Corset

Corset

Nhớ hồi nhỏ, hóng nghe người lớn nói chuyện, nhất là ngoài chợ, mình hay nghe mấy bà lớn tuổi nói đến cái cọt-xê chi đó nhưng không dám hỏi nên cứ ám ảnh mình đến khi xem phim "Cuốn theo chiều gió" thì mới mường tượng cái cọt-xê là cái chi chi. Sau này, sang Tây, xem mấy phim về thời xưa thì hay thấy phụ nữ bận mấy thứ này rồi có quen con đầm tên Valérie, học thiết kế thời trang nên tò mò đọc mấy cuốn sách của cô này về thời trang qua mấy thời đại trong lịch sử của âu châu.

Trong những hình ảnh của Hy Lạp, Creta người ta thấy hình ảnh phụ nữ đã bận corset cho nên từ xưa, người ta đã nghĩ ra cách làm cho thân hình phụ nữ thon gọn. Corset được xem do bà hoàng hậu Catherine de Medici chủ xướng, vì bà ta cấm các bà có bụng to vào triều đình vào thế kỷ 16 rồi lan sang Tây Ban Nha, trở thành thời trang thời thượng, phụ nữ và đàn ông đều bận áo corset để tạo dáng quý tộc.
Corst ngày nay

Corset thật ra lúc đầu là để cho đàn ông bận, thường làm bằng da như áo giáp để ra trận, bận sau lớp áo sắt và người may áo này thường được gọi là Corsetier, thuộc loài tay to lớn để may da thú hay những loại vải dầy mà người ta còn gọi là "corps de fer" (thân bằng sắt). Mấy loại áo này sử dụng xương cá voi để tạo cấu trúc cứng cáp vì được dùng cho bệnh nhân có vấn đề về xương sống,…

Cấu trúc của Corset khởi đầu được may với xương cá voi, gỗ, sắt,… rồi dần dần được thay thế bởi những vật liệu hiện đại hơn. Khi giới quý tộc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha du nhập thời trang corset thì họ dùng da để ép ngực các cô gái dậy thì, tránh ngực to, khác với thời nay, người ta tốn tiền đi bơm ngực, bơm mông,…

Coi phim thì thấy phụ nữ lúc bận áo corset là cần một gia nhân để cột dây sau lưng cho chặt nên mình thắc mắc là khi đụng độ, vợ chồng hay tình nhân thả gà ra đá chọi nhau thì làm sao. Ông bồ hay chồng chắc lấy gươm ra cắt mấy sợi dây sau lưng quá như trong phim Zoro, đang hồ hởi mà không biết cách mở mấy sợi dây. Cởi dây giày đã chăm mà nay có mấy chục lỗ để tháo mà sợ nhất là sau khi tháo mấy sợi dây buộc thì lòi ra một thân hình lực lưỡng thì mới Chán mớ đời!
Lần đầu tiên mình thấy corset khi xem phim này

Sau cách mạng 14 tháng 7, năm 1789 thì corset được xem là đồ phong kiến, của giới quý tộc phản cách mạng nên không ai dám bận nữa. Như mọi cách mạng, người ta sợ may mặt nên kỹ nghệ dệt vãi, sơ tợi của Pháp đứng nơi bờ diệt vong nên khi ông Napoleon lên ngôi, ông ta cho tái lập lại thời trang và nhờ ông thợ may Leroy thiết kế thời trang. Nghe kể là bắt mấy bà vào triều phải thay đổi hai bộ áo quần trong ngày.

Các bác sĩ lên tiếng, không được bận áo corset vì sợ bị bệnh Glenard, làm cơ bắp tê cứng, thở không được do đó người ta ít bận corset rồi đầu thế kỷ 20, phụ nữ đi làm trong các nhà máy nên không có thì giờ để xỏ dây corset.

