Thuỷ Tạ Đàlạt

Bức ảnh này ghi năm 1919, chụp từ khách sạn La Palace, cho thấy hồ nhân tạo Xuân Hương. Chưa thấy trường Yersin được xây cất phía bên tay phải. Đồi cù chả có cây cối gì cả, cho thấy người Pháp đã đem cây thông đến trồng tại đây. Cái nhà ngay đầu chỗ ngã ba, sau này được phá và xây “le cercle sportif” mà dân cư Đàlạt khi xưa hay gọi “Xẹc”, nơi người ta đến đánh quần vợt.

Phía sau căn nhà này bị phá bỏ khi họ xây nhà Thuỷ tạ (la grenouillère) dựa theo một địa danh nổi tiếng mà dân cư Paris thường đến đây đi ghe và nhảy đầm. Khi xưa mình không hiểu tại sao người Pháp gọi nhà hàng nổi Thuỷ Tạ là “la grenouillère” đến khi sang Tây, đi xem mấy tranh của Claude Monet và Pierre-Auguste Renoir thì mới khám phá ra trên dòng sông Seine, vùng Bougival có một cái khu thể thao, chơi thuyền, nhảy đầm nổi tiếng một thời mang tên La Grenouillère, đến nổi hoàng đế Napoleon đệ tam, phải đem vợ con ra đây nghỉ mát và cũng là nơi phát sinh trường phái, chủ nghĩa Ấn Tượng (Impressionism).

Nhà hàng nổi Thuỷ Tạ được xây trên mấy trụ cột cao, đóng cọc dưới hồ và các chiếc tàu được đậu xung quanh nhà hàng. Dạo còn bé mình hay thấy người ta chơi thuyền buồm ở trên hồ hay đi trượt nước với mấy ca nô máy. Có vài chiếc pédalo có bến tại nhà hàng Thanh Thuỷ bên kia bờ mà dân Sàigòn lên đây quay phim “đôi Mắt Người Xưa” tại đây.

Trong tấm tranh thì thấy một cái ốc đảo nhỏ, còn được gọi là Camembert, có mấy tấm ván, kiểu cầu khỉ để người ta đi từ bờ hay con thuyền nổi, tiệm ăn ra nơi ấy đợi tàu. Người Pháp xem thời ấy là "La Belle Époque", thời vàng son, đến đây để chèo thuyền, tắm sông Seine. Có lẻ vì vậy khi người Pháp ở Đàlạt, xây nhà Thuỷ Tạ, họ muốn lấy cái tên của quán ăn này để đặt tên, để nhớ về quê hương xứ sở của họ như ở Bolsa, người ta gọi Phở Pasteur,… vì dạo ấy được xem là một câu lạc bộ về các môn chơi trên nước.

Đây hình này trước 75, ta thấy nhà Thuỷ Tạ đã được xây thành một ốc đảo như ở Bougival bên tây, có cái cầu nhỏ đi vào. Có hình thù tròn như hộp phô mát Camembert. Ngay cổng đi vào Thuỷ Tạ có cái vườn hoa nhỏ, với vài cái ghế công viên. Bên tay trái của hồ thì máy bay trực thăng nhỏ hay đậu tại đây, còn loại Chinook thì trong sân vận động.

Nhớ sau Mậu Thân, có một lần 1 tên lính mỹ nào đi trượt nước ở đây rồi chết đuối, người nhái lặn mệt thở và một lần trực thăng không lực VNCH rớt. Mấy ông không quân đậu ở bãi đáp ngay khu Thuỷ Tạ, để đi thăm người yêu rồi mấy người đẹp ra tiễn chào thì mấy anh fi công lượn chào em gái hậu phương rớt xuống hồ. Nếu không lầm là chiếc Chinook. Thường thường mấy loại này đậu tại sân vận động còn loại nhỏ thì đậu nơi bãi đậu xe của Thuỷ Tạ.

Trời tối, mấy ông fi công bay lượn chào em gái hậu phương nên quên cái cột cờ trên sân thượng của Thuỷ Tạ nên chong chóng vướn vào nên lộn cổ xuống hồ may mà không trúng nhà hàng. Sau đó quân đội Mỹ đem người nhái, cần trục đến để câu lên. Đi học về là chạy đến xem vui như ngày hội. Bơi thì mình không dám bơi ở Hồ vì sợ chết đuối, khúc Thuỷ Tạ nhiều tên bị chết đuối.

