nào khi xưa học chung, nằm vùng, đặt chất nổ ở rạp Ngọc Lan làm chết mấy mạng. Mình không nhớ cô đặc công Việt Cộng này, chỉ nhớ sau vụ nổ thì mất một thời gian mới dám đi xem xi nê lại tại rạp Ngọc Lan, mình còn nhỏ. Không chết thằng lính mỹ nào cả, mấy người dân chết vô tội. Mình nghe kể một người quen, xin dấu tên, nằm vùng đặt lựu đạn dưới gầm xe của anh Bôn và ông bầu đội tuyển đá banh Đàlạt trước nhà hàng Nam Sơn khiến hai người này tử nạn. Hình như hai người này làm cho chiến dịch Phượng Hoàng. Sau đó đội tuyển đá banh Đàlạt nhờ ông cụ mình làm ông bầu bất đắc dĩ đến khi di tản.

Viết tới đây mình nhớ có lần, sáng ông cụ chở mấy đứa em đi học với chiếc xe Traction đen của nhà máy nước. Mở cửa xe, mình nghe tiếng đồng hồ kêu tíc tắc, Tíc tắc nhưng không biết ở đâu. Mình với ông cụ tái mặt vì dạo ấy, ở Đàlạt có nhiều nhà bị đặt chất nổ, xe anh Bôn mới bị đặt chất nổ hay cài lựu đạn trước nhà hàng Nam Sơn. Mình với ông cụ cứ mò mò tìm nơi tiếng đồng hồ, trong khi mấy đứa em thì đứng xớ rớ, bổng từ đâu có một tên chạy đến rồi thò tay vô xe, sau miếng vải của cái trần xe, kéo ra cái đồng hồ reo con chim, để bàn hiệu Time, màu xanh, rồi bỏ đi về phía trường Đa Nghĩa.

Mình với ông cụ chưng hửng đứng đực ra như ngỗng ị mất mấy phút. Ngày nay nghĩ lại có nhiều nghi vấn; làm sao tên đó biết cái đồng hồ trong xe mà chạy lại lấy đi. Cũng có thể hắn gài chất nổ nhưng khi mình mở cửa không nổ hay là hắn thấy mấy đứa em đứng xớ rớ nên không muốn xe nổ,… chỉ có trời mới biết. Từ dạo ấy, mình bắt chước OSS 117, xem dưới gầm xe coi có gì khả nghi trước khi mở cửa xe vào buổi sáng để xem nhớt và nước.

Người nằm vùng ở Đàlạt, có công nhiều nhất với Việt Cộng là cô Ba Chỉ, chủ tiệm Bình Lợi, dưới chợ Đàlạt, nay ở dưới Đại Ninh, trên 90 tuổi. Cô này không có gia đình, làm ăn khá, có xe hàng chạy Sàigòn - Đàlạt, lâu lâu nghe nói bị Việt Cộng chận đường lấy hết hàng hoá. Thật ra, cô ta cho xe hàng của tiệm chạy vào chỗ nào trên đường Sàigòn Đàlạt, để tiếp tế cho Việt Cộng. Nghe bà cụ mình kể, cô ta có đi Thái Lan chơi dạo ấy, gặp bà Nguyễn Thị Bình bên ấy, có chụp hình. Sau 75 làm lớn lắm tại Đàlạt, cứu gia đình mình không đi kinh tế mới khi ông cụ mình bị kết án 18 năm tù vì tội phản động.

Cô ta bán gạo nhưng không bán thẳng cho Việt Cộng, kêu bà cụ mình lấy gạo của kho hàng của cô ta để bán. Bà cụ mình kể cô ta kêu bà cụ vào nói lấy gạo cô ta mà bán, vốn một bao 5 ngàn thì 1 tiếng đồng hồ sau có một bà nào đến hỏi mua 100 bao gạo, bà cụ bán giá 5,300, lời 300 đồng 1 bao, lời 100 bao là lương một tháng của ông cụ mình. Nghe tới đó mình hỏi bà cụ là bà đại diện Việt Cộng ra mua. Bà cụ kêu ừ, sau 75 thì bà đó làm lớn lắm. Gặp lại bà cụ mình kêu dạo ấy đi mua gạo tiếp tế cho Việt Cộng nhưng sợ lắm. Nếu chính quyền địa phương bắt thì bắt bà cụ mình ở tù về tội bán gạo cho Việt Cộng còn cô 3 Chỉ khoẻ re. Gian ác thật.