Cuộc cách mạng kỹ nghệ đã giúp thời trang Pháp phát triển mạnh lại. Các tiệm, dan hàng được mọc lên như nấm để cung ứng thời trang cho nhân dân vì thời trang không còn dành ưu tiên cho giới quý tộc mà một giai cấp mới được hình thành, vợ con của các kỹ nghệ gia thích may sắm. Thời trang được dân chủ hoá, các tiệm áo quần thời trang tranh dành để phục vụ cho giai cấp mới.
Người ta khuyến cáo không nên bận corset vì sẽ gây thương tổn đến cơ thể, cản trở máu huyết lưu thông

Mình có tên bạn về Việt Nam làm ăn vào những năm 1985 kể là dạo đó mỗi lần về, anh ta phải đem son phấn về để làm quà cho các bà vợ cán bộ cấp lớn. Hắn nói là mấy bà này từ trong rừng hay Hà Nội vào Sàigòn nên chả biết gì, nay thì chỉ chơi Đồ Xịn, Louis Vuiton,… tương tự khi mình về thăm nhà lần đầu tiên thì thiên hạ kêu mua son đem về, mình đem về 200 cây son, giá đâu $1.00/ cái, đồ chợ trời, bà cụ đem ra chợ bán đâu $5/ thỏi, lời to, nay đem mấy cái này về là chúng chửi.

Vào những năm 1860, thời đệ nhị đế chế của Pháp thì người ta bán 1 triệu cái corset cho mỗi năm. Phụ nữ đủ mọi tầng lớp, ai cũng bận áo này cả.  Những năm 1870 thì phụ nữ bận áo corset bó thân hình lại nhưng lại bận váy xoè cái mông to chình ình mà tây kêu là "faux cul" (mông giả). Trong cái váy có những vòng tròn bằng sắt treo tòng teng để giử vải theo khung mà trong những phim về thời Belle Époque có mấy bà cầm dù, thân hình bó như đòn bánh tét rồi cái váy xoè bung ra phía sau hình bán nguyệt. Mấy bà chỉ đứng tè chớ đâu có ngồi như ngày nay vì mấy cái vòng sắt mà mình đoán chắc ông thần thiết kế cái vòng này để giúp mấy bà đứng tè cho thỏai mái. Cứ tưởng tượng người bị bó như nêm lại mà ngồi xuống thì khó khăn nên cứ làm cái váy xoè to ra để khỏi bị nước tiểu bắn tùm lum.
Corset cho đàn ông. Ai có bụng bự nên mua cái này bận vào

Từ khi đệ nhị thế chiến trở đi thì phụ nữ bắt đầu đi làm nên không có thì giờ nhiều cho thời trang nên dần dần họ bỏ corset thay vào đó họ bận soutien gorge mà người Việt mình gọi tắc là xú chiêng.

Hồi nhỏ nghe mấy bài hát nói về cái Yếm của phụ nữ Việt Nam nhưng mình mù tịt, chưa bao giờ thấy hay xem được hình. Đến khi qua tây, xem mấy hình ảnh của thực dân tây chụp hình mấy bà người Việt khi xưa thì mới hiểu cái yếm có hình thù ra sao thì thất kinh. Vì quá sexy nếu chỉ đội cái nóng Ba TẰm và bận yếm lụa đạo. Mình đoán chắc là của mấy cô cung nữ khi xưa hay con nhà giàu chi đó chớ dân giã, bần cố nông làm gì có tiền để diện loại này. Một phần khi xưa, khung cửi dệt lụa rất nhỏ nên người ta mới đâu 4 mảnh lụa để may áo mà người ta gọi là áo tứ thân

Lâu lâu thấy trên mạng hình ảnh mấy cô gái Việt bận yếm đủ màu thay vì màu cháo lòng của lụa Hà Đông khi xưa thấy bớt sexy. Lụa Hà Đông rất mõng nếu phụ nữ đeo cái yếm loại này thì rất quyến rũ, gợi tình. Tối về mà gặp vợ bận yếm thì chỉ có chết đến bị thương.

Qua xi nê thì thời trang bận corset bắt đầu trở lại rồi kỹ nghệ thời trang đẫy mạnh quảng cáo tiếp thị hình ảnh lưng ong. Có bà Cathie Jung đoạt giải Guinness, có vòng eo nhỏ nhất thế giới là 15 inches hay 38.1 centimeter vào năm 1999. Phụ nữ lại cứ đua đòi theo cái eo nhỏ mà đàn ông thì chỉ thích vòng số 1 và số 3 thế mới hiểu đâu là nghịch lý của cuộc đời. Xong Om!

Nguyễn Hoàng Sơn