Có lần, một chiếc trực thăng bị mất cắp tại Thuỷ Tạ. Tối ngày 7 tháng 11 năm 1973, đài BBC loan tin có một chiếc trực thăng UH-1 của phi đoàn 219, bị không tặc. Được biết vào 9 giờ sáng có chiếc máy bay đi từ Quảng Đức vào Nha Trang nhưng thời tiết xấu nên bay lên Đà Lạt. Lúc đầu họ muốn gửi máy bay ở tiểu khu nhưng không gặp vị chỉ huy nên tính bay vào fi trường Cam Ly nhưng lại không có phương tiện di chuyễn ra thành phố nên họ bay đến đậu trước Thuỷ Tạ, lại quên khoá cửa. Rồi đi bộ ra phố uống cà phê ở nhà hàng Mekong trong khi xạ thủ đại liên về thăm nhà ở đường Tăng Bạt Hổ.

Sau này người ta khám phá ra có ông thiếu uý không quân tên Hồ Duy H, được đi học lái bên mỹ về nhưng người ta siêu tra ra thấy ông ta có liên hệ với Hà Nội nên không cho bay nữa, trốn lên Đàlạt, ngụ nhà người quen rồi một hôm đi ngoài bờ hồ thấy trực thăng không khoá, nên ăn cắp để bay vào mật khu Việt Cộng lấy điểm.

Ngay bùng binh, ngã tư thấy có cây xanh của gia đình thằng Nam Esso, bên phải, có con đường chạy lên đường Hùng Vương, ngay hôtel du parc, sau 68 được trưng dụng làm đài phát thanh và ty bưu điện. Chỗ này có dạo xe chở tiền của Đông Phương Ngân Hàng, trên đường lên kho bạc, bị tài xế thông đồng với mấy tên cướp, chặn lại cướp tiền.

Ông T của ty cảnh sát khảo cung, đánh tài xế một trận khai ngay là đã thông đồng, bỏ xe ở đèo Prenn. Sau hai tên cướp chạy về Sàigòn đều bị bắt. Hôm đó, mình có đi xem họ diễn lại màn cướp xe tại con đường này, khá đẹp với nhiều cây thông, sau này người ta hay chụp hình con đường này với mấy cô gái áo dài.

Chỗ ngã ba là cercle sportif và 4 sân quần vợt, bên tay trái là Thao Trường, nơi có những cuộc tranh tài thể thao và huấn luyện nhu đạo và Thái Cực Đạo. Cậu Luyện tiệm giặt ủi ở đường Duy Tân, dạy Nhu Đạo ở đây, bà con chi bên bà cụ mình.

Bên trái là sân vận động, có khán đài mái che trên đồi, thường được sử dụng để tổ chức đại hội thể thao học sinh và khu cao nguyên trung phần. Mỗi lần có đại hội thể thao học sinh liên trường thì học sinh đứng từ Xẹc, rồi đi diễn hành vào sân vận động, đi một vòng sân vận động, qua khán đài danh dự, rồi về chỗ đứng trên sân vận động theo thứ tự, để nghe mấy ông lớn đọc diễn văn ngoài mưa hay nắng.

Năm 11 B mình ra đây mỗi buổi chiều để đá banh với đám kho bạc, và học sinh Việt Anh, nằm cạnh bên trái của khách sạn Palace, có đường Bá Đa Lộc đi vào trường La san Adran, ấp Tân LẠc, nơi Việt Cộng nằm vùng khá nhiều. Có lần họ đánh ban đêm trung tâm thẩm vấn, từ nhà mình nghe súng B40, đại liên đủ trò, hôm sau đến xem thì thấy trên đường này, xác Việt Cộng nằm vùng bị bắn chết, mình đếm được 6 cái xác, ruồi bu đen xịt, bỏ nơi đường dốc xuống áo Tân LẠc cho bà con xem. Kinh

Nhìn hình phía bên tay trái của khách sạn Palace thì trên mấy rừng thông, thấy trường tư thục nhà dòng La San Adran, nơi mình học nhu đạo với cậu Ân và Thái Cực Đạo với thầy Sâm, huấn luyện viên cảnh sát dã chiến.

Phía bên phải của hôtel du Parc (novotel ngày nay), có con đường dẫn vào ấp Xuân An với các vườn rau. Hình như có trường tư thục Trí Đức ở trên đường này, bên cạnh nhà thờ Con Gà.