Đọc tài liệu thì được biết trước 75, mấy tiểu đoàn trưởng của Việt Cộng , vượt đường mòn HCM vào Nam, đi đánh trận, chỉ cần đem vàng theo rồi Việt Cộng nằm vùng lấy vàng đi mua gạo mắm muối nuôi đơn vị của họ. Liên Sô có mỏ vàng nhiều nên viện trợ vàng thay vì nhu yếu phẩm. Thị trường vàng ở Việt Nam dạo ấy đầy vàng của Liên Sô nên rẻ. Bà cụ mình kể là các đơn vị địa phương quân của Đàlạt, kêu bà cụ mình đến bán gạo của lính hay mấy ông cha cố được nhà thờ Mỹ viện trợ gạo nhưng thừa đem bán lại cho bà cụ mình. Nói chung dạo ấy, Đàlạt có một thị trường bán gạo và đường chui vì chỉ có môn bài mới được bán và chính quyền kiểm soát nhưng chính mấy ông đơn vị trưởng tham nhũng, ăn bớt gạo của binh sĩ, bán cho những người tiểu thương như bà cụ, lấy tiền bỏ túi rồi bà cụ bán lại kiếm tiền nuôi con.

Theo mình hiểu thì dạo ấy, mấy người làm ăn có máu mặt tại Đàlạt, không ít thì nhiều cũng phải đóng thuế cho Việt Cộng để họ để yên làm ăn. Xe hàng chạy Đàlạt Sàigòn hay xe be vào rừng chặt cây thì mấy ông kẹ ở trong rừng, bắt đóng thuế nếu không họ đốt nhà hay đặt chất nổ,… Sau 75 thì những người nằm vùng, biết rõ các tay giàu có tại Đàlạt nên vụ đánh tư sản mấy lần là những người nằm vùng lập công đầu vì họ biết Đàlạt như trong bàn tay. Số người nằm vùng khá đông. Nhiều người đóng thuế cho cách mạng trước 75, sau này tưởng lập công cho cách mạng, bị đánh tư sản te tua nên căm hận Việt Cộng.

Sau hiệp định Geneva, Việt Nam bị chia đôi tạm thời rồi 2 năm sau 1956 sẽ có tổng tuyển cử để thống nhất. Người ta cho phép người dân có thể chọn tạm thời vùng họ muốn ở. Người miền bắc, đa số theo đạo công giáo, theo ông linh mục Hoàng Quỳnh vào Nam, số người di cư vào Nam lên đến cả triệu người, Việt Cộng tìm cách giữ những người miền Bắc ở lại.

Miền Nam thì có những người thích chế độ Cộng Sản nên dắt nhau ra Bắc mà người ta gọi là đi Tập Kết, còn người ngoài BẮc vào Nam thì gọi Di Cư. Hà Nội để lại một số cán bộ cộng sản để tuyên truyền, nằm vùng,…như Lê Duẫn, Nguyễn Văn Linh,… nên sau 1956, không có tổng tuyển cử thì mấy người nằm vùng được chỉ thị chống phá chính phủ miền Nam, tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, hậu cần cho quân đội chính quy của Việt Cộng vào Nam. Ông Phạm Ngọc Ẩn, được Hà Nội cài ở lại, cho ông ta du học bên Mỹ rồi về làm báo chí ở miền Nam, cho tài liệu giả,… sau này được phong chức quân hàm thiếu tướng.

Trong hồi ký của Đặng Chí Bình, một điệp viên miền Nam, gốc bắc kỳ di cư, được huấn luyện thời đệ nhất cộng hoà, rồi cho xâm nhập miền bắc bằng đường biển để bắt liên lạc ở miền bắc, bị bắt và ở tù đến sau 75 mới được thả về. Ông ta cho hay là khi xâm nhập miền bắc, lần mò về đến Hà Nội, vào nhà thờ như chương trình để liên lạc với ông cố đạo thì sau đó khám phá công an theo dõi và bị bắt sau đó. Mình đọc cách đây 30 năm nhưng năm ngoái mua thêm những cuốn được cập nhật hoá thêm chi tiết mà ông ta thâu nhận được từ 30 năm qua sau khi qua Hoa Kỳ.

Sau này ông ta được biết là ông cố đạo là người của Hà Nội cài vào do đó khi liên lạc ở nhà thời xong thì ông ta phát hiện bị công an theo dõi, và những huấn luyện viên của Nha Kỹ Thuật đều là người nằm vùng của Hà Nội. Lúc lấy khẩu cung ông ta thì Hà Nội cho ông xem những hình ảnh của gián điệp của họ ở Sàigòn chụp hình ông ta với các huấn luyện viên. Người đứng đầu chương trình thả các toán Lôi Hổ vào miền Bắc là nằm vùng do đó các toán nhảy bắc đều bị tóm hết khi chạm đất.

Có lẻ miền Nam không nên khuyến khích người miền Bắc di cư thì mới có một số dân chán ghét chế độ, làm hậu thuẩn cho miền nam ở bắc trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Hà Nội cho người nằm vùng về nhà của những người tập kết ra Bắc để móc nối, làm hậu thuẩn, giúp đỡ họ trong thời kỳ chiến tranh trong khi tại miền bắc, không có ai giúp đỡ miền nam.

Chán Mớ Đời