Đường Duy Tân (Rue Marechal Foch)



Bà cụ mình hay kể khi xưa, thời Tây, đường Duy Tân có cái tên là Maréchal Foch mà mấy người lớn cứ xổ tiếng tây khiến mình nghe thành Ma ri Xanh Phúc nên chả biết là ai để rồi khi sang tây mới biết là ông thống chế của quân đội pháp, người hùng trong thế chiến thứ 1.

Bà cụ hay nói có mấy cái kiosque trên đường này, đến nay mới tìm ra hình ảnh của thời đó.

Tấm ảnh này chắc chụp ngay góc đường Trương Vĩnh Ký. Xem mấy tấm ảnh chụp sau này khi mấy cái kiosque biến mất thì mình đoán là họ cho dẹp mấy cái kiosque này và cho nới rộng con đường Duy Tân ra. Xem hình thì đoán con đường này, dạo ấy có bề ngang bằng đường Minh Mạng hay Tăng BẠt Hổ nhưng đường Duy Tân sau này thì rộng hơn, xe chạy hai chiều còn đường Minh Mạng thì chỉ có chạy một chiều từ khu Hoà BÌnh xuống Phan Đình Phùng và chỉ đậu được một bên đường.

Thấy chiếc xe Traction, loại này được sử dụng khá nhiều trước 1945. Coi xi nê hay thấy mật vụ Gestapo đi xe này để lùng các kháng chiến quân của Pháp quốc tự do. Thấy xe đậu nhưng khoảng cách chiều ngang rất ngắn nên chắc là một chiều, từ dưới đường Cường Để chạy lên rồi đi một vòng khu Hoà Bình, xuống qua đường Minh Mạng.
Là đường MArechal Foch thời Tây, bên tay phải có mấy kiosk sau này họ cho nới đường này thành đường 2 chiều nên phá mấy khói để xây dãy nhà phía trong, chỗ người đàn ông đứng với đứa bé là địa điểm khách sạn Thuỷ Tiên sau này. Phía xa là Chợ Cũ, (chợ Cây)

Cái kiosque đầu tiên là tiệm Long Hưng và Hiệp Thạnh số 9 và 11 đường Duy Tân ngày nay.

Đường Duy Tân
Bên trái thấy tiệm may Đoàn Mừng
Đây hình chụp bà Tiềm, ông bà Phúng, cậu Miên, vợ chồng dì Thanh, dì Bá trước tiệm thuốc Tây Hiệp Thạnh, số 11 Duy Tân

Tấm ảnh thứ 2 này chụp sau khi họ giải toả mấy cái kiosque. Chắc chụp trước tiệm bánh mì Vĩnh Chấn. Có lẻ xưa lắm vì mình không nhớ tiệm sách bên tay phải. Hình như sau này là tiệm thuốc tây Minh Tâm. Thấy có bảng hiệu Minh Tâm, chắc sau này họ dẹp tiệm sách, bán thuốc có tiền hơn. Con đường rộng hơn trước. Trước mặt có tiệm thuốc Bắc Thế An đường của gia đình Hùng Con Cua.

Bên tay phải thấy tiệm uốn tóc Nhựt Tân và tiệm sửa đồng hồ của chú Lữ, bạn của ông cụ mình khi còn trong quân đội, nhờ chú này mà ông bà cụ mình mới gặp nhau, sau này chú dọn về Saigon. Hình như sau này tiệm Nhựt Tân đổi thành LiDo thì phải. Kế bên là bà Quãng bán tạp hoá rồi đến tiệm Đại Lợi làm liễn đám ma, đến tiệm thuốc Bắc Lộc Chẩy, cô Hoài và bà Cửu Viện bán ché cho người thượng để nấu rượu cần. Nhà mình có mua một cặp voi bằng đất, sơn màu để các chậu hoa ở đây.

Xa xa thì mình nhớ có tiệm Trung Việt, bán bánh xe Michelin. Gia đình này định cư tại Montreal, Gia Nã Đại. Rồi có con hẻm nhỏ đi xuống dốc Nhà Làng.

Mấy cột điện bên tay trái được dỡ bỏ, và bên phải họ xây các cột điện bằng sắt thay vì bằng xi măng như xưa, cao hơn mái nhà hai tầng.
Đầu đường Duy Tân, thấy khách sạn Thuỷ Tiên cao 5 tầng

Tấm ảnh thứ 2 chụp sau khi họ giải toả mấy cái kiosque, nới rộng con đường Duy Tân, xe chạy hai chiều. Hình chụp độ ngay khu phố 1, có cái đình An LẠc hay chi đó, nhìn lên khu Hoà Bình. Bên tay trái là nhà của thầy Khổng Vĩnh Thành, hội khổng giáo chi đó. Bên phải thì có con đường tên Thủ Khoa Huân đi lên đồi.

Bên tay trái, chỗ mấy chiếc xe Honda, mình nhớ có một con hẻm đi xuống Dốc Nhà Làng. Có nhà ông thần nào học Yersin, hơn mình một lớp mà hôm hội ngộ với cô Liên, anh chàng có đến tham dự.
Đầu đường Duy Tân, bên phải là tiệm thuốc 2 Con Cua bên trái là tiệm của ông Võ Quang Hàm

Nhìn rạp Hoà BÌnh trên đầu dốc thì có thể đoán tấm ảnh này chụp sau năm 1960 vì Chợ Mới đã xây xong và họ phá chợ cũ để xây rạp Hoà Bình với 3 cửa sổ to đùng.

Bên tay phải có nhà may Đặng Thi và Đoàn Mừng, có bác gái bán hàng xén trên lầu chợ mới. Bức ảnh tối quá nên không thấy rõ. Bên cạnh nhà may Đặng Thi, bà con chi đó bên bà cụ mình thì có tiệm bi da nhưng mình không dám chơi vì sợ ông Thi mách lại ông bà cụ mình. Đi lên một tí, có nhà bà Sáu Còm, bán hàng khô ngoài chợ.

Tiệm Lòng Hưng của ông bà Đàng số 9 Duy Tân
Khách sạn Thuỷ Tiên số 7 Duy Tân. Thấy chiếc Traction lại nhơ ông cụ khi xưa được ty Công Quản Nước đưa cho công xa chạy là chiếc Traction. Nhiều khi là xe ông cụ vì đậu trước tiệm ông bà Đàng và ông bà Phúng

Thôi ngưng ở đây vì nếu không kể tông tích thiên hạ ra lại bị chửi.

Thấy bà con có vẻ thích mấy bài mình kể về mấy con đường Đàlạt khi xưa. Bác nào có ảnh xưa thì gửi cho em rồi em mò ra tông tích ngày xưa cho.

Chán Mớ Đời
Nhs