Bên tay phải của nhà thờ Con GÀ là ty cảnh sát quốc gia, đối diện là trường nữ tu Nazareth, bị che khuất bởi rừng thông. Đi tới chút nữa là văn phòng của trung tâm Hội Việt Mỹ, bên cạnh là thư viện Đàlạt.

Phía hình bên phải ở dưới, có lữ quán thanh niên của hướng đạo Lâm Viên, chủ nhật hay hội học ở đây. Người ta cho du khách  mướn ngựa cũng ở đây. Hướng đạo viên tập bơi cũng khúc này, con nít chết cũng khá nhiều. Mình bắt chuông chuồng cho nó cắn rún nhưng không dám tập bơi ở đây, chỉ chạy vào đạp Đa Thiện mà người dân Đàlạt gọi Thung Lũng Tình Yêu.

Chỗ này, mình có mục kích một vụ chết đuối. Nói đến chết đuối, mình nhớ có lần thấy một thằng bé chết đuối khúc lữ quán hướng đạo. Mình thấy người ta gọi ông Phác, làm ty công chánh, sau này hay trù trì ở am Sohier. Ông này lấy chai nước mắm, tu một tràn như uống bia, cho ấm người rồi nhảy xuống hồ, lặn, lâu lâu ông trồi lên, vài lần như vậy thì thấy ông kéo một đứa bé lên bờ, xong rồi kẹp hai cái chân thằng bé qua vai, còn đầu để trút xuống đường sau lưng ông, rồi ông chạy tới chạy lui đến khi thiên hạ kêu ra rồi, nước từ trong bụng hay phổi phèo chảy ra nhưng thằng bé chết từ lâu.

Chỗ này cũng có thằng Thịnh, học chung với mình hình như ở trường Thanh Ngọc, gần Couvent Des Oiseaux và ba má nó lái xe đâm xuống hồ chết đuối. Ba má nó có tiệm bán gạo thì phải ở đường Hàm Nghi, đối diện tiệm phở Bằng thì phải, lâu quá không nhớ rõ. Mẹ nó tập lái xe, bố nó dạy rồi chở nó theo rồi từ đường Nguyễn Thái Học, bà mẹ thay vì cua thắng ra sao đó, lao xuống hồ luôn. Sáng hôm ấy, bà ta mua bà cụ mình 50 tạ gạo, chở vào tiệm, chưa kịp đưa tiền thì bà ta chết theo với 5 tấn gạo của bà cụ.

Năm mình học 11B, đang giờ chơi độ 10;00 giờ sáng, mình đang đứng với Trần Thiện Tân, ngoài sân trường Văn Học, bổng thấy một chiếc máy bay F5 lượn èo èo từ hướng Cam Ly bay xà xuống đường Cường Để rồi không thấy máy bay lên lại rồi một tiếng nổ ẦM, khói lên mịt mù. Tối đó đài BBC loan tin ở ấp Ánh Sáng có một tên fi công bảo con nít trong xóm là khi thấy F5 lượn xuống là hắn, Lê Đình Toàn.

Xui cho anh fi công này là lúc xuống quá thấp nên lên gấp quá để tránh cầu Ông Đạo nên lộn cù lèo rớt xuống hồ, máy móc gì nổ banh, bay lên đồi cù làm mấy người đi ngang qua cầu ông Đạo hay bán hàng xung quanh đó chết oan. Thiên hạ tới nhà ông fi công chửi bọ mạ hắn mệt thở. Người Việt kỵ đem người chết ngoài đường về nhà nên họ đặt bàn thờ và hòm cúng ngay khúc cầu Ông Đạo, có độ 6 ,7 đám ma dạo ấy, chạy xe ngang thấy ớn ớn nên sau này mỗi lần chạy xe sang khúc đó là mình dỡ mũ hay khấn lâm râm. Nghe nói gia đình fi công Lý Tống khi xưa ở ấp Ánh Sáng nhưng không biết có thật không.

“Bổ túc về vụ phản lực cơ rớt gần cầu ông Đạo: phi công là em trai ông dượng chồng bà dì ruột của HNA. Ông ý lượn sát để nhìn nhà mẹ là mụ Toàn ở ấp Ánh sáng. Còn máy bay là F5 thay vì A37 như mình kể trước đây.”

Xem tấm ảnh khiến mình nhớ thời còn bé với những kỹ niệm khá mong manh và trân trọng.

Xong om